Kỷ họp bất thường lần thứ Nhất, tháng 01/2022
Năm 2021 – Năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã khép lại với dấu ấn là sự đổi mới mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Dấu ấn chính là những đổi mới quyết liệt và nhiều quyết sách chưa có tiền lệ, khắc họa đậm nét hình ảnh Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Có được những kết quả đó là đoàn kết, nhất trí đồng lòng của các cơ quan của Quốc hội, trong đó, phải kể đến nỗ lực của Ủy ban Kinh tế trong việc chủ trì thẩm tra, tham mưu cho Quốc hội những quyết sách, trao quyền cho Chính phủ cơ chế kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đảm bảo các giải pháp được thiết kế, thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra đảm bảo hấp thụ tối đa trong năm 2022-2023 để phát triển kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trao đổi với Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhân dịp năm mới 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh sự đồng hành của Ủy ban Kinh tế trong việc tham mưu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân theo chủ trương đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước. Với việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm, với việc chủ trì, tham mưu cho Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, Nghị quyết 46 ban hành các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt Nghị quyết 43 ban hành gói chính sách tài khóa và tiền tệ với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, tương đượng 4,8% GDP, kèm với đó là các cơ chế giám sát đi kèm đang được coi là liều thuốc hữu hiệu giúp Kinh tế Việt Nam phục hồi trong năm 2022 – 2023 và bứt phá trong những năm tiếp theo đó. Với những tín hiệu lạc quan về chỉ tiêu kinh tế của năm 2021, trong đó năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục mới, với tổng giá trị 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Cùng với việc tháng 12, ước xuất siêu đạt 1,5 tỷ USD, đã giúp cho kim ngạch ngoại thương của Việt Nam trong năm 2021 có sự đảo chiều ngoạn mục, xuất siêu cả năm ước đạt 4 tỷ USD. Trong đó nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế 10 nhóm hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong rổ hàng này, có tới 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Cùng với điểm sáng về thu hút FDI, theo tính toán, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cùng nhiều tín hiệu khả quan khác, Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cùng với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và những điểm sáng kinh tế, là cơ sở để kỳ vọng về sự bứt phá kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể tăng trưởng mức từ 6,5 đến 7% theo đánh giá của các tổ chức Ngân hàng thế giới, cao hơn so với dự báo trong nước chỉ từ 6-6,5%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Phóng viên: Năm 2021 là năm khó khăn do ảnh hưởng bất ngờ,không lường trước của đại dịch Covid-19. Cùng những điểm yếu trong nội tại nền kinh tế đã khiến chuỗi cung ứng nền kinh tế bị đứt gãy, doanh nghiệp, người lao động khó khăn. Nhưng với sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội, nhanh chóng đưa ra các giải pháp được coi là “liều thuốc tăng lực cho doanh nghiệp”. Chắc chắn đây cũng là thời điểm khó khăn từ phía cơ quan quản lý nhà nước để có được chính sách chưa từng có tiền lệ như vậy. Xin ông có thể chia sẻ những cảm nhận của mình khi nhìn lại những nỗ lực đã qua?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Đúng là như vậy, không phải chỉ năm 2021 chúng ta gặp khó khăn mà quá trình này kéo dài 2 năm rồi và tác động ảnh hưởng của covid 19 tới cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ủy ban Kinh tế xác định, doanh nghiệp có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, luôn luôn tiên phong đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Sức khỏe cùa doanh nghiệp thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Tuy nhiên 2 năm vừa qua,các chuỗi cung ứng phía cầu, phía cung đều bị đứt gẫy do đại dịch Covid-19, sức khỏe của doanh nghiệp chúng ta bị bào mòn. Theo số liệu thống kê thì có tới 120 nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. Tính trung bình 1 tháng có khoảng 10.000 DN ngừng hoạt động. Con số thể hiện khó khăn của doanh nghiệp chúng ta.
Trước khó khăn như vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, các gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Đặc biệt Nghị quyết 30 của Quốc hội trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có cơ chế đặc cách để chủ động linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Riêng với doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết 46 về các cơ chế chính sách, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Theo thống kê, 2 năm 2020-2021, các gói hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chiếm 4% GDP cả chính sách tài khóa và tiền tệ, tuy nhiên liều thuốc này vẫn chưa đủ mạnh
Vừa qua, Các cơ quan của Quốc hội, trong đó ủy ban Kinh tế, đã chủ trì tham mưu cho Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa và tiền tệ cho phục hồi và phát triển kinh tế, với quy mô mà theo các chuyên gia xác định là hợp lý, khoảng 350 nghìn tỷ đồng và tương đượng 4,8% GDP và tập trung hỗ trợ những lĩnh vực những nghành nghề quan trọng cấp thiết và có khả năng hấp thụ cao, rút kinh nghiệm của gói hỗ trợ năm 2008-2009, trong gói tập trung nguồn lực để nâng cấp hệ thống y tế dự phòng, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, đưa nhanh nguồn vốn vào những công trình quan trọng có sự lan tỏa cho nền kinh tế. Song song với đó là tháo gỡ cơ chế chính sách, vướng mắc trong quy định của pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền trong dự luật 1 luật sửa 9 luật, liên quan đến các lĩnh vực. Hy vọng gói chính sách rất đồng bộ và tổng thể như vậy sẽ giúpcho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn như chủ để của Diễn đàn KT Việt Nam 2021 là “phục hồi và phát triển”
Phóng viên: Năm 2021, Ủy ban Kinh tế đã thực hiện khối lượng công việc rất đồ sộ và có tầm quan trọng đặc biệt, đưa ra các gói hỗ trợ để phục hồi phát triển kinh tế không chỉ trong ngắn hạn mà cả tầm nhìn dài hạn. Ông có thể chia sẻ gì về những đổi mới trong phương thức hoạt động của Ủy ban Kinh tế để có thể thẩm tra và trình Quốc hội những quyết sách lớn, chưa từng có tiền lệ như vậy?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Tại Kỳ họp bất thường vừa qua có 4 nội dung chính phủ trình Quốc hội thì Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì 3 nội dung mà 3 nội dung này đều là nội dung khó, gồm: Nội dung thứ 1 là chính sách tài khóa tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế; Nội dung thứ 2 là 1 luật sửa 9 luật mà khác với cách sửa luật trước; Nội dung thứ ba là xây dựng đường bộ cao tốc bắc Nam giai đoạn 2021-2025.
Ba nội dung rất lớn, rất khó, nhưng chúng tôi đã phát huy được kinh nghiệm của các khóa Ủy ban Kinh tế trước đây, phát huy trí tuệ của chuyên gia trong và ngoài Quốc hội. Điểm mới là chúng tôi đã thành lập tổ tư vấn Kinh tế cho Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì bài đầu tiên tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, là của TS.Cấn Văn Lực, đại diện cho nhóm chuyên gia thường trực Ủy ban Kinh tế. Đó là đổi mới, kế thừa phát huy của chuyên gia trong và ngoài nước và cũng phải chủ động từ sớm, từ xa. Chúng tôi phải tiếp cận những tài liệu trình ra Quốc hội nghiên cứu từ sớm, nhưng ngược lại, sự phối hợp các bộ, ngành và Ủy ban Kinh tế rất hiệu quả, đảm bảo chính sách đưa ra đảm bảo khả thi. ví dụ như 1 luật sửa 9 luật thì một hồ sơ trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký thì 17 chữ ký chứng thực. Đó là minh chứng cho sự phối hợp rất chặt chẽ, linh hoạt, nhịp nhàng thì mới xử lý trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Việc chủ động từ sớm, từ xa, Ủy ban Kih tế, các ủy ban của Quốc hội đã có nhiều phiên làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành có liên quan để rà soát, xem lại các gói chính sách thực hiện trong năm 2020-2021, phân tích kỹ lưỡng những tích cực, hạn chế, tổ chức các tọa đàm, các chuyên gia kinh tế trong nước, kể cả tổ chức nước ngoài và sự kiện đỉnh cao là diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021- Phục hồi và phát triển, huy động trí tuệ của rất nhiều chuyên gia, thực tiễn trong nước, thực tiễn quốc tế, kinh nghiệm quốc tế để phục hồi và phát triển kinh tế; từ đó mới quyết định để đưa ra gói 350 nghìn tỷ. Kinh nghiệm của chúng tôi trên cơ sở kế thừa, có sự huy động của chuyên gia, có sự chủ động từ sớm, từ xa và phát huy sức mạnh của các cơ quan, sự phối hợp nhịp nhàng là tiền đề quan trọng đã triển khai thành công những nhiệm vụ mà Quốc hội giao cho tại kỳ họp bất thường.
Phóng viên: Kinh tế cuối năm 2021 có nhiều điểm sáng tích cực, tạo niềm tin và kỳ vọng một sự bứt phá và phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, với tư duy mới, tầm nhìn mới. Ông kỳ vọng vì về sự phục hồi Kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và cho biết những kế hoạch giám sát của Ủy ban Kinh tế để những quyết sách của Quốc hội thực sự hấp thụ nền kinh tế?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Năm 2021 là năm mà chúng ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, mặc dù chúng ta đã có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để có tăng trưởng 2,58% và một số điểm sáng về xuất khẩu, đạt kỷ lục xuất khẩu đạt 668 tỷ đô la mỹ và nhập khẩu là 332 tỷ, thặng dư 4 tỷ đô la, trong đó ấn tượng của chúng tôi là xuất khẩu nông sản tới 48,6 tỷ đô la mỹ , tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn như vậy.
Khi các tổ chức Quốc tế vẫn đánh giá dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, triển vọng, tăng trưởng chung của thế giới giảm ko tăng như dự báo Kinh tế Trung Quốc năm 2022 chỉ tăng 5,6%; Nhưng các tổ chức kinh tế đều dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2022 tích cực hơn như WB dự báo tăng trường Kinh tế Việt Nam là 6,5 đến 7%, Ngân hàng ADB dự báo tăng trưởng 6,5%, HSBC dự báo tăng trưởng đạt 6,8%. Tất cả dự báo của các tổ chức quốc tế đều cao hơn so với dự báo của Quốc hội là 6-6,5%. Hy vọng gói chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ là nguồn để bổ sung cho nền Kinh tế Việt Nam phục hồi thời gian tới
Để Nghị quyết 43 vào cuộc sống cùng với việc đưa ra gói chính sách khả thi, chúng tôi đã dự tính trước, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 2008-2009, đưa vào chỉ tiêu, định lượng để Quốc hội giám sát thực hiện. Cùng với các nguyên tắc bám sát chủ trương, định hướng của đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, yêu cầu gói chinh sách và tiền tệ đó phải phối hợp trong chương trình phục hồi phát triển và gắn với chương trình tổng thể phòng chống Covid-19, cả về phía cung và phía cầu, tài khóa, tiền tệ, phối hợp nhịp nhàng với chính sách vĩ mô khác một cách linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm và phải nhanh trong thời điểm 2022- 2023; công khai minh bạch để thuận tiện cho quá trình kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm tránh xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phải tăng cường giám sát, Kiểm toán Nhà nước hằng năm phải kiểm toán, Chính phủ cuối năm 2022, 2023 và 2024 phải báo cáo Quốc hội. Với những giải pháp đồng bộ yêu cầu về nguyên tắc tiêu chí, kiểm tra thanh tra đồng bộ, sẽ phát huy được hiệu quả của gói hỗ trợ . năm 2022, Ủy ban Kinh tế tập trung cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về công tác Quy hoạch.
Nhân dịp năm mới, mong muốn sự vào cuộc của cử tri và nhân dân trong quá hoạt động sản xuất kinh doanh gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, những kế sách, đưa hơi thở của cuộc sống vào trong Nghị quyết, Văn bản pháp luật của nhà nước Hy vọng truyền hình Quốc hội sẽ là tốt cầu nối giữa Quốc hội với cử tri giúp Ủy ban Kinh tế trong tham mưu, thẩm tra chính sách lớn để giúp nền kinh tế của chúng ta phục hồi và phát triển.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn!