SỚM SỬA ĐỔI LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI 2010: ĐÁP ỨNG YÊU CÀU HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

30/08/2022

Luật Trọng tài thương mại, được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010. Sau hơn 10 năm thi hành, theo ý kiến một số chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, luật đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Do đó, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Thiết chế trọng tài đã được hình thành từ rất lâu và giữ một vị thế hết sức quan trọng

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài còn khiêm tốn

Trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu và châu Mỹ, thiết chế trọng tài đã được hình thành từ rất lâu và giữ một vị thế hết sức quan trọng trong hệ thống tài phán của các quốc gia này. Với ưu điểm đặc thì là hoạt động xét xử của trọng tài liên tục, do đó tiết kiệm thời gian, chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp, trong khi giải quyết tranh chấp bằng tòa án thường rất khó đạt được điều này, bởi tòa án phải giải quyết nhiều tranh chấp cùng một lúc, do đó tình trạng án tồn đọng là điều không thể tránh khỏi. Thực tiễn cho thấy, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ tối đa là 6 tháng, trong khi giải quyết tại tòa án có trường hợp kéo dài mấy năm.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại thế giới, nhất là việc tăng cường mậu dịch quốc tế, trọng tài đã trở thành một phương tiện được áp dụng rộng rãi để giải quyết các tranh chấp thương mại, dẫn tới việc hình thành những tổ chức trọng tài quốc tế. Cùng với đó là sự hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quốc tế và ở mỗi quốc gia nhằm điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài.

Tại Việt Nam, qua thống kê khảo sát của Bộ Tư pháp, phương thức giải quyết tranh chấp mà các doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam ưu tiên sử dụng lần lượt là thương lượng (57,8%), Tòa án (46,8%), hòa giải (22,8%), và cuối cùng là trọng tài (16,8%).

Mặc dù đã có rất nhiều nghị quyết, văn bản của Đảng đều nhấn mạnh khuyến khích giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài nhưng hoạt động này hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra. So với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, hoạt động trọng tài thương mại của nước ta còn non trẻ. Đến nay, số lượng các Trung tâm Trọng tài thương mại trên toàn quốc còn hạn chế (22 trung tâm), trong đó “thâm niên” nhất là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam được thành lập năm 1993.

Hiệu quả hoạt động của các trung tâm trọng tài vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay của các doanh nghiệp. Có thể dễ dàng nhận thấy, phần lớn các vụ tranh chấp chỉ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Các trung tâm trọng tài khác tiếp nhận rất ít vụ việc. Hơn thế, theo một số liệu của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì trọng tài chỉ giải quyết được 1% số lượng các tranh chấp thương mại.

Vướng mắc trong áp dụng pháp luật trọng tài thương mại

Luật Trọng tài thương mại, được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực ngày 01/01/2011 (viết tắt Luật TTTM), thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại số 08/2003/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Theo Luật sư Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, qua 10 năm áp dụng Luật TTTM cho thấy Luật TTTM đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và hoạt động trọng tài ngày càng được cộng đồng quan tâm và đón nhận nhiều hơn. Số vụ tranh chấp tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế áp dụng đạo luật này cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện, cụ thể: Vấn đề thẩm quyền của trọng tài và quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam; Quy định “Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” tại Điều 2 khoản 2 Luật TTTM chưa được hiểu thống nhất; Luật TTTM bên cạnh việc trao cho HĐTT một số thẩm quyền, đặc biệt là ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tuy nhiên lại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên tranh chấp là điều không phù hợp với thực tiễn trọng tài quốc tế;…

 Luật sư Vũ Ánh Dương nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay, các quốc gia đang có nhiều chính sách ưu tiên thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển. Một số quốc gia có tham vọng trở thành trung tâm giải quyết tranh chấp của thế giới như Singapore, Hàn Quốc v.v... Với sự hậu thuẫn của Chính phủ một số trung tâm trọng tài trong khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc v.v…. đang ngày càng lan rộng tầm ảnh hưởng. Toà án nhiều quốc gia đều có các chính sách ủng hộ trọng tài, theo đó, để tôn trọng sự độc lập của tố tụng trọng tài thì toà án chỉ can thiệp khi trọng tài cần sự hỗ trợ và giảm thiểu tối đa những can thiệp tiêu cực, đặc biệt là vấn đề huỷ phán quyết trọng tài.

Luật sư Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam 

Cũng theo ý kiến một số luật sư, Luật TTTM được đánh giá là một bước tiến tích cực nhằm xây dựng cơ chế TTTM tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Luật TTTM đã tiếp thu được những nguyên tắc cơ bản nhất về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trên thế giới và trong Luật Mẫu UNCITRAL. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt đạt được, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, hiện nay vẫn còn một số vấn đề bất cập trong việc áp dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại như: Trong các vụ việc liên quan đến trọng tài quốc tế, việc lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài đồng nghĩa với việc lựa chọn luật của quốc gia tại nơi tiến hành trọng tài. Đây là điều mà Luật TTTM chưa xác định rõ; Lý do hủy quyết định trọng tài thường ở dạng “trừu tượng” nên nguy cơ một bên yêu cầu tòa án can thiệp để làm chậm việc thi hành quyết định trọng tài vì trong khi xem xét hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết này không thể được thi hành;…

Cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại 2010 đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm. Việc hoàn thiện pháp luật trọng tài và khuyến khích phát triển trọng tài là rất cần thiết, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, giúp cải thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Từ thực tiễn hoạt động, Luật sư Vũ Ánh Dương kiến nghị, cần sớm sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại 2010 theo các tiêu chuẩn Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế. “Luật Mẫu UNCITRAL được coi là tiêu chuẩn vàng về trọng tài thương mại, UNCITRAL liệt kê Danh sách 83 quốc gia trên thế giới áp dụng Luật Mẫu UNCITRAL, Việt Nam không có tên. Việc được liệt kê vào danh sách quốc gia Luật Mẫu UNCITRAL giúp tăng tính hấp dẫn của hoạt động trọng tài của quốc gia, tạo môi trường pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn, thúc đẩy trọng tài và các dịch vụ bổ trợ phát triển,…” Luật sư Vũ Ánh Dương cho biết.

Theo Luật sư Đặng Thành Chung cần hướng dẫn cụ thể về các căn cứ hủy phán quyết trọng tài đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế xét lại quyết định của Toà án đối với quyết định huỷ phán quyết của Trọng tài thương mại. Luật sư Đặng Thành Chung cũng cho rằng, cần loại bỏ quy định hạn chế quyền lựa chọn luật áp dụng đối với các bên tranh chấp là công dân Việt Nam vì quy định này trái với nguyên lý về sự phụ thuộc của việc xác định luật áp dụng vào kết quả của sự lựa chọn địa điểm tiến hành trọng tài.

Ngoài ra một số chuyên gia cũng lưu ý, quá trình áp dụng pháp luật không tránh khỏi các xung đột ngay chính trong bản thân pháp luật nội dung và giữa các quy định của pháp luật hình thức và các quy tắc do các bên lựa chọn, thỏa thuận áp dụng. Việc lý giải và lựa chọn quy định giải quyết xung đột là điều hết sức quan trọng, quyết định đến nội dung của vụ án, cũng như ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trọng tài nước ngoài hay trọng tài trong nước để giải quyết tranh chấp, điều này đồng nghĩa với khả năng dẫn đến những hệ quả bất lợi cho phía Việt Nam. Do đó, cần thiết sớm xây dựng những quy định mang tính nguyên tắc để giải quyết xung đột pháp luật giữa các hệ thống trong tố tụng trọng tài thương mại./.

Lê Anh