Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc tại Ninh Thuận

17/04/2013

Ngày 16 - 18.4, Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của UBTVQH làm việc tại Ninh Thuận. Đây là địa phương cuối cùng trong đợt khảo sát tại các tỉnh, thành phố và các cơ sở giáo dục của Đoàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, quy hoạch mạng lưới trường lớp của Ninh Thuận nhìn chung bảo đảm nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Tuy nhiên, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, hệ thống trường THCS và THPT còn ít, lại phân bố không đều, nên số lượng học sinh trong một số trường khá đông và chưa thuận tiện cho việc đi lại học tập của các em. Các trường phổ thông trên địa bàn chủ yếu là trường công lập, chỉ có duy nhất một trường ngoài công lập, ở bậc THPT. Có 56/308 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, các trường phổ thông không còn trường học tạm, nhưng phần lớn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng thư viện, phòng đa năng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa phân bố đồng đều giữa các vùng, miền; vẫn tồn tại tình trạng thừa thiếu cục bộ. Nhiều đơn vị trường học, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo cao nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng giáo dục đào tạo của địa phương. Chất lượng học tập của học sinh từ trung bình trở lên đạt 70 - 90%, nhưng vẫn còn học sinh học lực yếu, chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số. Tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban giảm nhưng năm học 2012 - 2013 vẫn còn tới 1,6%.

Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, học sinh vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt học sinh tiểu học, gặp nhiều khó khăn để đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, do hạn chế trong việc tiếp thu tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai. Một số hoạt động giáo dục còn mang nặng tính hình thức, như giáo dục nghề phổ thông, giáo dục kỹ năng sống. Sách giáo khoa các khối lớp có một số bài nội dung kiến thức quá nhiều, chưa sát với thực tiễn Việt Nam...

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, Ninh Thuận đề nghị đổi mới cách kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với phương pháp dạy học. Đặc biệt, cần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp mạnh mẽ hơn, để học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, nếu không tiếp tục học lên cao, có thể đi làm. Công tác bồi dưỡng giáo viên cần được tiến hành thường xuyên hàng năm; nội dung bồi dưỡng phải bảo đảm toàn diện cho các khối lớp để giáo viên được tập huấn như nhau…

Đoàn giám sát ghi nhận những cố gắng của địa phương trong việc dành ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đoàn đề nghị Ninh Thuận tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến sâu hơn về một số vấn đề như: có nên bắt buộc học sinh dân tộc thiểu số học ngoại ngữ không, để các em có thêm thời gian học tiếng Việt; đầu tư dạy văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; chính sách đối với việc cử giáo viên đi bồi dưỡng…

Ng. Anh

(http://www.daibieunhandan.vn/)