PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: GIÁM SÁT PHẢI MẠNH DẠN CHỈ RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN

03/03/2022

Phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với các Bộ, ngành về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, sáng 02/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ rõ việc chậm trễ của các Bộ trong lập quy hoạch nhưng lại chưa chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và giải pháp khắc phục. Do đó, giám sát cần mạnh dạn chỉ rõ những vấn đề này.

 

Sau ba buổi làm việc với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận các thành viên Đoàn giám sát đã nghiên cứu rất sâu các nội dung, tâm huyết, trăn trở với những vấn đề tồn tại, những vấn đề khó khăn vướng mắc trên thực tiễn kể từ khi Luật Quy hoạch.

Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" làm việc với Bộ Công thương

Qua làm việc với 3 Bộ đều thấy chậm với quy định của Luật và các văn bản liên quan, nhưng vì sao chậm thì cơ bản đổ lỗi cho Luật, chỉ có riêng Bộ Giao thông vận tải có kinh nghiệm là quyết tâm chính trị trước vấn đề khó, làm quyết liệt thì tiến độ triển khai có hơn các cơ quan khác nhưng theo quy định thì vẫn chưa đáp ứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, các cơ quan đều chỉ nguyên nhân là do Luật nhưng phân tích ra thì Luật do ai chủ trì, ai tham mưu. Như vậy là có phần trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan, Bộ, ngành.

Liên quan đến chất lượng và tiến độ lập quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh điều quan trọng là đầu tư cho chất lượng của quy hoạch bởi tiến độ chậm cũng đã chậm rồi. Mặt khác cũng không thể vì lấy lí do chất lượng mà chây ì, kéo dài thời gian thực hiện. Vấn đề này phải được quản trị, kiểm soát, không thể mãi lấy lí do vấn đề quá khó, vì lí do khách quan mà không làm. Nếu không quyết liệt chỉ đạo thì không thể có sản phẩm được. Khi đó cũng không có gì để xem xét bảo đảm chất lượng.

Nhắc lại nhận định được nêu trong báo cáo của các Bộ gửi đến Đoàn giám sát: Việc lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch là vấn đề mới, khó, lại phải đảm bảo tuần tự đồng bộ, tuân thủ theo thứ bậc quy hoạch. Trong khi đó Nghị quyết số 751 cho phép làm song song đồng thời các loại quy hoạch nên khó bảo đảm tính thống nhất, tích hợp, đồng bộ, đầy đủ, các bộ ngành địa phương còn lúng túng.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, có hai Bộ cho rằng đây là tồn tại, hạn chế nhưng không chỉ rõ đâu là tồn tại, đâu là hạn chế. Có những vấn đề tồn tại khách quan còn hạn chế là yếu tố chủ quan nhưng không phân định được rõ ràng như trong báo cáo của Bộ Công thương ra. Do không phân định được rõ tồn tại, hạn chế, không chỉ được nguyên nhân nên cũng không chỉ được trách nhiệm. Đây là vấn đề của cả 3 Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công thương

Chia sẻ với những khó khăn của Bộ Công thương là Bộ quản lý đa ngành nên việc tích hợp quy hoạch là không đơn giản, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng chỉ ra hạn chế khi mà quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển thương mại không thấy đề cập đến trong các nhiệm vụ quy hoạch cụ thể của Bộ Công thương. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, khi mà không có quy hoạch ngành riêng thì việc tích hợp các nội dung này vào quy hoạch tổng thể quốc gia như thế nào, trách nhiệm tham mưu tích hợp thuộc về ai.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, tiến độ lập quy hoạch hiện đã chậm nhưng các Bộ vẫn chưa làm rõ tiến độ thời gian tới như thế nào, liệu có tiếp tục chậm và chất lượng như thế nào.

Cùng với đó là cơ sở dữ liệu cho lập quy hoạch không thống nhất, không đồng bộ, không đầy đủ. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần chuẩn hóa số liệu và mong các Bộ, ngành quan tâm vấn đề này. Thiếu cơ sở dữ liệu nên rất khó cho việc giám sát. Nhấn mạnh, giám sát của Quốc hội là vẽ lên bức tranh toàn cảnh về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch của Quốc hội về vấn đề quy hoạch, đạt được những gì, hạn chế gì, nguyên nhân do đâu. Do số liệu không chuẩn nên rất khó cho Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát cũng như vẽ được bức tranh về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải xem vấn đề chuẩn hóa dữ liệu là công việc quan trọng, là công việc chủ yếu bởi số liệu là linh hồn của báo cáo. Số liệu không chính xác thì đánh giá, nhận định không chính xác và khi đó đề xuất, kiến nghị chính sách, pháp luật không chính xác, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc bãi bỏ quy hoạch ngành hết hiệu lực để xây dựng chiến lược mới thay thế trên cơ sở tiêu chuẩn và quy chuẩn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết cơ sở pháp lý cho vấn đề này cũng chưa được làm rõ, liệu chiến lược mới có bảo đảm bao quát như quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây không?

Hay vấn đề phối hợp để tích hợp quy hoạch giữa các Bộ, ngành, làm thế nào để tránh tình trạng cát cứ giữa các Bộ hay ở địa phương bởi nếu có cát cứ, cục bộ thì sẽ làm khó cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng là vấn đề được Phó Chủ tịch Quốc hội đặt ra và đề nghị có tính toán về giải pháp.

Nêu rõ, quy trách nhiệm cho tập thể đã khó, cá thể hóa trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân lại càng khó hơn; và trong báo cáo của các Bộ gửi Đoàn giám sát tính đến thời điểm hiện tại đều không làm được điều này. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát phải cương quyết, mạnh dạn thực hiện vấn đề này./.

Bảo Yến

Các bài viết khác