Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

29/08/2024

Chiều 29/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Hội thảo. Theo đó, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào việc phát triển công nghệ số; tận dụng công nghệ hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ số…

Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với một số đơn vị

Khảo sát thực tế phục vụ thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Toàn cảnh Hội thảo

Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp công nghệ thông tin; thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ và đồng bộ với các dự án Luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho thực thi, áp dụng.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng bám sát 2 nhóm chính sách: Hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về chính sách, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghệ số; tận dụng công nghệ vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ số và một số nội dung liên quan khác.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đóng góp ý kiến vào thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghệ số, bà Nguyễn Phương Ly - Giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam khẳng định: Dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo cho thấy những góc nhìn mới và quyết liệt hơn trong cách tiếp cận phát triển công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi vượt trội hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, chính sách cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực với rất nhiều cơ hội này.

Theo bà Nguyễn Phương Ly, đối với một ngành công nghiệp đang có nhiều biến động không ngừng cũng như có tính cạnh tranh cao trên quốc tế cũng như trong khu vực như công nghệ số, việc Nhà nước đưa ra những chính sách ưu đãi vượt trội cho nhà đầu tư là rất quan trọng và dự thảo Luật cũng đã bước đầu đưa ra những đề xuất vượt trội này so với các ưu đãi đầu tư hiện hành. Tuy nhiên, để có thể mang tính cạnh tranh hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài thì việc có ưu đãi hấp dẫn chưa đủ, mà cần phải có cơ chế thu hút đầu tư mang tính chiến lược và hiệu quả. Đây là điều mà nhiều quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới đều đã thực hiện và thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại điểm 2.h, Điều 39 trong dự án Luật có đề cập đến việc “hình thành mạng lưới đại diện công nghiệp công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài.” Tuy nhiên, dự án Luật hiện nay chưa nêu bật được vai trò của cơ quan đầu tư nước ngoài trong việc thu hút đầu tư cũng như những cơ chế cần thực hiện hoặc thay đổi để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài ở một lĩnh vực mang tính chiến lược như công nghệ số.

Bà Nguyễn Phương Ly - Giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam

Bà Nguyễn Phương Ly cho rằng, nên hành lập bộ phận phụ trách đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm mục đích trở thành đầu mối chính làm việc với nhà đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ cung cấp thông tin về ngành, chính sách cũng như các ưu đãi của Chính phủ, giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, cũng như là cầu nối giữa nhà đầu tư và địa phương.

Đối với những thị trường được xác định là trọng điểm trong việc thu hút nhà đầu tư về công nghiệp công nghệ số, bà Nguyễn Phương Ly kiến nghị có đại diện xúc tiến đầu tư phụ trách chuyên môn tại thị trường này để tích cực tham gia vào việc tiếp xúc với nhà đầu tư. Cơ chế đãi ngộ, xây dựng năng lực cho đội ngũ này sẽ được nghiên cứu và bổ sung trong các hướng dẫn chi tiết.

Tận dụng công nghệ vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ số

Đề cập về tận dụng công nghệ điện toán đám mây vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ số trở nên linh hoạt hơn và đổi mới nhanh hơn, bà Nguyễn Thị Thư - Phó Trưởng ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nêu quan điểm: Các cơ sở dữ liệu khác nhau được mô tả trong hệ thống thông tin quốc gia và cơ sở dữ liệu công nghiệp công nghệ số có thể được bổ sung bằng cách phân tích dữ liệu nâng cao, dịch vụ quản lý dữ liệu và các công nghệ mới nhất khác (như máy học và trí tuệ nhân tạo) từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Điều này sẽ giúp làm cho các cơ sở dữ liệu này linh hoạt, tạo ra nhiều điểm dữ liệu hữu ích hơn.

Bà Nguyễn Thị Thư - Phó Trưởng ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham)

Ngoài ra, năng lực của các khu công nghệ số có thể được bổ sung bằng các công nghệ mới nhất từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, giúp các tổ chức trong các khu công nghệ số này trở nên linh hoạt hơn và đổi mới nhanh hơn. Do đó, bà Nguyễn Thị Thư khuyến nghị ứng dụng điện toán đám mây trong các hoạt động của ngành.

Liên quan đến nội dung trên, bà Nguyễn Huyền Minh, Luật sư cấp cao, Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN khẳng định: Luật Công nghiệp công nghệ số đóng vai trò làm khung pháp lý định hình ngành công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn khi ngày càng có nhiều công nghệ mới xuất hiện, có tác động đáng kể đến cuộc sống của người dân Việt Nam nói riêng và con người trên toàn cầu nói chung.

Bà Nguyễn Huyền Minh - Luật sư cấp cao, Công ty Luật TNHH Quốc  tế BMVN

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Luật Công nghiệp công nghệ số để xác định các hệ thống trí tuệ nhân tạo không rủi ro cao hiện không thống nhất và đang đi ngược lại với các tiêu chuẩn quản lý trí tuệ nhân tạo đã tồn tại và đang được áp dụng trên thế giới. Để phù hợp với sự phát triển của công nghệ trong tương lai, Ban soạn thảo dự án Luật cân nhắc không nên điều chỉnh các công nghệ một cách cụ thể (ví dụ công nghệ trí tuệ nhân tạo) mà nên tập trung vào quản lý việc sử dụng các công nghệ đó.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cảm ơn những ý kiến đóng góp ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp đối với dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Những ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu tối đa, tổng hợp và tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn chỉnh dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn điều hành Hội thảo

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn 

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN 

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Bà Nguyễn Lan Phương - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Hội Truyền thông số Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Đặng Thanh Sơn - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH DNA Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Lam - Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông

Luật sư Trần Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty Luật quốc tế BMVN (liên minh với Baker McKenzie)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu kết luận Hội thảo./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác