PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH KIÊN GIANG NGUYỄN THANH NHÀN KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI MỞ RỘNG CÁC CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ

27/09/2022

Phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị tiếp tục xác định đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Tổng thuật sáng 27/9: Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Sáng ngày 27/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát, sau thành công của Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 04/11/2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 49 điểm cầu các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Thường trực Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách Trung ương, đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận  cấp tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy, Thanh tra cấp tỉnh,…

Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, thực hiện Kế hoạch số 248/KH-UBTVQH15 ngày 04/8/2022 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản số 6568/VP-TH ngày 22/8/2022 triển khai đến các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự thống nhất và chủ động phối hợp của các đơn vị có liên quan trong việc triển khai các Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, năm 2022, UBND tỉnh Kiên Giang đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát 02 chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”; “Giải quyết khiếu nại, tố cáo…”; ngoài ra một số Ủy ban của Quốc hội tổ chức Đoàn công tác làm việc về chống khai thác IUU, biển đảo,…. Quá trình phối hợp, thực hiện các trình tự, từ việc thông qua  Kế hoạch giám sát làm việc chi tiết, phân công Tổ công tác trực tiếp giám sát, lập đoàn đi khảo sát thực tế, cập nhật báo cáo rà soát tham chiếu với các báo cáo của kiểm toán nhà nước, kết luận thanh tra Chính phủ tại các chuyên đề,.. ; cho thấy quá trình thực hiện Kế hoạch giám sát của đoàn đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều đổi mới so với thông lệ trước đây, quá trình giám sát đã có tác động trực tiếp làm chuyển biến bước đầu cả về nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của lãnh đạo Tỉnh, các đồng chí trưởng các sở, ban, ngành và địa phương cấp huyện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn khẳng định, qua kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật của địa phương. Một số giải pháp, phân công trách nhiệm đã được kịp thời ban hành để khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn công tác chỉ ra.

Tuy nhiên, sau kết quả giám sát của Đoàn Giám sát, Kiên Giang nhận thấy, giai đoạn thực hiện giám sát khá dài, đề cương báo cáo một số chuyên đề tập trung tất cả các lĩnh vực đều có liên quan nhất là chuyên đề “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; kỳ báo báo chuyển giao giữa hai giai đoạn (2016-2020, 2021) chưa đồng bộ với các giai đoạn lập kế hoạch phát triển KTXH; kế hoạch đầu tư công trung hạn; kế hoạch thu chi ngân sách,.. đã hưởng đến tiến độ, chất lượng cũng như nội dung báo cáo của tỉnh, dẫn đến báo cáo phải chỉnh sửa nhiều lần và phải liên tục cập nhật bổ sung, chứng minh tài liệu liên quan.

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát những tháng cuối năm và triển khai chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện xác định đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ hai, mở rộng các chuyên đề giám sát trong các lĩnh vực cụ thể, Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát.

Thứ ba, kế hoạch làm việc và Đề cương báo cáo giám sát và phân nhóm đối tượng là Bộ/ngành, Trung ương; địa phương riêng do quá trình tổ chức thực hiện ở mỗi nơi có đặc điểm, điều kiện đặc thù riêng.

Thứ tư, Kiên Giang đánh giá cao mô hình Tổ công tác của đoàn có tổ chức làm việc trước 01 bước. Tuy nhiên, đề nghị cơ cấu Tổ công tác nên đầy đủ các thành phần có liên quan để đối tượng được giám sát có buổi giải trình, làm rõ hoặc cần thiết đối thoại/trao đổi trực tiếp để làm rõ một số vấn đề còn có quan điểm khác nhau trước khi Đoàn giám sát làm việc/kết luận.

Thứ năm, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là các văn bản ban hành sau, dưới Luật phải kịp thời, tránh chồng chéo, thiếu khả thi và còn tính chất chung chung.

Thứ sáu, đẩy mạnh phân cấp việc giám sát thực hiện các chính sách pháp luật cho Hội đồng nhân dân các cấp./.

Ánh Nguyệt - Phạm Thắng

Các bài viết khác