Tham dự phiên họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan và các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Các Ủy viên Ủy ban Pháp luật, các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp trực tuyến.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập 09 phường cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của 09 xã Đắc Sơn, Nam Tiến, Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành, Hồng Tiến, Tân Hương, Trung Thành thuộc thị xã Phổ Yên nhằm tạo thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên và của thị xã Phổ Yên.
Đồng thời, từ hiện trạng kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa ở các xã đề nghị thành lập phường, quy hoạch và định hướng phát triển của thị xã Phổ Yên, việc thành lập thành phố Phổ Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Phổ Yên là cần thiết, tạo thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đô thị Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thị xã Phổ Yên.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết việc thành lập 09 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đạt đủ 4/4 tiêu chuẩn để thành lập phường và đạt đủ 5/5 tiêu chuẩn để thành lập thành phố thuộc tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, Phổ Yên là đô thị trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội. Với vị trí địa lý thuận lợi và có nhiều khu công nghiệp đóng trên địa bàn, thị xã Phổ Yên là trung tâm tiếp nhận, chuyển giao và lan tỏa công nghệ hiện đại của tỉnh Thái Nguyên. Trong những năm qua, thị xã Phổ Yên và các xã: Đắc Sơn, Nam Tiến, Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành, Hồng Tiến, Tân Hương, Trung Thành thuộc thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; quá trình đô thị hóa và việc mở rộng không gian đô thị đã có tác động nhiều mặt đến công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính này. Vì vậy, các đại biểu tán thành sự cần thiết thành lập các phường và thành phố Phổ Yên trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính đã có nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn.
Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đều đáp ứng đủ quy định của pháp luật, bảo đảm đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp thứ 8 (tháng 2/2022) sắp tới.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại phiên họp
Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành ghi nhận hồ sơ trình của tỉnh Thái Nguyên và Chính phủ chuẩn bị là tốt nhất trong số các hồ sơ liên quan đến thành lập, sắp xếp đơn vị hành chính thời gian qua.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết thêm, thị xã Phổ Yến năm ở vị trí địa kinh tế rất quan trọng không chỉ đối với tỉnh Thái Nguyên mà còn đối với các tỉnh phía bắc. Với việc mở rộng các trục động lực phát triển, các đường vành đai Thủ đô thì Phổ Yên sẽ ở vị trí trung tâm trong khu vực. Hơn nữa, tốc độ phát triển công nghiệp đô thị hóa của Phổ Yên rất cao, cho thấy tiềm năng lợi thế lớn và đà phát triển nhanh. Do đó việc nâng cấp từ thị xã lên thành phố là rất cần thiết.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể trực tuyến lần thứ 4 của Ủy ban Pháp luật
Một số ý kiến nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Phổ Yên sẽ có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như đời sống của người dân trên địa bàn. Song cùng với đó sẽ có nhiều vấn đề phát sinh như quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sẽ thu hút lao động từ các địa phương khác dịch chuyển về đô thị làm cho dân số cơ học tăng nhanh, nhu cầu việc làm, nhà ở và an sinh xã hội của người dân tăng cả về số lượng và chất lượng; nhiều vấn đề phát sinh về môi trường, yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị... Vì vậy, đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên quan tâm, có định hướng, giải pháp toàn diện phát triển thành phố Phổ Yên và các phường sau khi được thành lập, bảo đảm phát triển đô thị theo hướng bền vững, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên sớm chỉ đạo cơ quan chuyên môn có phương án xây dựng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong quá trình chuyển đổi nâng cấp lên thành phố cho phù hợp; đồng thời tránh những tác động tiêu cực như đầu cơ đất đai ảnh hướng đến người dân.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, tỉnh Thái Nguyên trong những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm phát triển ở khu vực phía Bắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
Thực tiễn cho thấy, từ nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đến nay các quyết định đó mang lại những tác động tốt, tạo động lực phát triển cho tỉnh. Do đó, với nội dung lần này trình nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sẽ tiếp tục tạo cú hích thúc đẩy phát triển tỉnh Thái Nguyên sớm thành một trong những tỉnh phát triển của khu vực, tạo điều kiện để tỉnh phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có đóng góp vào ngân sách trung ương trong năm tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị các cơ quan phối hợp nghiên cứu để xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này để bảo đảm đến khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành thì tất cả các chủ thể trong tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, khối đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tư nhân…đều đã sẵn sàng thực hiện, cũng như thông tin tuyên truyền cho Nhân dân để không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, các thủ tục hành chính, các giao dịch của người dân.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại phiên họp các ý kiến thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ; đồng thời lưu ý Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng như Phổ Yên quan tâm đầu tư kinh phí từ nguồn lực ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, vấn đề tổ chức bộ máy nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý, vấn đề quy hoạch, có giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan trên cơ sở ý kiến tại phiên họp tiếp tục hoàn thiện các văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 tới.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam đề nghị trong quá trình chuyển đổi lên mô hình chính quyền đô thị cần quan tâm tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý, bên cạnh đó là nguồn lực tài chính
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám đánh giá cao địa phương khi đạt và vượt tất cả các điều kiện tiêu chuẩn. Đồng thời lưu ý trong quá trình chuyển đổi, quỹ đất nông nghiệp giảm cần quan tâm có giải pháp cho nhóm người trong độ tuổi lao động khi tiếp cận việc làm mới nhất là những người khả năng chuyển đổi nghề nghiệp thấp để bảo đảm an sinh xã hội
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú nhất tri với việc thành lập Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phổ Yên đồng thời với việc thành lập thành phố Phổ Yên đến bảo đảm đồng bộ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tiếp thu các ý kiến tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận