Giám sát về tình hình đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số theo Luật Đầu tư

07/03/2013

Ngày 4.3, thực hiện chương trình giám sát năm 2013, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tổ chức phiên họp mở rộng để nghe Chính phủ, các bộ, ngành liên quan báo cáo về tình hình đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số theo Luật Đầu tư. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước chủ trì phiên họp.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và có điều kiện đặc biệt khó khăn đã được Luật Đầu tư quy định là một trong những địa bàn được ưu đãi khi đầu tư. Để triển khai quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, trong đó xác định 55 địa bàn ưu đãi đầu tư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cũng ban hành nhiều nghị định, thông tư, quyết định... để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đầu tư tại những địa bàn này. Theo đó, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn được hưởng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm; được miễn thuế trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong quá trình xây dựng dự án đầu tư; và ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu.

Các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn của doanh nghiệp vào địa bàn này đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong đó, việc đầu tư các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nhẹ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng sâu, vùng xa, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do các dự án được đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào khu vực này còn trùng lặp nội dung nên hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương chưa chặt chẽ... Đầu tư nước ngoài vào khu vực này đã tăng trong một số năm gần đây nhưng còn thấp so với cả nước và chưa tương xứng với tiềm năng của địa bàn này. Và từ năm 2010 đến 2012, số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký vào các địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số giảm dần hàng năm.

Thường trực Hội đồng Dân tộc ghi nhận những tác động tích cực của các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Để tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho những địa bàn này, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần tổ chức thực hiện tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; hoàn chỉnh các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành các luật này. Tăng cường việc phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc theo dõi, đánh giá, báo cáo các nội dung liên quan đến việc thu hút vốn đầu tư đối với những địa bàn này, nhất là cần xác định cơ quan chủ trì theo dõi. Tăng cường công tác phối hợp giữa bộ, ngành với các địa phương để kịp thời đề xuất những giải pháp đặc thù cho từng địa bàn, cũng như tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư.

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)