GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT (SỬA ĐỔI) ĐỐI VỚI NGÀNH ĐỒ UỐNG

08/08/2024

Sáng 8/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống. Theo đó, các doanh nghiệp, chuyên gia đã phân tích rõ tình hình phát triển ngành Đồ uống hiện nay cũng như đưa ra các giải pháp cho lộ trình tăng thuế…

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự kiến, các văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Toàn cảnh Hội thảo

Điều đáng chú ý trong việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt TTĐB (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, trong dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

Có thể dùng thuế TTĐB như công cụ điều tiết, khuyến khích đổi mới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã đề cập những tác động và đưa ra các giải pháp khi Bộ Tài chính đề xuất áp dụng áp thuế TTĐB đối với rượu, bia, đồ uống có đường.

Các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia tham dự Hội thảo

Là đối tượng doanh nghiệp chịu tác động của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Công ty Heineken Việt Nam khẳng định: Ở Việt Nam, Chính phủ đã nhấn mạnh giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ đã có nhiều gói giải pháp để hỗ trợ đồng hành cùng doanh nhiệp, vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế.

Trong giai đoạn qua, các yếu tố chi phí đầu vào đã tăng đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics do các mâu thuẫn về địa chính trị trên toàn cầu.  Ước tính vào năm 2026, với phương án 2 khi tăng thuế suất thêm 15% quy định hiện hành, giá sản phẩm tăng 20%. Công ty Heineken có sự sụt giảm sản lượng 26% dẫn đến giảm 37% số thuế đóng góp cho Nhà nước trong năm 2023 so với năm 2022. Như vậy, tăng thuế TTĐB sẽ không đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách.

Theo bà Trần Ngọc Ánh, tác dụng ảnh hưởng của đồ uống có cồn là do độ cồn trong sản phẩm. Vì vậy, có thể dùng thuế TTĐB như công cụ điều tiết, khuyến khích đổi mới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Thiết thực nhất là có quy định cụ thể về mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại đồ uống có nồng độ cồn khác nhau.

Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Công ty Heineken Việt Nam

Các quốc gia khác cũng đều khuyến cáo như thế, đặc biệt là thuế rượu lúc nào cũng cao hơn thuế bia bởi mức độ tác hại lớn hơn. Điều này cũng thống nhất với các quy định hiện hành trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Luật Quảng cáo thì bia đã được chia thành 3 nhóm có nồng độ cồn lần lượt là dưới 5,5 độ, từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và trên 15 độ. Vì vậy, bà Trần Ngọc Ánh kiến nghị: Mức thuế 65% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống và tăng dần theo các mức nồng độ cồn khác.

Đưa ra quan điểm về nội dung trên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, theo số liệu được Oxford Economic đưa ra, ngành bia đóng góp 555 USD vào GDP toàn cầu, tạo ra 23 triệu công ăn việc làm và đóng góp 66 tỉ đô la tiền thuế cho các chính phủ trên toàn thế giới trong năm 2019.

Còn theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương trực thuộc Bộ Công thương, mặc dù ngành Bia chỉ chiếm khoảng 3% lao động, nhưng đang tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán, cứ 1 công việc trực tiếp tại nhà máy tạo ra khoảng trên 50 công việc gián tiếp trong chuỗi cung ứng phụ trợ.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Trước những đề xuất tăng thuế cao cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, trong điều kiện doanh nghiệp còn khó khăn, các cơ quan cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế và người tiêu dùng.

Cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp và khả thi

Đứng ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ (TS) Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh: Ngoài khó khăn chung và chịu tác động của kinh tế thế giới, doanh nghiệp ngành đồ uống đang đối mặt với những khó khăn như: Không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn; Dịch Covid-19 và các biện pháp hành chính về tránh tụ tập, đóng cửa các cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi - giải trí…kéo dài; Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý hành chính vi phạm nồng độ cồn; Chi phí, giá nguyên vật liệu chính tăng từ 15-40%; Tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia khá phức tạp; Lối sống, hành vi tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi DN ngành phải thích ứng.

Tác động của dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có thể tăng thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận daonh nghiệp. Qua đó giảm thu thuế VAT và thuế Thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.

TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

Tăng thuế đối với đồ uống có đường chưa chắc đã giúp giảm tỷ lệ các căn bệnh béo phí, tim mạch,…(vì có nhiều nguyên nhân khác); qua đó không giúp giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước hỗ trợ y tế. Cách tăng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường chưa chắc đã tác động đến đúng đối tượng cần điều chỉnh hành vi và việc “chuyển dịch” sang nước giải khát khác sẽ tăng, có thể làm tăng béo phì, tim mạch ở góc độ khác;

Ngoài ra, việc tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp NSNN lâu dài; tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, dịch vụ ăn uống... Ngoài ra, dự thảo Luật còn mang tính cào bằng đối với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau; khó điều tiết hành vi tiêu dùng…

Với những bất cập nêu trên, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm: Cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cho rằng, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi. Việc làm này tránh hiện tượng “khó chồng khó”, nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn… Việc áp thuế suất nên theo nồng độ cồn, hàm lượng đường, tránh cào bằng. Phương pháp tính thuế nên xem xét cả phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp thay vì chỉ tính thuế tương đối.

Bên cạnh nhiệm vụ trên, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, các cơ quan cần tính toán đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái – hàng giả; nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và doanh nghiệp; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương… Ngoài ra, cần tăng chi ngân sách cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ về lối sống lành mạnh, dinh dưỡng cân bằng, thể dục thể thao...

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế

Nghiên cứu về đồ uống có cồn, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia Kinh tế cho rằng: Hiện nay, thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn chỉ thu được ở khu vực chính thức, còn thất thu ở khu vực sản xuất kinh doanh phi chính thức. Thuế hiện nay đang bỏ ngỏ những cơ sở sản xuất chưa đăng ký; người dùng mua dễ dàng mua rượu bất hợp pháp với giá cạnh tranh. Rượu hợp pháp chịu thuế suất cao, còn rượu bất hợp pháp không chịu thuế, Dù bán giá rất thấp so với rượu hợp pháp, song lợi nhuận vẫn rất cao.

Với bất cập trên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Bộ Tài chính cần tính toán cụ thể tác động của tăng thuế TTĐB rượu bia đối với ngân sách, phải tính đúng, tính đủ toàn bộ các nguồn thu ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, cần đảm bảo công bằng xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.

Dự thảo cần đánh đánh giá toàn diện vai trò, thực trạng hoạt động của ngành rượu và bia; tác động cụ thể, thấu đáo  của từng đề xuất, để lựa chọn hướng đề xuất phù hợp nhất với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế và doanh nghiệp. Cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý để đạt được các mục tiêu. Trong bối cảnh ngành rượu bia đang gặp khó khăn kép, không tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân

PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất xem xét lùi lộ trình tăng thuế  TTĐB. Theo đó, cơ quan quản lý  bắt đầu tăng từ 2027. Tăng 5% cách nhau 2 năm và dừng lại 80%, để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trong ngành phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. Bên cạnh đó là rà soát lại công tác thực thi pháp luật về quản lý rượu bia phi chính thức. Ngoài thuế, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với rượu bia.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế của VCCI

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đối với dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cách nhìn tổng quan về chính sách thuế cũng như nên thực hiện đánh giá tác động đối với việc áp thuế TTĐB với ngành Đồ uống.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật TTĐB (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp, hiệp hội trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, việc lấy ý kiến của các các đối tượng này là rất cần thiết. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia, sẽ được tập hợp đầy đủ để gửi ban soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống

Các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia tham dự Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục Trưởng, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường

Bà Bùi Thị Việt Lâm - Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách 

Ông Đỗ Thái Vương - Trưởng Tiểu ban Nước giải khát (Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam)

Ông Trần Hậu Cường - Giám đốc Công ty cổ phần Rượu và nước giải khát Hà Nội 

Bà Nguyễn Thanh Thùy Linh, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Phụng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam./.

Bích Lan- Nghĩa Đức

Các bài viết khác