VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO CỦA BỘ QUỐC PHÒNG
VỀ TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ QUÂN SỰ

(Do Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IV, ngày 24-12-1974)


 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vừa tưng bừng kỷ niệm 30 năm ngày lịch sử vẻ vang của mình xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu Quốc hội, chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe và chúc kỳ họp này của Quốc hội ta thành công rực rỡ.

Các lực lượng vũ trang nhân dân vừa được Quốc hội và Chính phủ thưởng Huân chương "Sao Vàng", huân chương cao nhất của Nhà nước ta. Đó là một phần thưởng rất cao quý, một vinh dự rất lớn đối với các lực lượng vũ trang nhân dân. Thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Quốc hội và Chính phủ.

Lần này, Quốc hội ta họp vào lúc sắp kết thúc năm thứ hai kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi vĩ đại và cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới. Trong gần hai năm qua, trên con đường tiến lên thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống lại và làm thất bại mọi âm mưu mới của đế quốc Mỹ và tay sai để giữ vững hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc, hoàn thành độc lập và dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà, nhân dân ta đã đạt được những thắng lợi mới, mở ra những triển vọng mới cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cũng như cho sự nghiệp hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam.

Tình hình rất đáng phấn khởi, nhưng nhiệm vụ của chúng ta cũng còn rất nặng nề. Tiếp theo các báo cáo của Chính phủ về phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1975, về đấu tranh ngoại giao, tôi xin báo cáo về tình hình và nhiệm vụ quân sự.

Bản Báo cáo của tôi gồm hai phần:

Phần một: Những bước tiến mới của nhân dân ta trên đường tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam.

Phần hai: Nhiệm vụ quân sự của nhân dân ta. 

*

*        *

PHẦN MỘT

NHỮNG BƯỚC TIẾN MỚI CỦA NHÂN DÂN TA
TRÊN ĐƯỜNG TIẾN LÊN HOÀN THÀNH CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ Ở MIỀN NAM

Thưa các đồng chí,

Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam trong giai đoạn mới còn khó khăn, phức tạp, còn lâu dài, gian khổ và nhiều lúc diễn ra rất quyết liệt, nhưng đã giành được những thắng lợi mới. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhân dân miền Nam ta đã đẩy lùi một bước quan trọng âm mưu mới của Mỹ - ngụy, tạo nên một bước chuyển biến mới trong cục diện miền Nam.

I- TRƯỚC HẾT, TA HÃY NHÌN LẠI ÂM MƯU
VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA MỸ - NGỤY TỪ KHI KÝ HIỆP ĐỊNH PARI ĐẾN NAY

Với việc buộc phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam, đế quốc Mỹ đã phải thừa nhận một thất bại chiến lược và phải chịu lùi một bước lớn trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, nhưng âm mưu cơ bản của chúng là áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, vẫn không thay đổi.

Ngay trước khi ký Hiệp định, Mỹ - ngụy đã chuẩn bị điều kiện để phá hoại Hiệp định và thực hiện âm mưu đó. Chúng ta đều nhớ là lẽ ra, theo sự thỏa thuận giữa ta với Mỹ, Hiệp định đã có thể được ký vào ngày 26-10-1972, nhưng Mỹ viện nhiều cớ hoãn lại để tranh thủ thời gian, ồ ạt đưa một khối lượng lớn vũ khí vào miền Nam, gấp rút tăng cường trang bị cho quân ngụy, tập trung lực lượng cả quân Mỹ và quân ngụy, mở chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn đất, cướp dân, hòng giành lợi thế trước khi ký, đồng thời dùng máy bay B.52 tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, hòng phá hoại đến mức tối đa tiềm lực kinh tế và quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn lâu dài sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Từ khi ký Hiệp định đến nay, chủ trương và hành động nhất quán của Mỹ ngụy là xuyên tạc, vi phạm, phá hoại Hiệp định, tiếp tục chiến tranh thực dân mới.

Mỹ vẫn tiếp tục dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Ngay trong ngày ký tắt Hiệp định (23-01-1973), Níchxơn đã láo xược tuyên bố: “Mỹ rút khỏi Việt Nam không có nghĩa là lợi ích của Mỹ đã thay đổi... Sau này, Mỹ vẫn tiếp tục thừa nhận chính phủ Việt Nam cộng hòa (tức ngụy quyền Sài Gòn) là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam”. Kítxingơ trắng trợn xuyên tạc rằng: “Hiệp định đã tạo ra một sự cam kết mới của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam phù hợp với sự cam kết từ lâu và sâu xa của Mỹ” (thư gửi Thượng nghị sĩ E.Kennơđi ngày 25-3-1974). Còn Pho thì mới chân ướt, chân ráo leo lên ghế Tổng thống đã viết thư bảo đảm với Thiệu rằng “Mỹ không thay đổi chính sách đối với Việt Nam” và ít lâu sau, lại tuyên bố “Mỹ không thể tự cho mình xúc phạm sự hy sinh của ngót 6 vạn người Mỹ đã thiệt mạng trong khi chiến đấu tại Đông Nam Á, do đó Mỹ sẽ giúp các đồng minh của mình duy trì những thắng lợi thu hoạch được tại Việt Nam và vùng Thái Bình Dương”. Bọn cầm quyền Mỹ còn đe dọa đưa không quân và hải quân Mỹ trở lại xâm lược Việt Nam. Cùng với những lời lẽ trắng trợn và láo xược đó, Mỹ đã để lại và đưa thêm vào miền Nam nước ta hàng vạn nhân viên quân sự trá hình là dân sự, tổ chức thành hệ thống chỉ huy và cố vấn núp dưới danh nghĩa cơ quan ngoại giao và kinh tế, đồng thời tăng thêm viện trợ quân sự[1] và tiếp tục đưa trái phép vũ khí đạn dược vào miền Nam. Mỹ còn phái tướng tá Mỹ trực tiếp đến Sài Gòn vạch kế hoạch “bình định”, lấn chiếm, đồng thời dùng máy bay Mỹ trinh sát vùng giải phóng miền Nam và trinh sát cả miền Bắc nước ta.

Được Mỹ tăng viện và chỉ huy, bọn ngụy Sài Gòn vừa ra sức củng cố, tăng cường lực lượng quân sự và hệ thống chính quyền của chúng, đàn áp khủng bố nhân dân, bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ, đầy đọa giam cầm hàng chục vạn tù chính trị..., vừa tiếp tục hành động chiến tranh trên hầu khắp chiến trường miền Nam. Coi “địa bàn của cuộc chiến tranh hiện nay là ở các xã ấp; giải quyết được ở xã ấp là đã giải quyết được 75% toàn bộ cuộc chiến tranh”, chúng đã ráo riết tiến hành “bình định” nhằm “tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt Cộng”, giữ vững và củng cố “đến mức tối đa” vùng chúng kiểm soát, đồng thời ra sức lấn chiếm các lõm giải phóng và vùng giáp ranh hòng hóa thế “da báo” và mở rộng vùng chúng kiểm soát. Đi đôi với “bình định”, lấn chiếm, chúng còn bao vây kinh tế vùng giải phóng, cho không quân, biệt kích hoạt động sâu vào vùng giải phóng để phá hoại, hòng làm suy yếu lực lượng cách mạng, tạo điều kiện để sau này đánh xông ra, xóa hết vùng giải phóng, làm cho ở miền Nam chỉ còn một chính quyền, một quân đội và một vùng kiểm soát của chúng mà thôi.

Tất cả hành động của Mỹ ngụy đều nhằm thực hiện “học thuyết Níchxơn” không có Níchxơn, thực hiện ý đồ của đế quốc Mỹ: Mỹ rút ra mà ngụy quân, ngụy quyền vẫn đứng vững và lớn mạnh lên, trên cơ sở đó biến miền Nam thành một nước riêng biệt đi theo quỹ đạo của Mỹ, chia cắt lâu dài đất nước ta.

II- CHỦ TRƯƠNG CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG
LÂM THỜI CỘNG HÒA MIỀN NAM VIỆT NAM VÀ
HÀNH ĐỘNG CỦA QUÂN VÀ DÂN TA Ở MIỀN NAM

Hiệp định Pari được ký kết là thắng lợi to lớn của nhân dân ta, cho nên chủ trương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là nghiêm chỉnh thi hành và đấu tranh buộc Mỹ - ngụy cũng phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chủ trương giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, dân chủ hòa giải và hòa hợp dân tộc, đồng thời kiên quyết trừng trị các hành động chiến tranh của địch để giữ vững thành quả cách mạng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Hiệp định.

Chúng ta đã dự kiến quá trình thi hành Hiệp định là một quá trình đấu tranh gay go, phức tạp chống mọi âm mưu, hành động vi phạm phá hoại Hiệp định của Mỹ - ngụy. Trong hành động cụ thể, với tinh thần tự kiềm chế, lúc đầu Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời chỉ chủ trương đánh trả địch ở ngay những nơi chúng lấn chiếm. Những nơi quán triệt đầy đủ chủ trương đó, kiên quyết trừng trị các hành động lấn chiếm của địch thì giữ vững được vùng giải phóng, buộc địch phải chùn bước. Ngược lại, cũng có nơi chưa quán triệt đầy đủ, chần chừ do dự trong đánh trả, cho nên ở đó địch tạm thời thực hiện được một phần ý đồ của chúng.

Do hành động chiến tranh của Mỹ - ngụy ngày càng nghiêm trọng, ngày 15-10-1973, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã ra lệnh kiên quyết trừng trị các hành động chiến tranh của địch với tinh thần chủ động hơn, không phải chỉ đánh trả ở những nơi chúng lấn chiếm mà còn đánh chúng ở ngay những nơi chúng dùng làm căn cứ xuất phát để đi lấn chiếm vùng giải phóng; địch đánh ta nơi này thì ta giành quyền trừng trị chúng ở nơi khác; địch dùng bộ đội chủ lực để càn quét, “bình định” thì ta cũng có thể dùng bộ đội chủ lực của ta tiêu diệt chủ lực của chúng để phối hợp và hỗ trợ lực lượng vũ trang địa phương cùng đồng bào đánh phá “bình định”.

Chấp hành lệnh đó, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ của nhân dân, đã kiên quyết đánh trả địch và giành được nhiều thắng lợi quan trọng.

III- NHỮNG DIỄN BIẾN LỚN TRÊN CHIẾN TRƯỜNG VÀ NHỮNG NÉT MỚI TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Từ khi ký Hiệp định Pari đến khoảng tháng 9-1973, địch hoạt động rất ráo riết và rất trắng trợn trên hầu khắp các chiến trường, nhưng chỉ mới bị đánh trả đau ở Cửa Việt, ở Khu IX và một vài nơi ở Tây Nguyên. Cho nên mặc dù bị thiệt hại cũng tương đối nặng, địch vẫn đạt được một số kết quả, lấn chiếm được thị trấn Sa Huỳnh và nhiều thôn, xã thuộc vùng giải phóng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Mỹ Tho, Bến Tre, Kiến Tường, v.v., đóng thêm nhiều đồn bốt để khống chế dân trong các vùng chúng mới chiếm được.

Từ tháng 10-1973 trở đi, lực lượng vũ trang giải phóng trên các chiến trường lần lượt chuyển sang thế phản công và tấn công. Trong ba tháng cuối năm 1973, mặc dầu hoạt động chưa đều khắp trên các chiến trường, các lực lượng vũ trang giải phóng đã giành được thắng lợi lớn về tiêu diệt địch[2].

Sang năm 1974, nhất là từ mùa hè trở đi, các lực lượng vũ trang giải phóng đã phát triển thế chủ động trên khắp các chiến trường và thắng lợi giành được cũng ngày càng lớn hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 11 tháng của năm 1974, Quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 21 vạn tên địch, tiêu diệt 29 tiểu đoàn, 346 đại đội, gần 900 trung đội, đánh thiệt hại nặng 5 trung đoàn, 75 tiểu đoàn và 195 đại đội, thu gần 3 vạn súng các loại, bắn rơi và phá hủy gần 500 máy bay, gần 4.000 xe quân sự các loại, trong đó có trên 1.000 xe tăng và xe thiết giáp, trên 2.000 khẩu pháo, đánh chìm và hỏng gần 400 tàu xuồng chiến đấu, tiêu diệt và bức hàng, bức rút hơn 3.500 đồn bốt, giải phóng 5 quận lỵ (tính cả mấy tuần đầu tháng 12 là 8 quận lỵ)[3] khoảng 130 xã, gần 1.000 ấp với hơn 60 vạn dân, đưa từ vùng yếu lên vùng tranh chấp gần 400 ấp với khoảng 30 vạn dân.

Đó mới chỉ là thắng lợi bước đầu, nhưng lại rất có ý nghĩa. Vì với những thắng lợi đó, quân và dân miền Nam đã đẩy lùi một bước quan trọng âm mưu mới của Mỹ - ngụy, làm thất bại những chủ trương lớn với những chỉ tiêu cụ thể mà kẻ địch, do chủ quan với kết quả đạt được trong năm 1973, đã đề ra cho kế hoạch năm 1974 đầy tham vọng của chúng; đưa thế và lực của cách mạng tiến lên một bước nữa, tạo nên một bước chuyển biến mới trong cục diện miền Nam.

Sau đây là những nét mới trong tình hình:

1. Về phía địch

a) Quân ngụy đã lâm vào bước suy yếu mới

Chủ trương của địch là tiếp tục xây dựng và duy trì lực lượng quân sự “hùng mạnh, trẻ trung và có hiệu lực”; và bảo đảm đến cuối năm 1974, đưa bộ đội chủ lực ra cơ động 100%.

Nhưng vì những tổn thất nặng đã kể trên, cộng với số đào rã ngũ ngày càng nhiều và việc bắt lính cũng khó khăn hơn nên tổng quân số địch đã bắt đầu giảm, quân số chiến đấu của nhiều đơn vị bị thiếu hụt nghiêm trọng. Theo biểu biên chế của địch thì mỗi tiểu đoàn chủ lực có 500 tên, nhưng đến nay, trên thực tế, mỗi tiểu đoàn chỉ có 300-350 tên; ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi tiểu đoàn chỉ còn 180-200 tên, cao nhất là 250 tên; các tiểu đoàn bảo an thậm chí có nơi chỉ còn 70-100 tên. Do đó, địch đã phải ngừng việc thay thế 5 vạn lính già yếu theo kế hoạch.

Tinh thần chiến đấu của quân ngụy giảm sút rõ rệt. Số đào rã ngũ tăng hơn năm 1973. Hiện tượng chống lệnh hành quân, báo cáo láo, tránh chạm súng với Quân giải phóng ngày càng nhiều. Theo thống kê của địch, trong 5 tháng đầu năm 1974 có gần 3.000 vụ chống lệnh hành quân, trong đó có gần 100 vụ bắn chỉ huy. Tại Quân khu 4 của chúng (tức là vùng đồng bằng sông Cửu Long), trong 23.000 cuộc hành quân, chỉ có 6 cuộc chạm súng. Số đầu hàng trong chiến đấu cũng ngày càng nhiều hơn, có trận Quân giải phóng bắt sống đến hai ba trăm tên và tổng số địch bị bắt trong năm nay còn cao hơn cả số bị bắt trong cuộc tấn công chiến lược năm 1972.

Địch muốn làm cho 100% chủ lực cơ động được, nhưng do bị áp lực của quân giải phóng nên toàn bộ chủ lực của chúng bị căng kéo, phân tán ra đối phó khắp nơi, thậm chí cả hai sư đoàn dự bị chiến lược (sư dù và sư thủy quân lục chiến) cũng bị căng ra đối phó, không còn khả năng cơ động chiến lược nữa. Vì vậy, năm nay, số cuộc hành quân lấn chiếm lớn của địch giảm hẳn, thậm chí chúng phải chịu bỏ, không giải tỏa được nhiều cứ điểm đột xuất nằm sâu trong vùng giải phóng vừa bị tiêu diệt (như Đắc Phét, Măng Bút, Măng Đen, v.v.) đặc biệt phải chịu mất cả một số quận lỵ, chi khu ở vùng giáp ranh (như Thượng Đức, Minh Long v.v.).

Rõ ràng quân ngụy đã bị đẩy vào thế bị động, sức chiến đấu giảm sút, chủ lực đã gặp nhiều khó khăn mới trong việc đối phó với Quân giải phóng, khả năng tập trung lực lượng lớn để mở tấn công lấn chiếm vùng giải phóng đã bị hạn chế đi rất nhiều.

b) Kế hoạch bình định, lấn chiếm năm 1973-1974 của địch đã bị phá sản

Chủ trương của địch là trong năm 1974 này, không những phải “quét sạch Việt Cộng nằm vùng” để củng cố các xã, ấp do chúng kiểm soát và không được để mất một ấp, một xã, một quận lỵ nào, mà còn phải xóa trên 100 căn cứ lõm và lấn chiếm thêm nhiều xã ấp thuộc vùng giải phóng, trong đó có mấy chục căn cứ lõm quanh Sài Gòn và hàng trăm xã, ấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng cho đến nay, quân dân miền Nam không những vẫn giữ vững các căn cứ, các vùng giải phóng còn lại đến cuối năm 1973 mà với thành tích diệt đồn bốt và giải phóng đất đai đã kể ở trên, còn thu hồi hầu hết những vùng giải phóng bị địch lấn chiếm trước đây (chỉ trừ Sa Huỳnh cùng một vài nơi khác) và mở ra nhiều vùng giải phóng mới. Mặc dù địch cố giành giật và có líp lại một số vùng ta mới mở, đóng lại một số đồn bốt bị diệt hoặc rút chạy, vùng kiểm soát của chúng vẫn bị thu hẹp, số đồn bốt của chúng - chỗ dựa của ngụy quyền ở thôn, xã; hang ổ của bọn ác ôn kìm kẹp nhân dân - vẫn bị giảm bớt đáng kể so với trước ngày ký Hiệp định Pari.

c) Ngụy đang gặp những khó khăn lớn về kinh tế và chính trị

 Mục tiêu của ngụy trong năm 1974 là “phát triển kinh tế, tiến tới tự túc”. Chúng dựa chủ yếu vào viện trợ và đầu tư của nước ngoài để đạt mục tiêu đó. Nhưng do tình hình quân sự ngày càng xấu đi (đối với ngụy) nên không mấy ai dám đầu tư. Còn viện trợ, chủ yếu là viện trợ của Mỹ, thì lại giảm đi rất nhiều. Chúng hy vọng rất nhiều vào việc khai thác dầu lửa và làm rùm beng về chuyện này, nhưng thực tế đến nay mới chỉ kiếm được khoảng 20 triệu đô la tiền nhượng quyền khai thác. Mặt khác, chiến tranh tiếp tục thu hút chi phí rất lớn của chúng, cho nên nền kinh tế của ngụy, sau chiến tranh đã khó khăn, nay càng nguy khốn.

Năm 1973, ngân sách của chúng đã hụt 168 tỷ đồng (tiền miền Nam); năm nay dự trù hụt 250-300 tỷ đồng. Nạn lạm phát rất trầm trọng, chúng dự định trong năm 1974 hạn chế ở mức 25%, nhưng mới 9 tháng đã lên đến 37%. Đồng bạc miền Nam từ đầu năm đến giờ đã phá giá 9 lần. Sản xuất công, nông nghiệp đều giảm sút. Vì thiếu nguyên liệu, các ngành kỹ nghệ giảm hoạt động 25-40%, công nhân bị sa thải hàng loạt, số người thất nghiệp tăng lên đến 90 vạn. Nông nghiệp thì vì thiếu phân bón và xăng dầu, nên diện tích canh tác giảm 30%, sản lượng lúa không đạt chỉ tiêu, từ đầu năm đến giờ đã phải nhập nửa triệu tấn gạo. Giá sinh hoạt đã tăng 45%, nhiều loại hàng thiết yếu tăng giá 100-200%, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống quần chúng. Theo điều tra của cơ quan cứu trợ Thiên chúa giáo Mỹ thì tại Thừa Thiên có 40% số gia đình phải bữa cơm, bữa cháo, 30% chỉ có 2 bữa cháo độn rau; tại vùng Tân Định - Sài Gòn có tới 58% số gia đình phải bữa cơm, bữa cháo và 40% số học sinh trường tư phải bỏ học vì thiếu ăn.

Những khó khăn về kinh tế kể trên đã tác động rất lớn đến tình hình quân sự. Binh lính đào ngũ ngày càng nhiều, một phần cũng vì lo cho đời sống gia đình. Do viện trợ Mỹ giảm, nên phải giảm mức sử dụng bom đạn, xăng dầu (hoạt động của không quân, pháo binh nay chỉ còn bằng 1/4–1/5 mức năm 1972; từ đầu năm đến giờ không có một cuộc đổ bộ trực thăng nào), ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và sức chiến đấu của quân ngụy, một quân đội đã quen thói ỷ lại vào hỏa lực và quen thói “xài sang” cơ động bằng máy bay hoặc xe cơ giới.

Những thất bại về quân sự cộng với những khó khăn về kinh tế đã tác động rất lớn đến tình hình chính trị. Phong trào đấu tranh của quần chúng ở các thành thị đã phát triển tương đối đều khắp và liên tục, đòi cải thiện đời sống kết hợp với đòi hòa bình, tự do dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Pari, chống càn quét bắt lính, v.v., và đòi đánh đổ cả Thiệu. Có những phong trào, mặc dù bọn cầm đầu là người của CIA hoặc các bọn phản động khác, nhưng quần chúng tham gia lại là do căm giận chính quyền Thiệu tập họp lại để đấu tranh, cho nên mặt cơ bản của các phong trào này là nó phản ánh sự suy yếu, sự cô lập của ngụy quyền Thiệu. Còn các phong trào khác như Mặt trận nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, phong trào đòi tự do báo chí, phong trào cứu đói, Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, v.v., đều là các phong trào tốt, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh của quần chúng. Tình hình đã phát triển tới mức địch muốn kìm lại cũng khó kìm nổi và hiện nay, cuộc đấu tranh của quần chúng ở đô thị đang có điều kiện phát triển thành cao trào.

d) Đế quốc Mỹ có nhiều khó khăn mới ở trong nước cũng như trên thế giới

Lúc mới ký Hiệp định Pari, Mỹ đã khó khăn, nhưng chưa phải gay go như bây giờ. Hồi đó, Níchxơn mới được bầu lại, còn muốn làm Tổng thống đến hết năm 1976 để được chủ tọa lễ kỷ niệm 200 năm thành lập nước Mỹ, còn hăm hở định giải quyết nạn lạm phát và thất nghiệp, ngăn chặn suy thoái kinh tế, còn chủ trương năm 1973 là “năm châu Âu”, v.v.. Nhưng tình hình diễn biến hoàn toàn ngược lại với ý muốn của hắn. Nạn lạm phát thường xuyên ở mức 11-12%; tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 6,5% tổng số lao động, nghĩa là có khoảng 6,5 triệu người thất nghiệp thường xuyên, trong đó có một nửa là thanh niên; tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, nhiều mặt sản xuất chủ yếu như sắt thép, ô tô, than đá... giảm sút; giá hàng tăng vọt, cán cân thương mại và cán cân thanh toán đều hụt, vị trí đồng đô la xuống rất thấp, v.v., thậm chí người ta đã nói đến nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn cả hồi những năm 30 của thế kỷ này. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng chính trị do vụ Oatơghết gây nên, mâu thuẫn giữa các bộ phận trong tập đoàn thống trị ở Mỹ càng thêm gay gắt, và Níchxơn đã buộc phải từ chức sớm hơn cả dự đoán của ta. Pho lên thay cũng không may mắn gì hơn, phải gánh chịu những khó khăn của Níchxơn để lại và đang gặp thêm những khó khăn mới. Các nước đồng minh của Mỹ như Nhật, Anh, Tây Đức, Pháp đều gặp khó khăn lớn về kinh tế, nhất là bị điêu đứng vì vấn đề năng lượng. Càng khó khăn, chúng càng tăng cường cạnh tranh và mâu thuẫn giữa chúng với nhau càng gay gắt, nhất là mâu thuẫn giữa Pháp với Mỹ. Chiến tranh Trung Đông cũng làm cho Mỹ rất đau đầu và thu hút nhiều sự chú ý của Mỹ. Cho nên kế hoạch “năm châu Âu” coi như xếp xó. Các nước tay sai của Mỹ cũng không hoàn toàn nghe theo Mỹ như trước. Tình hình Thái Lan đã có những phát triển mới sau chiến tranh Việt Nam. Ở châu Mỹ latinh, Mỹ xúi giục và giúp đỡ bọn phản động Chilê làm đảo chính lật đổ được chính phủ của Liên minh đoàn kết nhân dân, nhưng sự phát triển của tình hình các nước Pêru, Mêhicô và gần đây ở Vênêduêla lại không có lợi cho Mỹ, làm cho Mỹ càng bị cô lập. Vừa qua, nhiều nước Mỹ latinh đã gây sức ép đòi Mỹ và các nước khác trong khối liên - Mỹ hủy bỏ việc bao vây kinh tế đối với Cuba... Những sự việc đó làm cho Mỹ càng gặp thêm nhiều khó khăn, rắc rối và làm cho thế của Mỹ càng yếu thêm sau thất bại ở Việt Nam. Trong khi đó thì các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển, lớn mạnh cả về kinh tế và quân sự; phong trào giải phóng dân tộc và củng cố độc lập dân tộc, cả về chính trị và kinh tế, lên rất mạnh. Việc các nước Ảrập sử dụng vũ khí dầu lửa nói lên khả năng mới và sức mạnh mới của các nước thuộc thế giới thứ ba trong cuộc đấu tranh chống đế quốc. Họ làm việc đó bất chấp sự đe dọa của Mỹ, một phần cũng là do được cổ vũ bởi thắng lợi của nhân dân ta.

Đòn đau ngấm lâu. Đối với Mỹ, hậu quả của chiến tranh Việt Nam không phải trong một thời gian ngắn mà có thể giải quyết được. Hiện nay, Mỹ khó khăn hơn lúc nào hết. Đế quốc Mỹ đã phải lùi bước ở Việt Nam, bây giờ phải lùi bước ở nhiều nơi khác. Ở Đông Nam Á, vì sợ xảy ra sự sụp đổ theo thuyết “dôminô” nên chúng phải chặn ở Việt Nam; nay thua rồi, bỏ nhanh thì rất nguy hiểm, nên chúng đang cố gắng giữ sao cho tình hình không xấu thêm nữa. Nhưng chúng phải suy nghĩ xem chúng có đủ sức để chú ý đến tất cả các hướng chiến lược hay không. Nhân dân Việt Nam ta đã dạy cho chúng một bài học lớn: không thể đưa 50 vạn quân Mỹ trực tiếp ra đánh nhau ở nước ngoài để hòng ngăn chặn bước tiến của cách mạng.

2. Về phía quân và dân miền Nam

a) Lực lượng vũ trang giải phóng lớn mạnh lên nhiều và đã giành được thắng lợi lớn

Trong khi quân ngụy ngày càng suy yếu thì Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng ngày càng lớn mạnh. Có thể nói chưa bao giờ trên chiến trường miền Nam có một lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh như ngày nay và cũng chưa bao giờ lực lượng so sánh có lợi cho cách mạng như ngày nay.

Bộ đội chủ lực dày dạn kinh nghiệm đang đứng vững trên những địa bàn chiến lược rất quan trọng. Thành tích giải phóng một số chi khu, quận lỵ trong thời gian vừa rồi đã chứng tỏ bước tiến mới của các đơn vị chủ lực Quân giải phóng.

Bộ đội địa phương và lực lượng dân quân du kích cũng đã được phát triển về số lượng và tiến bộ nhiều về trình độ tác chiến. Có những tiểu đoàn địa phương đã tiêu diệt được tiểu đoàn chủ lực ngụy. Bộ đội địa phương và du kích đã đóng một vai trò lớn trong việc đánh phá “bình định”, chống địch lấn chiếm, giải phóng thôn xã và làm cho hậu phương địch không ổn định.

b) Vùng giải phóng được củng cố và xây dựng một bước, nhất là về xây dựng hệ thống giao thông

Chính quyền cách mạng và các tổ chức quần chúng trong vùng giải phóng ngày càng củng cố, lớn mạnh. Đời sống quần chúng trong vùng giải phóng đã dần dần được ổn định. Nhiều nơi đã làm được hai vụ lúa, thóc gạo đóng góp cho cách mạng được nhiều hơn. Cao su đã bắt đầu được khai thác, v.v.. Việc giải quyết một bước vấn đề đời sống của nhân dân vùng giải phóng là việc có ý nghĩa lớn, có tác động chính trị lớn đối với vùng địch. Từ đầu năm đến giờ, đã có hàng chục vạn người từ vùng địch bung ra vùng giải phóng, có cả một số gia đình tư sản gửi con em ra học. Đây là hiện tượng mới, ngược hẳn với tình hình trước đây trong những năm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt vùng giải phóng.

Hệ thống giao thông đã được xây dựng và hoàn chỉnh từng bước. Bây giờ, cái gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh” đã trở thành “Đại lộ Hồ Chí Minh” nằm ở phía đông Trường Sơn và chạy suốt đến Nam bộ. Từ con đường trục chiến lược đó, đã có rất nhiều đường ngang tỏa về phía ven biển. Hệ thống giao thông đó có ý nghĩa rất lớn, cả về quân sự và kinh tế.

c) Nhìn chung lại, tình hình hiện nay thuận lợi cho nhân dân ta ở miền Nam tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ. Bây giờ không phải là cái thời sau Hiệp định Giơnevơ, miền Nam còn quân viễn chinh Pháp mà quân ta thì tập kết ra Bắc. Cũng không phải cái thời Ngô Đình Diệm mới lên làm tay sai cho Mỹ và Mỹ đang cường thịnh, đang trên thế đi vào các nước Đông Dương với chiến lược “phản ứng linh hoạt”; thời đó, bọn Diệm bị đánh đau thì Mỹ tiến hành “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh đặc biệt” thất bại thì Mỹ đưa hơn nửa triệu quân Mỹ với không quân và hải quân hiện đại vào gây “chiến tranh cục bộ”. Bây giờ khác rồi! Bây giờ là thời bọn Thiệu đã và đang suy yếu. Sau lưng nó là đế quốc Mỹ đã và đang gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh Việt Nam và đang trên thế đi ra, đang theo đuổi cái gọi là “học thuyết Níchxơn”, một chiến lược đã phải lùi một bước ở Việt Nam và đang bị động lùi nữa. Trước mặt nó là cả một lực lượng vũ trang giải phóng lớn mạnh nhất từ trước tới nay, bao gồm bộ đội chủ lực tinh nhuệ đang đứng vững trên những địa bàn chiến lược quan trọng và bộ đội địa phương, dân quân du kích đông đảo có mặt ở khắp nơi trong vùng giải phóng rộng lớn, là cả một lực lượng chính trị ngày càng hùng hậu của quần chúng trong vùng giải phóng cũng như trong vùng chúng còn tạm thời kiểm soát, là cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã tỏ rõ sức sống mãnh liệt qua bao nhiêu năm chiến tranh và ngày nay đang tiến mạnh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tình hình trên toàn bán đảo Đông Dương cũng đã có những biến chuyển căn bản rất có lợi cho cách mạng. Nhân dân Lào đã giành được thắng lợi lớn và đang tiếp tục tiến lên trên con đường hòa bình, độc lập, trung lập và hòa hợp dân tộc. Cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia đã và đang thu được những thắng lợi ngày càng to lớn.

Do đó, chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, dù còn lâu dài khó khăn, gian khổ, nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn; sự nghiệp cách mạng của nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn.

PHẦN HAI

NHIỆM VỤ QUÂN SỰ CỦA NHÂN DÂN TA

Thưa các đồng chí,

Mặc dù đã bị thất bại nặng nề, cho đến nay, Mỹ ngụy vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu của chúng. Chúng vẫn tiếp tục phá hoại trắng trợn những điều khoản chủ yếu của Hiệp định Pari, vẫn tiếp tục chiến tranh hòng áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nước ta. Mỹ vẫn tiếp tục cho máy bay trinh sát nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mỹ đang tìm mọi cách hà hơi tiếp sức cho bọn phản động Lon Non tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh phục vụ mưu đồ xâm lược thực dân mới của Mỹ ở Campuchia.

Mỹ đang nuôi dưỡng bọn phản động Lào và làm hậu thuẫn cho bọn này phá hoại hòa bình, độc lập, trung lập và hòa hợp dân tộc ở Lào.

Mỹ tiếp tục duy trì một lượng không quân lớn ở Thái Lan; tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ vẫn lởn vởn ở biển Đông.

Rõ ràng Mỹ vẫn ôm ấp những tham vọng đế quốc, thực dân đối với nước ta cũng như đối với các nước khác ở Đông Dương.

Trước tình hình đó, nhân dân ta và cả nhân dân yêu hòa bình, công lý trên thế giới không thể không nêu cao tinh thần cảnh giác.

Nhiệm vụ của nhân dân ta trong giai đoạn mới, như báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đã nêu rõ, là ra sức đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước trên thế giới.

Trước tình hình kẻ thù chưa từ bỏ âm mưu xâm lược đối với nước ta, quân và dân miền Bắc, trong khi nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn phải luôn luôn cảnh giác, ra sức củng cố quốc phòng, sẵn sàng đập tan mọi hành động phiêu lưu chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, bảo vệ hòa bình, bảo vệ vững chắc miền Bắc, làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng đối với đồng bào miền Nam ruột thịt và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Ở miền Nam nước ta, dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhân dân và Các lực lượng vũ trang giải phóng đang tiếp tục đấu tranh chống lại và làm thất bại mọi âm mưu mới của đế quốc Mỹ và tay sai, kiên quyết đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh thực dân mới của Mỹ, bảo vệ và phát huy những thành quả cách mạng đã giành được, bảo vệ Hiệp định Pari về Việt Nam, tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, miền Bắc là căn cứ địa cách mạng của cả nước, cho nên quân và dân miền Bắc có nghĩa vụ rất thiêng liêng đối với việc hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam. Trong nhận thức tư tưởng cũng như trong việc làm cụ thể, mọi người chúng ta cần luôn luôn quán triệt nhiệm vụ cách mạng đó. Các ngành, các cấp, các địa phương trong phạm vi trách nhiệm của mình, cần cố gắng hết sức để làm đầy đủ nhiệm vụ của mình đối với miền Nam ruột thịt trong giai đoạn mới.

Ở miền Bắc, trước mắt, do yêu cầu bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm nhiệm vụ của mình đối với cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng về mọi mặt, các lực lượng vũ trang phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Về lâu dài, do yêu cầu giữ vững mãi mãi nền độc lập của nước Việt Nam thống nhất sau này - một nước có vị trí chiến lược rất quan trọng - chúng ta phải có một nền quốc phòng mạnh.

Nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ chung của toàn Đảng và toàn dân ta, trước mắt cũng như lâu dài về sau. Đó là một nhiệm vụ cách mạng hết sức quan trọng, có quan hệ trực tiếp đến tương lai của đất nước, đến vận mệnh của dân tộc. Nó phải được kết hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhiệm vụ xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa... Nó cần được sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy và chính quyền các cấp, và cần có sự tham gia tích cực của các đoàn thể quần chúng, các tầng lớp nhân dân.

Năm ngoái, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, tôi đã báo cáo về một số công tác quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, như: xây dựng Quân đội nhân dân chính quy hiện đại, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật của Quân đội, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ mạnh mẽ và rộng khắp, tăng cường các cơ quan quân sự địa phương, kết hợp kinh tế với quốc phòng, v.v., và đã đề nghị các đồng chí đại biểu Quốc hội quan tâm đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, các ngành thực hiện tốt các chính sách hậu phương đối với Quân đội.

Từ đó đến nay, các mặt công tác này đều có tiến bộ. Những thành tích đạt được trong cuộc hội thao toàn quân vừa qua chứng tỏ Quân đội nhân dân đã có những bước tiến mới trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại; trình độ kỹ thuật, chiến thuật của các lực lượng vũ trang nhân dân đã được nâng cao, sức mạnh chiến đấu đã được tăng cường. Cơ sở vật chất kỹ thuật của Quân đội đã được chấn chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và được xây dựng thêm. Các cơ quan quân sự địa phương đã được tăng cường về số lượng cũng như chất lượng. Quân đội đã có những đóng góp nhất định vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế; các ngành, các địa phương đã chú ý hơn đến việc kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng. Việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số chính sách cho phù hợp với tình hình mới đã được xúc tiến; việc thực hiện các chính sách đã có cũng được đẩy mạnh thêm một bước.

Sắp tới, chúng ta còn cần tiếp tục thực hiện các công tác đó với tinh thần cảnh giác cao, với ý thức quốc phòng mạnh. Chúng ta phải vừa ra sức xây dựng Quân đội nhân dân chính quy và hiện đại, vừa ra sức làm tốt công tác quân sự địa phương. Tôi xin báo cáo với Quốc hội là vừa qua, đã có chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác quân sự địa phương trong giai đoạn mới. Nội dung chỉ thị đó đã được phổ biến cho các ngành, các địa phương. Hôm nay, tôi xin nhấn mạnh một vài vấn đề và báo cáo một vài công tác mới trong nhiệm vụ quân sự, đề nghị các đồng chí đại biểu Quốc hội quan tâm nhắc nhở các ngành, các địa phương thực hiện:

1. Về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng hậu bị

Dân quân tự vệ là công cụ cùng lực lượng Công an nhân dân bảo vệ Đảng và chính quyền ở cơ sở, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ trật tự trị an ở địa phương. Nó là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân ở địa phương, cùng nhân dân chiến đấu để bảo vệ địa phương. Nó là nguồn nhân lực được chuẩn bị tốt về nhiều mặt để nhanh chóng bổ sung, mở rộng Quân đội.

Trong những năm qua, lực lượng dân quân tự vệ của ta đã phát triển vượt bậc về mọi mặt. Thêm hàng triệu nam nữ thanh niên đã tham gia hàng ngũ dân quân tự vệ. Tỷ lệ đảng viên, đoàn viên trong dân quân tự vệ đã tăng lên nhiều và vũ khí trang bị thì tăng gấp ba bốn lần so với năm 1964. Trước kia, dân quân tự vệ chỉ được trang bị vũ khí nhẹ, bây giờ đã có cả súng cối, đại bác, cao xạ; trước chỉ có bộ binh, bây giờ đã có cả pháo binh, công binh. Đó là một lực lượng rất lớn.

Hiện nay, tuy miền Bắc đã có hòa bình, chúng ta vẫn phải luôn luôn củng cố lực lượng đó, duy trì sức mạnh to lớn của nó và chuẩn bị sẵn sàng phát huy tác dụng to lớn của nó trong chiến tranh. Vấn đề là phải làm sao tổ chức cho thích hợp và cải tiến, nâng cao chất lượng huấn luyện cho nó. Đồng thời, phải làm tốt công tác đăng ký, quản lý quân dự bị; nắm chắc số lượng, chất lượng, trên cơ sở đó xây dựng tốt lực lượng dự bị, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân. Chúng ta cần chống lại nhận thức sai trái cho rằng trong thời bình, không cần chú trọng đến công tác xây dựng dân quân tự vệ như trong thời chiến. Ngược lại, trong thời bình, thông thường là phải giảm quân số của lực lượng thường trực, cho nên càng cần chú ý hơn đến công tác xây dựng dân quân tự vệ. Đó chính là biểu hiện của tinh thần cảnh giác cao, của ý thức quốc phòng mạnh. Trong tình hình đất nước ta hiện nay, lại càng cần phải đặc biệt chăm lo xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Chúng ta cũng cần chống lại một nhận thức sai trái khác cho rằng đẩy mạnh công tác xây dựng dân quân tự vệ thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Ngược lại, thực tiễn đã chứng minh rằng, dân quân tự vệ được tổ chức và giáo dục tốt, chính là lực lượng xung kích phát huy tác dụng to lớn trong sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp.

Quân đội cần được bổ sung cả chiến sĩ và cán bộ, kể cả cán bộ khoa học - kỹ thuật. Các trường đại học và trung học chuyên nghiệp chính là nguồn bổ sung cán bộ khoa học - kỹ thuật cho Quân đội. Vì vậy, công tác huấn luyện quân sự cho học sinh ở các trường này sắp tới cần được tổ chức và tiến hành tốt hơn nữa. Cần có chương trình huấn luyện quân sự dài hạn và hàng năm; và học sinh đại học phải được huấn luyện theo chương trình đào tạo sĩ quan dự bị.

2. Về kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng

Ta đã rút được nhiều kinh nghiệm về kết hợp kinh tế với quốc phòng qua hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong công cuộc xây dựng kinh tế ở miền Bắc hiện nay, chúng ta không nên quên những bài học đó. Mà đó mới chỉ là những bài học về chống chiến tranh bằng không quân. Về lâu về dài, chúng ta còn phải chuẩn bị chống chiến tranh lớn trong điều kiện hiện đại và có lục quân địch tham gia. Vì vậy, không những phải chú ý yêu cầu phòng không trong việc xây dựng các công trình cụ thể, mà còn phải từng bước có kế hoạch chuẩn bị sao cho nền kinh tế của ta có thể đáp ứng được những yêu cầu về bảo đảm sản xuất, sinh hoạt và chiến đấu khi có chiến tranh.

Về mặt này, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề đạt ý kiến với Chính phủ. Đề nghị các ngành, các địa phương, về phần mình cũng nghiên cứu và phối hợp tốt với Bộ Quốc phòng cũng như với các cơ quan quân sự địa phương.

Tôi cũng xin báo cáo để Quốc hội biết là vừa qua, chúng tôi đã ra nghị quyết về nhiệm vụ Quân đội tham gia xây dựng kinh tế. Những việc mà Quân đội có thể làm là: sản xuất tự túc theo chỉ tiêu quy định, làm các công trình quân sự, nhận những việc do Chính phủ giao cho như làm đường, xây dựng nhà cửa, kho tàng v.v., ở các khu công nghiệp, các thành phố, xây dựng vùng kinh tế mới ở các địa phương xung yếu... Nghị quyết cũng đặt vấn đề tổ chức các lực lượng bộ đội chuyên làm nhiệm vụ sản xuất. Quân đội nhân dân nhận thức rằng việc Quân đội tích cực tham gia xây dựng kinh tế là một nhiệm vụ cách mạng thường xuyên lâu dài và là một yêu cầu quan trọng trong tình hình hiện nay, nhất định sẽ có cố gắng rất lớn để làm tốt nhiệm vụ đó.

3. Về thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự

Năm tới, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện phổ biến và rộng khắp chế độ nghĩa vụ quân sự. Mọi nam thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự, hễ có giấy gọi là phải tòng quân. Tất cả các địa phương, không trừ nơi nào, đều phải thực hiện nghĩa vụ đó. Có thế mới là công bằng, hợp lý. Quyết không thể để xảy ra hiện tượng trốn khám tuyển, trốn tránh tòng quân và cũng quyết không để xảy ra hiện tượng đào ngũ về nhà mà vẫn được để yên. Những hành động đó là vi phạm pháp luật của Nhà nước, pháp luật đã được Quốc hội thông qua. Vì vậy, sắp tới chúng ta cần tiếp tục chú trọng giáo dục về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên; đồng thời cần nghiên cứu để chỉ đạo thực hiện tốt các luật lệ về nghĩa vụ quân sự.

4. Về thực hiện các chính sách hậu phương đối với
Quân đội

Hiện nay, trên miền Bắc, số gia đình có người đi chiến đấu ở chiến trường xa rất lớn. Chiến tranh quy mô lớn và ác liệt nên số lượng thương binh, liệt sĩ tăng lên so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Hiện nay, nói chung, các chính sách đã có đều phù hợp và đang được thực hiện. Vấn đề là làm sao thực hiện thật đầy đủ, thật tốt ở khắp mọi nơi. Các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, các đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt, đồng thời tuyên truyền, giáo dục sâu rộng nội dung, tinh thần chính sách và phát động toàn dân thực hiện.

Một trong những vấn đề lớn cần chú ý hiện nay là đối với những thương binh, bệnh binh đã hồi phục sức khỏe, cũng như đối với những quân nhân phục viên, xuất ngũ, cần chú ý làm tốt việc tiếp nhận, sắp xếp việc làm và chăm sóc đời sống, đồng thời quản lý, giáo dục tốt để phát huy khả năng của anh em trong cương vị công tác mới.

Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, nhân dân đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự của mình. Công tác quân sự địa phương và công tác quân sự ở các ngành của Nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự đó. Với việc nhận rõ yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới cũng như yêu cầu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mãi mãi hàng ngàn, hàng vạn năm sau, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ ra sức làm tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, nguồn sức mạnh vô địch đã đưa nhân dân ta đến thắng lợi có ý nghĩa thời đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua.  

*

*       *

Thưa các đồng chí,

Cục diện của đất nước Việt Nam ta hiện nay đã hoàn toàn đổi mới, khác hẳn 30 năm về trước.

Cục diện miền Nam cũng đã có bước biến chuyển mới, khác với lúc mới ký Hiệp định Pari.

Nay là lúc nhân dân ta ở miền Bắc, mặc dù còn nhiều khó khăn phải khắc phục, đã có những điều kiện thuận lợi mới để đẩy mạnh công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Nay cũng là lúc nhân dân ta ở miền Nam, mặc dù còn phải đấu tranh lâu dài gian khổ, đã có nhiều điều kiện thuận lợi mới để tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ.

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng và tư tưởng vĩ đại của Hồ Chủ tịch đưa đường chỉ lối, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân, có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bầu bạn khắp năm châu.

Nhân dân ta nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng!

Sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước ta nhất định thành công hoàn toàn!


 

[1]. Viện trợ quân sự tài khóa năm 1973-1974 là 1.126 triệu đô la; tài khóa năm 1974-1975 chính quyền Níchxơn xin 2.360 triệu đô la (1.450 triệu quân sự, 910 triệu kinh tế) nhưng Quốc hội Mỹ chỉ chấp thuận 1.280 triệu đô la bằng 55% số yêu cầu (gồm 700 triệu quân sự, 580 triệu kinh tế), chính quyền Pho đang xoay sở để tăng thêm.

[2]. Trong cả năm 1973 (tính từ sau khi ký Hiệp định Pari), Quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20 vạn tên địch; riêng 3 tháng cuối năm loại trên 8 vạn tên.

[3]. Đắc Pét, Măng Bút, Măng Đen, Thượng Đức, Minh Long, Đức Phong (Phước Long), Hưng Long (Chương Thiện), Bố Đức (Phước Long).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.