Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Ngân hàng Nhà nước

06/08/2010

Sáng 4.8, Đoàn giám sát của UBTVQH do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động; chủ trì xây dựng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đối với người lao động thuộc diện chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài; hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách nêu trên.  Cơ chế cho vay, ký quỹ, chuyển tiền đã bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và ít phát sinh vướng mắc trên thực tế. Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần đáng kể làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, mức cho vay đối với người lao động thuộc diện chính sách khoảng từ 20-30 triệu đồng như quy định hiện hành đã hạn chế khả năng đi làm việc tại các nước có thu nhập cao của người lao động. Mặt khác, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong việc phối hợp giám sát và quản lý thu nhập của người lao động để trả nợ các tổ chức tín dụng nên các tổ chức này gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ, nguy cơ rủi ro vốn vay ở mức khá cao.

Đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị rà soát, làm rõ những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách cho vay, mức vay, điều kiện vay... để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là người nghèo, người cận nghèo dễ tiếp cận hơn với các nguồn vốn vay. Sớm đánh giá chất lượng các khoản vay, từ đó nghiên cứu đề xuất biện pháp xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu. Đoàn giám sát cũng lưu ý, từ năm 2011, Chính phủ sẽ ban hành chuẩn nghèo mới nên đối tượng là người lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi sẽ có nhiều thay đổi. Ngân hàng Nhà nước cần chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát các chính sách tín dụng ưu đãi; chủ động dự báo số lượng lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài để đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp và bảo đảm nguồn vốn cho các ngân hàng chính sách xã hội.

 

B.Long

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)