VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

BÁO CÁO CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ THỐNG NHẤT TỔ QUỐC
TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ V

(Do Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh
trình bày, ngày 22-12-1975)


 

Kính thưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng,

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Bắc - Nam để bàn việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước đã họp tại Sài Gòn từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975 và đã thành công tốt đẹp.

Hôm nay, tôi rất vui mừng được thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội về kết quả của Hội nghị.

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà là ý chí sắt đá và nguyện vọng tha thiết của toàn dân ta.

Trong lịch sử dân tộc ta, từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh vẻ vang ngày nay, nhân dân ta đã trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh oanh liệt để giữ gìn độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Bọn xâm lược luôn luôn thi hành chính sách “chia để trị”, hòng thôn tính nước ta, áp bức, bóc lột nhân dân ta. Cho nên, cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập dân tộc không tách rời cuộc đấu tranh vì thống nhất Tổ quốc. Tổ quốc độc lập hoàn toàn thì nhất định phải thống nhất; nước nhà thống nhất mới giữ vững được độc lập hoàn toàn và bảo đảm đời sống ấm no, hạnh phúc của toàn dân.

Sau 45 năm đấu tranh cách mạng không ngừng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia, ngày nay là Đảng Lao động Việt Nam, trải qua những chặng đường cực kỳ khó khăn, gian khổ, cuối cùng nhân dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến thắng vĩ đại của toàn dân và toàn quân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm nay đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới này là: hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 24 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nêu:

“Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng thắng lợi trong cả nước, chế độ thực dân mới do đế quốc Mỹ áp đặt ở miền Nam bị đập tan, nguyên nhân chia cắt đất nước ta hoàn toàn bị thủ tiêu, thì đương nhiên cả nước ta độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

“Thống nhất đất nước tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng. Thống nhất đất nước càng tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, thống nhất càng sớm thì càng phát huy sức mạnh toàn diện của Tổ quốc”.

Từ sau ngày giải phóng, nước ta hoàn toàn độc lập, thì trên thực tế hai miền đã thống nhất và giống nhau về nhiều mặt. Nhưng giữa hai miền vẫn còn những chỗ khác nhau cần phải xóa bỏ từng bước trong quá trình cách mạng.

Trong toàn bộ sợi dây chuyền của sự nghiệp hoàn thành thống nhất Tổ quốc hiện nay, thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước là khâu then chốt, nó tạo điều kiện để hoàn thành thống nhất nước nhà về các mặt khác một cách thuận lợi.

Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước tức là chính thức hóa sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Nhà nước dân chủ nhân dân của ta là công cụ sắc bén để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân ta. Chức năng của Nhà nước không chỉ là quản lý hành chính, quản lý trật tự, an ninh, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; Nhà nước còn đóng một vai trò quan trọng trong việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, tổ chức và quản lý đời sống kinh tế, văn hóa của xã hội, bảo đảm không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm đà tiến triển thuận lợi của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhất trí với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam về chương trình ba điểm dưới đây:

1. Tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Bắc - Nam nhằm thống nhất nhận định về yêu cầu và nội dung của toàn bộ sự nghiệp hoàn thành thống nhất nước nhà; về tầm quan trọng và tính cấp bách cũng như về bước đi và biện pháp của việc thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

2. Tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất. Cuộc tổng tuyển cử đó sẽ được tiến hành trong cả nước theo những nguyên tắc thật sự dân chủ là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam, xuất phát từ điều kiện cụ thể của miền Nam. Cuộc bầu cử Quốc hội chung sẽ được tổ chức vào cùng một ngày trong thời gian nửa đầu năm 1976.

3. Triệu tập kỳ họp đầu tiên của Quốc hội chung để nghe Hội đồng bầu cử toàn quốc báo cáo về kết quả của cuộc tổng tuyển cử trong cả nước và xác nhận tư cách của các đại biểu Quốc hội; nghe báo cáo về vấn đề dự thảo Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất và bầu ra Uỷ ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội; quyết định về tên nước, quốc huy, quốc kỳ, quốc ca và thủ đô; bầu những cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, v.v..

Thực hiện chương trình ba điểm đó, ngày 27 tháng 10 năm 1975, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận và thông qua đề án về thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước và cử Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 người để tiến hành Hội nghị Hiệp thương chính trị với Đoàn đại biểu miền Nam. ở miền Nam, đầu tháng 11 năm 1975 đã triệu tập Hội nghị liên tịch mở rộng gồm đại biểu của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng Cố vấn Chính phủ và đại biểu nhân sĩ, trí thức miền Nam. Hội nghị đã thảo luận về chủ trương và các biện pháp thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, nhằm nhanh chóng hoàn thành thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị đã cử Đoàn đại biểu miền Nam gồm 25 người, để tiến hành hiệp thương với Đoàn đại biểu miền Bắc.

Ngày 12 tháng 11 năm 1975, Đoàn đại biểu miền Bắc đến Sài Gòn để cùng Đoàn đại biểu miền Nam bàn việc hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Đoàn đã được cán bộ và đồng bào miền Nam đón tiếp với tình thương yêu ruột thịt. Hàng chục vạn đồng bào đã đổ ra đường, cầm cờ, hoa, biểu ngữ, nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn suốt hai bên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất đến dinh độc lập cũ.

Sau vài ngày chuẩn bị, Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa hai Đoàn đại biểu Bắc - Nam đã long trọng khai mạc chiều ngày 15 tháng 11 năm 1975, theo đúng kế hoạch đã định.

Hai bản báo cáo chính trị của hai Trưởng đoàn đã nhận định về yêu cầu và nội dung của sự nghiệp thống nhất nước nhà, về tầm quan trọng, tính cấp bách, những bước đi và biện pháp của việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, mà việc quan trọng trước mắt là tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước.

Hai bản báo cáo chính trị đó đã đặt vấn đề và vạch ra phương hướng giải quyết vấn đề hoàn thành thống nhất nước nhà một cách thiết thực, đồng thời giải quyết cụ thể vấn đề thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Trong phần thảo luận, Hội nghị đã nghe 22 đại biểu miền Nam và 14 đại biểu miền Bắc đọc tham luận nói lên quan điểm và nguyện vọng của tổ chức hoặc tầng lớp nhân dân mà mình đại diện, đối với yêu cầu hoàn thành thống nhất nước nhà cũng như đối với chủ trương và biện pháp thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Các đại biểu còn dành thì giờ thảo luận các vấn đề cụ thể về tổ chức tổng tuyển cử, về kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, về vấn đề soạn thảo Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất, v.v..

Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí vô cùng hân hoan, phấn khởi, thắm tình ruột thịt Bắc - Nam, thể hiện niềm tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước.

Hội nghị vô cùng xúc động nhớ tới công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào.

Hội nghị tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh vì nước, nêu cao truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.

Các đại biểu miền Nam đã nói lên lòng biết ơn đối với nhân dân miền Bắc đã không nề hy sinh, gian khổ, hết lòng hết sức chi viện cho miền Nam, cùng đồng bào miền Nam chiến thắng kẻ thù chung của dân tộc.

Các đại biểu miền Bắc đã đánh giá cao vai trò “thành đồng Tổ quốc” của miền Nam và công lao to lớn của đồng bào miền Nam anh dũng tuyệt vời.

Hội nghị đã làm việc tới tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, hào hứng, sôi nổi, đi sâu phân tích các vấn đề đã được nêu lên trong chương trình nghị sự.

Hội nghị hoàn toàn nhất trí trên tất cả các vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi và biện pháp nhằm thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Sáng ngày 21-11-1975, hai Trưởng đoàn đại biểu đã ký bản Thông cáo của Hội nghị, một văn kiện lịch sử thể hiện sự thành công của Hội nghị, đánh dấu một bước tiến mới của nhân dân ta trên con đường xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Hai Trưởng đoàn cũng đã ký bản ghi những vấn đề cụ thể mà Hội nghị đã nhất trí thông qua.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc nhận định rằng, với thắng lợi rực rỡ mùa Xuân 1975, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước cùng làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hội nghị khẳng định:

Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn và vững chắc nhất.

“Độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội gắn chặt với nhau. Chủ nghĩa xã hội là phương hướng tiến lên và xu thế tất yếu của xã hội Việt Nam, là con đường duy nhất để vĩnh viễn giữ gìn độc lập và thống nhất, xây dựng nước ta giàu mạnh, có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, quốc phòng vững mạnh, văn hóa và khoa học tiên tiến, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của chúng ta ngày nay và của con cháu muôn đời mai sau.

“Hội nghị nhất trí nhận định rằng hiện nay, trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc, khâu chính là thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đó là điều kiện cơ bản để đưa nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, để không ngừng tăng cường quyền làm chủ tập thể của nhân dân ta, để phát triển kinh tế và văn hóa có kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi miền nước ta, để xây dựng xã hội mới, con người mới trong cả nước”.

Hội nghị đã nhất trí về thể thức thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước: sớm tổ chức tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, Quốc hội sẽ xác định thể chế nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.

Cuộc tổng tuyển cử sẽ tiến hành trong nửa đầu năm 1976, theo đúng nguyên tắc dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Số đại biểu Quốc hội sẽ tính theo số dân. Khoảng mười vạn dân được bầu một đại biểu.

Phụ trách công tác bầu cử chung trong cả nước là Hội đồng bầu cử toàn quốc, bao gồm đại biểu của hai miền với số lượng ngang nhau. Hội đồng bầu cử toàn quốc có nhiệm vụ giám sát cuộc bỏ phiếu trong phạm vi cả nước, tổng kết bầu cử, tuyên bố kết quả cuộc tổng tuyển cử, cấp giấy chứng nhận cho các đại biểu trúng cử và báo cáo kết quả bầu cử trước Quốc hội.

Ở mỗi miền, sẽ tổ chức cơ quan phụ trách việc bầu cử của miền.

Cơ quan chủ trì cuộc bầu cử ở miền Bắc là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ở miền Nam là Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Việc triệu tập Quốc hội và chủ tọa phiên họp đầu tiên của Quốc hội, trước khi bầu ra Đoàn Chủ tịch của kỳ họp, sẽ do Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đảm nhiệm.

Ngoài những vấn đề chung mà Hội nghị đã thỏa thuận, những vấn đề cụ thể hoặc riêng biệt của việc bầu cử ở mỗi miền sẽ do cơ quan có trách nhiệm ở mỗi miền quy định.

Cuối cùng, Hội nghị Hiệp thương chính trị đã kêu gọi toàn thể cán bộ và đồng bào ta phát huy kết quả của Hội nghị, giương cao hơn nữa ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết một lòng, ra sức phát huy thắng lợi, đẩy mạnh thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải tiến công tác, bám sát thực tế, quan tâm đến lợi ích của quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, quyết tâm phấn đấu để cuộc tổng tuyển cử tới đây đạt kết quả tốt và thật sự là một ngày hội lớn của đồng bào cả nước.

Kết quả của Hội nghị đã được đúc kết lại trong hai văn kiện chính thức của Hội nghị là: “Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc (văn kiện này đã được công bố) và “Những vấn đề đã được hai Đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc” (văn kiện này không công bố; nó có tính chất một biên bản ghi lại những điều mà Hội nghị đã nhất trí thông qua).

Tóm lại, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã giải quyết một cách tốt đẹp tất cả các vấn đề nhằm thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân ta. Hai Đoàn đại biểu đã đi đến hoàn toàn nhất trí trên tất cả mọi vấn đề, về quan điểm cũng như về biện pháp cụ thể. Điều đó phản ánh hùng hồn sự đoàn kết, nhất trí của toàn dân ta trước nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới mà Hội nghị lần thứ 24 của Trung ương Đảng đã đề ra.

Ý nghĩa trọng đại của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã được cán bộ và nhân dân trong cả nước nhận thức sâu sắc. Từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đâu đâu cũng tràn ngập vui mừng, phấn khởi và tin tưởng vững chắc ở tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

Trong thời gian họp Hội nghị và liền sau đó, đồng bào ở hai miền Nam - Bắc và kiều bào ở nước ngoài đã gửi điện chào mừng Hội nghị, tổ chức mít tinh, tuần hành để hoan nghênh Hội nghị, mở đợt thi đua lập thành tích chào mừng thắng lợi của Hội nghị.

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Đoàn đại biểu miền Bắc do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cử ra, trước khi lên đường đi dự Hội nghị Hiệp thương chính trị, đã nghiên cứu kỹ bản đề án về chủ trương và những biện pháp nhằm thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua. Đoàn đã thống nhất nhận định về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị Hiệp thương chính trị đối với sự nghiệp hoàn thành thống nhất Tổ quốc. Mỗi đại biểu đều thấy vinh dự to lớn và trách nhiệm nặng nề mà nhân dân giao phó, cho nên đều cố gắng góp phần tích cực của mình vào thành công của Hội nghị.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về Hà Nội, Đoàn đã báo cáo kết quả Hội nghị trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhiệt liệt hoan nghênh thành công của Hội nghị và tán thành hoạt động của Đoàn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ “sự vui mừng nhận thấy kết quả Hội nghị đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn thể đồng bào là sớm thành lập một Nhà nước chung cho cả nước để đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, phát huy quyền làm chủ của 45 triệu nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa” (1).

Hôm nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo trước Quốc hội kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị và đề nghị Quốc hội xem xét và phê chuẩn hai văn kiện sau đây mà Hội nghị đã nhất trí thông qua:

1. Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc.

2. Những vấn đề đã được hai Đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc.

Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, hai văn kiện đó sẽ có hiệu lực thi hành đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ và nhân dân ta.

Xin cảm ơn các đồng chí đại biểu.


 

1. Thông cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.