KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

14/08/2024

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng đây là dự án Luật rất quan trọng, có tác động tới đời sống, kinh tế, xã hội cũng như tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp… do đó cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác PCCC và CNCH vừa qua.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Sáng 14/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

Khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác PCCC và CNCH

Ngày 19/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và ngày 27/6 thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với 124 lượt ý kiến đại biểu phát biểu. Sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. So với dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo luật sau khi được chỉnh lý có 61 điều, giảm 4 điều, bổ sung một số điều và đồng thời chỉnh lý ở hầu hết các điều.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã nỗ lực, khẩn trương tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nhấn mạnh đây là dự án Luật rất quan trọng, có tác động tới đời sống, kinh tế, xã hội cũng như tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp… do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác PCCC và CNCH vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo.

Để Luật PCCC và CNCH có chất lượng và đảm bảo khi có hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7, quán triệt nghiêm túc, Luật hóa các Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, việc xây dựng và ban hành dự án Luật PCCC và CHCN có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân

“Đây là một trong những lĩnh vực có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người dân, sự an toàn của các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Việc ban hành luật sẽ góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều quy định thể hiện theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo Kết luận số 02. Tuy nhiên, tại Kết luận số 02 cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, nhất là việc tự kiểm tra của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền; rà soát để thể hiện rõ hơn việc giao Chính phủ quy định về thẩm quyền thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Đề nghị quy định chi tiết về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng

Về phòng cháy đối với nhà ở, dự thảo Luật đã tách nội dung này thành 02 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn... Tuy nhiên, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra các quy định vẫn còn chung chung, khó khả thi đối với cơ quan thực thi pháp luật và người dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng: “Chúng ta quy định là có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo động rò rỉ khí cháy, khí độc theo quy định. Vấn đề là ai quy định thế này thì không rõ. Thứ hai, các nhà mặt phố đều có sự kết hợp đối với kinh doanh, đây là loại hình hiện nay rất phổ biến, đặc biệt ở các đô thị. Nếu không quy định cụ thể thì cũng nên giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Công an quy định”.

Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng bày tỏ sự quan tâm đến tính phức tạp trong phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, nên có quy định chi tiết về phương thức và phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà cao tầng, bởi đây là khu vực tập trung rất đông người, địa hình cao nên các phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn phải triển khai sẽ phức tạp, khó khăn hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng cần bổ sung quy định liên quan vấn đề phòng cháy, chữa cháy ở chung cư cao tầng. “Trong khi trực thăng chữa cháy chưa có, thang chữa cháy cũng chỉ đến tầng 20, cần có yêu cầu khác với những chung cư mới xây dựng để phòng ngừa trong trường hợp sự cố xảy ra, còn khi sự cố xảy ra thì rất khó khắc phục”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung Phiên họp.

Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng với cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, giải trình, thuyết phục trên tinh thần không bỏ sót bất cứ một ý kiến nào. Tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để bao quát đầy đủ, tương thích và thống nhất với các nội dung được điều chỉnh trong các dự thảo Luật khác; nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng đã thể chế hóa vào dự thảo Luật, nhất là Chỉ thị 47, Kết luận 02. Nghiên cứu kỹ tính khả thi đối với các quy định về hoạt động thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, điều kiện bảo đảm an toàn, phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại hình cơ sở, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm thuận lợi./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật PCCC và CNCH.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Lãnh đạo các Bộ, ngành dự phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp.

Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác