ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

22/02/2023

Chiều 22/2, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó trưởng Đoàn giám sát dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình phát biểu tại cuộc làm việc với UBND TP. Đà Nẵng

Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.

Về phía TP. Đà Nẵng có: Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành liên quan.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương chủ động mua sắm hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị máy móc đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch -19, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu; thực hiện bảo quản, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hoá chất, hàng hoá tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục tiêu và chỉ sử dụng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, phần lớn các gói thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phải áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến nhanh, khó lường và phức tạp, các chỉ định chuyên môn thường cấp bách để đáp ứng ngay với yêu cầu kiểm soát dịch; trong khi đó, thông tin về chủng loại hàng hóa còn hạn chế, giá cả trên thị trường biến động, việc tìm các đơn vị cung cấp báo giá, công ty thẩm định giá khó khăn nên việc chủ động, kịp thời lựa chọn hàng hóa phù hợp với giá cả hợp lý gặp nhiều khó khăn và rủi ro. 

Đại diện các sở ban ngành cho biết, theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC, khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất 1 trong 5 loại tài liệu, nhưng trong thực tế đơn vị đang gặp phải các khó khăn khi thực hiện như không nhận được đủ 3 báo giá, các công ty thẩm định giá từ chối thẩm định giá trong lĩnh vực y tế do có nhiều rủi ro, có rất ít loại trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất có giá trúng thầu trong khoảng 30 ngày để các đơn vị tham khảo...

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng

Theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP: “không được mua bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”. Tuy nhiên, giá kê khai hiện tại thay đổi thường xuyên, các đơn vị phải rà soát giá kê khai tại nhiều thời điểm: xây dựng giá dự toán, giá gói thầu, rà soát tại thời điểm đánh giá hồ sơ dự thầu, rà soát giá tại thời điểm thanh toán để đảm bảo không mua sắm cao hơn giá kê khai mới, gây mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Hiện cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể về giá nhập khẩu trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế nên các cơ sở y tế đang rất lúng túng trong việc thực hiện nội dung này.  

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của các Đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu mua sắm phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng tồn tại một số các vi phạm về hành chính trong đấu thầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Sở Y tế. Ngoài ra, Công an thành phố đã công bố vi phạm về công tác mua sắm, sử dụng sinh phẩm xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đã quyết định khởi tố và tạm giam một số cán bộ.

Thực tế tại TP. Đà Nẵng trong giai đoạn 2020-2022, địa phương không sử dụng nguồn kết dư ngân sách để chi phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh do đã cân đối sử dụng từ nguồn tiết kiệm chi, dự toán ngân sách, dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn huy động, đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, Đà Nẵng là một trong những địa phương có văn bản quy phạm pháp luật quy định mức chi đối với các hoạt động y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của thành phố đối với công tác y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở, công tác y tế dự phòng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các biện pháp y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại tuyến y tế cơ sở.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, bất cập là do: cơ chế, chính sách của Nhà nước và địa phương chưa đầy đủ, chậm được đổi mới, chưa có những giải pháp đột phá để thu hút đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, trình độ chuyên khoa sâu thuộc những chuyên ngành mũi nhọn cũng như công tác trong một số lĩnh vực y tế đặc thù. Công tác xã hội hoá y tế mặc dù đã bước đầu được quan tâm nhưng chưa có các giải pháp đột phá đủ mạnh, chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu vùng xa. Cơ chế phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ nên hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe còn chưa được như mong muốn. Mô hình tổ chức của mạng lưới y tế cơ sở những năm qua liên tục biến động, thiếu thống nhất, gây nhiều khó khăn, xáo trộn trong tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn.

Bên cạnh đó là những vướng mắc khách quan như: diễn biến của dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp, mặt khác đây là đại dịch chưa có trong tiền lệ, vì vậy trên thực tế chưa lường được hết các tình huống xảy ra, dẫn đến trong quá trình xây dựng các chính sách đặc thù của địa phương chưa bao phủ được các phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch mà thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các chính sách đặc thù của thành phố để phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Y tế hiện nay chưa ban hành định mức kỹ thuật đối với các hoạt động y tế dự phòng, phòng, chống dịch; gây khó khăn trong việc xây dựng dự toán, thanh quyết toán các chế độ hỗ trợ theo các mức chi đã được quy định tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình thanh, quyết toán chế độ hỗ trợ tại tuyến y tế cơ sở trong công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch còn gặp một số vướng mắc tương tự công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Toàn cảnh cuộc làm việc tại UBND TP. Đà Nẵng

Hiện tại Trung tâm Y tế quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng đảm bảo được nguồn thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, để đáp ứng công tác chuyên môn tại đơn vị và phục vụ cho bệnh nhân; nỗ lực thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế. Đề án Bệnh viện vệ tinh bắt đầu triển khai từ năm 2019. Trong giai đoạn 2022 – 2025, ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, thực hiện đào tạo tại chỗ và cử cán bộ đi tập huấn, đào tạo tại các cơ sở tuyến trên, cả ngắn hạn lẫn dài hạn để thực hiện tốt Đề án mở rộng mạng lưới đơn vị vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật giai đoạn 2023-2025 và đào tạo thực hành theo ekip chuyên môn.

TP. Đà Nẵng kiến nghị với Đoàn giám sát có cơ chế, chính sách quy định của Trung ương liên quan đến cơ chế tài chính riêng cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cơ chế thanh toán từ nguồn bảo hiểm y tế thì địa phương cũng chủ động đề xuất cơ chế đặc thù riêng. Rà soát tổng thể, điều chỉnh, bổ sung các chính sách nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và có chính sách thu hút, giữ chân lực lượng y tế có chất lượng công tác tại tuyến y tế cơ sở và hệ thống y tế dự phòng. Thành phố cũng đề nghị nên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc y tế có định hướng (căn cứ trên năng lực thực tế của y tế cơ sở và nhu cầu của người dân) cho y tế cơ sở, đặc biệt là Trạm Y tế. Có chính sách khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh thông thường, sơ cấp cứu ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo địa phương báo cáo rõ hơn các kết luận thanh tra trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; chế độ đặc thù của địa phương cho y tế cơ sở; việc thu hút đội ngũ bác sỹ về các trung tâm y tế huyện, xã; sự phân công điều hành y tế cơ sở đã thực sự phù hợp với điều kiện địa phương hay chưa; việc quản lý giá trang thiết bị y tế đã có quy định cụ thể chưa, những vấn đề phát sinh liên quan đến việc xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế... 

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình ghi nhận các kiến nghị của địa phương; đề nghị thành phố Đà Nẵng rà soát, bổ sung kiến nghị cụ thể hơn và hoàn chỉnh báo cáo gửi Đoàn giám sát chậm nhất vào ngày 28/2/2023. 

* Tại TP. Đà Nẵng, Đoàn giám sát cũng đã khảo sát thực tế tại Trung tâm Y tế xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)