GS.TS NGÔ THẮNG LỢI: NHỮNG GIẢI PHÁP VỀ PHỤC HỒI KT–XH CỦA QUỐC HỘI TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 MANG TÍNH ĐỘT PHÁ

07/02/2022

GS.TS Ngô Thắng Lợi, Giảng viêc cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá cao những giải pháp của Quốc hội và Chính phủ đưa ra tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm phục hồi phát triển kinh tế cho các địa phương, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

 

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, tháng 01/2022

Ngay từ những ngày đầu của năm 2022, Quốc hội khóa XV đã có sự đột phá với việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội kết nối cùng với 62 điểm cầu của các Đoàn Đại biểu các tỉnh, thành phố. Đây được coi là sự đột phá trong hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với việc thông qua 01 luật và 04 Nghị quyết với sự thống nhất cao cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc sửa đổi, đưa các chính sách pháp luật phải mang hơi thở của cuộc sống cũng như phải giải quyết được những vấn đề cấp bách từ đời sống thực tiễn.

Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, những giải pháp của Quốc hội và Chính phủ đưa ra tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đều nhằm phục hồi phát triển kinh tế cho các địa phương, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và dự kiến dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ông nhìn nhận như thế nào về những giải pháp mà Quốc hội và Chính phủ đã và đang triển khai để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội?

GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Tôi nhất trí với những giải pháp mà Quốc Hội và Chính phủ đã triển khai rất kịp thời trong thời gian qua để ứng phó với tình hình diễn biến khá phức tạp của dịch covid-19 như quyết định thành lập các bệnh viện dã chiến, quyết định phân nhóm xanh/ vùng/đỏ của vùng/địa phương có dịch bệnh và có chính sách duy trì hoạt động phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng, địa phương theo quan điểm “bình thường mới”.

GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Về những giải pháp mà Quốc hội và Chính phủ đưa ra trong thời gian tới, trước hết, tôi nhất trí với quan điểm của Quốc hội và Chính phủ về việc thiết lập và duy trì môi trường “bình thường mới”: Kết hợp phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thậm chí còn khá phức tạp với kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Quan điểm của tôi là phải thấy được rõ hơn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là điều kiện cần của phát triển kinh tế và đẩy mạnh phát triển kinh tế là điều kiện đủ để bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh có dịch bệnh Covid-19.

Tôi cũng nhất trí với quan quan điểm và các giải pháp của Quốc hội và Chính phủ đưa ra là: kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các con số về số ca dương tính tăng lên khá nhanh, nếu xét về xu thế kiểm soát được dịch bệnh trở thành một vấn đề lớn.

Hiện nay, khá đông người dân vẫn coi thường 5K và sống theo phong cách “bình thường” chứ không phải “bình thường mới”, quên đi dịch bệnh Covid -19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp. Theo quan điểm của tôi, cùng với chiến lược vaccine thì cần quan tâm, cụ thể hơn nữa các biện pháp kiểm soát và quản lý các đối tượng thuộc diện bắt buộc phải tiêm (không để tình trạng tỷ lệ tiêm có thể cao nhưng số người phải tiêm vẫn rất nhiều nhưng không kiểm soát được. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền để hình thành “văn hóa sống thời Covid” của các cơ quan, đơn vị và người dân mà phương châm là dựa vào “5K”.

Ngoài ra, tôi cũng nhất trí đối với các giải pháp của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế như thực hiện các mối liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và lưu thông, các chính sách tạo môi trường đầu tư và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách này nhằm vào việc phục hồi phát triển kinh tế cho các địa phương, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để các chính sách thực sự hiệu quả, tôi đề nghị làm tốt việc phân nhóm doanh nghiệp để có các giải pháp khác nhau. Bên cạnh việc quan tâm đến các đối tượng doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, các khu vực đóng góp nhiều vào ngân sách thì cần đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp yếu thế, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả doanh nghiệp tư nhân, các hộ gia định kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp Starup. Việc quan tâm doanh nghiệp yếu thế là giải quyết được “2 trong 1”, cả thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng lại giải được bài toán an sinh xã hội vì họ chính là các đối tượng cần có sự hỗ trợ.

Phóng viên: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua một luật và 4 Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng. Quan điểm của ông về việc tổ chức kỳ họp bất thường này như thế nào, đặc biệt là trong việc đưa ra những giải pháp kịp thời để giải quyết những vẫn đề bức thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong đời sống của Nhân dân?

GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Rõ ràng, trên thế giới và cả ở trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-10 diễn biến phức tạp. Nếu Quốc hội không kịp thời bàn thảo các giải pháp thì sẽ không ứng phó được với những diễn biến khó lường ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân, nhât là người lao động. Vì thế, tôi nhất trí với việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường theo mục đích mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập là Kỳ họp này đưa ra những quyết sách về những nội dung có tính cấp bách, đột xuất, rất quan trọng cho quốc kế dân sinh, nhưng cũng là vấn đề khó, phức tạp nên cần tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Riêng với mục tiêu bàn về những giải pháp cấp bách, kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân, cho đến nay, chúng ta đã có đầy đủ số liệu và tình hình phát triển năm 2021, dựa vào phân tích kỹ những thách thức và bất cập của năm 2021 để kịp thời bàn đến các quyết sách cho năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Phóng viên: Với những Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, ông quan tâm đến vấn đề nào nhất và có thể đưa ra ý kiến để triển khai Nghị quyết đó thực sự hiệu quả?

GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua 01 Luật và 04 Nghị quyết. Trong đó, tôi quan tâm đến Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tôi cho rằng việc chuyển từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư 100% vốn ngân sách cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam có thể gọi là “điều tốt thứ nhì” khi không sử dụng được phương án PPP vì các nhà đầu tư tư nhân không đủ vốn nên phải đi vay, nhưng ngân hàng không muốn cho vay vì quá rủi ro.

Thực ra, quan niệm đầu tư theo hình thức PPP phải là cả nhà nước và tư nhân đều phải bỏ vốn là  quan niệm hơi hẹp ở Việt Nam. Ở nước ngoài, dự án đầu tư mà tiền vốn là của Nhà nước nhưng Nhà nước không trực tiếp làm mà đấu thầu để tư nhân làm cũng vẫn được gọi là PPP. Theo tôi được biết, ở Nhật Bản, 75% dự án đầu tư gọi là PPP thì có đến 75% các dự án là vốn của Nhà nước, rất ít trường hợp tư nhân bỏ vốn, chỉ trong tình huống cực kỳ có lợi. Vì thế, không tranh luận có gọi là PPP hay không gọi, nhưng nếu chọn được nhà thầu thực hiện dự án thật tốt (qua đấu thầu cạnh tranh) thì dùng vốn Nhà nước vẫn có hiệu quả. Điều quan trọng là đấu thầu dự án phải làm thực sự thực chất, mang tính cạnh tranh cao thì việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước nhưng có được nhà đầu tư tốt thì vốn đầu tư vẫn được sử dụng có hiệu quả và đúng tiến độ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!/.

Bích Lan