Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh đã ban hành văn bản pháp luật để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước một cách kịp thời, bảo đảm cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của mỗi cơ quan đơn vị đã cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, và mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; tách bạch chức năng quản lý nhà nước của tổ chức hành chính với nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp. Từng bước đẩy mạnh, phân cấp quản lý giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố; giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ thẩm quyền, trách nhiệm, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, các cấp…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì tổ chức bộ máy của một số cơ quan đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở một số sở, ngành không ổn định lâu dài, dẫn đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ, biên chế, chính sách, trách nhiệm của cán bộ, công chức gặp nhiều khó khăn; việc tinh giản biên chế còn chậm…
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình
Để nâng cao hiệu quả cải các tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị, Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng tổng thể quy hoạch bộ máy nhà nước từ Chính phủ đến các cấp chính quyền địa phương bảo đảm đồng bộ, ổn định. Chính phủ phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết chế độ, chính sách, tinh giản biên chế đối với các đối tượng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 108/2015/NĐ - CP của Chính phủ, phê duyệt Đề án vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp công lập…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Trần Văn Túy đánh giá cao báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, đã bám sát yêu cầu, phản ánh được “bức tranh” tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của địa phương. Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn Trần Văn Túy cũng yêu cầu, Thái Bình cần làm rõ hơn tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý so với công chức chuyên viên ở một số đơn vị. Đồng thời đề nghị, tỉnh Thái Bình cần có giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công ở một số lĩnh vực để thu hút thêm nhiều hơn nguồn lực từ xã hội...