ĐIỀU LỆ THUẾ HÀNG HÓA
I- NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1.
Thuế hàng hóa được ấn định căn cứ trên những nguyên tắc sau đây:
- Khuyến khích các ngành tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện quy hoạch ngành nghề, hướng dẫn nhân dân tiêu dùng hợp lý;
- Góp phần tăng cường quản lý thị trường và ổn định vật giá, giúp cho thương nghiệp quốc doanh nắm nguồn hàng, bảo đảm các nhu cầu cần thiết của nhân dân;
- Động viên sự đóng góp công bằng và hợp lý của nhân dân.
Điều 2.
Thuế hàng hóa áp dụng đối với những loại hàng ghi trong Biểu thuế kèm theo Điều lệ này, bao gồm:
- Hàng do các tổ chức sản xuất tập thể (hợp tác xã sản xuất, tổ sản xuất…) và những người sản xuất riêng lẻ sản xuất hay là khai thác và trực tiếp bán ra thị trường (không theo chế độ gia công, thu mua của Nhà nước).
- Hàng nhập cảnh theo người dưới hình thức hành lý hoặc nhập cảnh qua các đường vận tải quốc tế dưới hình thức tặng phẩm, quà biếu mà vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế.
Điều 3.
Mỗi mặt hàng chỉ chịu thuế hàng hóa một lần từ khi sản xuất cho đến khi tiêu thụ.
Tùy theo mặt hàng, thuế hàng hóa do người sản xuất, người khai thác, người buôn bán hoặc người nhập khẩu nộp.
II- LOẠI HÀNG CHỊU THUẾ, THUẾ SUẤT,
CƠ SỞ TÍNH THUẾ
Điều 4.
Các loại hàng ghi trong Biểu thuế kèm theo Điều lệ này phải nộp thuế hàng hóa theo mức thuế quy định ở các Điều 6 và 7 dưới đây.
Đối với mỗi loại hàng ghi trong Biểu thuế, Hội đồng Chính phủ quy định cụ thể những mặt hàng phải nộp thuế hàng hóa.
Điều 5.
Đối với những vùng dân tộc thiểu số, Hội đồng Chính phủ có thể quyết định chưa thu thuế về một số mặt hàng nhất định, nhằm chiếu cố những khó khăn ban đầu trong sản xuất ở những vùng đó.
Điều 6.
Thuế hàng hóa đánh theo trị giá hàng (gọi là giá tính thuế) và theo đúng thuế suất ghi trong Biểu thuế. Giá tính thuế do cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương định:
- Đối với hàng sản xuất trong nước, giá tính thuế là giá bán lẻ trung bình trên thị trường, trừ 10%; nếu là mặt hàng mới chưa có giá lẻ trên thị trường, thì lấy giá tính thuế của mặt hàng tương đương có giá lẻ.
- Đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế là giá cao, nếu là mặt hàng mậu dịch quốc doanh bán theo hai giá; nếu là mặt hàng mậu dịch quốc doanh chỉ bán theo một giá, thì giá tính thuế là giá bán lẻ trung bình trên thị trường của mặt hàng ấy, hoặc của mặt hàng tương đương có giá lẻ.
Điều 7.
Đối với hàng sản xuất theo phương thức mua nguyên liệu của Nhà nước và bán thành phẩm cho xí nghiệp quốc doanh, trong trường hợp xí nghiệp quốc doanh thu mua toàn bộ, thì thuế hàng hóa đối với phần sản phẩm còn lại do cơ sở sản xuất trực tiếp bán ra thị trường sẽ là số chênh lệch giữa giá bán lẻ trên thị trường tự do với giá chỉ đạo thu mua của quốc doanh, cộng thêm mức phí lưu thông cần thiết tùy theo loại hàng.
Điều 8.
Đối với người sản xuất hoặc tiêu thụ trái phép những mặt hàng thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý, thì không thu thuế hàng hóa mà phải xử lý theo pháp luật hiện hành về việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trái phép.
Điều 9.
Việc miễn thuế, giảm thuế đối với những trường hợp cụ thể phải do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
III- VIỆC THU THUẾ VÀ THỦ TỤC KHAI BÁO,
CHUYỂN VẬN HÀNG HÓA
Điều 10.
Nhiệm vụ thu thuế hàng hóa giao cho các tổ chức thu của ngành tài chính.
Đối với hàng nhập khẩu, Bộ Tài chính có thể ủy nhiệm cho cơ quan hải quan phụ trách.
Điều 11.
Cán bộ thu thuế phải liêm chính, chí công vô tư, và phải chấp hành đúng chính sách và pháp luật về thuế.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ thu thuế phải có tác phong và thái độ đúng đắn; phải xuất trình giấy chứng minh, phải cấp biên lai thu thuế và thực hiện đầy đủ những quy định của Nhà nước về khám xét, tạm giữ, tịch thu, bảo quản và xử lý hàng hóa, tang vật.
Cán bộ thu thuế được pháp luật bảo vệ khi làm nhiệm vụ; nếu có thành tích thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước; nếu vi phạm những quy định nói ở trên về thi hành nhiệm vụ của cán bộ thu thuế, thì tùy mức độ nặng nhẹ mà bị thi hành kỷ luật hành chính hoặc bị xử lý về hình sự.
Điều 12.
Đối với hàng sản xuất nội địa, thuế hàng hóa thu theo một trong ba cách sau đây:
- Thu ngay khi hàng sản xuất xong và nhập kho,
- Thu khi hàng xuất kho để bán ra thị trường,
- Thu theo sản lượng kê khai từng kỳ hạn.
Cách thu thuế đối với từng cơ sở, từng mặt hàng do cơ quan tài chính ấn định.
Đối với hàng nhập khẩu, thuế hàng hóa thu ngay lúc nhập khẩu.
Điều 13.
Hàng đã nộp thuế rồi, thì phải có giấy chứng nhận nộp thuế do cơ quan thu thuế cấp.
Khi chuyển vận hàng hóa, phải có giấy chứng nhận nộp thuế kèm theo.
Điều 14.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng chịu thuế hàng hóa phải theo đúng những quy định của Nhà nước về khai báo kinh doanh, điều kiện mở xưởng, mở cửa hàng, về giữ sổ sách kế toán, về nộp thuế, về vận chuyển hàng hóa.
Người chịu thuế phải khai báo thành thật, cung cấp những tài liệu cần thiết và tạo điều kiện dễ dàng cho cán bộ thu thuế kiểm tra sổ sách, chứng từ, hàng hóa, kho hàng, và nhất thiết không được từ chối hoặc trì hoãn việc kiểm tra đó.
IV- VIỆC THƯỞNG PHẠT
Điều 15.
Việc xử lý các trường hợp vi phạm Điều lệ thuế hàng hóa được quy định như sau:
1. Nếu không làm đúng những quy định về khai báo, giữ sổ sách kế toán ghi trong Điều 14 của Điều lệ này, thì bị phạt từ 10 đồng đến 100 đồng; nếu sự việc nghiêm trọng hoặc tái phạm thì có thể bị phạt đến 1.000 đồng.
2. Nếu không nộp thuế đúng kỳ hạn quy định, thì mỗi ngày quá hạn, phải nộp thêm 1% số thuế nộp chậm.
3. Nếu có hành động trốn thuế, lậu thuế, như khai man số lượng, giá cả, phẩm chất hàng hóa, tàng trữ, vận chuyển và bán hàng không có chứng từ hợp lệ, ghi chép sổ sách không đúng thực tế, thì có thể bị phạt từ một đến hai lần số thuế gian lậu hoặc bị tịch thu một phần hay toàn bộ hàng hóa gian lậu, hoặc bị xử phạt theo cả hai hình thức nói trên. Trong trường hợp tái phạm, mức phạt có thể đến ba lần số thuế gian lậu và hàng hóa gian lậu sẽ bị tịch thu toàn bộ. Hàng lậu thuế (trừ số hàng đã bị tịch thu), sau khi nộp tiền phạt, vẫn phải chịu thuế hàng hóa.
4. Nếu sản xuất lén lút hàng chịu thuế hàng hóa, thì bị phạt từ một đến ba lần số thuế gian lậu và bị tịch thu toàn bộ hàng hóa gian lậu. Trong trường hợp tái phạm, thì mức phạt có thể đến năm lần số thuế gian lậu và bị tịch thu toàn bộ hàng hóa gian lậu.
5. Ngoài ra, nếu có những hành động nghiêm trọng, như tái phạm nhiều lần, làm chứng từ giả, lậu thuế có tổ chức, chống đối việc thu thuế, thì sẽ bị truy tố trước tòa án nhân dân.
Điều 16.
Thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm Điều lệ thuế hàng hóa quy định như sau:
- Trưởng trạm thuế có quyền phạt tiền đến 50 đồng.
- Trưởng phòng tài chính huyện, thị xã, khu phố có quyền phạt tiền đến 1.000 đồng, hoặc cả phạt tiền và tịch thu hàng đến 1.000 đồng.
- Giám đốc Sở, Trưởng ty tài chính có quyền phạt tiền trên 1.000 đồng hoặc cả phạt tiền và tịch thu hàng trên 1.000 đồng.
Nếu đương sự khiếu nại, thì Uỷ ban hành chính cùng cấp xét và quyết định.
Trong khi chờ đợi giải quyết việc khiếu nại, người bị phạt vẫn phải nộp phạt theo quyết định của cơ quan đã xử phạt.
Điều 17.
Mọi người công dân có nhiệm vụ giúp cơ quan tài chính thi hành chính sách thuế và phát hiện những hành vi gian lậu thuế.
Người có công giúp cơ quan tài chính sẽ được khen thưởng.
Người có hành vi gây trở ngại cho việc thu thuế có thể bị phê bình, cảnh cáo hoặc truy tố trước tòa án nhân dân, tùy theo mức độ nặng nhẹ.
V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18.
Điều lệ này thay thế những quy định ban hành trước đây về thuế hàng hóa đối với kinh tế tập thể và kinh tế cá thể.
Điều 19.
Hội đồng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều lệ này.
Điều lệ này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Hà Nội ngày 26 tháng 9 năm 1974.
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Chủ tịch
TRƯỜNG CHINH