NHIỀU ĐBQH GÓP Ý VỀ QUY ĐỊNH ĐIỂM VÀ TRỪ ĐIỂM CỦA GIẤY PHÉP LÁI XE

22/05/2024

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là quy định điểm của giấy phép lái xe. Các ý kiến cho rằng, đây là quy định mới và lần đầu tiên được đề xuất trong dự thảo Luật lần này. Việc quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và rất cần thiết nhằm nâng cao quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đồng thời là biện pháp có tính giáo dục, răn đe, giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 22/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHIÊN TOÀN THỂ VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội góp ý về quy định điểm của giấy phép lái xe được quy định tại Điều 58 của dự thảo Luật. Các ý kiến cho rằng, đây là quy định mới và lần đầu tiên được đề xuất trong dự thảo Luật lần này. Việc quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và rất cần thiết.

Quy định mới trong dự thảo Luật lần này

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nhận thấy, Điều 58 quy định về điểm của giấy phép lái xe là một quy định mới trong dự thảo Luật lần này nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe, hiện nay một số nước cũng đang quy định theo hướng này.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu nhận thấy, hiện nay khi bị tước giấy phép lái xe có thời hạn thì người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, do đó tác động không nhỏ đến đời sống hằng ngày của người dân như hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Yến Nhi cho rằng, việc trừ điểm giấy phép lái xe tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như quy định trong dự thảo Luật mang tính nhân văn. Khi giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe vẫn được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông cũng như việc làm, sinh kế đời sống của người dân. Vì vậy, đại biểu thống nhất với quy định này, vì vừa mang tính nhân văn, vừa đảm bảo được yêu cầu trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều này quy định “trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm”. Theo đại biểu Yến Nhi, việc này nên giao cho Bộ Giao thông vận tải, vì theo quy định tại khoản 8 Điều 60 và khoản 7 Điều 61 của dự thảo Luật, Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp giấy phép lái xe nên việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì nên giao cho Bộ Giao thông vận tải quy định.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần phải xem xét lại quy định tại khoản 3 Điều này, bởi lẽ Thông tư số 12/2017 ngày 15/4/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Tổng cục Đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ tổ chức, quản lý công tác xác lập giấy phép lái xe. Do đó, đề nghị cân nhắc đánh giá tác động và tính đồng bộ của việc phân cấp, phân quyền trong quản lý lĩnh vực giao thông đường bộ.

Biện pháp quản lý Nhà nước vừa có tính giáo dục, răn đe

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Trần Thị Vân nhận thấy, dự thảo Luật mới nhất đã được tiếp thu và bổ sung 5 điều mới. Quan tâm đến Điều 58, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, việc quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và rất cần thiết.

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao và còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người. Nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật, trong khi công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế. Bên cạnh đó, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch cấp giấy phép chưa thực sự chặt chẽ, các quy định còn nhiều điểm chưa phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, đơn cử như Nghị định 100/2019 của Chính phủ. “Việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện một cách thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, gây lãng phí”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, hệ thống điểm phạt đã được quốc tế áp dụng cách đây 50 năm như Mỹ, Đức, New Zealand (từ những năm 1974), sau đó được triển khai tại các nước như Úc, Đan Mạch, Pháp và Anh (năm 1988), sau đó là hầu hết tất cả các nước châu Âu. Các nước trong khu vực gần với Việt Nam như Singapore, Nhật Bản, Philippines hay Trung Quốc cũng đều áp dụng quy định này và được áp dụng rất hiệu quả.

Từ vấn đề nêu trên, đại biểu Trần Thị Vân nhận thấy, điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật là biện pháp quản lý Nhà nước vừa có tính giáo dục, răn đe. Mỗi khi bị trừ điểm như tiếng chuông cảnh báo giúp lái xe chú ý hơn, cẩn thận hơn, chấp hành tốt hơn, ngoài ra giúp cơ quan nhà nước quản lý được người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó vừa nâng cao quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, vừa nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Nhấn mạnh điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là một quy định mới và lần đầu tiên được đề xuất trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, để đảm bảo khi Luật thông qua được triển khai có hiệu quả, đề nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm và trừ bao nhiêu điểm cụ thể đối với từng lỗi vi phạm.

“Về thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm phải đảm bảo đơn giản, phù hợp, tránh phiền hà cho người dân theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống dữ liệu. Theo đó, người lái xe sẽ nhận được thông báo trừ điểm của cơ quan xử phạt, hệ thống dữ liệu sẽ tự động trừ điểm hoặc phục hồi điểm sau 1 năm, điều này sẽ không phát sinh tiêu cực, không chồng chéo với các hình thức xử phạt hành chính khác do không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm”, đại biểu Trần Thị Vân phân tích thêm.

Vì vậy, đại biểu khẳng định, đây là giải pháp quản lý công khai, minh bạch, hiện đại, quản lý được cả quá trình chấp hành pháp luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ và hướng tới xây dựng được thói quen, văn hóa tham gia giao thông thay vì tình trạng chấp hành giao thông một cách đối phó như hiện nay.

Băn khoăn trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Góp ý về quy định này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhận thấy, dự thảo Luật chưa quy định rõ trong trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe sẽ còn hiệu lực hay không. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa khoản 2 Điều 58 như sau: “2. Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe hết hiệu lực và sẽ bị thu hồi.”

Đồng thời, đại biểu cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều 58 của dự thảo chưa phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 61 của dự thảo “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp giấy phép lái xe…” và khoản 5 Điều 62 “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, trình tự, thủ tục về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe…”. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo xem xét để đảm bảo tính thống nhất trong việc quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình áp dụng.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đề cập về khoản 2, Điều 58 quy định “người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì bị trừ điểm giấy phép lái xe”, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhận thấy, có 2 vấn đề cần phải làm rõ, bổ sung thêm.

Thứ nhất, đây là biện pháp xử phạt hành chính hay là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, đây là biện pháp bổ sung và nếu như vậy thì cần bổ sung vào khoản 2 theo hướng quy định thêm là “người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính về hành vi đó và kèm theo bị trừ điểm giấy phép lái xe”.

Thứ hai, trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, theo quy định tại khoản 4 là phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 2 điểm. Do đó, tương tự với băn khoăn của đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đại biểu Tô Văn Tám nêu rõ, trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì giấy phép lái xe này có còn hiệu lực nữa hay không? Vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần phải quy định theo hướng: Nếu bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe đó hết hiệu lực và khi được phục hồi đủ 2 điểm thì có hiệu lực trở lại. Quy định như vậy sẽ rõ ràng hơn./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác