UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

13/08/2024

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Phiên họp chuyên đề pháp luật vào chiều 13/8, các thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất với 10 nội dung lớn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Luật trình tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách vào cuối tháng 8 này. Trong đó cần lưu ý rà soát thêm các nội dung để giải trình thuyết phục, thấu đáo hơn, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, nhất là vấn đề tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Toàn cảnh Phiên họp

Mở đầu Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các đại biểu dự họp nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Đã có 137 lượt đại biểu tham gia ý kiến tại Tổ, 33 lượt ý kiến tham gia tại Hội trường, 07 lượt đại biểu tranh luận, 04 đại biểu có ý kiến bằng văn bản.

Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục với cơ quan chủ trì soạn thảo là TANDTC, các bộ, ngành có liên quan; đã tổ chức 02 Tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng để hoàn thiện dự thảo Luật. Hồ sơ dự thảo Luật trình UBTVQH rất đầy đủ với 05 loại tài liệu gồm hơn 300 trang.

Dự thảo Luật trình UBTVQH đã được các cơ quan thống nhất nhiều nội dung; bám sát 06 nhóm chính sách đã được TANDTC trình Quốc hội thông qua. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH và các đại biểu dự họp tham gia ý kiến đối với 10 vấn đề lớn mà Thường trực Ủy ban Tư pháp báo cáo xin ý kiến UBTVQH, nhất là góp ý về vấn đề còn ý kiến khác nhau là tách vụ án có NCTN phạm tội (Điều 136 của dự thảo Luật).

Cơ bản thống nhất với các vấn đề lớn của dự thảo Luật

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Qua thảo luận, UBTVQH và các đại biểu dự họp về cơ bản thống nhất với 10 nội dung lớn của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, thống nhất với các nội dung lớn của dự thảo Luật gồm: về phạm vi điều chỉnh của Luật (bao gồm cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự) (Điều 1); về biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 51); về các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng (Điều 38); về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 52); về hình phạt với người chưa thành niên phạm tội (Điều 108); về mức phạt tù có thời hạn (Điều 112); về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 114); về sự tham gia của người làm công tác xã hội (Điều 32 và Điều 143); về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam (Điều 155).

Các ý kiến cũng đánh giá cao Ủy ban Tư pháp phối hợp chặt chẽ với TANDTC trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp NCTN. Hồ sơ, tài liệu dự thảo Luật đượ chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, công phu.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần lưu ý thêm một số vấn đề để tiếp tục rà soát như về mức phát tù có thời hạn, về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, về áp dụng bồi thường thiệt hại, về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam… Đáng chú ý, các ý kiến tham gia góp ý về tách vụ án có NCTN phạm tội được quy định tại Điều 136 của dự thảo Luật. Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, Thường trực Ủy ban Tư pháp đưa ra 2 loại ý kiến về nội dung này:

- Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành quy định phải tách vụ án đối với NCTN để giải quyết riêng; đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án. Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo Luật; đồng thời không tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo; không làm phát sinh các mâu thuẫn với BLTTHS.

- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với NCTN để giải quyết. Phương án này tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định.

Quan tâm đến nội dung này, các ý kiến UBTVQH đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng nội dung này và có giải trình thuyết phục khi đưa ra lựa chọn loại ý kiến thứ nhất hoặc loại ý kiến thứ hai, quy định làm sao để đảm bảo hệ thống tư pháp thân thiện, tránh tùy nghi khi tách vụ án đối với NCTN phạm tội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Cũng tại Phiên họp, Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với TANDTC. Trên cơ sở 47 nội dung cụ thể, Ủy ban Tư pháp đã chọn ra 10 vấn đề lớn của dự thảo Luật Tư pháp NCTN rất chính xác, thuyết phục, rõ ràng và phản ánh được khách quan ý kiến của ĐBQH, trong đó có 9 vấn đề đã đạt được đồng thuận giữa các cơ quan. Đồng thời Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ một số nội dung UBTVQH quan tâm về tách vụ án NCTN phạm tội, về điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng…; tiếp thu ý kiến ĐBQH về vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạt nhiều tội, về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam…

Khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật để trình tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định cho biết, qua thời gian làm việc sôi nổi, trách nhiệm cao, UBTVQH đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Tư pháp, TANDTC và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tư pháp NCTN. Các tài liệu được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; bám sát cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng, trọng tâm là Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”; quán triệt nghiêm túc Kết luận của UBTVQH; bám sát 06 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

“Như UBTVQH đã kết luận về dự án Luật Tư pháp NCTN, đây là dự án Luật mới thể hiện tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu được thông qua thì đây là điểm nhấn tốt của Quốc hội khóa XV. Việc tiếp thu, giải trình đã bảo đảm đúng nguyên tắc. Các ý kiến ĐBQH đều được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thấu đáo”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Tư pháp đã trình Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 47 nội dung cụ thể, trong đó tập trung vào 10 nội dung lớn và cơ bản các cơ quan đều thống nhất ý kiến. Riêng đối với vấn đề tách vụ án có NCTN phạm tội (Điều 136), Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH trước đây đã thống nhất nên tách vụ án và đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cũng nhất trí như vậy. “Nếu không tách vụ án thì không thể rút ngắn thời hạn và không thân thiện”. Do dó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, tại Phiên họp này, cơ bản UBTVQH thống nhất tách vụ án có NCTN phạm tội để đảm bảo các chính sách mới được thực hiện, thống nhất ý kiến của các cơ quan tố tụng (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát).

Cơ bản UBTVQH thống nhất với 10 nội dung lớn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị trong quá trình báo cáo Quốc hội cần lưu ý thêm cách sử dụng các từ ngữ để giải thích thuyết phục hơn. Ví dụ như cần làm rõ hơn về áp dụng pháp luật, giải thích rõ hơn Điều 112, Điều 114…

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Phiên họp

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, dự thảo Luật quy định cả 03 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần gắn thẩm quyền của các cơ quan trong việc xem xét thủ tục tố tụng, kiểm soát trình tự tố tụng; đồng thời nghiên cứu thêm vấn đề bồi thường thiệt hại để đảm bảo tính thiết thực, khả thi.

Liên quan điều kiện cơ sở vật chất của trại giam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị lấy thêm ý kiến của Chính phủ để Chính phủ bố trí kinh phí thực hiện, với tinh thần UBTVQH đồng ý phấn đấu có trại giam riêng, trước mắt ở đâu có điều kiện thì ở đó đầu tư trại giam riêng.

UBTVQH cũng giao Ủy ban Tư pháp tiếp tục tổng hợp, phối hợp với TANDTC hoàn chỉnh Hồ sơ để trình tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách vào cuối tháng 8 này, đồng thời lấy ý kiến chính thức của Chính phủ, TANDTC, sau Hội nghị này thì tiếp tục hoàn chỉnh để trình UBTVQH, gửi tài liệu cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn ĐBQH để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Các đại biểu dự Phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tham gia góp ý về mức phạt tù có thời hạn (Điều 112); về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 114)...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng góp ý về vấn đề tách vụ án có NCTN phạm tội được quy định tại Điều 136 của dự thảo Luật

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Quang Dũng giải trình thêm về vấn đề tách vụ án có NCTN phạm tội 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số nội dung lớn mà UBTVQH quan tâm

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục tổng hợp, phối hợp với TANDTC hoàn chỉnh Hồ sơ để trình tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách vào cuối tháng 8 này./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác