Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Luật hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hoạt động giám sát vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát
Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới (tháng 10/2024).
Quan tâm đến dự thảo Luật, các đại biểu và chuyên gia đồng tình với việc bổ sung các quy định về điều hòa hoạt động giám sát vào dự thảo Luật. Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung Điều 36a “Điều hòa hoạt động giám sát khi xây dựng kế hoạch giám sát” sau Điều 36; bổ sung Điều 36b “Phương thức điều hòa hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề, hoạt động giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” vào sau Điều 36a; bổ sung Điều 36c “Thực hiện điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan” sau Điều 36b; bổ sung Điều 36d “Điều hòa hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” vào sau Điều 36c.
Các ý kiến cho rằng, việc bổ sung các điều luật từ Điều 36a đến Điều 36d để thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội tại Kết luận 843 về điều hoà, phối hợp hoạt động giám sát thuộc về công tác thi hành pháp luật, không phải là nội dung về hoàn thiện pháp luật, chính sách, cơ chế. Cụ thể, tại tiểu mục 2.2 mục 2 Kết luận yêu cầu “Phát huy hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo hướng chủ động, thống nhất, trách trùng lặp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, phát huy được hiệu quả hoạt động giám sát.”
Dự thảo Luật đã bổ sung các điều luật (từ Điều 36a đến Điều 36d) quy định mang tính nguyên tắc về các nội dung liên quan đến điều hoà, phối hợp hoạt động giám sát, đây là cơ sở để các văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Các đại biểu và chuyên gia nhận thấy, việc bổ sung mới các Điều này để luật hoá một số quy định có liên quan về điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của UBTVQH đang được quy định tại Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ban hành quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Quy định rõ tập trung giám sát việc thực hiện pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH của các các cơ quan ở Trung ương
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường đánh giá cao quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND theo hướng cụ thể, rõ ràng để bảo đảm việc hiểu, thực hiện và áp dụng pháp luật được thuận lợi, thống nhất trong cả nước.
Đề cập về thẩm quyền của UBTVQH điều hòa hoạt động giám sát (gồm các Điều 36a, 36b, 36c), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, những quy định này rất quan trọng, bảo đảm để các cơ quan của Quốc hội thực hiện có hiệu quả chương trình hoạt động giám sát của mình nhưng không cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát (khoản 3 Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND). Việc dự thảo Luật đưa ra nhiều quy định cụ thể về trình tự, cách làm, thời gian, thời hạn, số lượng tối đa, tối thiểu… là sự cố gắng đáng ghi nhận.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường
Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, những quy định đó khó bảo đảm tính khả thi nếu chủ thể, đối tượng, phạm vi chịu sự giám sát của các cơ quan của Quốc hội vẫn quy định rộng như hiện nay trải đều từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Mặt khác, nếu UBTVQH can thiệp quá mức vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ làm mất đi tính chất độc lập, chủ động của các cơ quan này.
Theo quan điểm của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này cần có bước đi mạnh mẽ theo quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn...” và quy định của pháp luật: “Hiệu quả giám sát của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội”.
Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường đề nghị nên chăng quy định rõ Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần tập trung giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH của các các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Trung ương, chỉ tiến hành khảo sát tại địa phương nếu xét thấy thật cần thiết.
Việc giới hạn phạm vi, đối tượng giám sát của các cơ quan của Quốc hội sẽ giảm áp lực cho UBTVQH trong việc điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại địa phương; khắc phục tình trạng trong một thời gian ngắn một địa phương phải đón và làm việc với nhiều đoàn giám sát; bảo đảm Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có nhiều thời gian đi sâu giám sát việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật đã quy định cho các chủ thể ở Trung ương theo lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó có việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là khâu yếu mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu thời gian vật chất để thực hiện.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, việc cập nhật thông tin từ địa phương, cơ sở phục vụ cho hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong điều kiện hiện tại có rất nhiều kênh: kênh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kênh giám sát của Đoàn ĐBQH, ĐBQH, kênh giám sát của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND, kênh tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của ĐBQH, đại biểu HĐND, kênh báo chí Trung ương và địa phương.v.v. và cơ chế phối hợp giám sát giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với các Đoàn ĐBQH.
Làm rõ phương thức điều hòa hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề, của HĐND cấp tỉnh
Góp ý vào dự thảo Luật, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Tp.Hà Nội Duy Hoàng Dương đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu để bổ sung đưa vào quy định của Luật, cụ thể là:
Thứ nhất: Nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn các quy định về sự liên thông, mối quan hệ trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố với hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố, việc lựa chọn hình thức giám sát, nội dung giám sát, đối tượng giám sát trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch giám sát để tránh trùng lặp về nội dung đối tượng trong cùng một năm giám sát, trong đó cần lưu ý hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, thành phố.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương
Thứ hai: Nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật. Trưởng Ban Pháp chế HĐND Tp.Hà Nội Duy Hoàng Dương nhận thấy, hiện nay nội dung này chưa có trong quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên tại khoản 4 Điều 17 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh là “Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn”.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND Tp.Hà Nội Duy Hoàng Dương đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn và chỉnh lý tại Khoản 2 Điều 36b của dự thảo Luật quy định về phương thức điều hòa hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề, hoạt động giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Hiện nay trong dự thảo quy định là “đối với thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, trong 01 tháng có không quá 03 Đoàn công tác đến làm việc và lịch làm việc không trùng nhau”.
Vì vậy, đề nghị cân nhắc việc quy định riêng cho 3 địa phương TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng trên cơ sở các yếu tố đặc thù nào khác với các địa phương khác. Hoặc ngoài 3 đơn vị này thì còn đơn vị nào nữa không? Do vậy, cần nghiên cứu có thể không quy định riêng với 3 địa phương này.
Bổ sung quy định cụ thể trong điều hoạt động giám sát để bảo đảm tính liên thông
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình
Tham gia đóng góp ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình đề nghị bổ sung quy định cụ thể trong điều hoà hoạt động giám sát để bảo đảm tính liên thông, mối quan hệ trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh với hoạt động giám sát của HĐND; hạn chế tối đa việc bỏ trống hoặc trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian, địa điểm của hoạt động giám sát nói chung và giám sát chuyên đề nói riêng.
Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang có hiệu lực, HĐND cấp tỉnh/cấp huyện không phải là cơ quan cấp trên trực tiếp của HĐND cấp huyện/cấp xã. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh/cấp huyện trong giám sát hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND cấp huyện/cấp xã trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
PGS. TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước - Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Để hoàn thiện dự thảo Luật liên quan đến việc điều hoà hoạt động giám sát, PGS. TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước - Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung quy định: Điều hòa hoạt động giám sát khi xây dựng kế hoạch giám sát; Thực hiện điều hòa hoạt động của giám sát của các cơ quan; Điều hòa hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND.
Đồng thời PGS. TS Trương Hồ Hải cho rằng, một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa cụ thể, chi tiết, dẫn đến việc được triển khai thực hiện khó khăn, chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng chủ thể chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không kịp thời, không đầy đủ trách nhiệm của mình theo nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát. Thiếu quy định cụ thể về hậu giám sát, dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát còn chưa thực sự quyết liệt, nên một số tồn tại, bất cập phát hiện qua hoạt động giám sát chậm được giải quyết… Do đó, PGS. TS Trương Hồ Hải đề nghị những nội dung này cần phải được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện trong dự thảo Luật lần này./.