Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo tại buổi làm việc
Theo đại diện Bộ Y tế, việc xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Quan điểm xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm yếu tố về bình đẳng giới.
Về phạm vi điều chỉnh, Dự án Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Luật này không quy định các nội dung liên quan đến Dự phòng bao gồm: nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần), phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân vì các nội dung này sẽ được nghiên cứu để quy định trong Luật phòng bệnh; Việc sử dụng sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để chi cho một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có tính chất dự phòng như tầm soát ung thư vì các nội dung này sẽ được nghiên cứu để quy định trong Luật bảo hiểm y tế
Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế cho biết, dự kiến có 15 chính sách được quy định trong Dự án Luật, theo đó: Chính sách 1: Quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề; Chính sách 2: Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Chính sách 3: Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài để hành nghề tại Việt Nam; Chính sách 4: Quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Chính sách 5: Quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề; Chính sách 6: Mở rộng các hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động; Chính sách 7: Quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh là một trong các điều kiện để cấp giấy phép hoạt động; Chính sách 8: Thực hiện đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Chính sách 9: Phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Chính sách 10: Quy định về mô hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Chính sách 11: Đổi mới quy định về phân cấp của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; Chính sách 12: Quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và tình trạng khẩn cấp; Chính sách 13: Quy định về bảo đảm an ninh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề; Chính sách 14: Quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Chính sách 15: Quy định về sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng
Đại diện Bộ Y tế nêu rõ, các nội dung của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tiếp tục quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh. Công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn, triển khai, giám sát thuộc về kinh phí đã được bố trí trong ngành y tế, các đơn vị, địa phương và là kinh phí chi thường xuyên của các ngành, các cấp. Do đó, về nguồn nhân lực và nguồn kinh phí là có cơ sở để bảo đảm triển khai khi Luật được thông qua./.