Ủy ban Về các vấn đề xã hội khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại Thanh Hóa

29/01/2013

Ngày 10.12, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, dân số và phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Ngọc Lặc và huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

Đoàn khảo sát đã làm việc với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và trực tiếp tiếp xúc với người dân xã Minh Sơn, Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc; xã Thiệu Long, Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa. Theo báo cáo của địa phương, sau 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) các địa phương đã đạt được kết quả nhất định về huy động số lượng người dân tham gia các loại hình BHYT. Tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân đạt 80 – 85%, cao hơn mức trung bình cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT tại địa phương còn nhiều hạn chế. Cụ thể, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT còn chậm, riêng năm 2012, chỉ phát triển được 5% đối tượng tham gia BHYT. Riêng đối tượng học sinh, sinh viên chỉ huy động tham gia BHYT được khoảng 45%. Nguyên nhân chậm phát triển số lượng người dân tham gia BHYT là do việc thực hiện cấp thẻ còn qua cấp trung gian, các đại diện đoàn thể, chính quyền cấp cơ sở nên chậm tiến độ trong việc rà soát, thống kê các đối tượng để đề nghị cơ quan bảo hiểm cấp thẻ, gây tâm lý ngại khó khăn cho người dân khi tiếp cận mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, việc quản lý quỹ BHYT ở các cơ sở khám chữa bệnh các tuyến còn bất hợp lý, tuyến huyện không thể quản lý được việc khám chữa bệnh theo thẻ BHYT của tuyến tỉnh, trong khi đó, phải chi trả cho cả khám chữa bệnh ngoại tuyến; quỹ bảo hiểm xã hội còn bị thất thoát. Địa phương đề nghị, Nhà nước mở rộng đối tượng chính sách được hỗ trợ BHYT như cho đối tượng là cựu chiến binh chưa được hưởng chính sách BHYT theo các Quyết định 142, 62 của Thủ tướng Chính phủ; tăng mức hỗ trợ cho đối tượng hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên mua thẻ BHYT; xem xét cho đối tượng là người Kinh trong các hộ đồng bào dân tộc được hưởng chính sách hỗ trợ BHYT như đồng bào dân tộc thiểu số...

Đối với việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, qua khảo sát cho thấy, việc triển khai thực hiện luật còn mang tính hình thức, số vụ việc bạo lực gia đình tuy có giảm nhưng số vụ việc vi phạm mang tính nếp sống, hủ tục khó bài trừ; công tác tuyên truyền pháp luật còn hạn chế, kinh phí tổ chức thực hiện còn thiếu, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Đối với công tác dân số, điểm nóng của địa phương là sinh con thứ ba, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh phổ biến, làm mất cân bằng giới tính giữa tỷ lệ bé trai/tỷ lệ bé gái tăng cao nhưng địa phương chưa tìm được biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Công tác dân số gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí cho hoạt động tuyên truyền dân số, phụ cấp cho cán bộ làm công tác dân số thấp.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, dân số và phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của địa phương và sẽ trình QH xem xét trong kỳ họp tới để hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Quang Vũ

(http://www.daibieunhandan.vn)