TẠO CƠ CHẾ HỢP TÁC NGHIÊN CỨU HOÀN CHỈNH VỀ HẬU COVID-19

08/01/2023

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đề xuất chuyển tiếp thực hiện một số chính sách, các đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần xem xét, tạo cơ chế để khuyến nghị các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh về hậu COVID-19 làm cơ sở để tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh về hậu COVID-19.

TỔNG THUẬT CHIỀU 07/01: ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 VÀ ĐỀ XUẤT NỘI DUNG ĐƯA VÀO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VIỆC CHUYỂN TIẾP MỘT SỐ CHÍNH SÁCH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận

Theo các đại biểu Quốc hội, đợt dịch lần thứ tư với biến chủng mới rất phức tạp, nguy hiểm trong điều kiện nguồn vaccine còn khó khăn, diện bao phủ vaccine chưa được nhiều đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân cũng như kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 là rất kịp thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19.

Nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30/2021/QH15, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, tại thời điểm đó, dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng Delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, số ca nhiễm tăng rất là nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000 ca - 5.000 ca/ngày. Thuốc điều trị, phác đồ điều trị chưa có, vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ, nhân lực y tế cũng quá tải…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ làm ngày, làm đêm để kịp thời đưa vào nội dung Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV với những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Và, cùng với Nghị quyết 30/2021/QH15, Quốc hội cũng ban hành 6 nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 nghị quyết để triển khai thực hiện quy định tại Nghị quyết 30, đồng hành với Chính phủ thực hiện công cuộc này.

Thực tiễn 3 năm triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng cho thấy rõ việc tiếp tục thực hiện những quyết sách đúng đắn, kịp thời quy định tại Nghị quyết 30/2021/QH15 là vô cùng cần thiết, nhằm giải quyết dứt điểm khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó trong bối cảnh mới, giai đoạn mới, các đại biểu Quốc hội  kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu để nâng các quy định đúng đắn về phòng, chống dịch tại Nghị quyết 30/2021/QH15 thành luật, qua đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, pháp luật có liên quan đến hoàn thiện hơn hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế về phòng, chống dịch bệnh cũng như ứng phó với những vấn đề khẩn cấp chưa có tiền lệ, nhất là những đại dịch trong tương lai có thể sẽ xảy ra như dịch COVID-19; tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Theo đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, hiện nay có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt là bốn bệnh lý thường gặp gồm bệnh ở phổi, tim mạch, di chứng tâm thần và đa số bệnh nhân mắc COVID-19 đều bị suy kiệt. Tuy nhiên, đại biểu cho biết các thông tin này đến nay vẫn chưa được ngành y tế kiểm chứng về tính xác thực. Đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo cơ chế để khuyến nghị các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh về hậu COVID-19.

Đại biểu nêu rõ, Chính phủ xem xét tạo cơ chế để khuyến nghị các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh mang tính quy mô về hậu COVID-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như mức độ và thời gian của triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài bao lâu, để có kết quả công bố chính thức về các bệnh liên quan đến hậu COVID-19, làm cơ sở để Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh về hậu COVID-19.

Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương. Cơ sở phân cấp rõ ràng, không giới hạn người dân đến điều trị các bệnh về hậu COVID-19 theo chế độ bảo hiểm y tế, đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh và điều trị kịp thời các bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính chuyển biến nhanh.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng

Sau khi có kết quả nghiên cứu của các chuyên gia ngành y, kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác truyền thông, xem đây là kênh chính thống công bố chính thức về các bệnh liên quan đến hậu COVID-19. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan công bố danh mục thuốc điều trị hoặc hỗ trợ sức khỏe hậu COVID-19, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị hoặc hỗ trợ sức khỏe hậu COVID-19 nhằm đảm bảo đúng quy định bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh đất nước dần thích nghi với bình thường mới, những triệu chứng hậu COVID-19 hay COVID-19 kéo dài với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm đa số. Vấn đề này rất cần ngành y tế nước ta sớm vào cuộc, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm bởi vì sức khỏe và sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết, đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh.

Giải trình về vấn đề giải quyết hậu COVID, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây là một vấn đề kể cả thế giới cũng rất quan tâm. Bởi vì COVID-19 xảy ra kéo theo rất nhiều các triệu chứng liên quan tới các bệnh khác. Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã ban hành các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đối với người bị nhiễm sau COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời điểm này Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư đưa bệnh COVID-19 trở thành một bệnh nghề nghiệp để hưởng bảo hiểm xã hội. Từ đó, sẽ giải quyết vấn đề về mặt chuyên môn cũng như về chế độ đối với những người bị nhiễm COVID và giải quyết hậu COVID.

Hiện Việt Nam có gần 11 triệu người đã nhiễm COVID-19, với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm đa số. Để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng lao động này cũng chính là đảm bảo nguồn lực con người phát triển đất nước, đòi hỏi các ngành, các cấp đều cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân phục hồi hậu COVID-19./.

Bảo Yến