DỰ THẢO LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG: LÀM RÕ NỘI HÀM VỀ BIỆN PHÁP VŨ TRANG

15/02/2022

“Đề nghị giữ điều khoản về Giải thích từ ngữ, trong đó làm rõ nội hàm về biện pháp vũ trang,…” là quan điểm của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động là dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.

Tại kỳ họp thứ 2 vừa qua cho thấy có tổng số 299 ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ và hội trường, có 5 đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản về dự thảo Luật. Ngay sau kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan để tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời, đã tổ chức khảo sát tại 7 địa phương, 4 đơn vị cảnh sát cơ động phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, so với Dự thảo Chính phủ trình, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng cơ quan soạn thảo đã thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bỏ 1 điều về giải thích từ ngữ về "biện pháp vũ trang" và "cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát cơ động". Bổ sung 3 điều, Điều 11, 12, 13 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm làm rõ các nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng và phối hợp của Cảnh sát cơ động, đồng thời chỉnh lý sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp của 21 điều.

“Hiện nay dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 5 chương và 33 điều, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra cũng như các cơ quan hữu quan đã thống nhất rất cao và không còn ý kiến khác nhau giữa các cơ quan,..”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá rất cao cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan soạn thảo cũng như các bộ, ngành có liên quan trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Góp ý vào nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có điều khoản về giải thích từ ngữ, trong đó cần làm rõ/giải thích rõ khái niệm biện pháp vũ trang. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đây không phải lần đầu tiên biện pháp vũ trang được quy định ở trong hệ thống luật và biện pháp này đã được quy định là một trong 7 biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia được quy định ở trong Luật An ninh quốc gia và cũng là một trong các biện pháp công tác của lực lượng công an nhân dân đã được quy định ở trong Luật Công an nhân dân.

Khẳng định đây là một biện pháp rất quan trọng thuộc một trong 20 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an nhân dân nói chung đã được quy định trong Luật Công an dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, các luật nêu trên cũng chưa có quy định cụ thể về thế nào là biện pháp vũ trang. “Qua rà soát, có 5 lần cụm từ "biện pháp vũ trang" được sử dụng ở trong dự thảo luật hiện nay. Tuy nhiên, nội hàm lại không rõ và đây là biện pháp khi áp dụng thì chắc chắn liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, quyền, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, quyền, lợi ích hợp pháp. Cho nên, phải cân nhắc nên chăng có quy định cho rõ để cơ quan chức năng trong đó có cảnh sát cơ động có cơ sở để yên tâm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và cũng là phạm vi luật ràng buộc tránh sự lạm dụng nếu có….”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị các cơ quan báo cáo làm rõ thêm, nếu không quy định điều khoản giải thích từ ngữ trong luật thì có giao cho cơ quan nào quy định? Trường hợp, nếu quy định ở văn bản dưới luật liệu có đảm bảo sự tính chặt chẽ. “Đây là vấn đề rất quan trọng, nó không chỉ liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà cả quyền, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chức năng, trong đó có cảnh sát cơ động,…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc bỏ điều khoản về giải thích từ ngữ (Điều 2) như Dự thảo sau tiếp thu, chỉnh lý là chưa hợp lý. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần giữ điều khoản này và biên tập lại nhằm làm rõ khái niệm biện pháp vũ trang. “Trong Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân chỉ nêu một trong 7 biện pháp là biện pháp vũ trang, tuy nhiên biện pháp vũ trang là thế nào thì chưa có văn bản quy định cụ thể. Ngoài ra, sử dụng biện pháp vũ trang của cảnh sát cơ động là gì cũng chưa có văn bản quy định. … “, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, khi sử dụng biện pháp vũ trang mà ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân phải được quy định bằng luật, theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp. Vì vậy, cần có quy định giải thích rõ "biện pháp vũ trang" là gì?. Bên cạnh đó, cảnh sát cơ động khác với các lực lượng khác, vì đây là lực lượng tinh nhuệ; biện pháp là biện pháp đặc biệt, được áp dụng các biện pháp mà lực lượng khác không làm được hoặc không được làm, nên cần quy định rõ, đảm bảo tính khả thi.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần phải điều chỉnh, viết lại Điều 8, Điều 10, Điều 12 cho gọn và rõ nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất và đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, nhất là trong quá trình thực hiện biện pháp vũ trang của lực lượng cảnh sát cơ động. “Khi thực hiện các biện pháp công tác, nhất là biện pháp vũ trang của lực lượng chức năng nói chung và lực lượng cảnh sát cơ động nói riêng sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong đó có cả trong nước và quốc tế, vấn đề này phải tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất…”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, cân nhắc nghiên cứu nên chăng cần phải có một số định nghĩa về từ ngữ cụ thể. Theo đó, việc giải thích từ ngữ cần phải rõ ràng để khi tổ chức thực hiện đảm bảo tính khả thi cao, dễ thực hiện.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, về giải thích từ ngữ, cần phân tích làm rõ hơn lý do không quy định điều này và nên cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang,  sử dụng biện pháp vũ trang và một số khái niệm khác mà các luật khác chưa quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, giải thích “biện pháp vũ trang và sử dụng biện pháp vũ trang” cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm. Vì vậy, đề nghị tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo và Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm đảm bảo đưa ra khái niệm thật chuẩn xác và nếu cần thiết phải tổ chức các hội thảo, tọa đàm riêng, làm rõ khái niệm "biện pháp vũ trang"./.

Vũ Hà