Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được xây dựng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù với thực tiễn và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như xử lý những vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật; Xử lý các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ của TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý TSBĐ các khoản nợ xấu của TCTD, đảm bảo các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế; Xử lý cơ bản và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, dưới 3% tổng dư nợ của hệ thống TCTD, nâng cao vai trò, năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, xác định việc triển khai các chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng nhằm xử lý nhanh, có hiệu quả nợ xấu của các TCTD, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan chủ động, tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Cụ thể, về việc tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 42 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, ngay sau khi Nghị quyết số 42 được Quốc hội ban hành, NHNN đã chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các nội dung, chính sách của Nghị quyết số 42 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan; Thường xuyên phối hợp các cơ quan báo chí, thực hiện truyền thông rộng rãi các nội dung, chính sách của Nghị quyết số 42; quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, kết quả đạt được và những giải pháp để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu nói chung cũng như xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nói riêng; Phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, qua đó truyền thông về những kết quả trong mua bán, xử lý nợ xấu, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Đối với việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đã ban hành các văn bản, chỉ thị hướng dẫn các TCTD, VAMC triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, trong đó bao gồm: Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/07/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Quyết định số 1058); Chỉ thị 05/CT-NHNN ngày 17/9/2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; Các Chỉ thị 01/CT-NHNN hằng năm để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm qua từng năm, gồm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Đồng thời, NHNN đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các TCTD, tổ chức khác trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42 .
Toàn cảnh phiên họp
Về việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của VAMC, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN ngày 14/8/2017 và Thông tư số 32/2019/TT-NHNN ngày 31/12/2019 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC (sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013) bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42, Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu có giá trị lớn và thực tiễn hoạt động của VAMC.
Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ để triển khai Nghị quyết số 42 ; kịp thời có các văn bản gửi các bộ, ban, ngành để phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42 .
Ngoài ra, đối với việc tổ chức các hội nghị sơ kết triển khai Nghị quyết số 42 qua các năm, trong thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, NHNN đã tổ chức 02 Hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 (vào năm 2018, 2019) với sự tham dự, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và sự tham gia của NHNN, một số bộ, ngành và các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội, UBND và các sở, ngành địa phương, các TCTD, VAMC và các đơn vị truyền thông để đánh giá quá trình triển khai, nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42; từ đó đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi TCTD áp dụng quy định tại Nghị quyết số 42 trên thực tế./.