CẦN PHỐI HỢP CHẶT CHẼ TRONG LẬP, THẨM ĐỊNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA, QUY HOẠCH VÙNG, QUY HOẠCH TỈNH

22/03/2022

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ ra rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong lập, thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, tại Quyết định số 203/QĐ-HĐQHQG ngày 26/02/2021, Hội đồng quy hoạch quốc gia đã ban hành Kế hoạch lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phân công phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch tổng thể quốc gia theo phân công tại Nghị quyết số 143/QĐ-NQ ngày 04/10/2020.

Đối với quy hoạch vùng, theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp trong việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch; xem xét, xử lý các vấn đề liên vùng, liên tỉnh nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch.

Theo Bộ Giao thông vận tải, thực hiện quá trình phối hợp, đến nay quy hoạch tổng thể quốc gia đang triển khai nội dung “Các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch tổng thể quốc gia”. Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp, góp ý tại văn bản số 10335/BGTVT-KHĐT ngày 01/10/2021. Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó, việc xây dựng nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia, lấy ý kiến theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ cũng đã tham gia góp ý tại các văn bản số 8640/BGTVT-MT ngày 20/8/2021, số 9495/BGTVT-MT ngày 13/9/2021, số 11723/BGTVT-MT ngày 04/11/2021.

Đồng thời, 06 quy hoạch vùng đã được triển khai, trong đó 05/06 quy hoạch đang lấy ý kiến nhiệm vụ lập quy hoạch và 01/06 quy hoạch (quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long) đã được hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với 05 quy hoạch vùng còn lại, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp, góp ý về nhiệm vụ lập quy hoạch tại nhiều văn bản. Tại thời điểm hiện nay các quy hoạch nêu trên mới được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổ chức lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019.

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ Giao thông Vận tải

Đối với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các văn bản như sau: Văn bản số 11690/BGTVT-KHĐT ngày 15/10/2018 về làm rõ nội dung các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành so với nội dung phát triển giao thông vận tải dự kiến được quy định trong các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị; Văn bản số 7399 BGTVT-KHĐT ngày 08/8/2019 tham gia ý kiến góp ý về Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tỉnh.

Về kết quả đạt được trong việc phối hợp hướng dẫn lập và thẩm định quy hoạch tinh thời kỳ 2021 – 2030, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh/thành phố trong quá trình lập quy hoạch tỉnh bảo đảm đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Tuy nhiên, việc thực hiện lập, thẩm định quy hoạch tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, theo Luật Quy hoạch, ở cấp quốc gia sẽ có quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và ở cấp vùng sẽ có quy hoạch vùng. Các quy hoạch tỉnh được lập trong điều kiện chưa có các quy hoạch nêu trên (trừ lĩnh vực giao thông vận tải) nên việc đánh giá tính hợp lý, khoa học, tính tuần thủ quy hoạch tỉnh với các quy hoạch cấp cao hơn không thể thực hiện được. Đặc biệt do chưa có quy hoạch vùng nên chưa thể đánh giá tính liên kết vùng, các định hướng phân vùng dựa trên các lợi thế so sánh, các công trình dùng chung cho vùng (kết cấu hạ tầng, các trường đại học, khu công nghiệp chuyên biệt) nên các địa phương sẽ khó khăn trong việc xác định vị trí của địa phương trong vùng.

Ngoài ra, do chưa có định hướng các hành lang kinh tế (hành lang trục dọc quốc gia, hành lang biên giới, hành lang kết nối quốc tế, hành lang kết nối với các cảng biển quốc tế, hành lang kết nối vùng trong điểm), dự kiến phân chia các cực tăng trưởng, đặc khu kinh tế, khu vực phát triển đô thị, công nghiệp, khu du lịch quốc gia làm cơ sở cập nhật vào các quy hoạch tỉnh. Đồng thời, đây là lần đầu tiên các quy hoạch tỉnh được triển khai nên chưa thể lường hết được các tình huống xảy ra, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ./.

Hồ Hương

Các bài viết khác