ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI THUỶ ĐIỆN ĐỒNG NAI 1

06/03/2023

Sáng ngày 06/3, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tổ chức chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thực hiện theo Nghị quyết 582 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI SÁCH GIÁO KHOA

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu tại buổi giám sát

Chương trình giám sát nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Kịp thời tiếp nhận, đề xuất phương án xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kịp thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật về phát triển năng lượng.

Đoàn giám sát do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH làm trưởng đoàn, cùng đi với đoàn có ĐBQH K’Nhiễu, các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, sở Công thương, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh...

Các thành viên đoàn giám sát phát biểu

Dự án thủy điện Đồng Nai 1 được khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2020, quá trình tổ chức thi công xây dựng, dự án đã đưa vào vận hành phát điện thương mại lên hệ thống điện quốc gia từ ngày 20/08/2022.

Nhà máy thủy điện Đồng Nai 1 là kiểu thủy điện đường dẫn, nước từ hồ chứa được dẫn qua kênh dẫn chiều dài 1,03 km vào tua bin phát điện, sau đó ra kênh xả có chiều dài 0,52 km và trả lại nước sông Đồng Nai tại vị trí cách tuyến đập 1,4 km. Nhà máy có 2 tổ máy phát điện, công suất lắp máy mỗi tổ máy là 7,5MW, tua bin kiểu Francis trục đứng. Điện năng phát lên lưới điện 110kV địa phương qua đường dây hai mạch 110kV đấu nối  chiều  dài 5 km.

Đoàn giám sát kiểm tra, khảo sát thực tế thủy điện Đồng Nai 1

Về quy mô đầu tư, là công trình năng lượng, công trình cấp III, công suất lắp máy 15 MW, sản lượng điện thiết kế trung bình nhiều năm 53,61 triệu kWh; Vốn đầu tư: tổng mức đầu tư cho dư án 552 tỷ đồng, vốn tự có 30%, vốn vay ngân hàng thương mại 70%; dự án Thuỷ điện Đồng Nai 1 có tổng diện tích chiếm đất 83,41 ha; trong đó, diện tích chiếm đất có thời hạn là 80,38 ha và diện tích chiếm đất tạm thời là 3,73 ha; không ảnh hưởng đến rừng. Khi tích nước sẽ hình thành nên lòng hồ có diện tích là 71,4 ha.

Từ ngày phát điện thương mại 20/8/2022 đến tháng 2/2023, nhà máy đã sản xuất được 25,790 triệu kWh và doanh thu chưa bao gồm thuế, phí là 31,034 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2023, sản lượng điện sản xuất của nhà máy đạt 53 triệu kWh, tổng danh thu dự kiến khoảng 60 tỷ đồng. Hàng năm nhà máy thủy điện Đồng Nai 1 nộp các loại thuế và phí cho ngân sách địa phương khoảng 15 tỷ đồng. 

Ông Phạm Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng Di Linh (chủ đầu tư Thủy điện) kiến nghị với đoàn giám sát về những khó khăn, vướng mắc như: Để xây dựng một công trình thủy điện phải thực hiện quá nhiều thủ tục, trong đó có thủ tục hành chính, thủ tục của ngành điện (tất cả hàng 100 thủ tục lớn nhỏ trong giai đoạn thực hiện triển khai xây dựng dự án), gây nhiều khó khăn, đồng thời phát sinh nhiều chi phí trong quá trình đầu tư xây dựng; khi thực hiện điều chỉnh một dự án thủy điện, nhất là đối với thủy điện vừa và nhỏ, Bộ Công thương phải lấy ý kiến nhiều bộ và thời gian lấy ý kiến mất nhiều tháng. Việc kéo dài thời gian lấy ý kiến các bộ đã làm khó khăn cho tiến độ thực hiện dự án.

Công ty kiến nghị về thủ tục đánh giá tác động môi trường (DTM) và thủ tục cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt. Đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ, hai thủ tục này nên phân về cho sở Tài nguyên - Môi trường của cấp tỉnh đánh giá, phê duyệt và cấp giấy phép hoạt động điện lực...

Thành viên đoàn giám sát đã đặt câu hỏi, chất vấn về những vấn đề còn bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai đi vào hoạt động, nhất là các nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục cấp phép, tác động môi trường rừng, nước, công tác đền bù sau giải phóng mặt bằng, các giải pháp. Cần có cơ chế ưu đãi để tiếp tục thu hút nhà đầu tư thuỷ điện có thể đầu tư năng lượng mặt trời trên mặt hồ. Chia sẻ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đề nghị quá trình triển khai quan tâm đến quyền lợi của người dân, nhất là trong công tác đền bù, hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Công ty CP năng lượng Di Linh, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 1, lãnh đạo UBND huyện Di Linh và các cơ quan chuyên môn báo cáo giải trình, qua quá trình thảo luận làm rõ những vấn đề có liên quan, Đoàn Giám sát  ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp và các sở, ngành, chính quyền địa phương. Thời gian triển khai dự án Thủy điện Đồng Nai dù diễn ra dịch bệnh Covid-19, bị ảnh hưởng về nhiều mặt như tiến độ, thủ tục đi lại, đền bù giải phóng mặt bằng… tuy nhiên chủ đầu tư đã đưa dự án vào vận hành chỉ hơn 2 năm kể từ ngày khởi công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu từ nghĩa vụ thuế cho ngân sách địa phương.

Về cơ bản, doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về phát triển năng lượng theo đúng các quy định hướng dẫn từ các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong công tác thiết kế, đầu tư xây dựng, đánh giá tác động môi trường và nghiệm thu, vận hành.

Đối với những kiến nghị của doanh nghiệp về cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực phát triển năng lượng như: đơn giản hóa thủ tục hành chính (vì để thực hiện dự án thủy điện có đến hàng trăm thủ tục lớn nhỏ), công tác hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thủ tục cấp phép hoạt động điện lực, thủ tục  mua bán điện…, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ tổng hợp báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời sẽ kiến nghị đến Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới để xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để phát triển các dự án năng lượng một cách đồng bộ, bền vững theo đúng quy định của pháp luật. Đoàn giám sát ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và UBND huyện Di Linh, để tổng hợp và làm việc với UBND tỉnh ngày 16/3 tới đây, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp và địa phương phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ thực hiện công tác phát triển các dự án năng lượng một cách bền vững và đúng quy định của pháp luật.

(Theo Báo Lâm Đồng)