VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HAI NĂM ĐẤU TRANH
THI HÀNH HIỆP ĐỊNH PARI VỀ VIỆT NAM

(Do ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá IV, ngày 24-12-1974)

 

I- HAI NĂM ĐẤU TRANH QUYẾT LIỆT
HAI NĂM THẮNG LỢI RẤT QUAN TRỌNG

Hai năm đấu tranh thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam vừa qua là hai năm đấu tranh gay go quyết liệt, cũng là hai năm thắng lợi rất quan trọng về mọi mặt, trước hết là thắng lợi của đường lối cách mạng của nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập, hòa bình, giữ vững Hiệp định, đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao trong tình hình mới, chống lại đường lối của đế quốc Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phá hoại Hiệp định và tiếp tục tiến hành chiến tranh, hòng thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở toàn miền Bắc Việt Nam.

Thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị, nghĩa là chúng phải chấp nhận một bước lùi lớn trong chính sách xâm lược của chúng. Nhưng đế quốc Mỹ chưa từ bỏ âm mưu cơ bản của chúng là áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Sau Hiệp định Pari, chúng tiếp tục thực hiện âm mưu đó bằng những thủ đoạn phù hợp với học thuyết Níchxơn, chiến lược toàn cầu hiện nay của chúng: củng cố và tăng cường ngụy quân, ngụy quyền; viện trợ quân sự và kinh tế cho ngụy; dùng quân Mỹ đóng ở Thái Lan và hạm đội 7 để răn đe; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao toàn cầu hòng hạn chế và ngăn chặn sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Mục tiêu của Mỹ là cô lập, làm suy yếu, đi đến thủ tiêu các lực lượng cách mạng ở miền Nam Việt Nam, xóa bỏ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đặt toàn miền Nam dưới quyền kiểm soát của chính quyền lệ thuộc Mỹ ở Sài Gòn.

Trong hai năm qua, Mỹ đã ra sức thực hiện âm mưu của chúng.

Tiếp tục dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, chính quyền Níchxơn trước đây và chính quyền Pho hiện nay đã ồ ạt tuôn vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh vào miền Nam, tìm hết cách tăng viện trợ quân sự và kinh tế cho tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, duy trì ở miền Nam Việt Nam một bộ máy chỉ huy quân sự núp dưới danh nghĩa đại sứ quán, tổng lãnh sự quán và lãnh sự quán, với hàng chục ngàn cố vấn và nhân viên quân sự đội lốt dân sự.

Theo sự chỉ đạo của Mỹ, tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu ra sức phá hoại Hiệp định, chống lại hòa bình, độc lập, dân chủ và hòa hợp dân tộc. Với một kế hoạch tiếp tục chiến tranh được sắp sẵn ngay sau khi ký Hiệp định, chúng đã huy động hầu như toàn bộ lực lượng, tiến hành chiến dịch tràn ngập lãnh thổ, liên tiếp mở những cuộc hành quân lấn chiếm các vùng do Chính phủ Cách mạng lâm thời kiểm soát, tiến hành bao vây kinh tế, đẩy mạnh hoạt động gián điệp, biệt kích và chiến tranh tâm lý. Mục tiêu trước mắt của chúng là chiếm đất, giành dân, xóa bỏ hình thái da báo, hoàn chỉnh và củng cố vùng chúng kiểm soát, thu hẹp rồi bước sau tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vùng giải phóng, xóa bỏ Chính phủ Cách mạng lâm thời. Trong các vùng do chúng kiểm soát, chúng ráo riết bình định, thanh lọc, bắt lính, đôn quân vơ vét và bóc lột, cướp đoạt thóc lúa và của cải khác của đồng bào, chà đạp mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, giết hại những người yêu nước, đàn áp, khủng bố bất cứ ai chống lại chúng, trắng trợn phủ nhận lực lượng chính trị thứ ba. Chúng tiếp tục giam giữ hàng trăm nghìn tù chính trị với một chế độ lao tù vô cùng dã man.

Đối với Hiệp định Pari, Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không từ một thủ đoạn nào để phá hoại. Do bị bắt buộc, chúng đã phải thi hành một số điều khoản, rút quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, tháo gỡ mìn ở miền Bắc, trao trả một bộ phận nhân viên quân sự và dân sự cho Chính phủ Cách mạng lâm thời. Nhưng đối với các điều khoản khác của Hiệp định, chúng không chịu thi hành, lại tìm cách vận dụng một cách xuyên tạc cho phù hợp với âm mưu và hành động của chúng. Đặc biệt là từ đầu năm 1974, chính quyền Mỹ đã công khai phá bỏ từng bước những cam kết đối với Hiệp định, xuyên tạc Hiệp định để hòng bào chữa cho việc Mỹ tiếp tục cam kết với ngụy, hợp pháp hóa và kéo dài sự dính líu quân sự và can thiệp của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, họ ráo riết tiến hành một chiến dịch vận động lớn nhằm tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ cho tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời thúc ép một số nước khác thực hiện kế hoạch viện trợ kinh tế song phương hoặc đa phương cho Sài Gòn. Họ còn trắng trợn rũ trách nhiệm trong việc thực hiện Điều 21 của Hiệp định về việc đóng góp vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại ở miền Bắc Việt Nam.

Đối với nhân dân ta, Hiệp định Pari về Việt Nam là một thắng lợi rất to lớn; đó là cơ sở chính trị và pháp lý bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, bảo đảm quyền tự quyết thiêng liêng của đồng bào ta ở miền Nam. Hiệp định Pari cung cấp thêm cho nhân dân ta một vũ khí sắc bén để tiếp tục đấu tranh giành những thắng lợi mới nhằm hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam.

Lập trường nguyên tắc, đồng thời là chính sách lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng như của Chính phủ ta là triệt để tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, đồng thời đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng phải làm như vậy.

Chúng ta đã không từ một cố gắng nào để thực hiện một cách đầy đủ phần nghĩa vụ của mình như đã ghi trong Hiệp định.

Đánh giá đúng âm mưu của Mỹ - Thiệu phá hoại Hiệp định, chúng ta đã xác định rằng cuộc đấu tranh của nhân dân ta để bảo vệ và thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam thực chất là cuộc đấu tranh chống lại học thuyết Níchxơn ứng dụng ở Việt Nam, chống lại chính sách của Mỹ áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam; là cuộc đấu tranh nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Trong Lời kêu gọi lịch sử ngày 28-01-1973 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiệm vụ trước mắt của đồng bào ta đã được vạch rõ: Tăng cường đoàn kết, luôn luôn cảnh giác, ra sức phấn đấu để củng cố những thắng lợi đã giành được, giữ vững hòa bình lâu dài, hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Để làm thất bại âm mưu và các hành động của Mỹ và tập đoàn tay sai hiếu chiến ở Sài Gòn tiếp tục chiến tranh, phá hoại Hiệp định, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã kiên quyết lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao.

Bằng cuộc đấu tranh chính trị và quân sự kết hợp, các chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra sức đánh bại kế hoạch lấn chiếm và bình định của Mỹ - Thiệu, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Mệnh lệnh ngày 15-10-1973 của Bộ chỉ huy Các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam nói lên quyết tâm của chiến sĩ và đồng bào miền Nam trừng trị đích đáng những kẻ phá hoại Hiệp định, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng.

Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức lấn chiếm và bình định, nhưng khi bị giáng trả thì chúng lại giở thủ đoạn vừa ăn cướp vừa la làng. Chúng cố gieo rắc trong dư luận mối lo ngại về cái gọi là một sự chạm trán, một cuộc chiến tranh lớn sẽ nổ ra. Sự thật, chỉ có làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của chúng thì mới có thể buộc chúng phải từ bỏ chiến tranh và đi vào thi hành Hiệp định.

Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta đã nắm vững và vận dụng cơ sở pháp lý của Hiệp định, giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập và lập trường chính nghĩa, kiên quyết và kịp thời tố cáo mọi âm mưu và hành động của Mỹ - Thiệu phá hoại Hiệp định, tố cáo những tội ác của chúng, đập tan mọi luận điệu vu cáo, đe dọa và thủ đoạn lừa bịp, vạch rõ trách nhiệm của chúng đối với tình hình nghiêm trọng hiện nay ở miền Nam, cô lập chúng, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh trên ba mặt trận của nhân dân ta.

Mỹ và chính quyền Sài Gòn mưu toan rũ bỏ trách nhiệm đối với Hiệp định nhưng nhân dân ta kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu đó. Chúng ta đã đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị quốc tế về Việt Nam và việc ký Định ước của Hội nghị ngày 02-3-1973. Chúng ta đã đấu tranh để đi đến ký kết bản Thông cáo chung ngày 13-6-1973, củng cố thêm cơ sở chính trị và pháp lý của Hiệp định.

Tại các diễn đàn Ban liên hợp quân sự và Hội nghị Hiệp thương giữa hai bên miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không ngừng tỏ rõ thiện chí, đã đưa ra những đề nghị hợp tình hợp lý nhằm giải quyết đúng đắn các vấn đề quân sự và chính trị được đặt ra, như đề nghị 6 điểm ngày 25-4-1973, được nói rõ thêm ngày 28-6-1973 và sau đó là Tuyên bố nổi tiếng ngày 22-3-1974. Tháng 6-1974 trước việc phía Sài Gòn ngoan cố phá hoại các cuộc họp ở Hội nghị Hiệp thương và ở Ban Liên hợp quân sự, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã kiên quyết đình chỉ cả hai diễn đàn này, vạch mặt Mỹ - Thiệu là kẻ phá hoại đàm phán để mở rộng chiến tranh, do đó, càng làm cho chúng thêm cô lập trong dư luận.

Trong hai năm qua, cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao đã diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt và phức tạp. Tính chất ngoan cố của đế quốc Mỹ và tay sai đã từng bộc lộ rõ rệt trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ trước đây, nay lại một lần nữa bộc lộ rõ rệt trong những âm mưu và hành động của chúng phá hoại Hiệp định.

Nhưng từ trong gian khổ và hy sinh, cuộc đấu tranh của nhân dân ta, của đồng bào ta ở miền Nam để bảo vệ và thi hành Hiệp định đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thắng lợi đó đã làm cho tình hình miền Nam có nhiều chuyển biến quan trọng và đưa đến một cục diện rất thuận lợi cho nhân dân ta.

Trên các chiến trường miền Nam, so sánh lực lượng tiếp tục thay đổi theo hướng bất lợi cho Mỹ - Thiệu, đặc biệt là từ đầu năm 1974 đến nay. Kế hoạch lấn chiếm và bình định, biện pháp chiến lược chủ yếu của chúng đã bị chặn lại và đẩy lùi. Mấy chục vạn quân Sài Gòn đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hàng nghìn đồn bốt, vị trí chiếm đóng trái phép, nhiều căn cứ xuất phát của những cuộc hành quân lấn chiếm và bình định đã bị nhổ đi, trong đó có nhiều chi khu và quận lỵ. Chúng bị đẩy sâu thêm vào thế phòng ngự bị động, ngày càng suy yếu về lực, sa sút về tinh thần. Ngược lại, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng gồm ba thứ quân lớn mạnh không ngừng, đủ sức bảo vệ vùng giải phóng và trợ lực tích cực cho cuộc đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân. Phong trào nhân dân giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn không ngừng phát triển, làm suy yếu hệ thống kìm kẹp của tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, giành lại và giữ vững chính quyền cách mạng trên diện ngày càng rộng thêm. Bọn Thiệu mưu toan lấn đất, giành dân, nhưng thế chung của nhân dân ta ở miền Nam hiện nay lại phát triển tốt hơn trước.

Trong các thành thị, đã bùng lên và phát triển một phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, mạnh mẽ và rộng rãi chưa từng thấy kể từ sau ngày ký Hiệp định. Tham gia phong trào có các tầng lớp quần chúng cơ bản ở thành thị, các tổ chức thuộc nhiều xu hướng chính trị và tôn giáo khác nhau, những quân nhân, dân biểu, nghị sĩ và nhiều người khác trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, kể cả những người rất gần đây còn ủng hộ Thiệu. Những khẩu hiệu được đề ra trong phong trào đó phản ánh những đòi hỏi cấp bách của đồng bào thành thị miền Nam trên nhiều lĩnh vực của đời sống: chống độc tài tham nhũng, chống áp bức bóc lột, chống đói để cứu nước, bảo vệ quyền tự do báo chí và xuất bản, bảo vệ nhân quyền và dân quyền, bảo vệ quyền lợi lao động, đòi thả tù chính trị, đòi hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc, đòi lật đổ Thiệu, đòi thi hành Hiệp định, v.v..

Phong trào các thành thị miền Nam nói lên nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp đồng bào ta là hòa bình, độc lập, dân chủ, cơm áo và hòa hợp dân tộc. Rõ ràng là chế độ Nguyễn Văn Thiệu, một chế độ độc tài, tàn bạo, tham nhũng với chính sách điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh, bắt lính, đôn quân, khủng bố, đàn áp, vơ vét, bóc lột vô cùng tệ hại, đã đẩy nhân dân trong vùng chúng kiểm soát vào tình cảnh hết sức cơ cực không thể chịu đựng được nữa và không có cách gì khác là phải vùng lên đấu tranh để bảo vệ quyền sống và các quyền tự do dân chủ tối thiểu của mình.

Cuộc đấu tranh sâu rộng của đồng bào thành thị giáng một đòn nặng vào âm mưu của Mỹ xây dựng một chính quyền tay sai đắc lực và lấy thành thị làm chỗ đứng vững chắc cho chính quyền đó. Cuộc đấu tranh ấy đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện của chính quyền Sài Gòn, làm lung lay thêm chỗ đứng của chính quyền đó.

Đế quốc Mỹ tìm mọi cách để lèo lái phong trào theo hướng có lợi cho chúng. Chúng cho tay chân len vào các phong trào để đánh chệch hướng đấu tranh của quần chúng, đồng thời cho Nguyễn Văn Thiệu đưa ra một số biện pháp nửa vời như cải tổ nội các, sửa đổi một vài sắc luật, v.v., nhằm xoa dịu phong trào và lừa bịp quần chúng, mặt khác không từ một thủ đoạn nào để đe dọa, đàn áp và khủng bố nhân dân. Âm mưu của Mỹ - Thiệu rất xảo quyệt nhưng không thể cứu chúng thoát khỏi thế suy yếu và bế tắc hiện nay. Những hành động đàn áp và khủng bố của chúng càng làm cho nhân dân thêm căm ghét và chống lại quyết liệt hơn, mâu thuẫn giữa chúng với đông đảo các tầng lớp nhân dân càng gay gắt, mâu thuẫn giữa Thiệu và phe cánh với những người trong chính quyền và quân đội Sài Gòn ngày càng sâu sắc thêm.

Phong trào thành thị miền Nam phản ánh thế thắng lợi của cuộc đấu tranh chung của nhân dân ta và làm rõ nét thêm thế thất bại của Mỹ - Thiệu. Trong thế đi lên của phong trào đó, ngày 08-10-1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã ra tuyên bố kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt mọi sự dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, đòi lật đổ Thiệu và phe cánh, thành lập ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình và hòa hợp dân tộc, thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam. Lời tuyên bố nói trên, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhất trí ủng hộ, là một sự cổ vũ to lớn đối với phong trào đấu tranh của nhân dân thành thị miền Nam Việt Nam.

Trong vùng giải phóng, đi đôi với cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đồng bào ta ở miền Nam đã bước vào công cuộc lao động xây dựng với tinh thần tự lực tự cường, với một khí thế mới và một niềm tin mới. Chính quyền cách mạng các cấp từ trên xuống dưới được củng cố và tăng cường để đủ sức đảm đương chức năng của một Nhà nước dân tộc và dân chủ.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp đã từng bước được khôi phục. Một số cơ sở công nghiệp bước đầu được xây dựng. Hệ thống đường giao thông đã được khôi phục và xây dựng thêm, nối liền các địa phương trong vùng giải phóng. Đặc biệt, các mặt công tác văn hóa, giáo dục, y tế phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, làm nổi bật tính ưu việt của chế độ mới.

Tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu chủ trương bao vây kinh tế và cô lập vùng giải phóng. Nhưng chính chúng lại là kẻ lâm vào tình trạng suy sụp chưa từng thấy về kinh tế và tài chính. Trong vùng do chúng kiểm soát, nông nghiệp và công nghiệp đều đình đốn, diện tích canh tác ngày càng giảm sút, nhiều xí nghiệp phải đóng cửa, lạm phát tăng vọt, đồng bạc liên tiếp bị phá giá, thuế má nặng nề, vật giá leo thang, hàng triệu người thất nghiệp, tệ nạn xã hội lan tràn.

Trong khi đó, vùng giải phóng không ngừng vươn lên với một sức sống mãnh liệt. Từ vùng giải phóng đã bước đầu tỏa ánh sáng của chế độ dân tộc và dân chủ, có sức động viên và cổ vũ mạnh đối với đồng bào trong vùng do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kiểm soát. Trong 6 tháng đầu năm 1974 chỉ riêng ở miền Tây Nam bộ hơn 10 vạn đồng bào từ vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát đã trở về vùng giải phóng làm ăn sinh sống. Thực tế hai năm qua chỉ rõ khả năng xây dựng vùng giải phóng là rất lớn. Vùng giải phóng nhất định sẽ được xây dựng thành chỗ dựa vững chắc của toàn bộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.

Trong khi miền Nam phát triển cuộc đấu tranh và tăng cường lực lượng cách mạng thì miền Bắc, tranh thủ điều kiện hòa bình sau Hiệp định, đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Trung ương Đảng, tích cực thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1973 và năm 1974, miền Bắc đã đạt được những thành tựu khả quan trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, trên các mặt sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, văn hóa giáo dục, y tế, văn học nghệ thuật, v.v., từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh và trật tự xã hội. Đồng thời, miền Bắc đã tăng cường được tiềm lực quốc phòng, sẵn sàng đập tan mọi hành động phiêu lưu của địch. Miền Bắc hai năm sau Hiệp định, đã lớn mạnh rõ rệt về mọi mặt, ngày càng phát huy tác dụng to lớn là căn cứ địa cách mạng của cả nước, đã và đang thực hiện một cách vẻ vang nghĩa vụ của mình đối với cách mạng miền Nam và nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia, góp phần vào phong trào cách mạng thế giới.

Với cuộc đấu tranh kiên trì và oanh liệt để bảo vệ và thi hành Hiệp định Pari, nhân dân ta ở cả hai miền đã giành được những thắng lợi lớn trên trường quốc tế.

Sau Hiệp định Pari, vấn đề Việt Nam vẫn còn là một vấn đề lớn mà đế quốc Mỹ không thể nào gạt ra khỏi đời sống chính trị quốc tế. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta để thi hành triệt để Hiệp định Pari về Việt Nam vẫn diễn ra quyết liệt, là một bộ phận tích cực của cuộc đấu tranh cho hòa bình và an ninh ở Đông Dương và Đông Nam Á, là một bộ phận khăng khít của phong trào đấu tranh cách mạng trên thế giới.

Với sự ủng hộ quốc tế to lớn, hai năm qua, Chính phủ Cách mạng lâm thời không ngừng mở rộng quan hệ ngoại giao và quan hệ chính trị của mình với nhiều nước, đã trở thành thành viên chính thức của Khối không liên kết, được chính phủ nhiều nước và nhân dân thế giới thừa nhận là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Quan hệ ngoại giao, kinh tế và sự hợp tác quốc tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được nhanh chóng mở rộng với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa và cả với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân ta, ủng hộ nhân dân ta đấu tranh thi hành Hiệp định Pari và xây dựng lại đất nước ngày càng phát triển. Sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, các nước bè bạn và nhân dân các nước trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta là rất to lớn và quý báu.

Ở Lào, cuộc đấu tranh yêu nước vô cùng anh dũng của nhân dân Lào, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Lào yêu nước do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch, đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định và Nghị định thư Viêng Chăn, thành lập Hội đồng quốc gia chính trị và Chính phủ Liên hiệp dân tộc, trung lập hóa hai thành phố Viêng Chăn và Luông Phrabăng; vùng giải phóng ở Lào được củng cố thêm; uy tín của các lực lượng Lào yêu nước ở trong nước Lào và trên quốc tế được nâng cao. Đó là một thắng lợi rất lớn của cách mạng Lào. Mặc dù đế quốc Mỹ và bọn phản động cực hữu ở Lào còn giở nhiều thủ đoạn để phá hoại sự nghiệp hòa bình và hòa hợp dân tộc ở Lào, nhân dân Lào dựa trên những thắng lợi đã giành được, đẩy mạnh cuộc đấu tranh về mọi mặt để sự nghiệp đó ngày càng phát triển, nhằm xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Ở Campuchia, Mỹ đã buộc phải chấm dứt ném bom từ tháng 8-1973, cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân Campuchia, dưới ngọn cờ của Mặt trận Thống nhất Dân tộc Campuchia, đứng đầu là Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia do Xămđéc Pen Nút là Thủ tướng và ông Khiêu Xămphon làm Phó Thủ tướng, đã có thêm nhiều điều kiện thuận lợi mới, đã không ngừng lớn mạnh và giành được nhiều thắng lợi rực rỡ. Ngày nay, Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia đã kiểm soát hơn 90% đất đai, với hơn 85% số dân. Uy tín của Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia ngày càng cao ở trong nước và trên thế giới. Bè lũ tay sai Mỹ ở Phnôm Pênh liên tiếp vấp phải thất bại và sẽ không thể tránh khỏi thất bại hoàn toàn.

Những thắng lợi to lớn của nhân dân ta cùng với những thắng lợi to lớn của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em làm cho thế cách mạng của ba nước Đông Dương vững mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Ba dân tộc có thể dựa vào nhau, đoàn kết và giúp đỡ nhau để đưa sự nghiệp độc lập, dân chủ của mình đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong khi đó, tình hình thế giới không ngừng phát triển theo hướng có lợi cho nhân dân ta, bất lợi cho đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của chúng.

Ở nước Mỹ, sự sụp đổ của chính quyền Níchxơn là biểu hiện mới của cuộc khủng hoảng toàn diện và triền miên của đế quốc Mỹ trong gần 20 năm qua; nhưng thất bại nặng nề của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam càng làm cho cuộc khủng hoảng đó thêm sâu sắc. Với tình trạng suy thoái đi đôi với lạm phát ngày càng thêm tồi tệ, bóng đen của một sự suy sụp kinh tế và tài chính mà dư luận ở các nước phương Tây dự đoán quy mô như những năm 1929-1933 đang đè nặng trên nước Mỹ.

Đối với Việt Nam, chính quyền Pho chủ trương tiếp tục thực hiện học thuyết Níchxơn, tức là tiếp tục dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, sử dụng tập đoàn Thiệu để tiếp tục chiến tranh phá hoại Hiệp định Pari về Việt Nam. Nhưng chính quyền Pho phải thừa kế di sản thất bại của chính quyền Níchxơn, lại đang ở trong thế yếu hơn bất cứ chính quyền Mỹ nào trước đây, đang bị động chống đỡ với xu thế ngày càng phát triển trong nhân dân và Quốc hội Mỹ chống lại chính sách tiếp tục viện trợ ào ạt cho chính quyền Sài Gòn, chống lại việc Mỹ tiếp tục dính líu lâu dài về quân sự ở Việt Nam và Đông Dương.

Trên thế giới, ba dòng thác cách mạng vẫn không ngừng lớn mạnh, giữ vững thế tiến công về chiến lược, từ nhiều phía đả kích vào chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là đế quốc Mỹ.

Các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục đạt nhiều thành tựu vẻ vang trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, làm cho so sánh lực lượng giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ thống tư bản chủ nghĩa thay đổi có lợi hơn nữa cho lực lượng cách mạng các nước. Phong trào công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư bản chủ nghĩa đấu tranh chống giai cấp tư bản lũng đoạn, diễn ra quyết liệt ở nhiều nơi và giành nhiều thắng lợi mới, làm rối loạn thêm hậu phương của chủ nghĩa đế quốc. Trong tình hình khủng hoảng trầm trọng, các nước đế quốc lại càng giành giật nhau nguồn năng lượng, nguyên liệu và thị trường, mâu thuẫn giữa các nước đó với nhau, nhất là giữa đế quốc Mỹ và các nước đế quốc khác càng gay gắt.

Đặc biệt, phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc trong hai năm qua tiếp tục phát triển mạnh ở Đông Nam Á, châu Phi, Trung Cận Đông và Mỹ latinh. Những sự kiện xảy ra ở Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Êtiôpia, đặc biệt là ở Thái Lan... đã có tác động tốt đến tình hình miền Nam, nhất là đối với phong trào đấu tranh chính trị trong các thành thị.

Cần nói thêm rằng Thái Lan là nơi đế quốc Mỹ dùng làm căn cứ răn đe trực tiếp đối với Việt Nam và Đông Dương. Chính sách của nhà cầm quyền Thái Lan để cho Mỹ dùng lãnh thổ nước mình làm căn cứ quân sự xâm lược xúc phạm nặng nề tinh thần dân tộc của nhân dân Thái Lan. Chính vì thế mà gần đây, cuộc đấu tranh của nhân dân Thái Lan chống đế quốc Mỹ và tay sai, bảo vệ độc lập, chủ quyền, đòi Mỹ rút hết quân đội và hủy bỏ căn cứ quân sự ở Thái Lan, đã phát triển ngày càng mạnh. Cuộc đấu tranh đó hoàn toàn phù hợp với những đòi hỏi của nhân dân ta đấu tranh đòi Mỹ phải từ bỏ chính sách và những hành động răn đe của chúng. Bức thư ngày 27-11-1974 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan đã khẳng định: Trong điều kiện Thái Lan chấm dứt việc để cho Mỹ dùng căn cứ quân sự trên đất Thái đe dọa và xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thương lượng với Chính phủ Thái Lan về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Những thắng lợi mà nhân dân ta giành được trong cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam là to lớn, toàn diện và vững chắc. Với những thắng lợi đó, thế và lực của cách mạng nước ta đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Thế và lực của đế quốc Mỹ và tay sai ngày càng suy yếu thêm.

Những thắng lợi ấy chứng tỏ đường lối và chủ trương của Đảng và Chính phủ ta cũng như của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là đúng đắn, trong việc ký kết Hiệp định cũng như trong cuộc đấu tranh kiên trì để thi hành Hiệp định.

Những thắng lợi đó cũng chứng tỏ giá trị vững chắc của Hiệp định Pari về Việt Nam. Dù Mỹ và tay sai có tìm trăm phương nghìn kế để phủ nhận và phá hoại Hiệp định, chúng cũng không thể nào xóa bỏ được Hiệp định đó. Ngược lại, dựa trên cơ sở chính trị và pháp lý của Hiệp định, nhân dân ta đã và sẽ tiếp tục sử dụng Hiệp định làm vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh để chống lại học thuyết Níchxơn và chính sách của Mỹ áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, từng bước đưa sự nghiệp cách mạng ở miền Nam tiến lên, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

II- TRIỂN VỌNG TỐT ĐẸP. NHIỆM VỤ VẺ VANG

Những thắng lợi to lớn, toàn diện mà nhân dân ta giành được trong hai năm qua mở ra triển vọng mới, tốt đẹp cho sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta để thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam và thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của mình.

Đế quốc Mỹ đang đứng trước một sự lựa chọn: hoặc tiếp tục chiến tranh như hiện nay hoặc đi vào giải pháp chính trị. Sự thật đã chỉ rõ càng tiếp tục chiến tranh thì đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của chúng chỉ càng thêm thất bại. Còn muốn đi vào giải pháp chính trị thì điều tất yếu là chúng phải quay lại thi hành Hiệp định Pari.

Nhưng chính quyền Mỹ vẫn tỏ ra rất ngoan cố. Họ vẫn tiếp tục dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, ra sức xoay sở để tiếp tục viện trợ lớn về quân sự và kinh tế cho tập đoàn tay sai hiếu chiến ở Sài Gòn, sử dụng chúng để tiếp tục chiến tranh, đồng thời dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt và hành động đe dọa trắng trợn hòng ngăn cản cuộc đấu tranh của nhân dân ta phát triển.

Đối với miền Bắc, chính sách của Mỹ vẫn là duy trì sự đe dọa bằng vũ lực, tìm cách kìm hãm sự phát triển về mọi mặt của ta, chia rẽ ta với bạn bè trên thế giới, hạn chế vai trò của miền Bắc đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam...

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta để thi hành Hiệp định Pari sẽ còn diễn ra quyết liệt và phức tạp. Nhưng xu thế thắng lợi của cuộc đấu tranh đó là không thể đảo ngược được. Do tình hình đang chuyển biến có lợi cho nhân dân ta ở miền Nam và trên quốc tế, nhân dân ta có khả năng buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải đi vào thi hành Hiệp định. Nhưng chúng ta biết rõ đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của chúng không bao giờ tự nguyện rút lui. Chúng ta không coi thường những phản ứng ngoan cố của chúng. Cho nên, nhân dân ta phải hết sức cảnh giác và sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu và hành động phiêu lưu của chúng.

Nhân dân ta trên cả hai miền cần ra sức phát huy thắng lợi đã giành được trong hai năm qua, tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, kiên trì lập trường chính nghĩa, kiên quyết đấu tranh để Hiệp định Pari về Việt Nam được thi hành nghiêm chỉnh, thực hiện hòa bình thực sự, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị trước mắt cho toàn dân và toàn quân miền Nam là:

Đoàn kết toàn dân, động viên toàn quân và toàn dân đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, kiên quyết đánh bại âm mưu của Mỹ - Thiệu phá hoại Hiệp định Pari về Việt Nam, đánh đổ Nguyễn Văn Thiệu và phe cánh trở ngại chính cho việc thi hành Hiệp định Pari và giải quyết các vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam hiện nay, thành lập ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình và hòa hợp dân tộc, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam; ra sức xây dựng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh về mọi mặt, thực hiện hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc, hoàn thành độc lập và dân chủ cải thiện đời sống nhân dân, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc[1].

Ở miền Bắc, nhân dân ta đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời luôn luôn nâng cao cảnh giác, tăng cường tiềm lực quốc phòng, sẵn sàng đập tan mọi hành động phiêu lưu của kẻ địch xâm phạm đất nước ta. Toàn thể đồng bào ta ở miền Bắc ra sức phấn đấu để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Trung ương Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, tạo điều kiện cần thiết để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với quy mô lớn, nhịp độ nhanh.

Xây dựng miền Bắc vững mạnh có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường thực lực cách mạng của nước ta, làm cho miền Bắc thực sự là căn cứ địa cách mạng của cả nước, đồng thời phát huy vai trò to lớn của miền Bắc trong cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định và trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình.

Miền Bắc phải thực hiện với cố gắng tối đa nghĩa vụ trọng đại đối với miền Nam, đáp ứng với mức cao nhất những nhu cầu
của cuộc đấu tranh và xây dựng vùng giải phóng của đồng bào miền Nam.

Vì chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vì sự nghiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, vì hòa bình thống nhất nước nhà, mỗi người chúng ta phải ra sức đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm, hoàn thành tốt nhất nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ học tập và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; toàn thể nhân dân ta quyết thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Mỗi người làm việc bằng hai, Tất cả chúng ta quyết đem hết tinh thần và nghị lực mà phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng hoàn toàn thắng lợi.

Yêu cầu phục vụ tốt nhất cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở cả hai miền đòi hỏi mặt trận ngoại giao phải thực hiện những nhiệm vụ rất nặng nề và cũng rất vẻ vang.

Mặt trận ngoại giao phải vừa phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa phục vụ tốt cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định Pari và hoàn thành sự nghiệp dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế của nhân dân ta đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Trong cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam, lập trường nhất quán của chúng ta là nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định và đòi đối phương cũng phải làm như vậy. Nhân dân ta kiên quyết đấu tranh để thực hiện những đòi hỏi cấp bách nêu trong Tuyên bố ngày 8-10 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Tuyên bố ngày 11-10 của Chính phủ ta.

Chúng ta kiên quyết đòi Mỹ phải thực hiện triệt để Điều 1 và Điều 4 của Hiệp định, phải chấm dứt dính líu và can thiệp, cụ thể là chấm dứt viện trợ quân sự và kinh tế cho tập đoàn tay sai ở Sài Gòn để tiếp tục chiến tranh, rút hết nhân viên quân sự trá hình ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Phải đánh đổ Thiệu và phe cánh, thành lập ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình và hòa hợp dân tộc, thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam. Đó là đòi hỏi hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của tình hình miền Nam Việt Nam, phù hợp với Hiệp định Pari về Việt Nam. Đánh đổ Thiệu và phe cánh là xóa bỏ mọi trở ngại trên con đường thi hành Hiệp định. Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với một chính quyền mới ở Sài Gòn để giải quyết đúng đắn các vấn đề nội bộ miền Nam theo Hiệp định Pari.

Mỹ phải thi hành Điều 21 của Hiệp định Pari. Chính họ, bằng một cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc trên miền Bắc nước ta, đã phá hủy nhiều công trình kinh tế, văn hóa phục vụ đời sống, thành quả lao động của nhân dân ta trong nhiều thế kỷ. Chính họ đã long trọng cam kết thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại miền Bắc. Chúng ta lên án lời tuyên bố vô trách nhiệm mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Kítxingơ hòng trốn tránh nghĩa vụ của Mỹ trong vấn đề này. Chính phủ Mỹ không thể thoái thác việc trả món nợ đó đối với nhân dân ta.

Chúng ta đòi Mỹ phải thi hành những điều họ cam kết trong Hiệp định Pari về vấn đề Lào và vấn đề Campuchia. Họ phải hủy bỏ căn cứ quân sự và rút hết quân Mỹ khỏi Thái Lan, phải từ bỏ sự đe dọa vũ lực đối với nhân dân ta. Mỹ phải tôn trọng và thi hành triệt để Hiệp định Pari. Đó là nghĩa vụ của Chính phủ Mỹ, cũng là đòi hỏi của nhân dân Mỹ, của nhiều người trong chính giới Mỹ. Việc Mỹ thực hiện triệt để Hiệp định Pari sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như xây dựng vùng giải phóng ở miền Nam, nhân dân ta dựa vào sức mình là chính, đồng thời phải ra sức tranh thủ sự viện trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân thế giới và mọi sự giúp đỡ khác mà ta có thể tranh thủ được. Chúng ta coi đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong thời gian hai năm khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc và bước đầu xây dựng vùng giải phóng ở miền Nam mà còn là một nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiều năm tới.

Chúng ta đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao, thực hiện tốt sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời nhằm mở rộng quan hệ về mọi mặt của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước, góp phần giành vị trí quốc tế xứng đáng cho Chính phủ Cách mạng lâm thời và làm thất bại các âm mưu ngoại giao đen tối của Mỹ - Thiệu.

Chúng ta ra sức phấn đấu để củng cố và mở rộng phong trào nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam bao gồm các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc, các chính phủ mà ta có thể tranh thủ được, các tổ chức chính trị và đoàn thể quần chúng ở các nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta để thi hành Hiệp định Pari, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và xây dựng vùng giải phóng miền Nam.

Chúng ta đã và sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh chung chống đế quốc và vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Chúng ta ra sức tăng cường đoàn kết và sự ủng hộ lẫn nhau giữa nhân dân nước ta với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do vì lợi ích của mỗi dân tộc và vì lợi ích chung của nhân dân ba nước. Chúng ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Lào cho một nước Lào hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng; kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia cho một nước Campuchia độc lập, hòa bình, trung lập, dân chủ và thịnh vượng trong toàn vẹn lãnh thổ.

Chúng ta ra sức tăng cường đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, tranh thủ sự ủng hộ to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đồng thời hết lòng ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở các nước anh em, kiên trì góp phần mình vào việc khôi phục và củng cố sự đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.

Chúng ta tăng cường đoàn kết và tích cực ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ latinh; ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước nhằm bảo vệ độc lập về chính trị và kinh tế, làm chủ tài nguyên, làm chủ vận mệnh của mình; phối hợp cuộc đấu tranh của nhân dân ta với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Chúng ta hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Đông Nam Á cho độc lập tự do và chính sách hòa bình trung lập, chống lại sự can thiệp và khống chế của đế quốc Mỹ, tiến tới một Đông Nam Á hòa bình, độc lập và trung lập thật sự.

Chúng ta hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Ảrập chống bọn xâm lược Ixraen và mọi sự can thiệp của đế quốc Mỹ, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên dầu lửa của các nước đó, đòi Ixraen rút hết khỏi các lãnh thổ Ảrập mà chúng đang chiếm đóng; hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Paléxtin nhằm khôi phục các quyền dân tộc chính đáng của mình.

Chúng ta kiên quyết ủng hộ phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội của giai cấp công nhân và nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Hai năm đấu tranh thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam vừa qua đánh dấu một bước phát triển mới của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Xu thế thắng lợi của cuộc đấu tranh đó là chắc chắn, không gì có thể đảo ngược được, mặc dù chúng ta còn phải đấu tranh lâu dài, còn phải trải qua nhiều khó khăn và gian khổ.

Chúng ta đang kết thúc với niềm tự hào năm 1974, bằng những thắng lợi rất quan trọng và với ý thức đầy đủ về những nhiệm vụ lớn lao sắp tới, chúng ta bước sang năm 1975, năm của những sự kiện trọng đại của Đảng và Nhà nước ta: mừng Đảng ta 45 tuổi, mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 30 tuổi, kỷ niệm lần thứ 85 ngày sinh của Bác Hồ kính mến.

Nhìn rõ thắng lợi đã qua, vững tin ở đường lối đúng đắn của Đảng và Chính phủ, với tinh thần lạc quan và ý chí kiên trì cách mạng, chúng ta quyết đấu tranh để Hiệp định Pari về Việt Nam được thi hành nghiêm chỉnh và triệt để. Đồng bào, cán bộ và chiến sĩ cả nước toàn tâm toàn ý thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, giành thắng lợi mới to lớn hơn nữa, làm tròn sứ mạng lịch sử của dân tộc ta: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trong Di chúc thiêng liêng của Người, chúng ta quyết thực hiện cho bằng được.


 

[1]. Thông cáo ngày 15-12-1974 của Hội nghị Chủ tịch đoàn (mở rộng) của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.


 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.