VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, PHƯƠNG HƯỚNG KHÔI PHỤC
VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ HAI NĂM (1974-1975) VÀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1974

(Do ông Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng trình bày, ngày 04-02-1974)
 

Kính thưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến,

Kính thưa Đoàn chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta đã chuyển sang một thời kỳ mới. Giai cấp công nhân và nhân dân ta phải ra sức hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc phát triển kinh tế trên quy mô lớn trong các năm sau. Đây là một thời kỳ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc vững mạnh về mọi mặt, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

Thay mặt Hội đồng Chính phủ, tôi xin trình bày trước Quốc hội nhiệm vụ, phương hướng và những biện pháp chủ yếu về khôi phục và phát triển kinh tế trong hai năm 1974-1975 và kế hoạch nhà nước năm 1974.

Bản báo cáo này gồm có ba phần:

1. Tình hình khôi phục và phát triển kinh tế trong năm 1973.

2. Nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế trong hai năm 1974-1975 và kế hoạch nhà nước năm 1974.

3. Những biện pháp chủ yếu để bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1974.

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH KHÔI PHỤC
VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG NĂM 1973

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hiệp định Pari về Việt Nam đã đánh dấu thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi rực rỡ của tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương, thắng lợi có tính chất thời đại của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Từ một năm nay, đáng lẽ nhân dân hai miền nước ta đã được sống trong hòa bình, độc lập, dân chủ, hòa giải và hòa hợp dân tộc, cùng nhau phấn đấu xây dựng lại đất nước bị chiến tranh xâm lược tàn phá, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Song, tình hình thực tế không diễn ra như vậy. Hoa Kỳ đã ra sức xúi giục và giúp đỡ chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định, phá hoại ngừng bắn, liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm và các cuộc ném bom, bắn phá vùng kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đẩy mạnh các cuộc hành quân cảnh sát, hành quân “bình định” trong vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát nhằm đàn áp, khủng bố nhân dân, chà đạp thô bạo các quyền tự do dân chủ, không chịu trao trả hết nhân viên dân sự mà họ còn giam giữ.

Đi đôi với những hành động vi phạm và phá hoại có hệ thống nhiều điều khoản trọng yếu của Hiệp định Pari, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã không ngừng vu cáo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tiếp tục đưa ra những lời đe dọa láo xược đối với nhân dân Việt Nam. Hoa Kỳ liên tiếp đưa máy bay trinh sát xâm phạm vùng trời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tìm mọi thủ đoạn lẩn tránh nghĩa vụ của họ đối với việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật đã rõ ràng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn luôn tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh mọi điều khoản của Hiệp định Pari và kiên quyết đòi đối phương cũng phải làm như vậy. Nguyên nhân cơ bản và trực tiếp của tình hình nghiêm trọng hiện nay ở miền Nam Việt Nam chính là việc đế quốc Mỹ bất chấp lời cam kết của họ, vẫn chưa chịu chấm dứt hoàn toàn sự dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, ra sức củng cố chính quyền Sài Gòn làm công cụ tiếp tục chiến tranh, mưu toan từng bước xóa bỏ thực tế ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị, hòng áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, chia cắt lâu dài nước Việt Nam.

Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hậu quả của những hành động chiến tranh phá hoại hòa bình, phá hoại Hiệp định mà chúng đã gây ra.

Trong thời gian qua, mặc dù đã tập trung mọi cố gắng chiến tranh, nhưng Mỹ-Thiệu đã không xoay chuyển được cục diện ở miền Nam Việt Nam. Ngược lại, những hành động phiêu lưu quân sự của chúng đã bị quân và dân miền Nam giáng cho những đòn trừng phạt đích đáng. Ở miền Nam hiện nay, thế và lực của đế quốc Mỹ và tay sai đã suy yếu hơn trước. Thế và lực của cách mạng miền Nam lớn mạnh hơn bao giờ hết không một thế lực phản động nào có thể ngăn cản nổi.

Trong những năm qua, nhân dân Việt Nam đã có đầy đủ quyết tâm và sức mạnh để chiến thắng mọi chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, ngày nay nhân dân Việt Nam càng có đầy đủ quyết tâm và lực lượng để chiến thắng mọi âm mưu, hành động của đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Nhân dân ta rất thiết tha với hòa bình, song chúng ta quyết không dung thứ bất cứ hành động nào của các thế lực phản động, hiếu chiến xâm phạm các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta.

Chúng ta kiên quyết đòi Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn phải tôn trọng triệt để và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam, Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam và Thông cáo chung ngày 13-6-1973. Hoa Kỳ phải chấm dứt triệt để sự dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, phải triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia. Chính quyền Sài Gòn phải triệt để tôn trọng ngừng bắn, chấm dứt ngay mọi cuộc hành quân lấn chiếm đối với vùng do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát, chấm dứt các cuộc hành quân cảnh sát và “bình định”, phải trao trả hết những nhân viên dân sự Việt Nam bị họ bắt và giam giữ; bảo đảm đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng bào và chiến sĩ đã ra sức bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng, bảo vệ hòa bình, đưa cách mạng miền Nam tiến lên những bước vững chắc.

Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhân dân và quân đội ta, từ miền xuôi đến miền núi, trong các xí nghiệp, công trường, cũng như trong các hợp tác xã, mọi người ra sức vươn lên thực hiện những nhiệm vụ mới, lập thành tích mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Sự cố gắng to lớn của miền Bắc trong năm 1973 đã đạt kết quả tốt: thực hiện được một phần quan trọng nhiệm vụ khắc phục những hậu quả trực tiếp của chiến tranh, tạo ra những cơ sở thuận lợi để tiếp tục tiến lên hoàn thành nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế.

Thắng lợi lớn nhất là về giao thông vận tải, trong một thời gian ngắn sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta đã nhanh chóng thông xe trên các tuyến đường chủ yếu, sửa chữa và khôi phục các cầu lớn như Long Biên, Hàm Rồng, Phú Lương, Lai Vu, Hoàng Mai, Việt Trì và nhiều cầu khác. Nhiều cảng biển, cảng sông được nạo vét và hoạt động trở lại. Một phần lớn đường sắt, đường bộ và nhiều công trình ở các ga đầu mối đã được khôi phục.

Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hầu hết các xí nghiệp công nghiệp sơ tán đã trở về chỗ cũ, vừa tranh thủ sửa chữa, khôi phục, vừa đẩy mạnh sản xuất. Đến nay, các xí nghiệp công nghiệp trung ương và địa phương đang từng bước đi vào ổn định.

Trong nông nghiệp, một phần diện tích ruộng bị bom đạn, chủ yếu là ở các tỉnh thuộc khu IV cũ, đã được san lấp. Các hệ thống thủy nông đã hoạt động trở lại. Hầu hết những nông trường, trạm trại giống đã được sửa chữa, khôi phục.

Nhờ có sự cố gắng của Nhà nước và động viên sự giúp đỡ giữa các địa phương, chúng ta đã sửa chữa một phần nhà ở bị hư hại, xây được 6 vạn mét vuông nhà kiên cố và nửa kiên cố, dựng 40 vạn mét vuông nhà tranh tre. Nhân dân cũng đã tự giải quyết một phần khá lớn về tu sửa và xây dựng nhà ở. Các công trình thuộc lợi ích công cộng cũng được tích cực xây dựng: các nhà máy nước ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, v.v., đang được thi công khẩn trương cùng với nhiều đường ống dẫn nước được đặt thêm để sớm phục vụ sản xuất và đời sống.

Ngành Y tế đã tập trung sức sửa chữa và khôi phục giường bệnh, bệnh viện, nhà điều dưỡng. Nhiều đoàn cán bộ y tế về các địa phương để tổ chức việc phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.

Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao đã trở lại hoạt động bình thường. Việc học tập của các cháu được đặc biệt chú ý. Các trường học bị phá hoại được sửa chữa gấp; một số trường lớp được xây dựng thêm. Chỉ trong một thời gian ngắn, năm học mới đã bắt đầu ổn định.

Trong những điều kiện khó khăn, các ngành kinh tế bước đầu có chuyển biến và đạt được những thành tích mới trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1973.

Trong vụ chiêm xuân vừa qua, diện tích lúa đã vượt mức kế hoạch, năng suất và sản lượng đạt mức của những vụ được mùa cao từ trước đến nay. Đến vụ mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài hai tháng đầu vụ, bão, úng xảy ra dồn dập, trên 30 vạn hécta lúa mùa ở đồng bằng Bắc bộ và bắc khu IV cũ bị ngập úng; mất trắng 17 vạn hécta. Các địa phương đã phấn đấu anh dũng, bảo vệ an toàn nhiều tuyến đê xung yếu, chống úng, cứu lúa, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích lúa bị mất trắng do bão, lũ, úng gây ra. Trên diện tích còn lại, các địa phương đã đẩy mạnh thâm canh, giữ vững năng suất. Có 7 tỉnh vượt mức kế hoạch về năng suất, 10 tỉnh vẫn có năng suất cao hơn vụ mùa năm 1972, nhưng do diện tích bị hụt nhiều nên sản lượng thóc vụ mùa không đạt mức kế hoạch. Nhiều địa phương đã tích cực trồng rau màu ngắn ngày vụ đông và vụ xuân, đẩy mạnh sản xuất lúa chiêm xuân 1973-1974.

Chăn nuôi lợn có tiến bộ khá. Tính đến ngày 01-10-1973, đàn lợn tăng 9,1% so với năm 1972, vượt mức kế hoạch 4,4%. Trọng lượng bình quân lợn bán ra tăng hơn trước. Đáng chú ý là đàn lợn nái tăng 17,6% so với cùng thời kỳ năm 1972. Chăn nuôi của gia đình phát triển, chăn nuôi của tập thể và của quốc doanh khá hơn các năm trước. Ở 19 tỉnh và thành phố, đàn lợn của hợp tác xã tăng 8,5% so với năm 1972, có một số nơi tăng từ một lần rưỡi đến hai lần.

Về công nghiệp, các ngành và các địa phương đã khắc phục nhiều khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Ngành Điện đã khẩn trương khôi phục, đưa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện cũ trở lại hoạt động; nhà máy thủy điện Thác Bà và nhiều nhà máy thủy điện nhỏ của địa phương đã đi vào sản xuất. Sản lượng điện năm 1973 đạt mức kế hoạch; tăng 24% so với năm 1965 là năm đạt mức cao nhất trước đây. Ngành Điện còn phải cố gắng nhiều để bảo đảm nguồn điện ổn định hơn, cân đối tốt hơn giữa lưới điện với nguồn điện.

Ngành Than đã cố gắng trong các công tác bốc đất đá, khai thác than, sửa chữa nhà sàng, toa xe, đường vận xuất, bến cảng bốc rót than, v.v..

Hầu hết các cơ sở sơ tán, phân tán của ngành Cơ khí đã trở về chỗ cũ và đi vào sản xuất. Ngành Cơ khí đẩy mạnh sản xuất xà lan, phụ tùng ô tô, máy kéo phục vụ các yêu cầu về giao thông vận tải và nông nghiệp.

Ngành Vật liệu xây dựng có nhiều cố gắng, nhà máy xi măng Hải Phòng đã khôi phục được hầu hết các lò, tiếp tục hoàn chỉnh các khâu trong dây chuyền sản xuất để đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới. Tính đến cuối năm 1973, công suất của các cơ sở gạch, ngói quốc doanh, kể cả xí nghiệp cũ và mới, đã tăng trên 20% so với năm 1971.

Ngành hóa chất đã tích cực khôi phục các nhà máy phân bón, hóa chất, cao su, phân super lân đã sản xuất vượt mức công suất cũ.

Các ngành Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp thực phẩm đã sửa chữa và khôi phục các nhà máy, nhanh chóng sản xuất trở lại. Một số sản phẩm cần thiết cho đời sống đã được sản xuất nhiều hơn trước chiến tranh.

Tính chung lại, giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1973 đã tăng gần 17% so với năm 1965.

Năm 1973, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển đã tăng 39% so với năm 1971 và tăng 81% so với năm 1964 (tính theo tấn). Công tác vận tải ở các địa phương cũng đang từng bước được đẩy lên.

Công tác lưu thông phân phối đã phục vụ tốt hơn yêu cầu của sản xuất và đời sống. Năm 1973, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường có tổ chức đã tăng 8,3% so với năm 1971 và tăng 74% so với năm 1965.

Các công tác điều tra, thăm dò, phân vùng, quy hoạch, đào tạo công nhân và cán bộ, v.v., chuẩn bị cho việc phát triển kinh tế các năm sau cũng đang được mở rộng. Đặc biệt, số người mới tuyển vào các trường, lớp đào tạo công nhân đã tăng gần 50% so với năm 1972; riêng về công nhân cho ngành vận tải tăng gấp bốn lần.

Trong năm qua, do rút kinh nghiệm của thời kỳ khôi phục kinh tế lần trước, công tác quản lý kinh tế đã được chú trọng ngay từ sau khi chiến tranh chấm dứt, do đó đã hạn chế được một phần những mặt buông lỏng và có tác dụng tốt thúc đẩy công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Ở nhiều xí nghiệp, công trường, công tác quản lý lao động có những tiến bộ; số ngày công, giờ công tăng lên. Một số địa phương đã thực hiện các biện pháp kiểm tra hành chính có hiệu lực để quản lý thị trường tự do, đấu tranh chống đầu cơ, tích trữ, lấy cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước.

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những thành tích chủ yếu mà nhân dân ta đã đạt được trong việc khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1973.

Vừa kết thúc một giai đoạn của cuộc chiến đấu lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng, nhân dân miền Bắc, với tư thế của người chiến thắng, đã tranh thủ những điều kiện thuận lợi mới, vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện những nhiệm vụ trong hoàn cảnh mới. Nhà nước ta đã đầu tư một số vốn khá lớn (tăng 24% so với năm 1972, và nếu so với năm 1965 thì tăng 60,3%), vừa khôi phục các công trình bị tàn phá, tiếp tục xây dựng các công trình phải tạm đình do chiến tranh, vừa khởi công một số công trình mới. Có thể lấy chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội là một chỉ tiêu tổng hợp để thấy rõ sự nỗ lực rất lớn của ta: năm 1973, chỉ sau 10 tháng từ khi chiến tranh chấm dứt, tổng sản phẩm xã hội đã đạt gần bằng năm 1971 là năm tình hình kinh tế tương đối ổn định và tăng hơn năm 1965. Trong khi khắc phục hậu quả của chiến tranh, miền Bắc vẫn ra sức làm tròn nhiệm vụ đối với miền Nam anh hùng.

Bước vào năm đầu khôi phục kinh tế sau chiến tranh, trong khi sức ta có hạn; yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ vẫn lớn, những thành tích đạt được trong năm 1973 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đến nay, những hậu quả trực tiếp của chiến tranh đã được khắc phục một phần quan trọng; tình hình sản xuất và đời sống nhân dân đang đi dần vào thế ổn định: công tác quản lý kinh tế có tiến bộ hơn trước. Kết quả ấy tuy mới là bước đầu, nhưng đã thể hiện nổi bật sức sống mãnh liệt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đánh dấu sự nỗ lực lớn và khả năng tiềm tàng của nhân dân ta, tạo cơ sở để chúng ta tiếp tục tiến lên mạnh mẽ trong những năm sắp tới.

Những thắng lợi đó là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ, sự cố gắng lớn của các ngành, các cấp, sự hy sinh nỗ lực phi thường của công nhân, nông dân tập thể, Quân đội nhân dân, lao động trí óc và các tầng lớp nhân dân khác, có sự giúp đỡ tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Những thắng lợi ấy cũng bắt nguồn từ những cố gắng lớn lao của chúng ta trong những năm chiến tranh gian khổ. Với phương châm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhân dân miền Bắc đã ra sức tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, đồng thời phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa; từ đó đã tạo ra được những điều kiện cơ bản để khôi phục nhanh chóng các hoạt động kinh tế, văn hóa sau khi chiến tranh chấm dứt.

Trong khi đánh giá đúng mức những thành tích đã đạt được, chúng ta cần thấy rõ những mặt yếu, kém của nền kinh tế hiện nay, cũng như những khuyết điểm, nhược điểm của công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Nền kinh tế miền Bắc hiện nay có những mặt non yếu: năng suất lao động xã hội còn thấp; tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân còn thấp, nhiều loại vật tư hàng hóa chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu; mức sống của nhân dân còn thấp; thiếu cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu… Đó là những nét nổi bật của một nền kinh tế vốn từ nông nghiệp lạc hậu tiến lên, phần rất lớn còn là sản xuất nhỏ, lại bị chiến tranh nhiều năm tàn phá ác liệt. Trong 18 năm qua (1955-1973), trên thực tế, thời gian hòa bình xây dựng cộng lại chỉ được khoảng 8 năm, thời gian còn quá ngắn để tạo ra những cơ sở vật chất - kỹ thuật then chốt, đủ sức làm chuyển biến cơ cấu của nền kinh tế quốc dân. Hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, với mức độ đánh phá hết sức dã man và những thủ đoạn rất thâm độc, đã gây cho ta nhiều khó khăn, làm chậm nhiều thời gian xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh cũng để lại những hậu quả về mặt xã hội mà phải qua một thời gian nữa mới khắc phục hết được.

Chúng ta cũng cần tính đến những tác hại do thiên tai gây ra. Riêng hai năm 1971 và 1973, bão lụt xẩy ra dồn dập, đã làm cho sản lượng lương thực hụt mức kế hoạch, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các ngành kinh tế.

Nguyên nhân chính của tình trạng sản xuất thấp kém, kinh tế chậm phát triển và đời sống khó khăn là đất nước ta trải qua chiến tranh lâu dài, ác liệt, với những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng các thiếu sót trong công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế, quản lý nhà nước chậm được khắc phục, là nguyên nhân của tình trạng lỏng lẻo trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Đường lối của Đảng và Chính phủ là đúng, nhưng chưa thể hiện được tốt trong bước đi, quy hoạch và kế hoạch cụ thể. Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng chưa được nắm thật vững và cụ thể hóa theo đường lối, phương hướng của Đảng một cách đầy đủ và tích cực. Việc nghiên cứu các chính sách, chế độ để động viên mọi lực lượng lao động xã hội, khuyến khích tăng mức sản xuất, tăng năng suất lao động, còn chưa được kịp thời và chưa toàn diện.

Bộ máy nhà nước và hệ thống tổ chức quản lý kinh tế còn mang tính phân tán của nền sản xuất nhỏ, chưa thể hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa thực hiện tốt phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý tập trung thống nhất.

Kế hoạch là khâu quan trọng bậc nhất của hệ thống quản lý kinh tế, song chưa được xây dựng dựa trên các căn cứ kinh tế - kỹ thuật vững chắc; các công tác phân vùng, quy hoạch, điều tra cơ bản nắm tài nguyên, nắm sức lao động, v.v., tiến hành chậm.
Kế hoạch thường chưa cân đối tốt các điều kiện để bảo đảm việc thực hiện.

Pháp lệnh về kế hoạch không nghiêm, việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế còn lỏng lẻo. Một số ngành, một số địa phương không chấp hành nghiêm túc các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch, đã gây ra tình trạng mất cân đối trong các ngành khác. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, việc cung ứng các loại vật tư, nhất là vật tư nhập khẩu thường không được bảo đảm, do đó gây ra những hiện tượng đình đốn, lãng phí trong sản xuất.

Tổ chức và cán bộ, trong các ngành, các cấp chưa đủ bảo đảm tốt nhiệm vụ; ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật trong việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, các chính sách, chế độ của Nhà nước chưa được đề cao. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước chưa được biến thành sức mạnh làm chuyển biến nhanh tình hình kinh tế.

Hiện nay, bên cạnh những đơn vị quản lý tốt, chấp hành đúng đắn kế hoạch và các chính sách, chế độ của Nhà nước, còn có những đơn vị xí nghiệp, công trường, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh kém; ở đó năng suất lao động còn thấp, việc sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn còn nhiều lãng phí, giá thành còn cao và chất lượng của nhiều sản phẩm còn kém. Ở một số nơi, còn có những hiện tượng làm ăn vô trách nhiệm, thiếu dân chủ, thậm chí có những trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước, hoặc xâm phạm tài sản nhà nước mà không được xử lý thích đáng. Ở một số nơi, các cơ quan chuyên chính của Nhà nước như Công an, Tòa án đã tỏ ra chậm trễ, có khi mềm yếu trong việc trừng trị những người xấu, lấy cắp tài sản của Nhà nước và của tập thể, móc ngoặc, làm ăn phi pháp, phá rối trật tự trị an xã hội.

Phong trào quần chúng trong sản xuất, trong quản lý kinh tế tuy có tiến bộ, nhưng chưa trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi. Ý thức chống Mỹ, cứu nước của nhân dân được nâng cao, nhưng việc giáo dục về đấu tranh giữa hai con đường, về ý thức làm chủ tập thể, về phong cách lao động xã hội chủ nghĩa và đạo đức xã hội chủ nghĩa, về các chính sách kinh tế, thì còn bị xem nhẹ. Công tác vận động quần chúng chưa được coi trọng. Hoạt động của các đoàn thể quần chúng chưa gắn thật chặt với các nhiệm vụ kinh tế. Công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng cũng chưa gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, hơn nữa còn có những thiếu sót nên đã gây ra ảo tưởng, trông chờ, ỷ lại… Việc đấu tranh chống các luận điệu phản tuyên truyền, xuyên tạc, chống chiến tranh tâm lý nói chung chưa được sắc bén. Công tác văn học, nghệ thuật chưa coi trọng đầy đủ việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, biểu dương người tốt việc tốt, phê phán những thói hư tật xấu.

Những khuyết điểm và tình trạng non kém trên đây đã làm chậm sự tiến bộ của các ngành, các cấp, hạn chế thắng lợi của công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế trong năm qua.

Bước vào thời kỳ mới, chúng ta có kinh nghiệm, có quyết tâm, có biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu lực, nhất định công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước phải được tăng cường và cải tiến một bước mạnh mẽ, thúc đẩy công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế tiến lên đạt những thành tựu mới, to lớn hơn.

PHẦN THỨ HAI

NHIỆM VỤ, PHƯƠNG HƯỚNG KHÔI PHỤC
VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG HAI NĂM 1974-1975
VÀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1974

I- NHIỆM VỤ, PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hiện nay, cuộc cách mạng ở miền Nam vừa là cuộc đấu tranh hoàn thành độc lập dân tộc, vừa là cuộc đấu tranh giai cấp rất gay gắt. Cuộc đấu tranh quyết liệt ấy thường xuyên tác động đến miền Bắc trên các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, trị an…

Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Phải tỉnh táo ngăn ngừa và đánh bại những hoạt động chiến tranh tâm lý, gián điệp và mọi thủ đoạn phá hoại khác của địch. Phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, tiếp tục cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, mà nội dung cơ bản là: nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng kỹ thuật là then chốt. Phải đấu tranh chống tính tự phát của sản xuất nhỏ, thói hư tật xấu của xã hội cũ, chống tàn tích tư tưởng của giai cấp bóc lột, không để cho nó gây tác hại đến công cuộc xây dựng nền kinh tế mới, chế độ xã hội mới và con người mới.

Đưa nền kinh tế miền Bắc từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, chúng ta phải luôn luôn nắm vững công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong thời kỳ quá độ. Thực hiện nhiệm vụ đó, phải thấu suốt và chấp hành đường lối “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, xây dựng kinh tế trung ương đồng thời phát triển kinh tế địa phương: kết hợp kinh tế với quốc phòng”.

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, phải ra sức nâng cao năng lực tổ chức và quản lý đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát động phong trào cách mạng của quần chúng, nhằm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt hoạt động, trong tất cả các ngành, các địa phương. Phải xây dựng kế hoạch tích cực và vững chắc, chấn chỉnh và cải tiến hệ thống tổ chức quản lý, nghiên cứu một loạt chính sách kinh tế tài chính, xúc tiến việc đào tạo và sắp xếp lại lao động xã hội…, tất cả đều hướng vào sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn, làm cho nước ta thành một nước có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học - kỹ thuật tiên tiến.

Hội nghị kỳ vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ chung của miền Bắc trong giai đoạn mới là: Đoàn kết toàn dân, đấu tranh giữ vững hòa bình, ra sức tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, xây dựng miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bọn tay sai; ra sức làm tròn nghĩa vụ của mình trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia.

Trong hai năm 1974-1975, nhiệm vụ của miền Bắc là: nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, ra sức làm tròn nhiệm vụ đối với miền Nam anh hùng.

Nhiệm vụ hai năm nói trên nằm trong bước đi ban đầu của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết để xây dựng miền Bắc với quy mô ngày càng lớn và tốc độ ngày càng nhanh, đồng thời nhằm tăng cường thế lực của cách mạng trong cả nước, tạo cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giữ vững hòa bình, hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam.

Hai năm khôi phục và phát triển kinh tế (1974-1975) là hai năm phấn đấu rất khẩn trương của nhân dân ta nhằm đạt ba yêu cầu chính:

1. Động viên và tổ chức lực lượng lao động xã hội đi vào sản xuất và xây dựng với khí thế sôi nổi, tận dụng những khả năng tiềm tàng của nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm, đưa mức sản xuất của xã hội, của từng ngành kinh tế, từng đơn vị kinh tế lên bằng hoặc cao hơn mức sản xuất cao nhất đã đạt được năm 1965 hoặc năm 1971. Phấn đấu để tăng nhanh tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân sản xuất, bảo đảm quỹ tiêu dùng xã hội và tăng tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, làm tròn nhiệm vụ đối với miền Nam anh hùng.

2. Củng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả hai khu vực: quốc doanh và tập thể; khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội.

3. Tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý của Nhà nước, chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế từ Trung ương đến cơ sở. Giải quyết tốt các vấn đề trước mắt đồng thời chủ động chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế và văn hóa.

Trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, thực hiện kế hoạch nhà nước, chúng ta cần nắm vững và vận dụng đúng các phương châm chỉ đạo dưới đây:

- Vừa khôi phục, vừa phát triển kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, kết hợp nhiệm vụ trước mắt với nhiệm vụ phát triển kinh tế lâu dài.

Trong việc khôi phục, có kết hợp cải tạo, mở rộng các cơ sở sản xuất, vừa khôi phục cơ sở vật chất, vừa khôi phục nền nếp quản lý. Phải khôi phục nhanh các cơ sở cũ để đẩy mạnh sản xuất, đồng thời phải phát triển các cơ sở sản xuất mới, nâng cao mức sản xuất hơn trước để đáp ứng các nhu cầu mới tăng thêm, từng bước khắc phục các mặt mất cân đối.

Phải kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng trong việc phát triển giao thông vận tải, xây dựng kho tàng, xây dựng các vùng kinh tế mới… Phải kết hợp khả năng của công nghiệp quốc phòng, của các ngành công nghiệp Trung ương và công nghiệp địa phương, sử dụng hợp lý khả năng của công nghiệp quốc phòng để phục vụ nhiệm vụ kinh tế. Trong từng thời gian, quân đội vừa huấn luyện, vừa tham gia xây dựng kinh tế.

Cùng với việc đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế, chúng ta phải xúc tiến các công tác chuẩn bị cho việc phát triển kinh tế sau này, trước hết là cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980).

- Phát triển sức sản xuất, đồng thời củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Phải lấy việc phát triển, nâng cao sức sản xuất để củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; ngược lại, phải phát huy tính ưu việt của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và dựa vào thành quả của việc củng cố quan hệ sản xuất mới, mà thúc đẩy phát triển sức sản xuất. Trong việc củng cố quan hệ sản xuất mới, phải chú ý củng cố cả hai khu vực quốc doanh và tập thể, cả mối quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã và mối quan hệ trong nội bộ các hợp tác xã.

- Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, nhằm mục tiêu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Do yêu cầu của sự nghiệp cách mạng rất khẩn trương, chúng ta vừa phải tích cực giải quyết những nhiệm vụ trước mắt, vừa phải tích cực chuẩn bị cho những bước tiến nhanh hơn nữa trong các năm sau. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải sắp xếp bước đi thích hợp cho mỗi ngành kinh tế, mỗi địa phương, cân đối tốt giữa yêu cầu và khả năng hiện thực. Phải vừa chú trọng các chỉ tiêu số lượng, vừa chú trọng các chỉ tiêu chất lượng ra sức thực hành tiết kiệm, phấn đấu giảm tiêu hao vật tư, lao động, sử dụng tốt công suất thiết bị, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tất cả phải nhằm phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.

­- Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh là chính, đồng thời tích cực tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài.

Trong các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở, phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tự lực cánh sinh, chống tự ty, ỷ lại; phải ra sức khai thác mọi khả năng, mọi tiềm lực của đơn vị, của ngành và địa phương, cố gắng tự giải quyết các yêu cầu đến mức cao nhất, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ. Đồng thời, chúng ta tích cực tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, trước hết là của các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng quan hệ ngoại thương và hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học - kỹ thuật với các nước; ra sức phát huy hiệu quả của mọi sự viện trợ và hợp tác kinh tế để nhanh chóng nâng cao tiềm lực kinh tế trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CÁC NGÀNH KINH TẾ,
VĂN HÓA TRONG HAI NĂM 1974-1975
VÀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1974

1. Công nghiệp và thủ công nghiệp

Trong thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, phải ra sức phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của công nghiệp đối với nền kinh tế quốc dân.

Phương hướng cơ bản về công nghiệp trong hai năm 1974-1975 là tập trung sức khôi phục và phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt có tác dụng thúc đẩy việc khôi phục và phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Phải phát huy mạnh mẽ khả năng tiềm tàng của công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương, đặc biệt coi trọng hơn nữa khả năng sản xuất của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Các ngành công nghiệp Trung ương và công nghiệp địa phương (kể cả tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp) phải phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt việc phân công sản xuất, sử dụng lao động, vật tư, nguyên liệu, nguồn vốn, v.v.,  để hỗ trợ nhau khai thác các khả năng tiềm tàng, tranh thủ sản xuất thêm nhiều mặt hàng với hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tốt sản xuất, đời sống và xuất khẩu.

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1974 tăng 21% so với năm 1973; trong đó, nhóm A tăng 27%, nhóm B tăng 17%; riêng công nghiệp địa phương (kể cả tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp) tăng 12%.

Ngành Cơ khí là ngành then chốt trong việc trang bị lại nền kinh tế quốc dân, đã được phát triển trong chiến tranh, còn nhiều khả năng chưa được tận dụng tốt. Năm 1974, giá trị sản lượng của ngành cơ khí phải tăng 19% so với năm 1973 và gấp hơn hai lần so với trước chiến tranh. Cần phải nắm lại năng lực sản xuất, sắp xếp và phân công hợp lý, tổ chức tốt việc cung ứng nguyên liệu… Phải tận dụng khả năng của các xí nghiệp cơ khí Trung ương, cơ khí địa phương, cơ khí quốc phòng và mạng lưới cơ khí của các hợp tác xã, bảo đảm phục vụ tốt các yêu cầu: sửa chữa phương tiện vận tải, thiết bị thi công, máy móc, nông nghiệp; chế tạo phụ tùng thay thế: sản xuất máy móc thiết bị và công cụ thường, công cụ cải tiến cơ giới và nửa cơ giới để phục vụ nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá, nghề muối; chế tạo phương tiện vận tải; chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng và các máy móc, thiết bị cho ngành xây dựng.

Để nâng cao năng lực của ngành Cơ khí, công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân cơ khí cần được đẩy mạnh. Đồng thời, phải nhanh chóng tăng cường và kiện toàn lực lượng thiết kế chế tạo cơ khí. Phải nghiên cứu từng bước cải tiến công nghệ sản xuất để thay đổi những khâu tiêu hao quá nhiều sắt thép và các kim loại khác.

Năm 1974, cần tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng một số nhà máy cơ khí quan trọng: nhà máy cơ khí trung tâm Cẩm Phả, nhà máy Bạch Đằng và Giếng Đáy (đóng tàu vận tải ven biển), nhà máy cơ khí Bến Kiều (đóng tàu đánh cá), nhà máy sản xuất cơ điện và các thiết bị đồ điện, các nhà máy cơ khí sửa chữa…

Ngành Than hiện nay đang đứng trước nhu cầu rất lớn. Phải nỗ lực vượt bậc để sửa chữa nhanh các phương tiện vận chuyển và thiết bị khai thác, khôi phục các bến cảng bốc rót và nhà máy sàng, rửa than, đi đôi với cải tiến tổ chức quản lý để tăng nhanh mức khai thác, phục vụ tốt các yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngành Than phải phấn đấu thực hiện vượt mức kế hoạch năm 1974 càng nhiều càng tốt để bảo đảm yêu cầu của sản xuất và xuất khẩu. Phải tích cực nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện để tăng nhanh sản xuất than trong các năm sau.

Tất cả các ngành kinh tế phải coi việc phục vụ và thúc đẩy tăng nhanh sản xuất than là một nhiệm vụ trọng yếu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong mấy năm trước mắt.

Ngành Điện sẽ tăng mức sản xuất 30% so với năm trước. Phải tập trung sức cải tạo đường dây và trạm biến thế, xây dựng một số tuyến để cân đối giữa nguồn điện và lưới điện, bảo đảm nguồn điện ổn định và an toàn. Ngoài việc tiếp tục khôi phục các nhà máy điện hiện có, cần đẩy mạnh thi công nhà máy điện Ninh Bình, xây dựng đợt 3 và chuẩn bị khởi công đợt 4 nhà máy điện Uông Bí, chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện Phả Lại, Đáp Cầu…

Ngành Luyện kim cần tập trung sức khôi phục và hoàn thành sớm việc xây dựng nhà máy cán thép Gia Sàng, khu gang thép Thái Nguyên để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu rất lớn của các ngành sản xuất và xây dựng. Phải xúc tiến việc xây dựng và tận dụng công suất luyện thép của các lò điện trong các nhà máy cơ khí, để tăng khả năng sản xuất thép cung cấp cho ngành cơ khí chế tạo.

Ngành Vật liệu xây dựng cần đẩy mạnh sản xuất xi măng, gạch, ngói để đáp ứng nhu cầu rất cấp bách hiện nay. Cùng với việc khôi phục nhanh nhà máy xi măng Hải Phòng đi vào sản xuất ổn định, phải xúc tiến công tác chuẩn bị khởi công sớm các nhà máy xi măng lớn. Mở rộng và phát triển thêm các cơ sở sản xuất xi măng (quy mô nhỏ và vừa) ở những địa phương có điều kiện. Cần đưa nhanh vào sản xuất các nhà máy gạch, quy mô nhỏ và vừa. Các ngành, các địa phương phải ra sức khai thác và tận dụng các loại vật liệu xây dựng không nung và vật liệu địa phương. Đẩy mạnh sản xuất vôi, bảo đảm đủ vôi xây dựng và vôi bón ruộng.

Ngành Khai thác gỗ phải tích cực đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng yêu cầu của xây dựng cơ bản và công nghiệp. Tập trung sức làm đường lâm nghiệp, bảo đảm đủ lao động cho khai thác gỗ. Mặt khác, phải thực hiện các biện pháp toàn diện để triệt để tiết kiệm gỗ, như: thống nhất quản lý việc phân phối gỗ, tổ chức tốt việc cưa xẻ, tận dụng gỗ cành, gỗ ngọn, chế biến và gỗ ván ép và ngâm tẩm gỗ…

Ngành Hóa chất, phải khẩn trương hoàn thành xây dựng nhà máy phân đạm Hà Bắc để đưa vào sản xuất đầu năm 1975. Phải đặc biệt coi trọng việc tăng sức sản xuất super lân, phân lân nung chảy, phốt phát và apatít nghiền để nhanh chóng cân đối yêu cầu về phân lân cho sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, cần tập trung sức mở rộng nhà máy super lân Lâm Thao, mở rộng nhà máy phân lân Văn Điển, Thanh Hóa; đẩy mạnh thi công nhà máy phân lân nung chảy Ninh Bình và các cơ sở phân lân khác. Đồng thời, phải tăng thêm sản xuất phốt phát ở các tỉnh thuộc khu IV cũ.

Phải tiếp tục khôi phục và mở rộng nhà máy xút, các cơ sở sản xuất săm lốp ô tô, săm lốp xe đạp, tăng sản xuất các loại phụ tùng ô tô bằng nhựa, đẩy mạnh sản xuất các loại thuốc chữa bệnh.

Các ngành Công nghiệp thực phẩm và Công nghiệp nhẹ cần được chú trọng đẩy mạnh để góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tăng thêm nguồn hàng trao đổi với nông dân, tăng khả năng xuất khẩu và tích lũy.

Năm 1974, phải cố gắng tận dụng công suất của các xí nghiệp công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển thêm các cơ sở mới.

Chú trọng đẩy mạnh chế biến bột mì, hoa màu, các mặt hàng thực phẩm như đậu phụ, rau dưa, v.v., để phục vụ tốt bữa ăn của công nhân, viên chức và nhân dân.

Phải sớm khôi phục ngành đánh cá biển và khai thác các nguồn hải sản; đẩy mạnh khôi phục tàu, thuyền, phương tiện đánh bắt, khôi phục bến cảng và các cơ sở hậu cần… đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để phát triển mạnh ngành này trong những năm tới. Phải coi trọng việc củng cố, chấn chỉnh, giúp đỡ các hợp tác xã nghề cá, coi đây là một điều kiện quan trọng để đưa nghề đánh cá biển tiến lên.

Sản xuất muối phải được đẩy mạnh, bảo đảm đủ nhu cầu; tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã nghề muối.

Cần tổ chức tốt công tác thu mua mía, chè, rau, quả, thuốc lá, tạo điều kiện tận dụng công suất của các nhà máy.

Đối với hàng tiêu dùng, con đường tích cực nhất để tăng nhanh sản xuất là tìm mọi cách khai thác thêm các nguyên liệu, vật liệu trong nước, triệt để tận dụng nguyên liệu, thu hồi đồ dùng cũ, phế liệu, phế phẩm, ra sức tìm nguyên liệu, vật liệu thay thế.

Phải tận dụng và khai thác mọi khả năng tiềm tàng của công nghiệp địa phương, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Ở các thành phố lớn ngoài việc phát triển ngành thực phẩm, cần giúp đỡ phát triển thêm các mặt hàng kim khí tiêu dùng, một số loại phụ tùng xe đạp, dụng cụ đồ nghề, các loại hàng mỹ nghệ, thảm len, đồ nhựa, văn hóa phẩm, v.v.. Ở các tỉnh trung du, miền núi, khu IV cũ, cần đẩy mạnh sản xuất các đặc sản địa phương và đặc sản dân tộc. Đặc biệt chú ý các nghề cá, muối, gỗ, đồ sành, gốm, đồ mây, tre, các vật liệu xây dựng địa phương. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức lại việc cung ứng vật tư, kể cả thiết bị và nguyên liệu, vật liệu cho các hợp tác xã thủ công nghiệp và dành một phần vật liệu thích đáng cho các hợp tác xã sửa chữa và xây dựng cơ sở sản xuất. Chú trọng giúp đỡ các hợp tác xã thương binh hoạt động tốt.

Phải tiếp tục củng cố các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, tăng cường các mặt quản lý lao động, tài vụ, kỹ thuật, chú trọng hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đi đôi với việc hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã phát triển ngành, nghề, khuyến khích sản xuất đúng hướng, phải ngăn chặn các hành động vi phạm pháp luật, cải tiến chế độ gia công, tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, quản lý chặt chẽ nguyên liệu, vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý. Phải tiến hành kiểm tra, đăng ký lại, quy định rõ mặt hàng kinh doanh, kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất - kinh doanh trái phép, vi phạm các chế độ quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước.

2. Nông nghiệp và lâm nghiệp

Trong hai năm 1974-1975, xuất phát từ tình hình và yêu cầu mới, phải nắm chắc lãnh đạo, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển theo phương hướng mà nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng lớn về lương thực và thực phẩm, về nguyên liệu cho công nghiệp và về nông phẩm xuất khẩu, đưa nông nghiệp tiến từng bước vững chắc từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Hội đồng Chính phủ sẽ phải giải quyết một cách cơ bản và toàn diện một loạt những vấn đề trọng yếu và cấp bách của nông nghiệp như: củng cố hợp tác xã và nông trường quốc doanh; tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp từ Trung ương đến hợp tác xã; từng bước thống nhất tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản; các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp và hàng nông sản xuất khẩu; vấn đề trang bị kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, kế hoạch hóa trong nông nghiệp, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật nông nghiệp; vấn đề đào tạo cán bộ cho nông nghiệp, v.v..

Phải cố gắng phấn đấu để trong hai năm 1974-1975 vừa làm tốt việc thâm canh ở đồng bằng, vừa làm tốt việc phát triển nông nghiệp ở miền núi và trung du, tiến hành một cách tích cực và vững chắc việc đưa người lên xây dựng vùng kinh tế mới, tạo ra một thế mới cho nông nghiệp và cho kinh tế, quốc phòng.

Trong năm 1974, phải cố gắng đưa giá trị tổng sản lượng nông nghiệp và nghề phụ tăng thêm 16% so với năm 1973 là năm bị bão lụt, nông nghiệp bị giảm sút giá trị tổng sản lượng.

Về trồng trọt, năm 1974, sản lượng lương thực phải tăng 16%-18% so với năm 1973 (tăng 3% so với năm 1972). Trong lương thực, hướng chính là phải thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất lúa, mở rộng diện tích và thâm canh ngô, đồng thời không được xem nhẹ các cây lương thực khác đã trồng thích hợp ở từng địa phương, kể cả những cây lương thực có thể phát triển ở các vùng đất đồi, các vùng khai hoang. Các tỉnh miền núi và khu IV cũ phải coi trọng việc trồng khoai, sắn, các loại màu và cây lương thực khác, để bổ sung nguồn thức ăn. Trong khi mở rộng diện tích ở miền núi và trung du, hết sức chú ý dành diện tích thích hợp để trồng cây lương thực. Đặc biệt, mở thêm diện tích trồng ngô tập trung, có sản lượng hàng hóa cao. Phải triệt để tiết kiệm đất đai trồng trọt, sử dụng cho hết diện tích ở đồng bằng và trung du, không được để đất bỏ không.

Phải ra sức tăng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp, trong đó nguồn nguyên liệu nông sản, có vị trí đặc biệt quan trọng. Phải ra sức mở rộng diện tích và thâm canh cây công nghiệp, năm 1974 đạt 22,2 vạn hécta, tăng 16% so với năm 1973. Trong hai năm tới, phải quy hoạch tốt các vùng cây công nghiệp tập trung, trồng mía, chè, thuốc lá, lạc, đay, cói, rau quả, bảo đảm đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản và tăng mặt hàng nông sản xuất khẩu. Để đáp ứng nhu cầu về đường, cần trồng thêm mía ở các vùng kinh tế mới, coi trọng việc khai thác và phát triển cây tinh dầu, dược liệu, trồng thêm cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày, cây lấy dầu, v.v., để sau một số năm có thể tạo ra nguồn nguyên liệu nông sản phong phú hơn.

Phải xây dựng quy hoạch các vùng thực phẩm, vùng trồng rau tập trung ở xung quanh các thành phố, khu công nghiệp và công trường xây dựng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Thái, v.v.,  quy hoạch các vùng trồng rau quả, cây công nghiệp và chăn nuôi để xuất khẩu.

Về chăn nuôi, phải phát triển mạnh chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá nước ngọt và cá nước lợ. Đẩy mạnh chăn nuôi lợn ở cả khu vực tập thể và gia đình xã viên, phấn đấu trong năm 1974 đạt 6,2-6,3 triệu con lợn, tăng nhanh trọng lượng đàn lợn xuất chuồng và sản lượng thịt. Phải thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật (giống, thức ăn…) để vừa bảo đảm tăng số đầu lợn, tăng nhanh trọng lượng và rút ngắn chu kỳ chăn nuôi. Đẩy mạnh sản xuất vụ đông và tận dụng đất 5% dành cho chăn nuôi để tăng nguồn thức ăn cho gia súc. Cần đặc biệt chú trọng phát triển nuôi vịt ở các vùng lúa đồng bằng, vùng ven biển để tăng nguồn cung cấp trứng, thịt cho nhân dân và lông vịt cho xuất khẩu. Đẩy mạnh việc nuôi trong các gia đình, phát triển nuôi gà theo phương pháp công nghiệp ở một số thành phố và khu công nghiệp. Phát triển mạnh nuôi nước ngọt và nước lợ. Chấn chỉnh các cơ sở nuôi cá quốc doanh để tăng nguồn cung cấp cá tươi một cách ổn định cho các thành phố và khu dân cư tập trung.

Đồng thời, phải tích cực gây dựng đàn trâu, bò nền, đàn bò sữa, bước đầu phát triển trâu sữa, tích cực chuẩn bị điều kiện để phát triển nuôi trâu, bò mạnh hơn nữa trong những năm sau.

Để thúc đẩy và hỗ trợ chăn nuôi của tập thể và gia đình, Nhà nước sẽ xây dựng có trọng điểm một số cơ sở chăn nuôi quốc doanh cung cấp giống tốt, một số xí nghiệp chế biến thức ăn cho gia súc, cung cấp một phần thức ăn theo hợp đồng cho chăn nuôi của nhân dân ở các vùng chung quanh thành phố và khu công nghiệp.

Để đạt các mục tiêu nói trên, phải tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp. Kiên quyết tập trung thích đáng vốn đầu tư, xây dựng đồng bộ, dứt điểm cho từng vùng, trước hết là cho những vùng có điều kiện tăng nhanh sản xuất có tỷ xuất nông sản hàng hóa cao, nhằm đạt hiệu quả đầu tư cao nhất.

Công tác thủy lợi có vai trò ngày càng quan trọng trong việc đưa nông nghiệp đi vào thâm canh, chuyên canh, sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và trong nền kinh tế quốc dân, có trách nhiệm phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp và đời sống. Phải khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống thủy nông, bảo đảm đến cuối năm 1976, tưới nước và tiêu nước cho khoảng 90 vạn hécta canh tác ở đồng bằng và trung du. Phải nghiên cứu toàn diện hệ thống các công trình trên và từng lưu vực để việc hoàn chỉnh thủy nông ở nơi này không gây thêm úng ở nơi khác. Phải xúc tiến việc củng cố đê điều, làm tốt các công tác phòng và chống lũ, lụt. Đồng thời, phải khảo sát nước ngầm, phát triển đào giếng ở miền núi và trung du, cung cấp nước cho sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp. Ở vùng cao, phải dành vật liệu bán cho nhân dân để xây dựng giếng nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt của nhân dân.

Trong năm 1974, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các trạm bơm Nhân Tràng, Như Trác, Đồng Mô - Ngãi Sơn, kênh Cấm Sơn, hồ Núi Cốc, đập Đá Bạc, sửa chữa đập Bái Thượng, cống Lân, khởi công xây dựng mới hồ Pa Khoang (Lai Châu), hồ Cậm Đàn (Hà Bắc), hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), hồ Tiên Lãng (Quảng Bình)…

Ở những nơi chủ động được về nước, cần đẩy mạnh việc xây dựng đồng ruộng, xây dựng địa bàn cơ giới hóa, tạo điều kiện mở rộng cơ giới hóa có trọng điểm ở một số vùng có yêu cầu cấp bách về tăng vụ, thâm canh, rút lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc phát triển các ngành, nghề khác.

Đẩy mạnh sản xuất để cung cấp đầy đủ cho nông nghiệp các loại nông cụ cải tiến, nông cụ thường, xe cải tiến

Phong trào quần chúng cải tiến công cụ lao động trong nông nghiệp, làm thủy lợi, làm phân bón, thực hiện giải phóng đôi vai, v.v., phải được đẩy mạnh và cần được các ngành ở Trung ương và địa phương giúp đỡ tích cực.

Công tác giống có ý nghĩa hàng đầu đối với việc đẩy mạnh thâm canh. Trong hai năm tới, phải căn bản xây dựng xong hệ thống giống của Nhà nước, từ Trung ương đến cơ sở, về lúa, ngô, thuốc lá, đay, về lợn, bò, gà, vịt và cá. Đồng thời, phải củng cố, tăng cường màng lưới thú y và bảo vệ thực vật.

Để phát huy ưu thế các loại giống mới, nâng cao năng suất cây trồng, phải bảo đảm nhập khẩu phân đạm, đồng thời đẩy mạnh sản xuất phân lân super, phân lân nung chảy phốt phát, apatít nghiền và vôi bón ruộng. Năm 1974-1975, cố gắng cung cấp thêm một phần than làm chất đốt cho nông thôn để trả lại rạ cho ruộng làm phân bón. Mặt khác, phải triệt để khai thác, mọi nguồn phân hữu cơ khác như phân chuồng, phân xanh, v.v., ở địa phương. Từng địa phương phải đặt kế hoạch trong nhiều năm cải tạo đất bạc màu, đất chua mặn, tạo cơ sở cho việc tăng năng suất cây trồng.

Phát triển kinh tế ở miền núi, trung du và mở rộng thêm diện tích là một hướng chiến lược của kinh tế miền Bắc, nhằm tạo cơ sở thu hút lao động, phân công lại một cách hợp lý lao động xã hội và phân bố lại dân cư, bảo đảm cho kinh tế miền núi, trung du và đồng bằng cùng phát triển, kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng. Ở miền núi và trung du, phải kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với lâm nghiệp, kết hợp nông nghiệp, lâm nghiệp với phong trào định canh định cư, ra sức phát huy ba thế mạnh của kinh tế nông nghiệp miền núi (rừng, chăn nuôi, cây công nghiệp). Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương và các ngành kinh tế khác phải tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các tỉnh miền núi và trung du xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp và lâm nghiệp, phát triển giao thông vận tải địa phương và công nghiệp địa phương (bao gồm cả tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp), nghiên cứu phát triển thủy điện nhỏ; giúp cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, giúp nghiên cứu các vấn đề khoa học và kỹ thuật.

Phải xây dựng những vùng kinh tế mới toàn diện, đồng bộ, có cơ sở sản xuất, có giao thông thuận tiện, có cơ sở phục vụ sinh hoạt (trường học, bệnh viện, cửa hàng…), bảo đảm cho người lao động yên tâm sản xuất và sinh sống ở quê hương mới.

Do vị trí quan trọng của miền núi và trung du, Chính phủ sẽ mở hội nghị bàn về xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa ở những vùng này.

Trong hai năm tới, Nhà nước tích cực đầu tư vốn dành thêm lương thực và một số vật tư cần thiết, đồng thời có những biện pháp tổ chức, những chính sách thích hợp, vừa phát huy cao nhất tinh thần tự lực cánh sinh, khả năng sẵn có của nhân dân, theo hình thức kết nghĩa giữa các địa phương, vừa tận dụng khả năng sẵn có của các nông trường để mở rộng thêm diện tích, xây dựng một số vùng kinh tế mới; mặt khác, tích cực chuẩn bị các điều kiện để những năm sau khai hoang, mở rộng diện tích lớn hơn nữa.

Các nông trường quốc doanh cần được củng cố và xây dựng để làm nòng cốt trong việc khai hoang, lập các vùng kinh tế mới. Phương hướng sản xuất của các nông trường quốc doanh cần được xem xét lại, nếu cần thì điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng nông trường và điều kiện kinh tế của từng vùng.

Trồng rừng, bảo vệ rừng và tu bổ rừng là nhiệm vụ kinh tế cấp bách và có tầm quan trọng lâu dài đối với nền kinh tế quốc dân. Phải kết hợp chặt chẽ việc tu bổ, bảo vệ rừng, trồng rừng với công tác khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới, để phát triển toàn diện kinh tế miền núi và trung du. Phải tuyên truyền giáo dục sâu rộng về trách nhiệm của công dân trong việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ rừng. Tiếp tục xúc tiến công tác định canh, định cư, chặn đứng nạn phá rừng. Tổ chức trồng các vùng rừng tập trung theo quy hoạch, để bảo đảm những yêu cầu cấp bách về nguyên liệu cho công nghiệp giấy và sợi, gỗ trụ mỏ, v.v., chú ý các vùng đầu nguồn quan trọng. Nhà nước cần giao cho các hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi kinh doanh việc trồng và tu bổ rừng theo chính sách, chế độ của Nhà nước. Xúc tiến việc củng cố các lâm trường quốc doanh, tích cực tiến hành các công tác: lập quy hoạch, vườn ươm, giống, tổ chức quản lý, đẩy mạnh trồng rừng với quy mô lớn. Mặt khác, cần tổ chức rộng rãi việc trồng cây trong nhân dân (như tre, xoan…).

Việc củng cố các hợp tác xã nông nghiệp là một khâu có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Phải tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã nông nghiệp chuẩn bị mở rộng quy mô một cách hợp lý, xác định phương hướng sản xuất, chấn chỉnh tổ chức lao động của hợp tác xã.

Trong các hợp tác xã, phải đề cao quyền làm chủ tập thể của xã viên, thi hành đúng Điều lệ hợp tác xã, tăng cường và cải tiến công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng chế độ họp đại hội xã viên, chống nạn tham ô, lãng phí của công. Phân công lại lao động theo hướng đi vào chuyên môn hóa để có năng suất cao; quản lý chặt chẽ việc sử dụng lao động, tiền vốn, tư liệu sản xuất và ruộng đất (kể cả đất 5% dành cho chăn nuôi). Ban hành Luật ruộng đất nhằm bảo vệ đất canh tác, bảo vệ chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa đối với ruộng đất. Phải sửa đổi lại cách phân phối trong nội bộ hợp tác xã, thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời phát huy tinh thần tương trợ giúp nhau trong hợp tác xã. Khuyến khích lao động cho tập thể, tăng năng suất lao động, quan tâm đến lợi ích của tập thể, gắn chặt lợi ích của mỗi người với lợi ích của tập thể và của Nhà nước.

Phải đặc biệt chăm lo việc đào tạo cán bộ cho hợp tác xã, trước hết là cán bộ làm chủ nhiệm hợp tác xã. Cần có chính sách và chế độ hợp lý đối với cán bộ xã và cán bộ quản lý hợp tác xã. Cần chuyển ngay một số thích đáng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xuống công tác ở các hợp tác xã. Phải lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo ngay hàng loạt cán bộ đưa xuống củng cố các hợp tác xã.

Trong quan hệ giữa hợp tác xã với Nhà nước, phải xem xét lại các chính sách giá cả, cho vay vốn, bán tư liệu sản xuất, thu mua nông sản, hợp đồng kinh tế, v.v., nhằm khuyến khích đẩy mạnh sản xuất và bán nông sản cho Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong năm 1974, hướng dẫn việc áp dụng thí nghiệm Điều lệ (chi tiết) của hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, sau đó triệu tập Đại hội đại biểu nông dân xã viên toàn miền Bắc để thảo luận, thông qua bản Điều lệ đó trước khi Nhà nước phê chuẩn.

Phải coi trọng việc củng cố và phát triển các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng ở nông thôn.

3. Giao thông vận tải

Để bảo đảm các yêu cầu vận chuyển cấp bách hiện nay, việc khôi phục và phát triển giao thông vận tải cùng với việc xây dựng hệ thống kho tàng đang là khâu công tác trung tâm đột xuất. Một mặt, phải gấp rút tăng cường khả năng tiếp nhận hàng nhập khẩu, mặt khác phải làm cho toàn bộ các nguồn giao lưu kinh tế trong nước trở lại thông suốt. Kế hoạch năm 1974 dự kiến khối lượng hàng hóa vận tải phải tăng 32% về tấn và 34% về tấn kilômét so với năm 1973.

Trước hết, phải tập trung sức khôi phục, mở rộng hệ thống cảng biển và hệ thống đường sắt.

Về đường biển, phải tiếp tục rà, phá mìn và tổ chức nạo vét xong các luồng rạch ra, vào ở các cảng chủ yếu. Khẩn trương khôi phục, cải tạo, mở rộng và xây dựng các cảng ở khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh và khu IV cũ nhằm tăng cường khả năng tiếp nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển.

Về đường sắt, cần tăng cường năng lực thông qua của các tuyến chính. Ở khu đầu mối Hà Nội, tiếp tục gia cố cầu Long Biên, cầu Đuống, làm thêm đường dồn toa, lập tầu, đẩy mạnh việc khôi phục ga Hà Nội, mở rộng ga Yên Viên và trang bị hệ thống thông tin tín hiệu nửa tự động. Đồng thời, phải khôi phục đường sắt Hà Nội - Vinh, xây dựng đoạn Vinh - Yên Duệ, xây dựng tuyến đường sắt Kép - Uông Bí, đẩy mạnh công tác chuẩn bị để khởi công xây dựng cầu Thăng Long.

Đường sông có vị trí rất trọng yếu trong việc vận tải hàng hóa, trước hết là vận tải than, vật liệu xây dựng cho các tỉnh đồng bằng. Cần mở rộng hệ thống các cảng sông và tăng thêm phương tiện, đẩy mạnh cơ giới hóa vận tải đường sông.

Về đường bộ, phải khôi phục các cầu, nâng cấp và xây dựng một số tuyến đường bộ để phục vụ các khu công nghiệp, các vùng kinh tế mới, v.v..

Tích cực chuẩn bị điều kiện để xây dựng, phát triển từng bước ngành hàng không dân dụng.

Chú ý tăng cường giao thông vận tải địa phương, giúp các địa phương phát triển mạng lưới và năng lực giao thông vận tải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế ở từng vùng. Ở những nơi chưa có đủ phương tiện cơ giới, phải rất coi trọng phương tiện vận tải thô sơ và cải tiến.

Đi đôi với việc khôi phục và phát triển giao thông vận tải, vấn đề cấp cách hiện nay là phải gấp rút khôi phục và tăng cường hệ thống kho tàng. Phải từng bước quy hoạch lại hệ thống kho tàng, củng cố kho tàng hiện có, xây dựng thêm kho mới, nhanh chóng nâng cao năng lực chứa hàng và dự trữ hàng.

Trong tình hình yêu cầu vận tải tăng lên nhanh, khả năng vận tải có hạn song vẫn chưa được tận dụng tốt việc sửa chữa và sản xuất phương tiện vận tải, việc cải tiến và tăng cường tổ chức quản lý vận tải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để khai thác đến mức cao nhất năng lực vận tải hiện có và đáp ứng tốt hơn nữa các yêu cầu. Phải tích cực sản xuất và nhập khẩu để trang bị thêm đoàn tàu vận tải đường biển, đầu máy, toa xe, phương tiện đường sông và các thiết bị xếp dỡ cần thiết.

Về bưu điện, cần tập trung khôi phục nhanh chóng mạng lưới thông tin, kết hợp xây dựng hoàn chỉnh có trọng điểm các công trình mới. Củng cố, cải tạo và trang bị đồng bộ mạng lưới thông tin bưu điện sẵn có, từng bước hiện đại hóa mạng lưới hữu tuyến và vô tuyến nhằm nâng cao chất lượng thông tin giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt là các tỉnh khu IV cũ, vùng trọng điểm nông nghiệp, công nghiệp và những nơi cần thiết.

Dự tính giá trị sản lượng nghiệp vụ bưu điện năm 1974 tăng 3,2% so với năm 1973.

4. Xây dựng cơ bản

Công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân đang đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ bản.

Trong những năm trước mắt, nhịp độ xây dựng hằng năm đòi hỏi tăng gấp đôi so với năm trước. Song, hiện nay do nhiều mặt hạn chế (chủ yếu là vật liệu xây dựng và lực lượng thi công), kế hoạch xây dựng cơ bản hai năm 1974-1975 phải tập trung vốn và năng lực xây dựng vào những nhu cầu cấp bách. Việc sắp xếp khởi công và hoàn thành xây dựng các công trình phải có trọng điểm, có thứ tự ưu tiên trước sau, làm dứt điểm và làm xong đồng bộ, để huy động nhanh vào sản xuất hoặc sử dụng, tránh tình trạng xây dựng phân tán, kéo dài gây ra lãng phí lao động, vật tư, tiền vốn và chậm phát huy hiệu quả kinh tế.

Theo tinh thần đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước về kinh tế và văn hóa năm 1974 tăng 50% so với năm 1973, riêng vốn xây lắp tăng 32%.

Trong tổng số vốn xây lắp, đầu tư xây dựng có tính chất sản xuất chiếm 84,5%, trong đó công nghiệp và công nghiệp xây dựng chiếm 34,2%, nông nghiệp và thủy lợi chiếm gần 20%, giao thông vận tải 17,2%. Đầu tư xây dựng không có tính chất sản xuất chiếm 15%, riêng xây dựng nhà ở chiếm 6%.

Phải bảo đảm kế hoạch xây dựng một số công trình phân lũ, làm chậm lũ, thoát lũ của hệ thống sông Hồng, để chống được lũ lụt lớn như mức năm 1971.

Trong xây dựng cơ bản, từ việc chọn địa điểm đến thiết kế, bố trí kế hoạch thi công, đều phải triệt để tiết kiệm đất đai xây dựng, vật tư, thiết bị, lao động để rút ngắn thời gian xây dựng và hạ giá thành xây dựng. Cần động viên sức đóng góp hợp lý của nhân dân và cán bộ, công nhân, học sinh, v.v., vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, trước hết là xây dựng thủy lợi, đắp đê, xây dựng trường học, bệnh viện, v.v., để Nhà nước tập trung sức vào xây dựng các công trình chủ yếu và trên cơ sở vật liệu, phương tiện, vốn đầu tư do Nhà nước phân phối, có thể làm được nhiều khối lượng xây dựng.

Trong hai năm tới, việc khôi phục và xây dựng thành phố, nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng. Phải xúc tiến việc khôi phục và xây dựng có trọng điểm các thành phố và nông thôn, trước hết là ở vùng bị chiến tranh tàn phá nặng như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, các thành thị và nông thôn vùng khu IV cũ.

Ở thành phố, cần khôi phục và xây dựng thêm nhà ở cho công nhân, nhân viên các xí nghiệp, cơ sở sản xuất và cho nhân dân. Hết sức coi trọng các công trình cung cấp điện, nước, cống rãnh, đồng thời chú ý thích đáng một số công trình phục vụ sinh hoạt và văn hóa, như cơ sở y tế, vườn trẻ, lớp mẫu giáo, trường học, cửa hàng, tu bổ và tận dụng các câu lạc bộ, thư viện, bãi và rạp chiếu bóng, sân vận động, công viên, v.v.. Trong những năm tới, các loại vật liệu như xi măng, sắt thép, gỗ phải dành cho các công trình trọng điểm của Trung ương và địa phương, do đó, để đáp ứng kịp thời yêu cầu, một phần nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt ở các thành phố, thị xã còn phải xây dựng tạm bằng tranh, tre. Toàn bộ việc khôi phục, xây dựng lại các thành phố phải tiến hành theo quy hoạch, tránh gây trở ngại và lãng phí cho công việc xây dựng sau này.

Ở nông thôn, việc xây dựng lại nhà ở và các công trình sinh hoạt khác cần kết hợp với việc quy hoạch lại các cơ sở sản xuất và quy hoạch xây dựng đồng ruộng. Cần đặc biệt chú ý tiết kiệm diện tích canh tác, nhất là diện tích đất ruộng ở đồng bằng. Để giải quyết khó khăn về vật liệu xây dựng, cần tích cực khai thác mọi nguồn vật liệu tại chỗ, làm các loại gạch không nung, gạch đá ong…

Phải chú ý tăng cường lực lượng xây dựng, bao gồm cả lực lượng thiết kế, thi công, lực lượng khảo sát, nghiên cứu khoa học -kỹ thuật xây dựng. Phải quản lý chặt chẽ công tác xây dựng của các ngành, các địa phương, để tránh lãng phí vật liệu, tiền vốn, nhân lực. Phải quản lý tốt và giúp đỡ các hợp tác xã xây dựng ở thành phố, sử dụng tốt năng lực vào các công việc thích hợp.

5. Xuất khẩu, nhập khẩu và hợp tác kinh tế với nước ngoài

Phấn đấu tăng nhanh xuất khẩu để tăng khả năng nhập khẩu là nhiệm vụ rất quan trọng để phục vụ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, là một nguồn tăng thêm tích lũy khá lớn. Năm 1974, giá trị hàng hóa xuất khẩu phải tăng 31% so với năm 1973 và phải chuẩn bị tích cực để tăng xuất khẩu hơn nữa trong những năm sau.

Các ngành, các địa phương phải tìm mọi biện pháp đẩy mạnh sản xuất, thu mua nắm nguồn hàng, tạo thêm nguồn nguyên liệu để tăng xuất khẩu. Cần xem lại một số giá cả hàng xuất khẩu, nghiên cứu chính sách khuyến khích các ngành, địa phương hoặc đơn vị cơ sở có nhiều cố gắng tăng nguồn hàng xuất khẩu. Phải làm cho mọi người nhận thức thật sâu sắc yêu cầu bức thiết của việc tăng nhanh xuất khẩu, động viên mọi người tiết kiệm tiêu dùng trong nước, dành hàng có chất lượng cao cho xuất khẩu.

Mặt khác, phải tăng cường quản lý nhập khẩu; kế hoạch nhập khẩu phải được xây dựng theo tinh thần tiết kiệm tiêu dùng, khuyến khích dùng hàng trong nước, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước có điều kiện sản xuất. Việc nhập khẩu tư liệu sản xuất, kể cả nhập thiết bị toàn bộ, phải được tính toán chặt chẽ theo yêu cầu hết sức tiết kiệm ngoại tệ và dùng ngoại tệ với hiệu quả kinh tế cao. Cần phát triển và tận dụng khả năng sản xuất cơ khí trong nước để từng bước giảm bớt nhập khẩu thiết bị và phụ tùng thông thường.

Kế hoạch nhập khẩu, nhất là kế hoạch nhập khẩu thiết bị toàn bộ, phải bảo đảm đáp ứng tốt những nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, phù hợp với phương hướng đầu tư cơ bản và kế hoạch thi công xây dựng cũng như kế hoạch sản xuất trong nước.

Trong giai đoạn mới của công cuộc xây dựng kinh tế, để tranh thủ thêm nguồn vốn và khả năng kỹ thuật, tạo thêm điều kiện khai thác có hiệu quả các tài nguyên và tận dụng lực lượng lao động, đẩy mạnh sản xuất phục vụ yêu cầu trong nước và tăng thêm mặt hàng xuất khẩu, chúng ta cần tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học và kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ ngoại thương và kinh tế kỹ thuật với các nước khác.

6. Thương nghiệp, tài chính, tiền tệ và giá cả

Trong hai năm tới, công tác thương nghiệp phải phát huy vai trò tích cực phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ đời sống nhân dân và góp phần tích cực ổn định tình hình kinh tế. Phải tăng cường công tác thu mua, tập trung cao nhất nguồn hàng vào thương nghiệp quốc doanh.

Thực hiện chính sách thống nhất mua và phân phối lương thực, chỉ đạo chặt chẽ việc xóa bỏ thị trường tự do về lương thực ở thành thị và nông thôn. Nhà nước mở rộng việc thu mua thóc và màu. Tăng cường quản lý phân phối lương thực, gắn chặt quản lý lương thực với quản lý lao động. Phải kiểm tra chặt chẽ việc dùng lương thực trong các ngành, các cấp, kiên quyết chống lãng phí và tham ô lương thực của Nhà nước. Việc cung cấp lương thực cho chăn nuôi, cho người làm nghề rừng và người trồng cây công nghiệp phải được quyết toán tương ứng với sản phẩm mà Nhà nước mua được.

Thương nghiệp quốc doanh phải mở rộng kinh doanh các loại thực phẩm: thịt, rau, cá, trứng, gà, vịt, v.v.. Bảo đảm thu mua tốt các loại nông sản cho xuất khẩu và nông sản nguyên liệu cho công nghiệp. Đi đôi với việc động viên nông dân thực hiện nghĩa vụ bán nông sản, cần tăng cường biện pháp ký kết hợp đồng hai chiều trao đổi vật tư, hàng hóa với các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân để nắm được khối lượng lớn nông sản hàng hóa, vừa đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng, vừa quản lý được nguồn hàng tận gốc.

Đối với công nghiệp, toàn bộ sản phẩm hàng hóa của các cơ sở quốc doanh phải được giao nộp cho Nhà nước. Cần mở rộng hơn nữa việc thu mua các hàng tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Tích cực thu mua và dùng lại trong sản xuất các nguồn phế liệu, phế phẩm, thu hồi và gia công lại các loại bao bì, hàng cũ để tăng thêm hàng hóa.

Trong việc phân phối hàng hóa, đối với các mặt hàng thiết yếu, vẫn duy trì chế độ bán theo tiêu chuẩn định lượng, nhưng cần chuyển một số hàng không thuộc nhu cầu thiết yếu sang bán bình thường để đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường. Theo dự kiến của kế hoạch nhà nước năm 1974, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường có tổ chức sẽ tăng 10% so với năm 1973. Phương thức phân phối hàng hóa phải được cải tiến, tập trung vào các thị trường chính, theo đúng các chỉ tiêu kế hoạch, các chính sách và chế độ của Nhà nước, bảo đảm công bằng, dân chủ, thuận tiện cho người tiêu dùng.

Phải coi việc tăng cường quản lý thị trường, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với người buôn bán nhỏ là một nhiệm vụ quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, sắp xếp và sử dụng tốt lao động xã hội, bảo đảm ổn định thị trường, ổn định giá cả trong hai năm tới. Đối với những người buôn bán nhỏ, những người kinh doanh ngành ăn uống, làm nghề phục vụ, sửa chữa, cần sắp xếp lại và sử dụng một số người làm đại lý, kinh tiêu cho mậu dịch quốc doanh, chuyển dần những người khác sang sản xuất, hoặc làm các nghề mà xã hội có yêu cầu. Ở nông thôn, phải củng cố và phát huy vai trò của hợp tác xã mua bán. Thương nghiệp quốc doanh phải mở rộng màng lưới, phát huy vai trò lãnh đạo đối với toàn bộ thị trường, đấu tranh có hiệu quả với thị trường tự do trên các mặt số lượng, chất lượng hàng hóa và thái độ phục vụ. Phải phối hợp hoạt động của nhiều ngành, nhiều mặt (tài chính, thương nghiệp, công an, tòa án, các đoàn thể quần chúng các khối dân phố) để trừng trị những hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán các thứ hàng do Nhà nước quản lý, buôn bán tem phiếu… Để bảo đảm quản lý tốt thị trường, vấn đề cấp thiết trước hết là tăng cường quản lý nội bộ các xí nghiệp, cơ quan nhà nước, kiên quyết không để lọt vật tư, hàng hóa của Nhà nước ra thị trường tự do.

Trên cơ sở khôi phục và phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tăng cường thu mua nắm nguồn hàng, quản lý chặt chẽ thị trường, phải thực hiện cân đối thu, chi ngân sách một cách tích cực. Phải phấn đấu tăng thu, giảm chi. Một mặt, hết sức tiết kiệm trong sản xuất, đấu tranh hạ giá thành và phí lưu thông để tăng nguồn tích lũy từ nội bộ nền kinh tế; chống thất thu thuế đối với khu vực tập thể và cá thể. Mặt khác, phân phối vốn một cách hết sức tập trung, nhằm vào những công việc có hiệu quả nhất, tính toán chặt chẽ mọi khoản chi tiêu, thực hành triệt để tiết kiệm, hoãn, giảm những khoản chi tiêu không cần thiết. Đặc biệt, vốn đầu tư cơ bản phải tập trung, có trọng điểm và phải được quản lý chặt chẽ ngay từ khi xét duyệt thiết kế, giá dự toán. Phải quản lý nghiêm ngặt các khoản chi về hành chính sự nghiệp và chi cho tiêu dùng, chống lãng phí, phô trương hình thức. Cần soát kỹ lại các khoản trợ cấp, chi cho tiêu dùng xã hội; nghiên cứu việc chuyển từng bước một số khoản chi cho tiêu dùng cá nhân theo chế độ cung cấp hiện nay sang chế độ tiền lương.

Quản lý thu chi ngân sách gắn liền với quản lý tiền mặt. Phải giảm bội chi tiền mặt tới mức thấp nhất. Phải quản lý chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng quỹ tiền lương và các khoản chi có tính chất lương; tăng cường vận động gửi tiền tiết kiệm; tăng cường nắm nguồn hàng, đẩy mạnh bán ra; phát triển thêm các nguồn thu phục vụ…

Phấn đấu ổn định giá cả và điều chỉnh những giá không hợp lý, nhất là giá thu mua một số nông sản và hàng xuất khẩu. Xúc tiến việc nghiên cứu cải tiến hệ thống giá cả (đi đôi với cải tiến chế độ tiền lương) nhằm khuyến khích sản xuất, phân phối hợp lý thu nhập quốc dân, giảm các khoản bù lỗ, bù giá và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

7. Lao động, tiền lương, đào tạo công nhân kỹ thuật và cán bộ

Trước nhiệm vụ to lớn của công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải tổ chức và sử dụng tốt lao động xã hội: động viên và tổ chức mọi người làm việc, lao động thật sự theo đúng chế độ, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao.

Yêu cầu trước mắt và lâu dài là phải có kế hoạch từng bước tổ chức lại lao động xã hội trên quy mô lớn cả nước.

Phải đề cao hơn nữa nghĩa vụ lao động của công dân, thi hành chính sách buộc người có sức lao động mà chưa có việc làm chính đáng, lại làm những việc có hại cho xã hội, thì phải chịu sự điều phối lao động của Nhà nước. Ai có sức lao động mà không chịu làm thì không được đòi hỏi hưởng thụ. Những người làm ăn phi pháp phải bị nghiêm trị theo pháp luật nhà nước.

Các cơ quan có trách nhiệm quản lý lao động xã hội cần đi sâu nắm chắc nguồn lao động và nhu cầu xã hội, tổ chức và sử dụng hợp lý lao động thu hút mọi người lao động có ích cho xã hội.

Ở nông thôn, một mặt phải tận dụng khả năng lao động để thâm canh, tăng năng suất, gieo trồng hết diện tích hiện có. Mặt khác, phải tổ chức thật tốt việc chuyển lao động ở các tỉnh đồng bằng đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới; năm 1974: sẽ bố trí vào việc đó 8 vạn lao động, năm 1975: 12 vạn lao động; đồng thời tích cực chuẩn bị để các năm sau, đưa hàng triệu nhân khẩu ở đồng bằng lên miền núi và trung du, mở thêm diện tích đất rừng và đất nông nghiệp.

Trong việc thuê mướn lao động ngoài biên chế, các ngành, các đơn vị phải liên hệ với cơ quan quản lý lao động ở địa phương để bố trí hợp lý việc sử dụng các nguồn lao động nhàn rỗi, phải ký hợp đồng thuê lao động với các hợp tác xã, không để bọn “cai đầu dài” lợi dụng kiếm lời, bóc lột lao động và làm thiệt hại cho Nhà nước.

Ở thành phố, cần phối hợp giữa chính quyền với các cơ quan, xí nghiệp và các đoàn thể tổ chức những cơ sở sản xuất, chế biến, phát triển các ngành, nghề thủ công, tổ chức các lực lượng xây dựng, sửa chữa, phục vụ sinh hoạt, v.v., nhất là những hoạt động không đòi hỏi nhiều vật tư, tiền vốn, để thu hút và tận dụng lao động xây dựng. Đối với những người không chịu sự quản lý lao động của Nhà nước, cần áp dụng mọi biện pháp giáo dục, tổ chức, quản lý, đưa họ vào làm ăn chính đáng. Chú ý tổ chức việc dạy nghề rộng rãi cho số thanh niên 16-17 tuổi thôi học, tạo nguồn dự trữ về lao động kỹ thuật cung cấp cho nhu cầu kinh tế.

Phải thực hiện tốt việc tuyển lao động cho các nhu cầu xây dựng kinh tế, nhất là lao động cho xây dựng, lâm nghiệp, vận tải, đào tạo công nhân kỹ thuật…

Trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước, công tác quản lý lao động phải đạt hiệu quả thiết thực là tăng số người trực tiếp sản xuất, giảm số người không sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm xã hội. Mọi việc đều phải theo định mức, trên cơ sở định mức và tiêu chuẩn biên chế, bố trí lao động phù hợp với yêu cầu của công việc bảo đảm cho mọi người có việc làm thích hợp và phát huy được năng lực. Kịp thời khen thưởng người có ngày công, giờ công cao, thi hành chế độ trách nhiệm vật chất đối với những người vô trách nhiệm, làm ẩu, làm xấu.

Phải kiên quyết tinh giản biên chế trong khu vực nhà nước.

Khối lượng sản xuất, xây dựng tăng lên, đòi hỏi phải tăng thêm lao động trong khu vực nhà nước, song, để đáp ứng yêu cầu, hướng chính là phải tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp và sử dụng tốt lực lượng lao động hiện có của từng đơn vị, hết sức hạn chế việc tuyển người mới, lấy tăng năng suất lao động làm chính để tăng sản lượng.

Trong hai năm 1974-1975, các ngành sản xuất quốc doanh phải đạt và vượt mức năng suất lao động trước chiến tranh, coi đây là một mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, phải tổ chức việc trang bị đủ công cụ cho người lao động, cung ứng kịp thời nguyên liệu, vật liệu, tăng cường tổ chức và quản lý lao động, sửa đổi và bổ sung các định mức, đề cao kỷ luật lao động, bảo đảm giờ công, ngày công, hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật, đi đôi với các biện pháp khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

Về tiền lương, cần mở rộng chế độ trả lương theo sản phẩm trên cơ sở định mức trung bình tiên tiến; thực hiện đúng đắn việc thưởng tăng năng suất, thưởng hoàn thành kế hoạch Nhà nước, nâng cấp, nâng bậc thường xuyên... Nghiên cứu bổ sung các chế độ thưởng về tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, về tăng chất lượng sản phẩm, giải phóng nhanh phương tiện vận tải, chế độ khuyến khích vận tải hai chiều, v.v.. Các chế độ tiền thưởng, phân phối lợi nhuận, v.v., phải được thực hiện trên cơ sở thật sự tăng năng suất lao động, hạ giá thành, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tăng tích lũy cho Nhà nước. Đồng thời nghiên cứu cải tiến một cách có trọng điểm chế độ tiền lương, chủ yếu là giải quyết một bước chế độ tiền lương đối với những bộ phận lao động nặng nhọc và kỹ thuật phức tạp; tích cực chuẩn bị để ban hành hệ thống tiền lương mới trong kế hoạch 5 năm tới.

Công tác đào tạo công nhân kỹ thuật là một nhiệm vụ rất
cấp bách, cần được đẩy mạnh với nhịp độ nhanh hơn các năm trước, nhằm phục vụ tốt các yêu cầu trước mắt và chuẩn bị cho các năm sau.

Năm 1974, sẽ tuyển mới để đào tạo 11 vạn công nhân kỹ thuật tăng 83% so với năm 1973. Mở rộng hình thức đào tạo, kèm cặp tại các công trường, xí nghiệp. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường, củng cố tốt các trường, bổ sung thiết bị thực tập cho các xưởng trường, có đủ giáo viên và người phục vụ giảng dạy.

Về đào tạo cán bộ: Số học sinh đại học đầu năm học 1974-1975 dự kiến là 70.370 người, tăng gần 6% so với năm trước; số học sinh trung học chuyên nghiệp sẽ là 74.200 người, tăng trên 22,3%. Đi đôi với đào tạo mới, cần chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở các ngành, các cấp cho phù hợp với trình độ phát triển của khoa học, kỹ thuật và yêu cầu của quản lý kinh tế trong giai đoạn mới.

Hướng phân phối học sinh tốt nghiệp chủ yếu là tiếp tục đưa về các cơ sở sản xuất, đặc biệt chú trọng các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các đơn vị làm công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, các cơ sở giao thông vận tải, lâm nghiệp, địa chất, thủy sản, v.v; đồng thời bổ sung cán bộ giảng dạy cho các trường, kể cả các trường đào tạo công nhân kỹ thuật.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo cán bộ, phải ổn định thêm một bước các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, tăng cường công tác quản lý các trường, nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy cải tiến nội dung học tập, bổ sung thêm thiết bị nghiên cứu và thí nghiệm cải thiện việc ăn, ở, v.v..

Phải chỉ đạo chặt chẽ việc đi nghiên cứu, thực tập hoặc đi học đại học và công nhân kỹ thuật ở nước ngoài; quản lý chặt chẽ việc gửi các đoàn đi tham quan, khảo sát.

8. Khoa học, kỹ thuật

Trong hai năm 1974-1975, công tác khoa học - kỹ thuật cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết góp phần bảo đảm thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, đồng thời chú ý thích đáng những yêu cầu phát triển trong các năm sau. Trước mắt, phải giải quyết những khâu mấu chốt để thâm canh, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, những vấn đề mới trong công tác khai hoang; xây dựng vùng kinh tế mới; tích cực nghiên cứu việc khai thác và sử dụng các nguồn nguyên liệu, vật liệu trong nước, tìm nguyên liệu, vật liệu thay thế, tận dụng phế liệu, phế phẩm, tiết kiệm các loại vật tư, nhất là vật tư nhập khẩu, tìm thêm các loại vật liệu xây dựng; giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong việc sản xuất và phục hồi các phụ tùng, chi tiết máy, thiết kế chế tạo những sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm cơ khí để thúc đẩy cơ khí hóa sản xuất.

Phải đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, nhất là đối với các sản phẩm cơ khí và sản phẩm xuất khẩu; tăng cường công tác tiêu chuẩn hóa và công tác đo lường, phấn đấu đến hết năm 1975, xây dựng đủ tiêu chuẩn cấp nhà nước và cấp ngành cho các sản phẩm do Nhà nước thống nhất quản lý; đối với những sản phẩm còn lại, phải xây dựng tiêu chuẩn cấp địa phương hoặc xí nghiệp.

Phải chú trọng cơ giới hóa, đổi mới từng khâu hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất; cải tiến, hiện đại hóa hoặc bổ sung các thiết bị, máy móc, dụng cụ. Trong mọi công việc, nếu chưa có máy móc, phải tích cực sử dụng công cụ cải tiến và công cụ thủ công. Trong điều kiện cơ giới hóa có hạn, việc cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến tổ chức sản xuất và tổ chức lao động một cách khoa học phải được coi là những yếu tố đặc biệt quan trọng để tăng năng suất lao động.

Cần coi trọng hợp lý sản xuất, đây là một hướng hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế lớn, có thể áp dụng rộng rãi từ phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đến từng ngành, từng địa phương và cơ sở sản xuất kinh doanh, từ sự phân công, hợp tác giữa các đơn vị, đến việc sử dụng hợp lý từng bộ phận, từng người lao động.

Đội ngũ những người làm công tác khoa học, kỹ thuật cần được sắp xếp, sử dụng một cách hợp lý để phát huy năng lực đến mức cao nhất. Phải tăng cường chỉ đạo công tác khoa học, kỹ thuật, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ và nhân viên kỹ thuật cung cấp máy móc và phương tiện, tổ chức tốt lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật đi sâu vào thực tế để phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và củng cố quốc phòng. Chú ý phát hiện và bồi dưỡng lớp cán bộ nòng cốt trong các ngành khoa học, kỹ thuật. Phải ra sức học tập khoa học, kỹ thuật của các nước ngoài, với tinh thần chủ động và sáng tạo.

9. Giáo dục, văn hóa, bảo vệ sức khỏe

Các ngành giáo dục phổ thông, đại học và chuyên nghiệp phải cải tiến công tác quản lý, tổ chức phong trào “thi đua hai tốt” (dạy tốt và học tốt) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Phải hoàn thành việc chuẩn bị để thực hiện cải cách giáo dục.

Trước mắt, cần chú ý sắp xếp việc học tập cho trẻ em đến tuổi chưa được học; đưa trên 90% trẻ em đến tuổi đi học vào các trường cấp I; phát triển trường cấp II đủ thu nhận hết học sinh tốt nghiệp cấp I; phát triển trường cấp III theo khả năng hiện nay. Củng cố và phát triển các vườn trẻ, các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, thu hút trẻ em đến tuổi vào lớp vỡ lòng. Trong chiến tranh, nhiều trường học bị đánh phá; một số trường xây dựng đã lâu, nay hư hỏng. Hai năm tới, cần huy động mọi khả năng để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học tập. Cần tích cực cải tạo các trường hiện có, bảo đảm đủ ánh sáng và không khí. Nhà nước sẽ xây dựng và làm lại khoảng 4 vạn phòng học; những nơi chưa có điều kiện xây dựng kiên cố, thì xây dựng bằng tranh tre, nhưng phải đúng quy cách. Ngoài vốn của Nhà nước cấp phát và tiền học phí, các địa phương cần động viên khả năng của nhân dân và sử dụng một phần lao động của học sinh vào việc xây dựng trường học. Nhà nước sẽ cung cấp thêm gỗ để làm bàn ghế.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, phải giải quyết tốt hơn nữa vấn đề sách giáo khoa: sắp xếp, tận dụng công suất của các nhà in, tăng thêm khả năng in sách bảo đảm đủ dùng cho học sinh. Chú trọng bổ sung các đồ dùng giảng dạy và học tập. Tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ các giáo viên, đồng thời phải đẩy mạnh việc đào tạo giáo viên.

Công tác bổ túc văn hóa phải được tiếp tục củng cố và phát triển.

Ngành Y tế phải tăng cường và cải tiến quản lý về mọi mặt, từ trên xuống dưới, nâng cao chất lượng phục vụ sức khỏe của nhân dân. Phải tích cực học tập và sử dụng thành tựu y học tiên tiến của thế giới, đồng thời khai thác, phát huy và nâng cao nền y học, kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh và nguồn dược liệu của dân tộc ta.

Phải tiến hành tích cực công tác phòng bệnh, ngăn chặn các bệnh dịch, các bệnh nảy sinh sau chiến tranh.

Các tuyến chữa bệnh cần được sắp xếp lại, tăng thêm trang bị cần thiết (chú ý bệnh viện huyện, trạm y tế xã, y tế công trường, nông trường và lâm trường). Ngoài việc sửa chữa và khôi phục các bệnh viện bị đánh phá, trong hai năm 1974-1975 sẽ trang bị mới 50 bệnh viện huyện, 1.000 trạm y tế xã, 500 trạm y tế các xí nghiệp, cơ quan, v.v., xây dựng lại trại phong Quỳnh Lập để tập trung các bệnh nhân cần điều trị. Năm 1974, phát triển thêm 4.000 giường bệnh, tăng 8% so với năm 1973.

Phải tổ chức việc phân phối, sử dụng thuốc một cách hợp lý. Phải tăng cường việc trồng và khai thác cây thuốc, tổ chức tốt việc thu mua và chế biến dược liệu, tăng thêm nguồn dược liệu trong nước.

Tăng cường công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em đặc biệt chú trọng công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch để đạt tỷ lệ hợp lý về phát triển dân số.

Cần phát triển phong trào thể dục thể thao rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe để lao động có năng suất và sẵn sàng bảo vệ
Tổ quốc.

Về văn hóa, nghệ thuật, cần phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng và cuộc vận động nếp sống mới, nhằm giáo dục, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, xây dựng cuộc sống mới, con người mới. Củng cố và nâng cao chất lượng của các hoạt động văn hóa chuyên nghiệp. Đẩy mạnh sáng tác nghệ thuật và trang bị một số cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho các đội chiếu bóng, các đoàn văn công, các nhà in, xưởng phim, thư viện, bảo tàng, các trường nghệ thuật, viện nghệ thuật. Chấn chỉnh các trường văn hóa nghệ thuật để đào tạo cán bộ trong những năm sau.

Phải chú ý bài trừ mê tín, dị đoan và tục lệ lạc hậu trong ma chay, cưới xin, v.v., xây dựng những thể lệ về nếp sống mới.

Công tác thông tin cần được phát triển một cách thích hợp, gắn liền với nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần truyền đạt các đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức trong nhân dân về tình hình và nhiệm vụ mới, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế cho cán bộ, nhân dân.

10. Ổn định đời sống nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội sau chiến tranh

Sau những năm chiến tranh lâu dài và ác liệt, việc ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân là một nhiệm vụ rất cấp bách để giảm bớt các khó khăn, duy trì và bồi dưỡng sức dân.

Trong tình hình hiện nay, hướng phấn đấu chung của ta là Nhà nước và nhân dân phải cùng nỗ lực, cùng lo toan khắc phục khó khăn về đời sống; phải tự sức mình tạo thêm của cải vật chất để cải thiện đời sống. Để có thể tập trung sức vào việc khôi phục và phát triển kinh tế, chuẩn bị cơ sở cho những bước tiến nhanh hơn trong những năm sau, việc giải quyết những vấn đề về đời sống trong hai năm tới phải có trọng điểm, nhằm vào những yêu cầu cấp bách nhất: về ăn, ở, học tập, chữa bệnh; chú ý những gia đình có khó khăn do chiến tranh.

Về ăn: năm 1974, phải bảo đảm cung cấp theo định lượng, phục vụ tốt hai bữa ăn chính và bữa ăn sáng cho các thành phố, khu công nghiệp, các công trường, nông trường, lâm trường… Phải cung cấp đủ rau, đủ tiêu chuẩn thịt, cá, nước chấm, nước mắm, v.v., cho công nhân, viên chức.

Về nhà ở: trong hai năm 1974-1975, dự định sẽ xây dựng khoảng 1 triệu 40 vạn mét vuông nhà ở, trong đó một nửa là nhà xây bê tông; riêng năm 1974, xây dựng 61 vạn mét vuông. Số diện tích xây dựng thêm chủ yếu là dành cho số công nhân, viên chức chưa có chỗ ở, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung, các công trường, nông trường, lâm trường, các khu kinh tế mới, cho học sinh trung học và đại học… Phải xây dựng nhanh, dứt điểm và hoàn thành đồng bộ cả công trình phụ của từng khu nhà, làm xong đến đâu thì dùng được ngay đến đấy.

Một nhiệm vụ rất quan trọng về ổn định đời sống nhân dân là giải quyết các vấn đề xã hội sau chiến tranh.

Phải giải quyết tốt các vấn đề tiếp nhận, bồi dưỡng, đào tạo nghề, bố trí việc làm cho thương binh và quân nhân xuất ngũ. Xúc tiến nghiên cứu và ban hành sớm chính sách, chế độ đối với thương binh và quân nhân xuất ngũ tham gia sản xuất, giúp đỡ các cơ sở sản xuất của thương binh.

Các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở đều có trách nhiệm chăm sóc đời sống của gia đình liệt sĩ, của những người bị thương tật do chiến tranh, của trẻ em mồ côi và những người già không có nơi nương tựa. Nhà nước phải có các chính sách thích hợp, song chủ yếu là phải dựa vào lực lượng của nhân dân địa phương, phát huy tinh thần thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

11. Xúc tiến các công việc chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế và văn hóa

Phải khẩn trương nghiên cứu dự án kế hoạch 5 năm (1976-1980); nghiên cứu quy hoạch phát triển (10-15 năm) các ngành kinh tế quan trọng, quy hoạch phân bố các vùng kinh tế, các thành phố và khu công nghiệp. Đẩy mạnh công tác điều tra khảo sát tài nguyên và điều kiện thiên nhiên; tiến hành một số cuộc điều tra về tình hình kinh tế, xã hội. Có quy hoạch đào tạo công nhân, cán bộ cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa. Có kế hoạch phát triển khoa học, kỹ thuật gắn chặt với kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế, văn hóa.

PHẦN THỨ BA

NHỮNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1974

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh là một nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng của miền Bắc, làm hậu thuẫn vững mạnh cho cuộc đấu tranh hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và phức tạp.

Trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện kế hoạch nhà nước, chúng ta phải thực hiện thật tốt những biện pháp chủ yếu sau đây:

1. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đưa công tác quản lý kinh tế vào nền nếp, cải tiến một bước công tác quản lý

Về lâu dài, công tác quản lý kinh tế phải được cải tiến theo phương hướng cơ bản do Hội nghị lần thứ 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra là “xóa bỏ lối quản lý hành chính cung cấp, thực hiện quản lý theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa; khắc phục cách tổ chức quản lý thủ công, phân tán theo lối sản xuất nhỏ, xây dựng tổ chức quản lý của nền công nghiệp lớn, nhằm thúc đẩy quá trình đưa nền kinh tế quốc dân từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.

Trước mắt, phải ra sức đưa mọi mặt quản lý của các ngành, các cấp vào nền nếp, đồng thời tùy theo điều kiện cụ thể của từng ngành, từng cấp, từng đơn vị cơ sở mà tiến hành cải tiến một bước công tác quản lý.

Phải tổ chức nghiên cứu việc vận dụng các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội vào công tác cải tiến quản lý; xúc tiến làm thí điểm và chuẩn bị các điều kiện để trong thời gian kế hoạch 5 năm sắp tới (1976-1980) xây dựng được hệ thống quản lý kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.

Phải thực hiện từng bước việc quản lý và kế hoạch hóa theo ngành kết hợp với quản lý và kế hoạch hóa theo lãnh thổ, vừa xây dựng tốt kinh tế Trung ương, vừa khuyến khích phát triển kinh tế địa phương theo kế hoạch chung của nền kinh tế quốc dân.

Bộ máy quản lý nhà nước, quản lý kinh tế phải bảo đảm quyền tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời bảo đảm phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành chủ động trong việc khai thác và sử dụng mọi khả năng tiềm tàng của mình, chủ động trong việc từng bước phân công lại lao động xã hội, nhằm phát triển sản xuất, vừa làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước, vừa chăm sóc tốt đời sống nhân dân ở địa phương. Bộ máy quản lý nhà nước, quản lý kinh tế phải được tinh giản, gọn nhẹ có hiệu lực cao. Mỗi bộ phận, mỗi người phải được xác định rõ chức năng, trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ công tác với bộ phận khác, người khác.

Cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành phải đề cao kỷ luật tổ chức, kỷ luật chấp hành đường lối; thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, kế hoạch nhà nước. Phải chấp hành đúng các chính sách, chế độ, đưa các hoạt động của Nhà nước vào nền nếp, kỷ cương. Phải đề cao tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các ngành, các cơ quan, khắc phục hiện tượng bản vị, cục bộ, chủ nghĩa địa phương.

Phải thực hiện nghiêm chỉnh bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ, bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng. Xúc tiến việc xây dựng Điều lệ về tổ chức và hoạt động của các Bộ, các Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố.

Để kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần xúc tiến việc chấn chỉnh, kiện toàn cơ quan lãnh đạo của các ngành kinh tế quan trọng. Phải có biện pháp tích cực và cụ thể nhằm nâng cao năng lực quản lý của cán bộ các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở. Chấn chỉnh, cải tiến hệ thống tổ chức cung ứng vật tư và vận tải để tạo điều kiện ổn định tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất và xây dựng.

Phải chấn chỉnh bộ máy quản lý kinh tế của cấp tỉnh, đặc biệt coi trọng việc kiện toàn cấp huyện.

Củng cố và kiện toàn tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất ở các đơn vị cơ sở. Đối với các xí nghiệp quốc doanh, nội dung chính hiện nay là ổn định các điều kiện sản xuất, tăng cường quản lý lao động, vật tư, tài vụ và tiến hành một bước việc cải tiến nội dung công tác quản lý xí nghiệp qua kinh nghiệm của các đơn vị làm thí điểm.

Thực hiện chặt chẽ chế độ hạch toán kinh tế ở tất cả các đơn vị sản xuất và kinh doanh. Phát huy tác dụng thiết thực của việc trả lương theo sản phẩm và của các đòn bẩy kinh tế khác.

Thi hành chế độ thủ trưởng trong hệ thống quản lý kinh tế quốc doanh, chế độ trách nhiệm cá nhân ở tất cả các khâu quản lý. Thủ trưởng phải làm đầy đủ nhiệm vụ, sử dụng đầy đủ quyền hạn của mình theo quy định của Nhà nước, chịu trách nhiệm hoàn toàn về các nhiệm vụ được cấp trên giao cho đơn vị mình, ngành mình.

2. Tăng cường và cải tiến công tác kế hoạch hóa

Kế hoạch là công cụ chủ yếu của công tác quản lý. Phải tăng cường lãnh đạo việc lập kế hoạch và cải tiến công tác kế hoạch hóa, làm cho kế hoạch thể hiện được cụ thể đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bước đi thích hợp cho từng ngành, từng địa phương, qua từng thời kỳ phát triển kinh tế. Thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác kế hoạch hóa, bảo đảm cho Nhà nước tập trung nắm các chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế quốc dân; đồng thời phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm của cấp dưới trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch. Phấn đấu tích cực để khắc phục từng bước những mặt mất cân đối lớn về kinh tế và tài chính: thống nhất kế hoạch hiện vật với kế hoạch giá trị, coi trọng các chỉ tiêu chất lượng. Đi đôi với kế hoạch sản xuất, phải có kế hoạch tiến bộ kỹ thuật. Tăng cường điều tra, nghiên cứu, nắm tình hình; kết hợp chặt chẽ việc làm kế hoạch với việc nghiên cứu và áp dụng các chính sách kinh tế.

Trong thời gian tới, phải coi trọng việc cải tiến một bước công tác kế hoạch hóa đối với khu vực kinh tế tập thể. Tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã nông nghiệp xác định phương hướng sản xuất; cải tiến việc cung ứng vật tư - kỹ thuật cho nông nghiệp và thủ công nghiệp; vận dụng hình thức hợp đồng kinh tế; thực hiện các chính sách, chế độ khuyến khích hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh theo phương hướng của kế hoạch và làm vượt mức nghĩa vụ đối với Nhà nước.

3. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa

Nhà nước ta quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng các chế độ, quy định, tiêu chuẩn, bằng hệ thống luật pháp kinh tế và toàn bộ hệ thống pháp chế nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, pháp chế xã hội chủ nghĩa phải phát huy đến mức cao nhất chức năng và tác dụng của nó để tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo đảm nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế.

Trước mắt, phải nghiên cứu, bổ sung, ban hành những chính sách, chế độ quản lý, pháp luật về kinh tế, nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thúc đẩy mọi người nâng cao trách nhiệm trong lao động sản xuất, trong việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và trong mọi mặt của đời sống xã hội. Cấp bách nhất là những chính sách, chế độ, thể lệ về: tổ chức quản lý, kế hoạch hóa, hạch toán kinh tế, đặc biệt là những chính sách, chế độ nhằm củng cố quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp…

Phải khẩn trương nghiên cứu và ban hành các luật lệ để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa của người công dân, trước hết là luật lệ về xét khiếu tố, về tố tụng nhằm ngăn chặn những hoạt động lạm quyền, trù ép, ức hiếp nhân dân hoặc vu cáo, báo thù những người trung thực; ngăn chặn những vụ phạm pháp làm tổn hại đến quyền làm chủ tập thể của nhân dân, tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của người công dân.

Phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và giải quyết những việc nhân dân khiếu nại, tố giác.

Phải xây dựng và thực hiện những chế độ, nội quy cần thiết trong sinh hoạt công cộng, trong thành phố, thị xã, trong các khu nhà tập thể nhằm bảo đảm nếp sống có kỷ luật, trật tự, văn minh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa những con người xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, phải tăng cường giáo dục cho mọi người hiểu rõ và tuân theo pháp luật, ủng hộ việc thi hành pháp luật, đấu tranh chống mọi hành vi phạm pháp. Các hành động xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, phá rối trật tự trị an xã hội phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Cần động viên mạnh mẽ dư luận xã hội kiên quyết lên án và đấu tranh ngăn chặn mọi hành động phạm pháp. Cần giáo dục mọi người khắc phục tư tưởng bàng quang, sợ liên lụy, mạnh dạn tố cáo những người phạm pháp với cơ quan có trách nhiệm.

Phải ra sức tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự trị an xã hội để tích cực góp phần bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Các ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát… phải làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Phải kiên quyết trừng trị những hành động vi phạm pháp luật, phá rối trật tự trị an xã hội; bài trừ những tệ nạn xã hội.

4. Tăng cường công tác tư tưởng

Phải tăng cường công tác tư tưởng nhằm bảo đảm sự nhất trí cao về chính trị và tinh thần trong các tầng lớp nhân dân, động viên mạnh mẽ phong trào cách mạng của quần chúng tham gia khôi phục và phát triển kinh tế, tham gia quản lý xã hội, hăng say lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc.

Phải làm cho mọi người thấy rõ thắng lợi, thấy rõ những cố gắng của Nhà nước và nhân dân ta, đánh giá đúng khả năng tiềm tàng to lớn và thuận lợi của ta, nhận rõ các khó khăn trong nền kinh tế, để nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng chung.

Trong nhân dân, cán bộ, phải tăng cường đoàn kết nhất trí, phát huy hơn nữa tinh thần cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám làm, ý thức tự lực tự cường; tự lực cánh sinh, cố gắng tự giải quyết vấn đề của ngành, của địa phương và đơn vị mình. Phải đề cao ý thức làm chủ tập thể, chấp hành các nhiệm vụ, thực hiện kế hoạch nhà nước. Phải kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán tư tưởng ỷ lại, bảo thủ tiêu cực, tự tư tự lợi, tính lười biếng, những hành động vô tổ chức, vô trách nhiệm, xâm phạm tài sản của Nhà nước và của tập thể, nói năng bừa bãi, lộ bí mật.

Phải làm cho mọi người nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và nội dung của những nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, thấy rõ trách nhiệm của mình đối với các nhiệm vụ đó, động viên mọi người ra sức thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

5. Phát động phong trào cách mạng của quần chúng, tổ chức thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm

Công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của nhân dân. Phải phát động phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng theo ba hướng lớn: hăng hái thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm; tích cực tham gia xây dựng nền nếp quản lý kinh tế, củng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; đấu tranh xóa bỏ những tệ nạn xã hội và những hiện tượng tiêu cực trong sản xuất và đời sống.

Tổ chức thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm phải nhằm mục tiêu: không ngừng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hoàn thành toàn diện kế hoạch nhà nước. Phải thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: thi đua mỗi người làm việc bằng hai, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phải động viên, tổ chức quần chúng, nhất là công nhân, nông dân tập thể, trí thức xã hội chủ nghĩa hăng hái tiến quân vào mặt trận kinh tế, mặt trận khoa học – kỹ thuật. Tích cực giải quyết những điều kiện vật chất và tinh thần, chính sách và tổ chức để bảo đảm cho phong trào thi đua được sôi nổi và liên tục.

Cần tổ chức một cách thiết thực các hình thức quần chúng làm chủ tập thể trong quản lý kinh tế và các hình thức để quần chúng trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Trong sinh hoạt của các đoàn thể Công đoàn, Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đoàn thể khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần lấy nội dung của các nhiệm vụ kinh tế, của phong trào thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, mà kiểm điểm giáo dục đoàn viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thức ba và Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ tư, Hội nghị đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh sắp họp, sẽ có tác dụng lớn động viên phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, trong thanh niên, trong phụ nữ, tiến lên đạt nhiều kết quả to lớn trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước.

 

*

*        *

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Nhân dân miền Bắc nước ta đang đứng trước những nhiệm vụ to lớn và vẻ vang của giai đoạn mới. Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế trong hai năm 1974-1975. Đó là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Nhà nước và nhân dân ta. Chúng ta phải vượt qua nhiều khó khăn, song có những thuận lợi rất cơ bản:

Nhân dân ta cần cù dũng cảm, thông minh sáng tạo, một lòng một dạ đi theo Đảng, có khí thế cách mạng vươn lên sau chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chúng ta có lực lượng lao động dồi dào, có lực lượng cán bộ khoa học – kỹ thuật tương đối khá, được rèn luyện trong sản xuất và chiến đấu. Chúng ta có nguồn tài nguyên phong phú dưới đất, trong rừng, ngoài biển, còn nhiều đất chưa được khai phá và sử dụng. Chúng ta có sự giúp đỡ và ủng hộ quốc tế, có điều kiện tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học – kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và mở rộng quan hệ kinh tế – kỹ thuật với các nước khác. Chúng ta có sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, dày dạn trong đấu tranh cách mạng, có đường lối cách mạng đúng đắn, đã lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng đế quốc Mỹ, nhất định lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng được nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Dự án kế hoạch nhà nước năm 1974 đã được xây dựng trên tinh thần tích cực và hiện thực, dựa vào việc khai thác các khả năng hiện có và sẽ được phát huy trong năm kế hoạch. Thực hiện thắng lợi kế hoạch này, nền kinh tế miền Bắc sẽ đạt được một bước tiến quan trọng so với năm 1965 là năm có mức sản xuất cao nhất trước chiến tranh: tổng sản phẩm xã hội sẽ tăng 21%, thu nhập quốc dân tăng 14%, giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp tăng 42%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp và nghề phụ tăng 16%, khối lượng hàng hóa vận tải tăng 81%, vốn đầu tư cơ bản của Nhà nước tăng 2,4 lần, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong thương nghiệp xã hội tăng 94%, v.v.. Đạt được những mục tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1974, các nhiệm vụ của thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sẽ được thực hiện một phần quan trọng, tạo điều kiện để tiến lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 1975 và chuẩn bị cho những bước tiến mạnh hơn trong kế hoạch 5 năm (1976-1980).

Ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch kính yêu, nhân dân ta hãy phát huy thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chuyển khí thế chiến thắng đó vào việc nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế, nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự lực, tự cường, ra sức thi đua lao động, sản xuất và thực hành tiết kiệm, tiến lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Nhất định nhân dân ta sẽ giành được thắng lợi mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam-Bắc sẽ sum họp một nhà!

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.