SỬA ĐỔI LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG: BẢO ĐẢM TÍNH MINH BẠCH, NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ HIỆU QUẢ CỦA HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ THUẾ

07/08/2024

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, tuy nhiên các ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần giải trình, thuyết minh rõ hơn về các chính sách nhằm bảo đảm tính minh bạch, nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.

RÀ SOÁT KỸ, ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC QUY ĐỊNH VỀ THUẾ SUẤT VÀ THỦ TỤC HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, Tờ trình đã xác định mục đích sửa đổi mang tính định hướng chung cho dự án Luật nhưng chưa thật bám sát các mục tiêu cụ thể của Chiến lược cải cách thuế đối với Luật Thuế giá trị gia tăng. Một số định hướng cụ thể trong Chiến lược cải cách thuế liên quan đến thuế giá trị gia tăng chưa được triển khai như định hướng bao quát, mở rộng cơ sở thu; nhóm hàng hoá chịu thuế suất 5% chưa được thu hẹp đáng kể, chưa cho thấy quyết tâm tiến tới lộ trình áp dụng một mức thuế suất; một số mục tiêu, định hướng quan trọng của Chiến lược chưa được thể hiện đầy đủ, nhất là các nội dung về định hướng tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất, thực hiện tăng thuế suất theo lộ trình. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần giải trình, thuyết minh rõ hơn về các chính sách nhằm bảo đảm tính minh bạch, nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế; bám sát các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tiến tới chính sách thuế thống nhất, công khai

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành ban hành năm 2008, qua 15 năm thi hành đến nay đã có nhiều quy định không theo kịp với lại xu hướng phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém nên việc sửa đổi là cần thiết.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật lần này cần đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước quản lý nợ công, Nghị quyết số 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia vay và trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 508 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, v.v..

Đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính, các thủ tục quản lý thuế, tiến tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo đảm môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện nay.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh 

Tán thành cao sự cần thiết sửa đổi luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu rõ, trong lần sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này, chúng ta phải thiết kế các nội dung, các điều khoản phù hợp với thực tiễn hiện nay; đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, đủ nội dung, trách nhiệm; rõ về quy định. Có như vậy mới tránh được tình trạng lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp, không ràng buộc các điều kiện vô lý, gây phiền hà, khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính thuộc diện hoàn thuế giá trị gia tăng. Phải đơn giản hóa các thủ tục nộp thuế, hồ sơ nộp thuế, những thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để hướng tới sự hài lòng của người nộp thuế. Cơ quan quản lý thuế cũng hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu không đáng có.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra một thực tế, đối với các văn bản liên quan đến thuế giá trị gia tăng, hiện nay nhiều văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo và nhiều khi khó thực hiện, không có cách hiểu thống nhất v.v... Do đó, nhiều cử tri cũng kiến nghị sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này phải hạn chế đến mức tối đa những văn bản hướng dẫn không cần thiết. Chính vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm đến việc quy định rõ ràng các nội dung ngay trong dự thảo luật, cố gắng tránh các trường hợp phải giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành hữu quan hướng dẫn.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh 

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về lĩnh vực này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị rà soát lại, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý về chính sách kinh tế, trong đó có các quy định về Luật Quản lý doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Hải quan để các quy định chặt chẽ và liên thông, không tồn tại các khe hở để các đối tượng trục lợi.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cơ quan thuế, hải quan cần làm tốt công tác kiểm soát, thanh tra trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Liên quan đến cơ quan thuế, cần phải tăng cường kiểm tra rủi ro cao về thuế và hoạt động thông quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt phải giám sát chặt chẽ thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chế tài hành chính, hình sự đủ mạnh để răn đe đối với các vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm về thuế, khai gian, khai khống trong hoạt động xuất nhập khẩu, trốn thuế.

Rà soát kỹ các quy định về việc miễn thuế giá trị gia tăng

Nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế, các đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định về việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Đối với vấn đề này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc miễn thuế này dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế. Trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này, tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ 

Quan tâm về nội dung này, đại biểu Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc miễn thuế này cần phải phân biệt ra các trường hợp. Đối với trường hợp kinh doanh như hiện nay phát triển thương mại điện tử thì vẫn phải thu thuế, nhưng đối với trường hợp như hành lý mang theo của những người xuất nhập cảnh nếu chúng ta lại thu thuế giá trị gia tăng thì rất lắt nhắt. Do đó, đề nghị phải nghiên cứu phân biệt các loại đối tượng. Nếu trường hợp mua bán qua chuyển phát nhanh mà không liên quan đến thủ tục phiền hà chúng ta vẫn phải thực hiện yêu cầu các đơn vị kê khai nộp thuế thì sẽ đảm bảo công bằng. Còn đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thì chúng ta cần phân biệt để miễn thuế đối với hành lý mang theo, như vậy sẽ đảm bảo tránh những phiền hà và phù hợp hơn.

Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhận định vấn đề này cần phải xem xét rất kỹ vì bây giờ những hàng hóa này giá trị không nhỏ nữa mà tổng thu rất lớn. Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính, ngân sách, tính trung bình một tháng, qua các giao dịch, qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki giá trị hàng hóa lên tới 1,3 - 1,9 tỷ USD. Như vậy đây là con số quá lớn. Nếu chúng ta không thu thuế các giao dịch qua các sàn điện tử này thì chúng ta thất thu một nguồn thuế rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Cùng bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, hiện nay sự bùng nổ của khoa học, công nghệ, thương mại điện tử xuyên biên giới có xu hướng đang tăng rất nhanh, theo báo cáo của Chính phủ số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính, viễn thông tại thời điểm tháng 3/2023 có trung bình đến từ 4 -5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100 đến 300 ngàn đồng và hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 65 triệu USD. Do đó, nếu chúng ta quy định miễn thuế thì sẽ bị trục lợi về chính sách, vì vậy đề nghị Chính phủ phải có đánh giá kỹ về nội dung này để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng lần này cần bổ sung các chính sách khuyến khích những lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế xanh thân thiện môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực tái chế, kinh tế tuần hoàn, khuyến khích người mua sử dụng các vật liệu này.

Hồ Hương

Các bài viết khác