VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ ĐƯỢC HAI ĐOÀN ĐẠI BIỂU NHẤT TRÍ
THÔNG QUA TRONG HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ
THỐNG NHẤT TỔ QUỐC, NGÀY 21-11-1975

I- VỀ CHỦ TRƯƠNG HOÀN THÀNH THỐNG NHẤT
NƯỚC NHÀ

1. Để hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước là then chốt, cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Nó chính thức hóa sự nghiệp thống nhất Tổ quốc ta. Nước Việt Nam phải được thống nhất trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc đã giành được rồi, nay cả nước cùng phải tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nước nhà mới thật sự hoàn thành thống nhất.

2. Để thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, phải tiến hành tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của cả nước Việt Nam, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất.

II- VỀ VIỆC TỔ CHỨC TỔNG TUYỂN CỬ ĐỂ BẦU CỬ
 QUỐC HỘI CHUNG CỦA CẢ NƯỚC

3. Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước sẽ tiến hành cùng một ngày ở cả hai miền, vào một ngày chủ nhật trong tháng 4 năm 1976. Ngày cụ thể sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng quyết định và công bố.

4. Việc bầu cử Quốc hội phải theo nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Việc cụ thể hóa những nguyên tắc đó phù hợp với tình hình của mỗi miền sẽ do cơ quan có trách nhiệm ở mỗi miền quy định.

5. Tổng số đại biểu của Quốc hội không quá 500 người, cứ khoảng 100.000 dân thì được cử 1 đại biểu. Số đại biểu của mỗi miền do Hội đồng bầu cử của miền nghiên cứu, đề nghị và phải được sự đồng ý của Hội đồng bầu cử toàn quốc và được cơ quan chủ trì bầu cử của mỗi miền phê chuẩn. Số đại biểu dân tộc thiểu số của mỗi miền sẽ do cơ quan chủ trì bầu cử của miền quy định.

6. Đơn vị bầu cử là tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Những đơn vị bầu cử nào có nhiều đại biểu thì cơ quan chủ trì bầu cử căn cứ vào đề nghị của tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương mà quyết định chia thành nhiều khu vực bầu cử.

7. Bình Trị Thiên là một đơn vị bầu cử. Đơn vị này một phần ở miền Bắc, một phần ở miền Nam, cho nên sẽ do hai miền cùng phụ trách, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng bầu cử toàn quốc.

8. Ở miền Bắc, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ở miền Nam, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cơ quan chủ trì bầu cử ở mỗi miền có nhiệm vụ:

a) Công bố việc bầu cử và ngày bầu cử trong miền;

b) Quyết định số đại biểu Quốc hội được bầu ở miền;

c) Ấn định và công bố số đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số;

d) Ấn định và công bố danh sách các đơn vị bầu cử, số đại biểu Quốc hội của mỗi đơn vị bầu cử; quyết định việc chia các khu vực bầu cử và số đại biểu của mỗi khu vực do các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị;

đ) Cử đại biểu tham gia Hội đồng bầu cử toàn quốc;

e) Quyết định thành lập Hội đồng bầu cử miền;

g) Quyết định những vấn đề cụ thể khác của việc bầu cử ở miền như đã ghi trong mục 9 của văn kiện này.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mỗi bên sẽ cử 11 người để thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc. Hội đồng này có nhiệm vụ:

a) Hướng dẫn việc tổ chức bầu cử trong cả nước và trực tiếp ở đơn vị Bình Trị Thiên;

b) Giám sát cuộc bỏ phiếu trong phạm vi cả nước;

c) Tổng kết bầu cử:

d) Tuyên bố kết quả tổng tuyển cử;

đ) Cấp giấy chứng nhận cho các đại biểu trúng cử;

e) Báo cáo kết quả bầu cử trước Quốc hội.

Ở mỗi miền, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử sẽ cử ra Hội đồng bầu cử miền để phụ trách việc bầu cử của miền.

Hội đồng bầu cử miền có nhiệm vụ:

a) Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành luật lệ bầu cử đại biểu Quốc hội trong miền;

b) Xét và giải quyết những khiếu nại về công tác bầu cử trong miền;

c) Tiếp nhận và kiểm tra biên bản bầu cử do các đơn vị bầu cử gửi đến, rồi chuyển lên Hội đồng bầu cử toàn quốc.

Ngoài ra, nếu xét thấy cần thiết, cơ quan chủ trì việc bầu cử ở mỗi miền có thể giao cho Hội đồng bầu cử miền những nhiệm vụ cụ thể khác.

9. Ngoài những vấn đề trên đây, những vấn đề khác của việc bầu cử ở mỗi miền sẽ do cơ quan có trách nhiệm ở mỗi miền quy định.

III- VỀ KỲ HỌP ĐẦU TIÊN CỦA QUỐC HỘI

10. Quốc hội sẽ được triệu tập chậm nhất là 60 ngày sau ngày tổng tuyển cử.

11. Người triệu tập và chủ tọa phiên họp đầu tiên của Quốc hội trước khi bầu Đoàn Chủ tịch kỳ họp là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

12. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội sẽ tiến hành ở Hà Nội.

13. Nội dung chủ yếu của kỳ họp đó như sau:

a) Quốc hội bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và thông qua chương trình nghị sự và Nội quy của kỳ họp;

b) Hội đồng bầu cử toàn quốc báo cáo trước Quốc hội về kết quả cuộc tổng tuyển cử trong cả nước và Quốc hội quyết định xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu Quốc hội;

c) Quốc hội nghe báo cáo về vấn đề soạn thảo Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất;

d) Quốc hội quyết định Quy chế làm việc của các cơ quan nhà nước trong khi chưa có Hiến pháp mới;

đ) Quốc hội bầu các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước;

e) Quốc hội quyết định tên nước, Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, Thủ đô, là những vấn đề không thể chờ Hiến pháp mới;

g) Quốc hội cử Ban Dự thảo Hiến pháp và quyết định khi nào Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết về Hiến pháp mới.

IV- VỀ VẤN ĐỀ CÔNG BỐ VÀ PHÊ CHUẨN KẾT QUẢ
HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ

14. Kết quả Hội nghị Hiệp thương chính trị được công bố dưới hình thức "Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị". Thông cáo này được công bố ở hai miền cùng một thời gian.

15. Ở miền Bắc, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong kỳ họp tới sẽ nghe Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và sẽ quyết định việc phê chuẩn kết quả Hội nghị Hiệp thương chính trị. Ở miền Nam, Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sẽ báo cáo kết quả Hội nghị Hiệp thương chính trị trước Hội nghị đại biểu nhân dân miền Nam Việt Nam và Hội nghị này sẽ quyết định phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị.

V- VỀ VIỆC KÝ VÀ QUẢN LÝ CÁC VĂN KIỆN
CỦA HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ

16. Hai trưởng Đoàn đại biểu hai miền, thay mặt cho hai Đoàn, cùng ký vào "Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc" và văn kiện "Những vấn đề đã được hai Đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc".

17. Biên bản của Hội nghị Hiệp thương chính trị do các thư ký của hai Đoàn cùng ký.

18. Hồ sơ của Hội nghị Hiệp thương chính trị gồm các văn kiện chính thức và các văn kiện khác đóng thành hai tập giống nhau và chuyển đến Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Văn phòng Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để quản lý.

 

TM. ĐOÀN ĐẠI BIỂU MIỀN BẮC

Trưởng đoàn

TRƯỜNG CHINH

TM. ĐOÀN ĐẠI BIỂU MIỀN NAM

Trưởng đoàn

PHẠM HÙNG

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.