UBTVQH giám sát về việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Bắt đầu từ Hà Giang

14/07/2010

Điểm đến đầu tiên của Đoàn giám sát của UBTVQH về việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một tỉnh miền núi phía Bắc - Hà Giang.

So với các địa phương khác thì số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài của Hà Giang không nhiều.  Là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc với trên 85% dân số là người dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 21,52%, từ năm 2003 đến tháng 5.2010 toàn tỉnh chưa đến ba nghìn người đi xuất khẩu lao động. Nhưng tại điểm đến đầu tiên của giám sát chuyên đề này, Đoàn giám sát của UBTVQH muốn tìm hiểu thực tế triển khai xuất khẩu lao động tại 6 huyện nghèo của tỉnh; đồng thời xuống tận xã Bạch Đích, huyện Yên Minh để khảo sát về: cách thức giới thiệu, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài; các khoản thu mà người lao động và doanh nghiệp phải nộp; trình độ học vấn, tay nghề và hoàn cảnh gia đình của người lao động trước khi họ đi làm việc ở nước ngoài; tình hình thu nhập và đời sống của những gia đình và bản thân của người đi lao động xuất khẩu và sau khi họ về nước; quan hệ của doanh nghiệp xuất khẩu lao động với địa phương; việc thực hiện chế độ báo cáo của xã với cơ quan quản lý cấp trên về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 Hà Giang có 6 huyện nghèo nằm trong diện thụ hưởng Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ. Triển khai thực hiện Đề án từ đầu tháng 5.2010, đã có 229 lao động thuộc 6 huyện nghèo đã qua vòng sơ tuyển, về Hà Nội học nghề, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi lao động xuất khẩu. Kết quả khảo sát, giám sát tại địa phương cho thấy, Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020 đã được triển khai xuống cơ sở. Tổng kinh phí mà Chính phủ đầu tư thực hiện đề án này 4,715 tỷ đồng cùng các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tối ưu cho người đi lao động xuất khẩu. Đề án hướng tới những đối tượng là người lao động cư trú dài hạn tại 61 huyện nghèo, nhằm nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững. Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Trưởng đoàn giám sát Trương Thị Mai nhận định, Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động là cơ hội tốt cho người lao động ở các vùng nghèo đi xuất khẩu lao động. Tạo điều kiện cho người lao động, chính sách rất cởi mở, vấn đề là triển khai vào thực tế, người lao động có đi xuất khẩu lao động được hay không?

Làm việc với UBND tỉnh Hà Giang, Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực đáng kể của địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2006 đến tháng 6.2010, UBND tỉnh đã ra văn bản chấp thuận cho 38 doanh nghiệp được phép tuyên truyền và tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh. Đây là những doanh nghiệp đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép chuyên đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời UBND tỉnh cũng ra văn bản chấm dứt hoạt động sơ tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đối với 22 doanh nghiệp. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cũng đã cho 2.053 lượt hộ nghèo vay vốn đi xuất khẩu lao động với mức bình quân 19 triệu đồng/ hộ. Toàn tỉnh có 2.818 lao động đi xuất khẩu lao động. Tính trung bình mỗi người lao động ở Malaysia gửi về gia đình được 2,7 triệu đồng/tháng; lao động tại Đài Loan gửi về gia đình được 4,5 triệu đồìng/tháng; lao động tại Hàn Quốc gửi về được 14 triệu đồng/tháng... Ước tính từ năm 2006 - 5.2010 lao động của tỉnh làm việc ở nước ngoài đã gửi về trên 139 tỷ đồng.

Theo quan điểm của Đoàn giám sát, chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong nhiều chính sách pháp luật về kinh tế. Do đó, các địa phương cần lưu ý rằng, không phải đưa người lao động đi xuất khẩu bằng mọi giá mà phải đi có điều kiện - điều kiện dành cho người lao động. Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có lợi ích thực sự, người lao động phải có việc làm ổn định và thu nhập phù hợp với công sức của người lao động. Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng phải được bảo đảm về điều kiện an toàn lao động. Từ giám sát tại Hà Giang, Đoàn giám sát yêu cầu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các địa phương cần phối hợp đẩy mạnh giáo dục nhằm nâng cao mặt bằng trình độ văn hóa, tay nghề cho lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng được nhu cầu lao động của những thị trường tốt và tiềm năng. Đây là cách để góp phần tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Đồng ý rằng, ngay tức khắc trong ngày một, ngày hai, thậm chí là trong một năm, các địa phương khó có thể nâng cao trình độ văn hóa và nghề nghiệp cho người lao động. Nhưng có giải pháp trước mắt để lao động của các tỉnh miền núi nói chung và Hà Giang nói riêng có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động tốt - là địa phương phải hướng đến nguồn nhân lực có trình độ cao hơn, để đáp ứng được yêu cầu của những thị trường tốt hơn. Giải pháp này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân người lao động mà còn có tác dụng kích thích và là động lực cho thanh niên, lao động trẻ hiện chưa đáp ứng được điều kiện về trình độ để họ phấn đấu hoàn thành các chương trình Trung học phổ thông, đào tạo nghề, trung cấp... để có thể đi xuất khẩu lao động sang những thị trường tốt và tiềm năng như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này để mang lại lợi ích cho chính bản thân người lao động và gia đình người lao động; giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực trong nước và mang lại lợi ích cho đất nước; đồng thời xây dựng hình ảnh lao động của Việt Nam tại các thị trường quốc tế. Việc này thuộc trách nhiệm của chính bản thân người lao động.

Về phần mình, Đoàn giám sát của UBTVQH cam kết sẽ quan tâm ở tầm vĩ mô, quan tâm đến việc xuất khẩu lao động trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoàn thiện ở tầm vĩ mô, hỗ trợ vốn và các điều kiện khác cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đoàn giám sát cho rằng, không chỉ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng – là thực hiện xong chính sách mà phải quan tâm đến cả hậu chính sách: sử dụng nguồn nhân lực đã đi xuất khẩu lao động này như thế nào sau khi về nước để tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo và để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững?

Hà Giang – chỉ là một trong những địa chỉ và là một trong những đối tượng chịu sự giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đoàn giám sát của UBTVQH sẽ làm việc với nhiều bộ, ngành và địa phương khác nữa để có đủ cơ sở thực tế và lý lẽ nhằm đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác quản lý nhà nước một cách trung thực, khách quan và đúng mực nhất; đưa ra những kiến nghị xác đáng nhất đối với lĩnh vực vừa liên quan đến chính sách kinh tế, vừa liên quan đến an sinh xã hội – đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 

 

Thanh Chi

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)