Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về khả năng cân đối nguồn lực, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh. Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015 mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít các dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư. Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66/2013/QH13.
Thêm vào đó, do khó khăn về nguồn lực, thực hiện ý kiến tại báo cáo giám sát của Quốc hội nên Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư đoạn Chơn Thành - Đức Hòa từ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đã đầu tư một phần phải đình hoãn từ năm 2011 sang đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật thay đổi nên việc triển khai đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức PPP vướng mắc, trong bối cảnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, hình thức đầu tư PPP phức tạp hơn đầu tư công truyền thống, các chủ thể đều hạn chế về kinh nghiệm, trước nhu cầu cấp bách phát triển kết cấu hạ tầng, việc triển khai không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế: một số trạm thu phí, mặc dù đã được các cơ quan nhà nước và địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng sau khi đưa vào hoạt động vẫn còn có những phản ứng trái chiều của người dân; chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tín dụng nước ngoài; quá trình kinh doanh khai thác xuất hiện thêm các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm hoặc phân lưu làm giảm doanh thu, ảnh hưởng phương án tài chính.
Về phương hướng, mục tiêu trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, giai đoạn đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 02 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chưa đầu tư, tận dụng QL.32, QL.21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe. Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại các Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022. Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.
Toàn cảnh phiên họp
Về giải pháp thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với các dự án đang triển khai, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan tập trung nhân lực thiết bị để sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Xây dựng kế hoạch triển khai bám sát quy hoạch và nguồn lực được duyệt để đảm bảo phù hợp từng giai đoạn cụ thể, sát với điều kiện thực tiễn và có tính khả thi cao.
Cùng với đó, nhằm thu hút vốn đầu tư, cần ưu tiên tập trung nguồn lực nhà nước đầu tư tuyến đường theo quy hoạch, đây là tuyến đường đi qua vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, liên quan đến quốc phòng - an ninh, việc huy động các nguồn vốn khác hiệu quả thấp, do đó Chính phủ xác định nguồn vốn đầu tư công là chủ đạo. Trong tổ chức thực hiện, cần tiếp tục công khai quy hoạch tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong mọi tầng lớp nhân dân; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện quy hoạch giữa trung ương và địa phương, bảo đảm các quy hoạch địa phương phải tuân thủ các định hướng của quy hoạch đường Hồ Chí Minh; phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để xử lý các vấn đề liên ngành, báo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Ngoài ra, về kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, căn cứ kế hoạch triển khai dự án, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất quá trình triển khai dự án để kịp thời có phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ và các mục tiêu của dự án./.