CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG CHƯA THEO KỊP TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

15/09/2022

Tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Xã hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu cho rằng, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, cần có chính sách phát triển thị trường lao động đồng bộ, thống nhất với các chính sách tăng trưởng kinh tế.

 

Năm 2021, 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 41/2021/QH13 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trong đó, các Nghị quyết số 32 và số 43 đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh: đồng thời Nghị quyết số 41 yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng. Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khác phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Xã hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, quán triệt Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành  thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành và cụ thể hóa thành 19 chỉ tiêu, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 73 nhiệm vụ cụ thể  giao các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện.

Đối với việc thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 27-27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5%. Tính chung 6 tháng đầu năm tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 2,93%, giảm 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Ước thực hiện năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%, đạt mục tiêu được mục tiêu đã đề ra.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tính chung 6 tháng đầu năm 2022 tỷ lệ lao động qua đào tạo ước tính khoảng 66,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên đạt khoảng 26,1%. Ước thực hiện năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%, đạt được mục tiêu đã đề ra. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022 giảm khoảng 1% so với cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 90 nghìn người; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã đạt khoảng 37,5-38%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30,6-31%. 6 tháng đầu năm cả nước đưa được 46.578 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 51,8% kế hoạch. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 6 tháng đầu năm đạt 37,5%.  Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm khoảng 30,5%, ước cả năm đạt khoảng 31%, đạt mục tiêu đã đề ra.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Cho ý kiến về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang có tốc độ triển khai nhanh hơn cả. Tuy nhiên, qua đánh giá các dự án chưa triển khai, chưa có đủ cơ sở để khẳng định rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo của năm 2022 như Nghị quyết của Quốc hội đã giao. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, sau đại dịch, đời sống của những người cao tuổi, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước của mình, tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật tại các địa phương đối với người cao tuổi, người khuyết tật, đảm bảo ổn định đời sống của các đối tượng đặc biệt này.

Các thành viên Ủy ban cũng cho rằng, các chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm, thị trường lao động. Chưa kịp thời có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động. Chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn…, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao. Hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu

Một số ý kiến cho rằng, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, người lao động lạm dụng bảo hiểm thất nghiệp, vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn còn nan giải chưa được giải quyết. Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp.

Ngoài ra, các thành viên Ủy ban cũng nêu thực trạng, còn nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Các đại biểu cho rằng, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Hồ Hương