PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN THỊ MAI HOA: PHẢI XÁC ĐỊNH "ĐÚNG VÀ TRÚNG" NỘI DUNG, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT, CHỈ RÕ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

27/09/2022

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, giám sát phải dựa trên tinh thần xây dựng, xây là căn bản lâu dài, chống là quyết liệt, triệt để; Hoạt động giám sát phải xác định “đúng và trúng” nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát; đánh giá công bằng, khách quan; chỉ rõ địa điểm, trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân; kiến nghị, đề nghị sửa đổi chính sách pháp luật, đồng thời phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng.

Tổng thuật sáng 27/9: Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, thay mặt Thường trực Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ sự nhất trí cao với các kết quả nổi bật, bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 được Tổng thư ký Quốc hội trình bày tại Hội nghị. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được phân công là cơ quan thường trực, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (gọi chung là Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51).

Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa trình bày tham luận về một số điểm mới cần lưu ý trong kế hoạch triển khai giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Thứ nhất, kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 được xây dựng dựa trên việc quán triệt sâu sắc các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về hướng dẫn hoạt động giám sát và đặc biệt là tinh thần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Giám sát phải dựa trên tinh thần xây dựng, xây là căn bản lâu dài, chống là quyết liệt, triệt để. Hoạt động giám sát phải xác định “đúng và trúng” nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát; đánh giá công bằng, khách quan; chỉ rõ địa điểm, trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân; kiến nghị, đề nghị sửa đổi chính sách pháp luật, đồng thời phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng; thúc đẩy khâu tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, với tinh thần đó, Đoàn giám sát hướng tới 2 mục đích lớn: (1) Đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 – 2022, bao gồm: Công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; làm rõ kết quả, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. (2) Đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa trong giai đoạn tiếp theo.

Các hoạt động của Đoàn phải đáp ứng 2 yêu cầu: (1) Bám sát đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan; (2) Chủ động tổ chức hoạt động giám sát theo đúng các quy định của pháp luật; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và đúng tiến độ đã đề ra.

Thứ hai, phạm vi, nội dung, đề cương giám sát của Đoàn được xác định rõ, bám sát Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Thời gian giám sát, đánh giá từ thời điểm Nghị quyết 88/2014/QH13 có hiệu lực (tháng 11/2014) đến hết năm học 2021- 2022 (tháng 6/2022). Về nội dung, Đoàn giám sát 04 vấn đề trọng tâm sau đây: (1) Đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (2) Đánh giá bước đầu kết quả thực hiện Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; bao gồm: về khả năng hoàn thành các mục tiêu, các chủ trương lớn  của Nghị quyết và mức độ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; về sự đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa tương ứng các điều kiện bảo đảm thực hiện (giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học); về nguồn kinh phí và hiệu quả sử dụng kinh phí; về tiến độ, chất lượng triển khai theo lộ trình; (3) Đánh giá kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục; Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức. (4) Những bài học kinh nghiệm rút ra và đề xuất giải pháp, kiến nghị.

Thứ ba, đối tượng giám sát của Đoàn là Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và 6 bộ có liên quan trực tiếp tới triển khai thực hiện Nghị quyết; Chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố; các cơ quan, tổ chức liên quan (các cơ sở giáo dục phổ thông; các nhà xuất bản; các trường đại học, cao đẳng sư phạm,…). Đoàn Giám sát đã xây dựng 12 dự thảo đề cương báo cáo cho từng đối tượng với các yêu cầu về nội dung, mức độ đánh giá khác nhau, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước của từng cơ quan.

Thứ tư, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phương thức giám sát của Đoàn được nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm của các đoàn giám sát trước đây, vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vừa được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, với 10 nội dung cụ thể đã nêu trong dự thảo Kế hoạch. Trong đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đã nêu một số vấn đề mới:

Toàn cảnh Hội nghị

(1) Kế hoạch và các đề cương chi tiết được trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng giữa cơ quan thường trực, các thành viên Đoàn Giám sát với các đối tượng chịu sự giám sát, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Kế hoạch và các đề cương giám sát tiếp tục được gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị hôm nay để xin ý kiến rộng rãi, vừa phát huy tối đa trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất cao trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tập trung tiếp thu, hoàn thiện và ban hành sớm kế hoạch, đề cương chi tiết ngay trong tháng 9/2022 để tạo điều kiện cho các đối tượng giám sát chủ động chuẩn bị.

(2) Các đối tượng chịu sự giám sát được bố trí lượng thời gian phù hợp (3 tháng) để chuẩn bị các nội dung, đồng thời gửi báo cáo về Đoàn giám sát trong tháng 12/2022, sớm hơn so với thông thường. Đồng thời, lùi thời điểm Đoàn giám sát làm việc trực tiếp với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan có liên quan và các địa phương, từ tháng 2-4/2023 (không làm vào cuối năm và dịp Tết); trong đó, làm việc với các quan Trung ương trước (tháng 2-3/2023), làm việc với các địa phương thực hiện sau (tháng 3-4/2023); sau đó làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung báo cáo kết quả giám sát (tháng 4/2023).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định, điều này tạo điều kiện để Đoàn có đủ thời gian tập hợp, tổng hợp, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn kết quả giám sát (từ tháng 1-3/2023). Việc đánh giá dựa trên báo cáo của các đối tượng chịu sự giám sát đóng vai trò quan trọng. Các vấn đề báo cáo chưa nêu rõ hoặc cần tìm hiểu sâu hơn sẽ được Đoàn yêu cầu bổ sung, làm rõ bằng văn bản. Chỉ tổ chức làm việc trực tiếp nếu thấy cần thiết.

(3) Các địa phương được lựa chọn để Đoàn giám sát trực tiếp theo các tiêu chí: có 2 địa phương là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn của cả nước; 6 địa phương đại diện cho các vùng miền ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam; địa bàn kinh tế xã hội thuận lợi hoặc khó khăn; có chất lượng giáo dục tốt hoặc còn hạn chế. Theo đó, có 8 địa phương lựa chọn là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lai Châu, Đắk Nông, Bình Định, Bình Phước, Sóc Trăng. Trên cơ sở đề xuất của Đoàn, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ điều phối chung các địa bàn để tránh trùng lặp; thông báo sớm để các địa phương và thành viên Đoàn chủ động sắp xếp, tổ chức thực hiện.

(4) Việc tổ chức tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về quy mô, đối tượng, tập trung vào làm rõ các nội dung của dự thảo báo cáo của Đoàn Giám sát để bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức; được tổ chức sau khi làm việc với Chính phủ (từ tháng 4-7/2023).

Thứ năm, để đạt hiệu quả giám sát cao nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, Đoàn Giám sát đặc biệt coi trọng công tác phối hợp, nhất là với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ở Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố; các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Đoàn giám sát phối hợp với: (i) Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu độc lập đánh giá dư luận xã hội và kết quả điều tra xã hội học về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (ii) Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến của cư tri trước các kỳ họp Quốc hội có liên quan tới thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 (iii) Viện nghiên cứu lập pháp và các cơ quan nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (iv) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến góp ý, phản biện đối với các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát, góp ý kiến dự thảo Báo cáo kết quả giám sát; (v) Kiểm toán nhà nước báo cáo tổng hợp các kết quả kiểm toán liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát; (vi) Sử dụng kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chuyên môn.

Thứ sáu, chủ đề của Đoàn giám sát được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, các hoạt động giám sát liên quan tới chuyên đề cần đặc biệt chú ý tới công tác tuyên truyền, bảo đảm phản ánh trung thực các hoạt động của Đoàn và kết quả giám sát; giúp cử tri và nhân dân cả nước hiểu đúng về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của hệ thống chính quyền các cấp và ngành giáo dục; tạo sự đồng thuận trong xã hội; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Đoàn Giám sát đã đề ra./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác