Có chính sách thu hút vào ngành, nghề khó tuyển sinh mà xã hội có nhu cầu

15/11/2024

Từ thực tế đào tạo, Trường Cao đẳng Hàng Hải I kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề đòi hỏi chất lượng cao; có chính sách để thu hút người học vào các ngành, nghề khó tuyển sinh mà xã hội có nhu cầu, đặc biệt là ngành đóng tàu.

Tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên

Sáng 15/11, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc Trường Cao đẳng Hàng hải I, thuộc Cục hàng Hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc Trường Cao đẳng Hàng hải I sáng 15/11

Thành lập năm 1972, đến nay, Trường Cao đẳng Hàng hải I đã trải qua 52 năm xây dựng và phát triển với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đa ngành nghề theo chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế đối với ngành hàng hải, dịch vụ cảng biển và logistics.

Trường được Bộ Giao thông Vận tải xếp loại Hạng 1; được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) công nhận, xếp hạng trong danh sách các cơ sở đào tạo huấn luyện Hàng hải được công nhận trên toàn thế giới và được Tổng cục giáo dục nghề nghiệp lựa chọn trong danh sách 70 trường được đầu tư trọng điểm thành trường cao đẳng chất lượng cao vào năm 2025.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa chủ trì cuộc làm việc

Theo Hiệu trưởng Lưu Việt Hùng, từ năm 2018 đến nay, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư, nâng cấp rất nhiều, đặc biệt đối với các nghề phục vụ chiến lược biển, nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực hành của người học và tiệm cận trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trường được tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đánh giá cao, có vai trò quan trọng duy trì Việt Nam trong Danh sách trắng của IMO, đồng thời được Đại sứ quán Nhật, Australia đánh giá rất cao và được chọn là trung tâm để thực hiện các dự án chuyển giao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung và logistics nói riêng.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải I Lưu Việt Hùng báo cáo Đoàn giám sát

Đáng chú ý, công tác tuyển sinh nhà trường tăng dần hàng năm, nhất là 3 năm trở lại đây. Kết quả tuyển sinh năm 2024 của Trường đứng trong tốp đầu của thành phố Hải Phòng và Bộ Giao thông Vận tải. “Năm 2024, nhà trường đã phải từ chối rất nhiều nhu cầu người học do vượt năng lực tổ chức đào tạo”, Hiệu trưởng Lưu Việt Hùng cho biết.

Trung bình 90% người học có việc làm sau tốt nghiệp đối với các nghề trọng điểm. Rất nhiều sinh viên có việc làm bán thời gian ngay từ khi chưa tốt nghiệp và được doanh nghiệp nhận ngay sau khi tốt nghiệp với thu nhập cao.

ĐBQH Dương Minh Ánh, thành viên Đoàn giám sát, tìm hiểu về hoạt động của Hội đồng trường; căn cứ mở rộng quy mô và mở mã ngành đào tạo...

Sự tham gia của doanh nghiệp ngày càng tích cực theo hướng đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp luôn đồng hành với nhà trường trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo: chỉnh sửa chương trình, xác định nhu cầu, hỗ trợ cơ sở vật chất, tiếp nhận giáo viên, học sinh, sinh viên thực hành, đánh giá người học, tài trợ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, trao học bổng và tiếp nhận người học sau tốt nghiệp…

Tuy vậy, Hiệu trưởng Lưu Việt Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, sự tham gia của doanh nghiệp đối với giáo dục nghề nghiệp chưa phổ biến, phụ thuộc nhiều vào tác động của từng trường. Doanh nghiệp chưa thực sự mở cửa trong việc tham gia xây dựng chương trình đào tạo, cũng như tiếp nhận học sinh sinh viên đến thực hành, thực tập.

Bên cạnh đó, việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được phép giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông nên việc đáp ứng nhu cầu học văn hóa của học sinh sau THCS vào học nghề gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập (trường cao đẳng trong trường đại học)…

Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân chia sẻ tâm tư khi ngành đóng tàu hiện nay chưa được sự quan tâm đúng mức

Trường Cao đẳng Hàng hải I đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề đòi hỏi chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với phân bố nguồn nhân lực theo vùng và nhu cầu doanh nghiệp. Phê duyệt đầu tư có trọng điểm cho một số trường đào tạo nguồn nhân lực theo các nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế, trường chất lượng cao.

Có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào công tác tuyển sinh và đào tạo nghề; có chính sách để thu hút người học vào các ngành, nghề khó tuyển sinh mà xã hội có nhu cầu. “Đặc biệt là ngành đóng tàu, nhu cầu hiện nay rất lớn. Một số doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, cam kết học xong đi làm lương cao, nhưng vẫn không tuyển được người học”, ông Lưu Việt Hùng thông tin.

Với thành phố Hải Phòng, Trường Cao đẳng Hàng hải I mong muốn thành phố tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động theo từng cấp trình độ của doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố; hỗ trợ nhà trường tiếp cận doanh nghiệp để tăng số lượng doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập…

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Cao đẳng Hàng hải I Vũ Thị Hải Vân giải đáp những vấn đề Đoàn giám sát đặt ra

Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhà trường trong công tác tuyển sinh. Điều này khẳng định uy tín và thương hiệu của Trường Cao đẳng Hàng hải I trong bối cảnh áp lực cạnh tranh lớn; đồng thời càng ý nghĩa khi nhà trường định hướng phát triển thành trường cao đẳng chất lượng cao.

Đoàn giám cũng chia sẻ với những khó khăn, trăn trở của nhà trường trong đào tạo một số ngành, nghề đặc thù; mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy thế mạnh, đóng góp vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa chúc nhà trường giữ vững truyền thống; chúc các thầy cô giáo luôn tràn đầy nhiệt huyết và thành công trong sự nghiệp đào tạo của mình.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác