BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
NĂM 1974
VÀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1975
(Do ông Đào Thiện Thi, Quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá IV,
ngày 23-12-1974)
Thưa Đoàn Chủ
tịch,
Thưa các đồng chí
đại biểu,
Thay mặt Hội đồng
Chính phủ, chúng tôi xin trình Quốc hội dự án ngân sách nhà nước năm 1975.
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH THỰC
HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
NĂM 1974
Năm 1974, đáp lời kêu
gọi của Đảng và Chính phủ, nhân dân miền Bắc nước ta, phát huy chủ nghĩa anh
hùng cách mạng, phát huy năng lực lao động cần cù và sáng tạo; ra sức khắc phục
khó khăn, đã đẩy mạnh công cuộc hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục
và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và
kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đã thu
được nhiều thành tích quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân
sách nhà nước.
Ngân sách nhà nước
năm 1974, được Quốc hội phê chuẩn với tổng số thu chi thăng bằng là 5.930 triệu,
đến nay ước thực hiện như sau:
1. Tổng số thu ngân
sách ước thực hiện 5.850 triệu, đạt 98,6% dự toán, so với năm 1973 tăng 19,5%.
Phần thu trong nước
đạt 111,5% dự toán, so với năm 1973 tăng 14,4%; riêng về số tích lũy tiền tệ các
ngành kinh tế quốc doanh vượt 13,3% dự toán, so với năm 1973 tăng 23,2%; số thu
từ khu vực kinh tế tập thể và kinh tế cá thể đạt 101,7% dự toán, so với năm 1973
tăng 6,5%.
Ngành Công nghiệp
quốc doanh tích lũy tiền tệ được 612 triệu, đạt 102% dự toán, so với năm 1973
tăng 27,1%. Nhiều xí nghiệp bị đánh phá đã trở lại sản xuất toàn bộ hoặc từng
phần; một số nhà máy quan trọng được khôi phục hoặc mở rộng; một số nhà máy điện
mới xây dựng trong chiến tranh hoặc sau chiến tranh đã bước vào sản xuất; công
nghiệp khai thác than đã tăng sản lượng vượt mức kế hoạch; các ngành sản xuất
hàng tiêu dùng, sản xuất phân bón, hóa chất, vật liệu xây dựng và nhiều ngành
công nghiệp khác cũng có tiến bộ... Giá trị tổng sản lượng công nghiệp quốc
doanh vượt kế hoạch 4% và tăng 15,2% so với năm 1973, trong đó công nghiệp trung
ương tăng 26,7%, công nghiệp địa phương tăng 7,4%. Nhiều ngành, nhiều xí nghiệp
đã có tiến bộ trong công tác quản lý, nên đã hạ được giá thành và tăng tích lũy
tiền tệ vượt mức kế hoạch. Tuy nhiên, những tiến bộ đó chưa được đồng đều và
toàn diện, vẫn còn một số xí nghiệp đạt kế hoạch thấp không thực hiện được kế
hoạch hạ giá thành và kế hoạch thu nộp cho ngân sách nhà nước.
Ngành Giao thông
vận tải, tích lũy tiền tệ thực hiện 63 triệu, vượt dự toán 36,9% và so với năm
1973 tăng 96,8% do đã phấn đấu vượt các chỉ tiêu vận chuyển chủ yếu và đã hạ
được giá thành so với năm 1973: đường sắt hạ 14,5%, đường sông hạ 18,2%, đường
biển hạ 52,9%; hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy đã được sửa
chữa và tu bổ thêm. Tuy nhiên, kế hoạch vận tải phục vụ xây dựng cơ bản, vận
chuyển cho các tỉnh miền núi đạt thấp, mạng lưới vận tải chưa được sắp xếp hợp
lý, các khâu: xếp dỡ, bến cảng, kho bãi, v.v., vẫn còn yếu, vận chuyển hành
khách vẫn chuyển biến chậm, nhiều chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đạt còn thấp.
Ngành Thương nghiệp
quốc doanh tích lũy tiền tệ đạt mức dự toán, so với năm 1973 tăng 3%. Mặc dù có
nhiều khó khăn sau chiến tranh, ngành Thương nghiệp đã cố gắng đáp ứng những nhu
cầu của nhân dân, góp phần ổn định đời sống của cán bộ và nhân dân, việc phân
phối hàng hóa được cải tiến một bước; giá cả các vật phẩm tiêu dùng của thị
trường có tổ chức được giữ vững; giá cả thu mua một số mặt hàng nông sản được
điều chỉnh nhằm khuyến khích sản xuất theo đúng hướng của Đảng và Nhà nước.
Công tác xuất khẩu có
tiến bộ và vượt mức kế hoạch. Việc nhập khẩu những vật tư và thiết bị có cố gắng
đáp ứng các nhu cầu trong nước.
Công tác thu mua nông
sản thực phẩm và hàng công nghệ trong nước không đạt kế hoạch, ở một số địa
phương còn có hiện tượng giữ hàng lại không giao nộp đủ cho các yêu cầu của
trung ương; một số hàng tiêu dùng chưa đáp ứng nhu cầu tăng lên của nhân dân,
việc bảo quản hàng hóa chưa tốt, phí lưu thông thực hiện cao hơn kế hoạch.
Số thu về thuế đối
với khu vực kinh tế tập thể và kinh tế cá thể đạt 199 triệu, vượt dự toán 1,7%
và so với năm 1973 tăng 6,5%. Thuế công thương nghiệp thu tăng 20% so với năm
1973, nhờ kết hợp chặt chẽ với việc chấp hành Nghị quyết số 228 của Bộ Chính trị
Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, tiến hành đấu tranh kiên quyết chống các tệ
làm ăn phi pháp, chống hành động xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và tích cực
chống thất thu về thuế, nắm thêm số hộ, điều chỉnh doanh thu thuế, tăng cường
kiểm soát trong khâu lưu thông. Việc giúp đỡ thủ công nghiệp phát triển chưa
được tất cả các ngành, các địa phương quan tâm đầy đủ, công tác thuế chưa được
tăng cường đúng mức, còn nhiều nguồn thu chưa được quản lý, thất thu vẫn còn
nhiều, bộ máy thu thuế công thương nghiệp còn yếu.
Về thuế nông nghiệp,
thu đạt 90 triệu, vượt dự toán 4,6%. Năm nay, nông dân tập thể đã có những cố
gắng to lớn trong việc khôi phục và hoàn chỉnh các hệ thống thủy nông, san lấp
hàng vạn ha ruộng đất bị bom, khôi phục và xây dựng thêm cơ sở vật chất và kỹ
thuật, sản xuất lương thực đạt mức cao nhất từ trước đến nay; nhiều điển hình
tốt về năng suất cao đã xuất hiện ở nhiều tỉnh; đàn lợn mặc dù có khó khăn về
thức ăn, vẫn được giữ vững và đang tăng lên. Kết quả trên đây chứng minh rõ ràng
đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng đi vào sản xuất tập trung, chuyên
canh, thâm canh như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Trung ương đề ra là đúng
đắn. Song, sản xuất nông nghiệp của ta trên bước đường tổ chức lại sản xuất và
đi lên sản xuất lớn cũng còn nhiều khó khăn, tài chính nhà nước cần tăng cường
giúp đỡ hơn nữa các hợp tác xã cải tiến công tác quản lý, củng cố quan hệ sản
xuất mới.
Về số tiền vay và
viện trợ quốc tế, năm 1974, chúng ta vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ rất to
lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của các nước khác. Nguồn vốn bổ sung
to lớn này đã giúp đỡ nhân dân ta khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết
thương chiến tranh.
2. Tổng số chi của
ngân sách nhà nước ước thực hiện 5.875 triệu, đạt 99% dự toán, so với năm 1973
tăng 13,6%, đã bảo đảm các yêu cầu của công cuộc củng cố quốc phòng chi viện
tiền tuyến và làm nghĩa vụ quốc tế, yêu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, yêu cầu phát
triển các sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, bảo đảm đời sống nhân dân và các
khoản chi cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ chính trị và kinh tế theo Nghị
quyết số 22 của Trung ương Đảng và các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1974.
Số vốn cấp phát cho
đầu tư xây dựng cơ bản kinh tế và văn hóa ước thực hiện 2.060 triệu, đạt 92% dự
toán, so với năm 1973 tăng 22,8%. Mặc dầu không đạt kế hoạch và còn thấp so với
yêu cầu, nhưng khối lượng xây lắp đã góp phần vào công cuộc khôi phục kinh tế;
việc xây dựng kho tàng cũng được đẩy mạnh; các bệnh viện, trường học được khôi
phục, hàng vạn lớp học mới được xây thêm; nhà ở tăng thêm 45 vạn m2.
Nhân dân các địa phương cũng đã bỏ ra hàng chục triệu ngày công để khôi phục, mở
mang các cơ sở sản xuất và công trình lợi ích công cộng. Trong công tác xây dựng
cơ bản, kế hoạch bố trí chưa chặt chẽ, có phần không cân đối giữa khối lượng đầu
tư và khả năng vật tư, lực lượng thi công; các công việc chuẩn bị chưa tốt; quản
lý chưa được chặt chẽ, lực lượng lao động, vật tư còn phân tán, gây ra lãng phí;
hiệu suất đầu tư phát huy chậm.
Số chi về nghiên cứu
và phát triển ước thực hiện 374 triệu, so với năm 1973 tăng 6,2%, đã bảo đảm cho
nhu cầu về thăm dò tài nguyên, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật phát triển thêm
các trạm trại phục vụ nông nghiệp, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật...
Số chi về sự nghiệp
văn hóa giáo dục, y tế và xã hội ước thực hiện 540 triệu, tăng 4,4% so với năm
1973, bảo đảm cho các hoạt động giáo dục, văn hóa, y tế, bảo vệ bà mẹ và trẻ em,
thể dục thể thao, v.v., phát triển.
Chi về giáo dục phổ
thông tăng hơn năm 1973 12% đã tạo điều kiện cho ngành Giáo dục nâng cao chất
lượng dạy học, bảo đảm các điều kiện học tập; số học sinh các cấp lên tới trên 6
triệu. Thầy giáo và học sinh năm học vừa qua đã có nhiều cố gắng và tiến bộ, đã
đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Hoạt động y tế được
bảo đảm phát triển, công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em có tiến bộ. Các khoản chi về
bảo hiểm xã hội nhằm thực hiện chính sách đối với cán bộ công nhân viên chức khi
sinh đẻ, ốm đau, già yếu, mất sức, tai nạn tăng hơn trước.
Các công việc chăm
sóc thương binh, thực hiện các chính sách đối với quân nhân phục viên, quân nhân
chuyển ngành, đối với gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội, việc phục hồi sức khỏe
và khả năng lao động của các chiến sĩ thương binh đều được đặc biệt quan tâm.
Số chi về quản lý
hành chính ước thực hiện 164 triệu, vượt dự toán 3,1%, so với năm 1973 giảm được
1,2%, bảo đảm cho nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế của các ngành, các
cấp, thực hiện chủ trương nâng bậc lương cho công nhân, viên chức và những công
việc mới đề ra như công tác tổng điều tra dân số... Nhìn chung, chi tiêu hành
chính đã có những cố gắng tiết kiệm, song việc tinh giản bộ máy sắp xếp lại biên
chế chưa được đẩy mạnh, chi tiêu ở nhiều ngành, nhiều địa phương cũng còn hiện
tượng phô trương, hình thức.
Nhìn chung lại,
qua một năm phấn đấu thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước các
ngành, các địa phương, các cơ sở và nhân dân lao động miền Bắc ta đã có nhiều cố
gắng đẩy mạnh sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế và đã đạt được những
thành tích đáng phấn khởi, công tác quản lý kinh tế, tài chính đã có tiến bộ
bước đầu, ngân sách nhà nước đã được thực hiện tương đối tốt và căn bản cân đối
được thu chi góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1974, ổn định
một bước sản xuất, tiền tệ, giá cả và đời sống nhân dân. So với yêu cầu đề ra
trong Nghị quyết số 22 của Trung ương Đảng thì kết quả đạt được còn chưa đủ, hậu
quả của chiến tranh chưa khắc phục được hết công tác quản lý kinh tế, tài chính,
chưa chuyển biến mạnh mẽ và đều khắp, nhiều khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế
còn chưa được khai thác đầy đủ, khả năng tăng tích lũy tiền tệ trong kinh tế
quốc doanh chưa được tận dụng hiệu quả đồng vốn chưa được nâng cao đúng mức, chi
tiêu còn hiện tượng phân tán và lãng phí.
PHẦN THỨ HAI
DỰ ÁN NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC NĂM 1975
Thưa Đoàn Chủ
tịch,
Thưa các đồng chí
đại biểu,
Bước vào năm 1975,
tình hình kinh tế miền Bắc có nhiều thuận lợi và khả năng mới, cơ sở vật chất -
kỹ thuật được tăng thêm, quan hệ hợp tác kinh tế và mậu dịch với các nước được
mở rộng, khí thế phấn khởi cách mạng của quần chúng được nâng cao, sự lãnh đạo
của Đảng được tăng cường, tinh thần nỗ lực công tác của đảng viên và quần chúng
được phát huy sau Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 23... Chúng ta cũng còn
nhiều khó khăn.
Nhiệm vụ chung của
miền Bắc trong năm 1975 là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của
Trung ương đề ra cho hai năm 1974-1975: “Nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn vết
thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa,
tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; củng cố quan
hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống
nhân dân; củng cố quốc phòng, ra sức chi viện cho cuộc đấu tranh cách mạng và
xây dựng vùng giải phóng của đồng bào miền Nam”.
Xuất phát từ tình
hình và nhiệm vụ chung trên đây, trong năm 1975, chúng ta phải tiếp tục phát huy
tinh thần tự lực cánh sinh, chuyển biến mạnh mẽ về quản lý và năng lực tổ chức,
động viên phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, khai thác thật tốt khả năng
tiềm tàng trong nền kinh tế đi đôi với tổ chức lại sản xuất để tăng nhanh sản
lượng, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản
phẩm, tăng nhanh tích lũy tiền tệ từ nội bộ nền kinh tế quốc dân để đáp ứng yêu
cầu chung rất to lớn của cả nước.
Nhằm thực hiện những
nhiệm vụ và yêu cầu nói trên, phương hướng nhiệm vụ tài chính nhà nước năm 1975
là:
Trong bối cảnh đáp
ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng chung cả nước, quán triệt nhiệm vụ công
nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tài chính nhà nước phải dựa vào sự giác ngộ cách
mạng của quần chúng, dựa vào phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm để thúc
đẩy khai thác triệt để các khả năng tiềm tàng và tăng cường quản lý các mặt,
thực hiện triệt để tiết kiệm, từ đó ra sức nâng cao tích lũy tiền tệ từ nội bộ
nền kinh tế quốc dân, đồng thời quản lý và sử dụng tốt hơn nữa sự giúp đỡ của
các nước anh em và sự hợp tác quốc tế.
Phân phối và sử dụng
vốn một cách hết sức tập trung, đòi hỏi và nâng cao hơn nữa hiệu quả đồng vốn:
bảo đảm các yêu cầu chi viện tiền tuyến, củng cố quốc phòng, làm nghĩa vụ quốc
tế, thực hiện chính sách đầu tư bằng phương thức thích hợp nhằm nâng cao hiệu
quả vốn đầu tư, bố trí kế hoạch đầu tư một cách cân đối, chặt chẽ theo các mục
tiêu của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 22 và kế hoạch nhà nước năm 1975,
tập trung vốn cho các công trình trọng điểm và các công trình có đầy đủ các điều
kiện để khởi công đúng thời hạn và đưa nhanh vào sản xuất hoặc sử dụng; đẩy mạnh
việc giải phóng vật tư ứ đọng và tăng nhanh vòng quay vốn lưu động; bảo đảm các
yêu cầu chi cần thiết, hợp lý và tiết kiệm về nghiên cứu và phát triển và về cải
tiến tiêu dùng xã hội, góp phần giải quyết từng bước và có trọng điểm các khó
khăn về đời sống cán bộ công nhân viên chức và nhân dân.
Tăng cường và phát
huy hiệu quả của sự giúp đỡ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, đặc biệt là
đối với nông nghiệp, cải tiến các chính sách đầu tư và các biện pháp giúp đỡ của
ngân sách, của tín dụng đối với nông nghiệp, đối với thủ công nghiệp, đối với
các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời giúp đỡ các hợp tác xã nâng cao công tác quản
lý và làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Thực hiện một chính
sách triệt để tiết kiệm về mọi mặt tăng cường và cải tiến một bước công tác quản
lý kinh tế - tài chính, cải tiến các chính sách, chế độ tài chính, tăng cường
kiểm tra và thanh tra tài chính, tăng cường kiểm tra tiền tệ, giá cả, thúc đẩy
hạch toán kinh tế, chấn chỉnh công tác hạch toán - kế toán.
Xây dựng hệ thống tài
chính xã hội chủ nghĩa thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất
tập trung về đường lối, chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tập trung tài
chính cho các nhiệm vụ then chốt của nền kinh tế quốc dân, đồng thời phát huy
tinh thần trách nhiệm và tính chủ động của các đơn vị cơ sở, các ngành, các địa
phương.
Phát huy đầy đủ chức
năng phân phối, giám đốc và đòn bẩy kinh tế của tài chính xã hội chủ nghĩa, góp
phần chấn chỉnh quản lý kinh tế, thúc đẩy tăng nhanh tổng sản phẩm xã hội và thu
nhập quốc dân, nâng cao hiệu quả của mọi hoạt động kinh tế, tăng cường động viên
và đẩy mạnh tốc độ tăng thu của ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết thích
đáng quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, củng cố tài chính và tiền tệ, nhằm tạo
ra thế ổn định và lực lượng dự trữ chuẩn bị cho những bước phát triển theo kế
hoạch dài hạn 5 năm lần thứ hai (1976-1980).
Căn cứ các nghị quyết
của Đảng và Nhà nước, căn cứ các nhiệm vụ và yêu cầu của kế hoạch nhà nước năm
1975, phương hướng và nhiệm vụ tài chính nhà nước trên đây, ngân sách nhà nước
năm 1975 dự trù cân đối với tổng số thu chi là 6.500 triệu, trên cơ sở phát huy
cao độ sức tự lực cánh sinh, tăng nhanh tích lũy tiền tệ từ nội bộ nền kinh tế
quốc dân, bảo đảm yêu cầu tích lũy và tiêu dùng của Nhà nước đề ra trong kế
hoạch năm 1975.
Tổng số thu ngân sách
nhà nước năm 1975 dự trù: 6.500 triệu, tăng 11,1% so với năm 1974.
Để đáp ứng yêu cầu
của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa cũng như của công cuộc khôi phục
và phát triển kinh tế, cần ra sức tăng nhanh nguồn thu trong nước, nâng cao sức
tích lũy tiền tệ từ nội bộ nền kinh tế quốc dân lên một bước đáng kể trong năm
1975. Dựa trên các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của kế hoạch nhà nước, số thu
trong nước dự trù tăng 25,5% so với năm 1974.
Tích lũy tiền tệ
trong các ngành kinh tế quốc doanh dự kiến tăng 30,8% so với năm 1974 và chiếm
60,3% tổng số thu trong nước, trong đó: ngành Công nghiệp tăng 41,3% (nếu loại
trừ các yếu tố điều chỉnh giá cả, thì tốc độ tăng là 23,3%), ngành Giao thông
vận tải tăng 26,9%, ngành Thương nghiệp tăng 9% và thu về chênh lệch ngoại
thương 25% so với năm 1974.
Số thu về thuế đối
với kinh tế tập thể và kinh tế cá thể dự kiến trên cơ sở chính sách thuế nông
nghiệp giữ nguyên như cũ, thu đúng chính sách, chế độ và trên cơ sở chấp hành
đúng đắn những điểm bổ sung về chính sách thuế công thương nghiệp và tích cực
chống thất thu. Tổng số thu về thuế đối với kinh tế tập thể và kinh tế cá thể
chiếm 8,9% tổng số thu trong nước.
Tổng số chi ngân sách
nhà nước dự trù: 6.500 triệu, so với năm 1974 tăng 10,6%, trong đó:
Cấp phát đầu tư xây
dựng kinh tế và văn hóa: tăng 17,4% để bảo đảm khối lượng đầu tư tăng 35,8% và
khối lượng xây lắp tăng 23,7%, trong đó: đầu tư xây dựng cơ bản vào công nghiệp
tăng 59,2%, vào nông, lâm nghiệp tăng 28,5%, vào giao thông vận tải tăng 25,4%,
đầu tư xây dựng về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và đời sống tăng 23,6% so với
năm 1974.
Chi cho các công
tác nghiên cứu và phát triển: dự trù tăng 11,7% so với năm 1974 để bảo đảm các
yêu cầu về đẩy mạnh khảo sát, thăm dò địa chất, điều tra cơ bản, phát triển các
trạm trại phục vụ nông nghiệp, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo
cán bộ, công nhân kỹ thuật theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước.
Chi về phát triển các
sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội: dự trù tăng 8,8%, trong đó giáo dục
tăng 10,7%, y tế tăng 6,3% so với năm 1974 (chưa kể vốn đầu tư xây dựng cơ bản
trường học, bệnh viện).
Các khoản chi về hành
chính, quản lý và quốc phòng, v.v., đều được bảo đảm.
Ngân sách nhà nước
năm 1975 thăng bằng thu chi và còn một lực lượng dự trữ cho các công việc đột
xuất chưa tính toán hết.
Sau đây là nhiệm vụ
và yêu cầu đối với các ngành và các địa phương:
1. Các ngành kinh
tế quốc doanh phải bảo đảm
nhiệm vụ tích lũy tiền tệ tăng 30,8% trên cơ sở các chỉ tiêu sản xuất và kinh
doanh, chỉ tiêu hạ giá thành sản phẩm, chi phí lưu thông ghi trong kế hoạch nhà
nước năm 1975.
Ngành Công nghiệp
quốc doanh được đầu tư xây
dựng cơ bản tăng 59,2% so với năm 1974, trong đó, nhóm A tăng 68,7%, nhóm B tăng
31,6%, phải bảo đảm tích lũy tiền tệ là 865 triệu tăng 41,3% so với năm 1974,
trên cơ sở giá trị tổng sản lượng tăng 21% và giá thành hạ 5%.
Khả năng tiềm tàng về
thiết bị, vật tư, lao động ở các ngành còn nhiều. Công suất thiết bị máy móc ở
nhiều cơ sở chưa sử dụng hết, năng suất lao động nhiều ngành chưa đạt mức trước
chiến tranh, tiêu hao vật tư còn cao. Các ngành công nghiệp phải nắm lại một
cách đầy đủ năng lực sản xuất hiện có của mình về thiết bị, vật tư, lao động,
tiền vốn, tìm mọi biện pháp để cải tiến kỹ thuật, cân đối lại dây chuyền sản
xuất, nâng cao sử dụng công suất thiết bị hơn nữa, cải tiến công tác quản lý, sử
dụng tiết kiệm lao động, vật tư, phấn đấu thực hiện vượt mức kế hoạch sản lượng
được giao và hạ giá thành để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thêm tích lũy
tiền tệ vượt mức đã ghi.
Cần đẩy mạnh việc huy
động các vật tư tồn kho ra sử dụng, giải quyết tốt công nợ dây dưa để tăng nhanh
vòng quay vốn lưu động và tiết kiệm vốn lưu động.
Ngành Giao thông
vận tải dự trù tích lũy tiền
tệ: 80 triệu tăng 26,9%, trên cơ sở khối lượng vận tải hàng hóa tăng 22% về tấn
và 23% về tấn/km.
Ngành Giao thông vận
tải cần sắp xếp lại mạng lưới và tổ chức vận tải để tận dụng đường sắt và đường
thủy, hợp lý hóa việc sử dụng ô tô, tăng tỷ lệ vận chuyển hàng hai chiều, sửa
chữa kịp thời các phương tiện hư hỏng, tăng cường bến, bãi, kho tàng để tăng
năng suất phương tiện, tăng tỷ lệ kéo moóc, triệt để tiết kiệm sử dụng vật tư,
giảm tiêu hao than và xăng dầu, để hạ giá thành vận chuyển và tăng tích lũy tiền
tệ hơn nữa cho ngân sách nhà nước. Cần mở rộng hơn nữa mạng lưới vận tải hành
khách để phục vụ tốt hơn sự đi lại của cán bộ và nhân dân.
Ngành Thương
nghiệp, dự trù tích lũy tiền
tệ: 318 triệu, tăng 9% so với năm 1974. Cần tăng cường thu mua, nắm nguồn hàng
nhất là hàng nông sản thực phẩm và hàng thủ công nghiệp, bảo đảm các chỉ tiêu
thu mua, bảo đảm địa phương giao nộp lên Trung ương đúng mức quy định. Cần tăng
cường và quản lý khâu gia công và tự sản xuất, xác định lại công thức giá thành
và giá gia công hợp lý, quản lý chặt chẽ nguyên liệu.
Tích cực mở rộng mạng
lưới bán lẻ, phục vụ ăn uống công cộng, chấn chỉnh các hợp tác xã mua bán, cải
tiến phương thức phân phối hàng hóa để phục vụ tốt hơn.
Cần tăng cường bảo
quản hàng hóa, chống để hư hỏng, mất mát, chống tham ô, móc ngoặc với bên ngoài,
tiến hành định mức năng suất trong các khâu kinh doanh, định mức hao hụt trong
các khâu thu mua, vận chuyển, bảo quản; áp dụng việc phân phối thẳng không qua
kho, quản lý chặt chẽ phí vận chuyển, bốc xếp, v.v.., để giảm chi phí lưu thông
và tăng tích lũy tiền tệ hơn nữa.
Ngành Lâm nghiệp,
cần sử dụng tốt hơn thiết bị, vật tư, tăng cường quản lý khâu khai thác, bảo đảm
hoàn thành vượt mức chỉ tiêu khai thác được giao. Cần nâng cao chất lượng và rút
ngắn thời gian sửa chữa, bảo dưỡng xe để tăng năng suất phương tiện, vận xuất
kịp thời, chống để ứ đọng ở các bến bãi; trên cơ sở đó mà hạ giá thành và tăng
tích lũy tiền tệ.
Ngành Thủy sản,
cần có biện pháp tích cực tăng số ngày đi đánh cá của tàu đánh cá, chấn chỉnh và
tăng cường tổ chức hậu cần; cải tiến kỹ thuật đánh, bắt để tăng năng suất, tăng
cường công tác thu mua sản phẩm của các hợp tác xã đánh cá; mở rộng các mặt hàng
chế biến, giải quyết tốt vấn đề vận chuyển để phấn đấu có lãi.
Các nông trường
quốc doanh, còn nhiều khả
năng tiềm tàng chưa được khai thác, cần nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch, xác
định nhiệm vụ sản xuất, mở rộng diện tích trồng trọt. Cải tiến công tác thu
hoạch, chống mất mát, hư hỏng, tăng cường công tác bảo quản và chế biến, để tăng
số lượng và chất lượng sản phẩm, phấn đấu hạ giá thành và tăng tích lũy tiền tệ
hơn năm 1974 một cách đáng kể.
Ngành Ngoại
thương,
cần phấn đấu đẩy
mạnh xuất khẩu, nghiên cứu mặt hàng và thị trường xuất khẩu để có chính sách và
chủ trương phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, giao nhiệm vụ cho các ngành và
các địa phương và động viên các cơ sở tích cực thực hiện; cải tiến mạng lưới thu
mua hàng xuất khẩu, thực hiện phân công hợp tác giữa ngành Nội thương và Ngoại
thương; kiểm tra chặt chẽ chi phí lưu thông ngoài nước và trong nước nhất là phí
hàng xuất khẩu, tăng cường bảo vệ hàng hóa, bảo quản tài sản vật tư của Nhà
nước, giảm bớt hư hỏng, mất mát để tăng thêm tích lũy.
2. Đối với khu vực tập thể
và kinh tế cá thể
Đối với nông nghiệp,
ngân sách nhà nước năm 1975 đã đầu tư trực tiếp 614,3 triệu, tăng 21,2% so với
năm 1974, trong đó: chi về xây dựng thủy lợi và hoàn chỉnh thủy nông: 296 triệu,
tăng 65,5% so với năm 1974, chi về các trạm trại nông nghiệp 38,4 triệu, tăng
12,2% và quản lý hệ thống nông giang 43,2 triệu, tăng 4,3% so với năm 1974, chi
về đào tạo cán bộ đại học, trung học nông nghiệp, công nhân kỹ thuật 21 triệu,
tăng 10,5% so với năm 1974.
Ngân sách nhà nước
còn bảo đảm viện trợ kỹ thuật cho nông nghiệp, giúp đỡ thuốc thú y, thuốc trừ
sâu, cử cán bộ kỹ sư về các hợp tác xã, trợ cấp trạm máy kéo, v.v.. Ngoài ra,
ngân sách nhà nước còn chi hàng trăm triệu đồng về điều chỉnh giá mua lương
thực, nông sản, thực phẩm theo giá khuyến khích.
Tín dụng ngân hàng
cho vay dài hạn và ngắn hạn cho các hợp tác xã nông nghiệp, các khoản đầu tư về
xây dựng các công trình công nghiệp phục vụ nông nghiệp (điện, phân bón...) chi
về nhập khẩu các tư liệu sản xuất cho nông nghiệp, v.v., đều tăng hơn năm 1974
một mức đáng kể.
Ngành Nông nghiệp và
tất cả các ngành, các cấp cùng các hợp tác xã nông nghiệp và đông đảo xã viên
cần phấn đấu thực hiện các kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho nông
nghiệp và các kế hoạch giúp đỡ nông nghiệp về mọi mặt, để tạo được những chuyển
biến to lớn trong sản xuất nông nghiệp trong năm tới và những năm sau. Ngành Tài
chính - Ngân hàng cần ra sức phát huy tốt hơn nữa chức năng phân phối, giám đốc
và đòn bẩy kinh tế để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, góp phần tăng cường quản
lý các hợp tác xã nông nghiệp, làm tốt công tác thu thuế và công tác tín dụng
đối với các hợp tác xã nông nghiệp theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.
Đối với tiểu công
nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp cá thể trên cơ sở thực hiện đúng đắn
chính sách thuế hàng hóa và thuế sát sinh mới được Quốc hội ban hành và phương
hướng của Chính phủ là đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp,
củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất; khả năng tiềm tàng của thủ công nghiệp
còn rất lớn, cần được khai thác tốt để sản xuất thêm hàng tiêu dùng và hàng xuất
khẩu; đồng thời cần kết hợp tốt công tác thu thuế công thương nghiệp với việc
tăng cường quản lý thị trường, cải tạo tiểu thương, làm cho thị trường tự do
giảm dần mặt tiêu cực, khắc phục tình trạng thất thu về thuế và phát huy tác
dụng của thuế công thương nghiệp đối với việc phát triển sản xuất và kinh doanh
đúng hướng theo chính sách của Đảng và Nhà nước.
3. Cấp phát đầu tư
xây dựng kinh tế và văn hóa:
dự trù tăng 17,4% để bảo đảm khối lượng đầu tư tăng 35,8% so với năm 1974, khối
lượng xây lắp tăng 23,7%, trong đó đầu tư xây dựng khu vực sản xuất tăng 37,9%
và chiếm 87% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư xây dựng văn hóa, giáo
dục, y tế, nhà ở (khu vực không sản xuất) tăng 23,6% và chiếm 13% tổng số vốn
đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là một cố gắng lớn của Nhà nước đòi hỏi các ngành,
các địa phương phải phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch xây dựng cơ bản năm
1975.
Việc bố trí vốn phải
thật tập trung để hoàn thành dứt điểm những công trình trọng điểm phải hoàn
thành trong năm 1975, bảo đảm huy động đúng thời hạn; đẩy mạnh thi công những
công trình trọng điểm. Đối với các công trình dưới hạn ngạch phải đòi hỏi đầy đủ
thủ tục đăng ký đã quy định.
Phải sắp xếp và chấn
chỉnh các tổ chức xây lắp, bố trí hợp lý giữa các khu vực, có các chỉ tiêu số
lượng và chất lượng để thúc đẩy sử dụng tốt công suất thiết bị, tăng năng suất,
hạ giá thành.
Phải soát xét lại các
định mức, đơn giá, hợp đồng sắp đặt lại việc cung ứng vật liệu xây dựng cho các
xí nghiệp, công trường. Tăng cường quản lý nguyên vật liệu, chống để hư hỏng,
mất mát, tham ô, lãng phí.
Các ngành Tài chính,
Ngân hàng kiến thiết phải tăng cường công tác quản lý, giám đốc, kiểm tra và
thanh tra tài chính đối với xây dựng cơ bản, phát huy mạnh mẽ tác động của tài
chính đối với việc đẩy mạnh tốc độ thi công, chấp hành trình tự xây dựng cơ bản,
quản lý chặt chẽ lao động, vật tư, chống vi phạm chính sách chế độ, thúc đẩy
nâng cao chất lượng công trình và hạ giá thành xây dựng.
4. Chi về các hoạt
động nghiên cứu và phát triển
dự trù của ngân sách nhà nước về các hoạt động này tăng 11,7% (chưa kể những
khoản chi ở các cơ sở bằng nguồn vốn tự có hay các quỹ phát triển sản xuất)
trong đó:
- Chi về thăm dò địa
chất tăng 24,1%,
- Chi về trạm trại
nông nghiệp tăng 12,2%,
- Chi về nghiên cứu
khoa học tăng 11,1%,
- Chi về đào tạo cán
bộ và công nhân kỹ thuật tăng 10,3%.
Cần nâng cao chất
lượng của các công việc, bảo đảm hiệu quả thiết thực phục vụ cho công cuộc phát
triển kinh tế.
5. Chi về phát triển các sự
nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và đời sống
Ngành Giáo dục được
bảo đảm các yêu cầu tăng về số lượng cũng như về nâng cao chất lượng của công
tác giáo dục, các yêu cầu về cải thiện các điều kiện học tập, trang bị, sửa chữa
và bảo vệ trường sở. Số học phí thu được để ngoài ngân sách để các địa phương sử
dụng vào việc xây dựng trường sở và bắt đầu từ năm học 1975-1976, Nhà nước sẽ
không thu học phí nữa. Đây là một cố gắng của Nhà nước ta, chứng minh tính ưu
việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phổ cập giáo dục phổ thông, bảo đảm
các em đến tuổi đều được đi học và góp phần cải thiện một bước đời sống của nhân
dân.
Ngành Y tế được bảo
đảm chỉ tiêu tăng thêm số giường bệnh điều trị theo kế hoạch nhà nước vào bảo
đảm nâng cao chất lượng của công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.
Ngành Y tế cần quản
lý chặt chẽ việc chi tiêu, nhất là về thuốc men, kết hợp tốt Đông y và Tây y,
thống nhất mạng lưới y tế, các bệnh viện, bệnh xá để tăng thêm khả năng điều
trị, sử dụng tốt các cơ sở y tế.
Các khoản chi về xã
hội được bảo đảm, việc chăm sóc thương binh và giải quyết các vấn đề xã hội do
chiến tranh để lại được chú ý giải quyết thích đáng.
Chi về bảo biểm xã
hội: quỹ bảo hiểm xã hội năm 1975 do Tổng Công đoàn và Bộ Nội vụ (1)
quản lý là 233 triệu, tăng 10,9% so với năm 1974, đủ bảo đảm giải quyết các trợ
cấp ốm đau, lương hưu trí, trợ cấp thai sản, mất sức lao động... Ngoài các khoản
trên, ngân sách nhà nước năm 1975 còn dự trù cho việc nâng bậc lương thường
xuyên hàng năm với tỷ lệ cao hơn năm 1974 và dự trù kinh phí cho việc cải tiến
một bước chế độ tiền lương của cán bộ công nhân viên chức. Các khoản chi trên
cùng với sự thực hiện chế độ ba quỹ và tiền lương sản phẩm, tiền thưởng ở cơ sở
sẽ góp phần vào việc khuyến khích phong trào lao động sản xuất và nâng cao đời
sống của cán bộ, công nhân viên chức.
6. Chi về hành
chính:
dự trù tăng 1,8% trên cơ sở đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy
tổ chức các cơ quan nhà nước, các bộ phận quản lý xí nghiệp, công trường. Cần
quản lý chặt chẽ các tiêu chuẩn, định mức chi tiêu hành chính ở các cơ quan, xí
nghiệp, triệt để chấp hành đúng các nguyên tắc, chế độ chi tiêu, chống mọi hiện
tượng chi tiêu phô trương, hình thức, lãng phí.
7. Về ngân sách các tỉnh và
thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ vào khả năng
thu và yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa chung của Nhà nước và căn cứ vào
các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 1975 của các tỉnh và thành phố trực thuộc
Trung ương, ngân sách của các tỉnh và thành phố dự kiến thu thường xuyên tăng
11,9% so với năm 1974 để bảo đảm các yêu cầu chi tăng lên về khôi phục và phát
triển kinh tế cũng như về tiêu dùng xã hội ở địa phương. Ngoài ra, các địa
phương còn một số kết dư ngân sách đến cuối năm 1974, các địa phương có thể và
cần sử dụng số tiền này để làm thêm xây dựng cơ bản, xây dựng thêm các công
trình công cộng như nhà ở, trường học, bệnh viện, vườn trẻ, điện, nước phục vụ
sinh hoạt để cải thiện đời sống và tăng thêm phúc lợi cho nhân dân.
Thưa các đồng chí
đại biểu,
Ngân sách nhà nước
năm 1975 dự trù như trên là tích cực sẽ góp phần khai thác tiềm lực sẵn có, bảo
đảm các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng của giai đoạn mới. Nhưng khả
năng tiềm tàng còn nhiều, cần được khai thác tốt để tình hình kinh tế và tài
chính sẽ chuyển biến tốt hơn nữa. Các ngành, các địa phương, các cơ sở cần tích
cực phấn đấu thực hiện một số biện pháp chính sau đây để hoàn thành vượt mức kế
hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1975.
1. Đẩy mạnh phong
trào cách mạng lao động sản xuất của quần chúng nhân dân lao động nhằm hoàn
thành vượt mức và toàn diện các chỉ tiêu (chỉ tiêu số lượng và chỉ tiêu chất
lượng) của kế hoạch nhà nước:
Trong các ngành
sản xuất - kinh doanh, động viên đông đảo công nhân, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ
thuật ở từng đơn vị cơ sở nắm chắc năng lực sản xuất sẵn có, có biện pháp sử
dụng công suất thiết bị lên bằng hoặc gần bằng công suất thiết kế, sửa chữa các
thiết bị hư hỏng đưa vào sản xuất hoặc khôi phục giá trị để phân phối lại cho
các ngành khác, cho công nghiệp địa phương, cho thủ công nghiệp, tổ chức làm 3
ca, 2 ca một cách phổ biến; huy động vật tư tồn kho, kém phẩm chất, phế liệu phế
phẩm ra sử dụng để sản xuất thêm mặt hàng hoặc giao cho công nghiệp địa phương,
hoặc cho thủ công nghiệp. Cải tiến quản lý lao động, cải tiến tiền lương, tiền
thưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao vật chất, hạ giá thành và
phí lưu thông trong mọi ngành, mọi cấp. Cần hết sức chú ý cải thiện điều kiện
lao động và chăm sóc bữa ăn, giải quyết nhà ở cho công nhân, sử dụng tốt các quỹ
phúc lợi và khen thưởng để làm cho mọi người phấn khởi lao động sản xuất và tiết
kiệm. Động viên phong trào mọi người đóng góp công sức xây dựng thành phố,
trường học, bệnh viện, các công trình phúc lợi công cộng, nhà ở thực hiện các
công trình thủy lợi, đê điều, trồng cây...
2. Tăng cường và nâng
cao hiệu quả sự giúp đỡ của Nhà nước đối với khu vực tập thể đi đôi với việc
tăng cường quản lý và động viên đúng mức đối với các hợp tác xã và những người
làm ăn
cá thể.
Đối với nông nghiệp,
cần nghiên cứu các biện pháp đầu tư cho nông nghiệp bằng các hình thức thích hợp
và có hiệu quả (bằng vốn tín dụng, ngân sách cấp phát, Nhà nước trợ giá...) để
phục vụ việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và công tác xây dựng kinh tế mới.
Đồng thời cần tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế toán - tài vụ cho nông
nghiệp huyện và các hợp tác xã, và có biện pháp chấn chỉnh công tác tài vụ và tổ
chức hạch toán - kế toán trong các hợp tác xã.
Làm tốt công tác
thu mua lương thực, nông sản, thực phẩm theo đúng chính sách và giá cả của Nhà
nước. Thông qua công tác thu mua, công tác thuế và trao đổi sản phẩm mà thúc đẩy
nông nghiệp phát triển đúng hướng, tăng thêm sản lượng, tăng thêm thu nhập cho
xã viên, tăng tích lũy cho hợp tác xã và cho Nhà nước.
Đối với tiểu công
nghiệp, thủ công nghiệp tích cực giải quyết việc cung cấp nguyên vật liệu, vật
tư (vật tư chính phẩm, kém mất phẩm chất, phế liệu phế phẩm loại ra của các xí
nghiệp quốc doanh), điện, chất đốt và cả một số thiết bị, máy móc thích hợp cho
các hợp tác xã đi đôi với việc quy hoạch, phân công sản xuất giữa quốc doanh và
hợp tác xã, tổ chức theo nhóm sản phẩm, để đẩy mạnh phát triển tiểu công nghiệp
và thủ công nghiệp hơn nữa. Cần giúp đỡ các hợp tác xã chấn chỉnh công tác tài
vụ, tổ chức hạch toán kế toán, giúp đỡ đào tạo cán bộ kế toán trưởng, đồng thời
tăng cường công tác quản lý và kiểm tra của Nhà nước đối với kinh doanh công
thương nghiệp tập thể và cá thể.
Cải tiến công tác gia
công, soát xét lại các định mức về nguyên vật liệu, giá gia công và tăng cường
quản lý nguyên liệu, kiểm nghiệm phẩm chất và nắm nguồn hàng.
Chấp hành đúng đắn
chính sách thuế công thương nghiệp mới được bổ sung, tích cực chống thất thu về
thuế và thu thuế khê đọng, kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết số 228 của
Bộ Chính trị và công tác quản lý thị trường nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất,
điều tiết thu nhập, ổn định giá cả và tiền tệ.
3. Áp dụng một chính
sách tiết kiệm nghiêm ngặt trong sản xuất, xây dựng, quản lý nhà nước; mỗi
ngành, mỗi cấp phải tính toán hiệu quả chi tiêu một cách chặt chẽ, tập trung vốn
cho những yêu cầu bức thiết nhất, chống phân tán tiền vốn, chống phô trương,
hình thức, lãng phí.
Trong xây dựng cơ
bản, các ngành, các cấp cần nghiên cứu tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, bố trí cân
đối các mặt, chuẩn bị đầu tư chu đáo, soát xét lại từng công trình để kiên quyết
tập trung lực lượng, trước hết cho những công trình trọng điểm, những công trình
sắp hoàn thành, các công trình mở rộng sản xuất, các công việc chuẩn bị cho các
công trình cần thiết phải khởi công vào năm đầu của kế hoạch 5 năm (1976-1980).
Tính toán kỹ và xét
duyệt chặt chẽ nhiệm vụ thiết kế, giá
dự toán, chấm dứt hiện tượng chi vượt nhiệm vụ thiết kế và giá
dự toán.
Soát lại từng công
trình để giảm bớt các công trình dưới hạn ngạch không có hiệu quả, nghiêm chỉnh
thi hành các chế độ, thể lệ về đầu tư xây dựng cơ bản, về đăng ký các công trình
dưới hạn ngạch. Tăng cường quản lý mọi mặt để thực hiện tiết kiệm 5% giá trị vốn
xây lắp.
Có kế hoạch thi công
và bố trí lại lực lượng thi công, bảo đảm sự cân đối nhu cầu và phân công hợp lý
giữa các lực lượng thi công trong từng khu vực để đẩy mạnh tốc độ, thi công dứt
điểm, rút ngắn thời gian và hạ giá thành xây dựng.
Trong các ngành sản
xuất, kinh doanh, cải tiến hạch toán kinh tế, chấn chỉnh công tác hạch toán xí
nghiệp, đẩy mạnh hạch toán kinh tế phân xưởng, tổ, đội sản xuất, đưa hạch toán
kinh tế vào quần chúng.
Cải tiến các quan hệ
tài chính giữa Nhà nước và xí nghiệp, nâng cao trách nhiệm của xí nghiệp đối với
việc quản lý tài chính, quản lý tài sản và vốn liếng của xí nghiệp đối với hiệu
quả kinh tế của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện việc
khuyến khích vật chất và tinh thần đối với các xí nghiệp, thi hành chế độ ba quỹ
đối với các xí nghiệp có đủ điều kiện.
Cải tiến công tác kế
toán và thông tin kinh tế, nâng cao trình độ kế toán trưởng, phát huy chức năng
của kế toán trưởng.
Đối với các khoản chi
về sự nghiệp và các khoản chi khác, cải tiến và tăng cường quản lý theo các chế
độ, định mức, tiêu chuẩn chặt chẽ. Hết sức tiết kiệm xăng dầu, sử dụng xe cộ và
những vật tư nhập khẩu.
4. Cải tiến tổ
chức quản lý tài chính và tăng cường kiểm tra tài chính.
Cải tiến tổ chức quản
lý tài chính nhằm nâng cao trách nhiệm và quyền chủ động của các ngành, các cấp.
Tài chính nhà nước phải đề ra và đòi hỏi hiệu quả đồng vốn. Các ngành, các cấp
phải sử dụng các chỉ tiêu tài chính trong việc kế hoạch hóa và quản lý xí nghiệp
một cách có kết quả hơn nữa.
Thực hiện thống nhất
kế hoạch hóa hiện vật và tài chính từ Trung ương đến cơ sở. Mọi công việc đều
phải tính toán chi phí, so sánh chi phí cá biệt với chi phí xã hội cần thiết
(qua định mức) hoặc so sánh chi phí với kết quả và chất lượng công tác đạt được.
Thủ trưởng các ngành, các đơn vị phải chịu trách nhiệm cả về kết quả kinh tế và
tài chính trước Nhà nước.
Cải tiến công tác tín
dụng và quản lý tiền tệ, tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ luật tiền mặt.
Tăng cường và củng cố
tài chính xí nghiệp và hợp tác xã, phát huy vai trò của kế toán trưởng là kiểm
soát viên của Nhà nước ở cơ sở, tích cực đào tạo và bồi dưỡng kế toán trưởng cho
xí nghiệp và hợp tác xã.
Tăng cường công tác
kiểm tra tài chính, kế toán, tiền mặt, tăng cường công tác thanh tra tài chính;
tối thiểu một năm một lần, các đơn vị cơ sở phải được kiểm tra về tài chính, kế
toán và tiền mặt.
Tăng cường việc phổ
biến, tuyên truyền chính sách, chế độ tài chính, tích cực bồi dưỡng cho cán bộ,
công nhân viên các hiểu biết cơ bản về tài chính, kế toán và tổ chức để quần
chúng tham gia rộng rãi vào công tác quản lý tài chính nhà nước.
*
* *
Dự án ngân sách nhà
nước năm 1975 trình bày trên đây, đã quán triệt những nhiệm vụ đã được vạch ra
và cố gắng đáp ứng những yêu cầu về chính trị, quốc phòng, kinh tế và đời sống
của năm 1975, góp phần tạo ra một thế tiến mới để vững vàng bước vào kế hoạch 5
năm lần thứ hai.
Dưới sự lãnh đạo của
Đảng, toàn dân ta được những sự kiện lớn của năm 1975 cổ vũ, sẽ ra sức phát huy
tinh thần cách mạng tiến công, tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, đẩy mạnh
thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế
hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1975.
Chúng tôi trân trọng
đề nghị Quốc hội thảo luận và phê chuẩn dự án ngân sách nhà nước năm 1975 trình
bày trên đây.
Lưu tại Trung tâm Lưu
trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.