VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

TÌNH HÌNH KINH TẾ MIỀN BẮC HIỆN NAY VÀ
NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1976

(Báo cáo của Hội đồng Chính phủ do ông Lê Thanh Nghị,
Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình bày
tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V, ngày 22-12-1975)

 

Thưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến,

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Với thắng lợi lịch sử của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Miền Nam của Tổ quốc chúng ta đã được hoàn toàn giải phóng. Đất nước ta từ nay sạch bóng quân xâm lược; Tổ quốc vinh quang của chúng ta từ nay hoàn toàn và vĩnh viễn độc lập, thống nhất.

Cách mạng nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới; từ chiến tranh chuyển sang hòa bình; từ tình trạng đất nước bị chia cắt, một nửa nước bị chủ nghĩa thực dân mới thống trị chuyển sang tình hình cả nước độc lập và thống nhất; từ hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa sang một nhiệm vụ chiến lược là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Từ nay, cả nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, kỷ nguyên dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng cho mình và cho muôn đời con cháu mai sau một cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, thay mặt Hội đồng Chính phủ, tôi xin trình bày trước Quốc hội bản báo cáo về nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1976 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản báo cáo này gồm có ba phần:

1. Nhận định về tình hình kinh tế và văn hóa của miền Bắc hiện nay.

2. Nhiệm vụ, phương hướng và mục tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1976.

3. Cải tiến quản lý kinh tế và tăng cường sự chỉ đạo thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1976.

Bản báo cáo này trình bày chủ yếu về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế của miền Bắc và trong chừng mực nhất định có tính đến nhiệm vụ chung về khôi phục và phát triển kinh tế của cả nước trong điều kiện thống nhất nước nhà. Kế hoạch về khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa của cả nước năm 1976 sẽ được xác định cụ thể sau khi hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

PHẦN THỨ NHẤT

NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
CỦA MIỀN BẮC HIỆN NAY

I- TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
NĂM 1975

Nhân dân miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1975 với một đà phấn khởi sau khi hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1974 và được cổ vũ bởi những chiến công vang dội của quân và dân ta ở miền Nam cuối năm 1974 và nhất là những thắng lợi dồn dập trong mùa Xuân đại thắng và toàn thắng của năm 1975.

Nhận rõ trách nhiệm của miền Bắc đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trong năm 1975 lịch sử, giai cấp công nhân và nông dân tập thể, anh chị em thợ thủ công, anh chị em trí thức, đồng bào các dân tộc, cán bộ các ngành, các cấp và các lực lượng vũ trang nhân dân đã ra sức phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu về khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa do Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Quốc hội khóa IV, kỳ họp thứ tư đề ra: đồng thời chi viện với mức cao nhất cho cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam, chung lòng chung sức cùng chiến đấu nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam ruột thịt.

Từ cuối năm 1974, miền Bắc đã động viên với quy mô chưa từng có sức người, sức của để phục vụ tốt cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta ở miền Nam. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1975, công tác tuyển quân đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm với số quân tăng gấp đôi so với năm 1974. Hàng mấy chục vạn thanh niên trai và gái đã hăng hái xung phong lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng ở miền Nam. Hàng nghìn phương tiện vận tải đã được huy động thêm. Công tác vận chuyển đã phục vụ tốt các yêu cầu của tiền tuyến lớn. Từ sau ngày toàn thắng đến nay, khoảng một triệu tấn vật tư, hàng hóa đã được chuyển nhanh vào miền Nam, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách sau chiến tranh nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân và khắc phục hậu quả của thiên tai ở một số tỉnh miền Trung. Hàng vạn cán bộ, công nhân thuộc các ngành, các cấp ở miền Bắc đã được đưa vào công tác ở các tỉnh miền Nam để cùng với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam làm tốt công tác tiếp quản vùng mới giải phóng, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.

Trong khi thực hiện tốt nhiệm vụ đối với cách mạng miền Nam, nhân dân miền Bắc vẫn ra sức đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa năm 1975.

Về công nghiệp: Các ngành công nghiệp đã cố gắng phấn đấu khắc phục nhiều khó khăn và đạt được tốc độ phát triển khá. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1975 tăng 17% so với năm 1974, trong đó công nghiệp Trung ương tăng 34,5%, công nghiệp địa phương tăng 10,4%, riêng tiểu, thủ công nghiệp tăng 9%. Một số ngành như điện, than, cơ khí, luyện kim màu, thủy tinh, sành sứ, in, văn hóa phẩm có khả năng đạt và vượt kế hoạch. Các ngành khác tuy không đạt kế hoạch, nhưng hầu hết các sản phẩm đều tăng so với năm 1974.

Nguồn điện tăng lên khá; sản lượng điện phát ra vượt 3,5% kế hoạch, tăng 29% so với năm 1974.

Sản lượng than sạch có thể đạt kế hoạch và tăng 38% so với năm 1974, nhưng chất lượng than còn kém. Lực lượng cơ khí của ngành Than phát triển hơn trước nhưng chưa bảo đảm yêu cầu về sửa chữa xe, máy. Việc sửa chữa đường sắt, xây dựng cầu cảng, nạo vét cảng làm chậm, việc vận chuyển và tiêu thụ than chậm.

Ngành Cơ khí đạt mức kế hoạch và tăng 34,3% hơn năm 1974 về giá trị sản lượng. Nhiều sản phẩm đạt và vượt kế hoạch như máy bơm thủy lợi, máy cắt gọt kim loại, máy biến thế, máy phát lực điêden, v.v.. Một số sản phẩm mới đã được đưa vào sản xuất để phục vụ các ngành nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, v.v., như tàu hút bùn, máy cạp đất, máy rà rễ, máy gom rễ, tàu đánh cá, tàu đẩy, sà lan xi măng lưới thép, cần cẩu tháp, thiết bị toàn bộ cỡ nhỏ cho sản xuất gạch, xay xát gạo, phân lân nung chảy, xi măng… Tuy vậy, một số mặt hàng quan trọng có yêu cầu cấp thiết không đạt kế hoạch như: máy kéo Bông Sen, máy công tác theo sau máy kéo, xe cải tiến, cuốc, sà lan, ca nô, tàu kéo, v.v.. Nhiệm vụ sản xuất phụ tùng và sửa chữa máy móc, thiết bị thực hiện kém.

Nhà máy cán thép Gia Sàng đã sản xuất được thép luyện và thép cán.

Nhiều sản phẩm của ngành Hóa chất, nhất là phân bón, đạt và vượt mức kế hoạch, tăng khá so với năm 1974. Nhà máy phân đạm Hà Bắc đã đi vào sản xuất ngày 12 tháng 12 năm nay. Tuy vậy, còn có một số mặt hàng cao su chưa đạt sản lượng kế hoạch.

Ngành Vật liệu xây dựng cố gắng mở rộng quy mô sản xuất, nhưng nhiều sản phẩm như xi măng, gạch, ngói, gỗ… không đạt kế hoạch, đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng cơ bản.

Trong công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, nhiều sản phẩm đạt và vượt kế hoạch như xà phòng giặt, xà phòng răng, đồ sành, sứ, thủy tinh, đồ nhựa, đường, mì chính, rượu, bia, nước ngọt, v.v.; các xí nghiệp dệt cũng có khả năng vượt kế hoạch sản lượng vải và hàng dệt kim; nhưng một số sản phẩm quan trọng như giấy, cá biển, muối, v.v., không đạt kế hoạch.

Nhìn chung, nhiều ngành và xí nghiệp công nghiệp đã bước đầu có khí thế thi đua lao động sản xuất, quyết tâm đạt và vượt mức kế hoạch nhà nước, nhưng tiến bộ chưa đều, chưa chắc; một số sản phẩm không đạt kế hoạch; cơ sở sản xuất tuy được khôi phục nhưng chưa đồng bộ.

Về nông nghiệp và lâm nghiệp: Công tác chỉ đạo của các cấp năm nay có tiến bộ; nông dân tập thể trong các hợp tác xã và công nhân các nông trường, lâm trường đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục các khó khăn do thời tiết gây ra. Diện tích lúa cả hai vụ đều vượt mức kế hoạch và tăng hơn năm 1974: diện tích cấy giống lúa mới có năng suất cao tăng hơn năm trước 35,5%; thời vụ cấy được bảo đảm. Năng suất và sản lượng lúa tuy còn thấp hơn kế hoạch nhưng vẫn đạt mức trung bình khá so với nhiều năm trước. Diện tích cây công nghiệp tăng, diện tích khoai tây tiếp tục được mở rộng. Chăn nuôi phát triển toàn diện hơn: lợn, trâu, bò, gia cầm, cá nước ngọt đều tăng. Giá trị sản lượng của ngành chăn nuôi tăng 16,5% so với năm 1974. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi và diễn biến khá phức tạp đã gây khó khăn lớn cho cả vụ đông - xuân và vụ mùa. Lúa vụ mùa bị úng lớn và bão làm mất trắng trên bảy vạn hécta, năng suất lúa cả hai vụ đều kém so với năm trước và không đạt kế hoạch. Nhiều loại cây trồng, nhất là hoa màu, cây thực phẩm và một số loại cây công nghiệp, v.v., không đạt kế hoạch về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích trồng rừng tăng khá so với trước nhưng vẫn đạt kế hoạch thấp; việc giao đất rừng cho hợp tác xã thực hiện chậm và yếu.

Về giao thông vận tải: Chúng ta đã tập trung nhân lực và phương tiện khá lớn để phục vụ tốt yêu cầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân; sau ngày chiến thắng đã có cố gắng lớn bảo đảm yêu cầu về vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách đi vào miền Nam. Trong khi đó, khối lượng vận tải hàng hóa ở miền Bắc tăng được 2% về tấn, 9% về tấn/kilômét so với năm 1974. Nhưng so với yêu cầu của kế hoạch nhà nước năm 1975, công tác giao thông vận tải còn là một khâu yếu. Việc vận chuyển phục vụ sản xuất và xây dựng chưa được tổ chức tốt và đạt kế hoạch thấp đã ảnh hưởng không tốt đến tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, xây dựng và giao lưu hàng hóa của các ngành và các địa phương.

Ngành Bưu điện đã nhanh chóng tổ chức lại công tác bưu điện trong tình hình mới, giúp miền Nam khôi phục kịp thời mạng lưới bưu điện, đáp ứng yêu cầu cấp bách về thông tin liên lạc trong cả nước và có ý thức phục vụ yêu cầu của cán bộ, nhân dân hai miền sau mấy chục năm đất nước bị chia cắt. Tuy nhiên, trong việc phục vụ công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế, phục vụ yêu cầu của nhân dân, chất lượng công tác của ngành bưu điện còn chưa được cao.

Về xây dựng cơ bản: Khối lượng vốn đầu tư thực hiện tăng hơn năm 1974 là 12%, trong đó khối lượng xây lắp tăng 6,5%. Một số công trình trọng điểm của Nhà nước như Lăng Hồ Chủ tịch, Nhà máy cán thép Gia Sàng, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy điện Uông Bí đợt 3, lò cao số 3 của Khu gang thép Thái Nguyên, công trình phân lũ sông Đáy, Khách sạn Thắng Lợi, v.v., đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng. Việc xây dựng đường sắt nối liền Nam - Bắc đang được triển khai mạnh theo kế hoạch bổ sung sau ngày miền Nam giải phóng.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của kế hoạch nhà nước, công tác xây dựng cơ bản còn là một mặt yếu. Nhiều công trình xây dựng không bảo đảm đúng tiến độ thi công, trong đó có một số công trình trọng điểm. Số công trình được hoàn thành và đưa vào sản xuất còn ít, khiến cho năng lực sản xuất chậm, nhất là trong các ngành cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng… Các mục tiêu lớn về xây dựng cơ bản trong nông nghiệp như hoàn chỉnh thủy nông, khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng các trạm, trại giống cây trồng và gia súc, v.v., đều đạt thấp; tiến độ xây dựng chậm, không dứt điểm để đưa nhanh vào phục vụ sản xuất. Việc xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện và các công trình phúc lợi công cộng khác, tuy được chú ý hơn năm trước, nhưng kế hoạch đạt được còn thấp.

Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong các ngành và một số trường đại học, một số viện nghiên cứu đã có những tiến bộ mới, nhưng còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế và văn hóa.

Công tác lưu thông phân phối đã có những cố gắng và tiến bộ trong việc phục vụ các yêu cầu về sản xuất và đời sống của nhân dân. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường có tổ chức tăng 10,3% so với năm 1974. Việc giao lưu hàng hóa giữa hai miền đã bước đầu được tổ chức và mở rộng dần. Việc tổ chức phân phối hàng hóa có tiến bộ bước đầu. Đầu năm nay, việc cung cấp thực phẩm có khó khăn, nhất là rau trong lúc giáp vụ, nhưng gần đây có khá hơn. Giá cả của thị trường có tổ chức được giữ vững. Giá cả trên thị trường tự do trong những tháng cuối năm có xu hướng giảm dần. Tình hình thị trường còn có thể chuyển biến tốt hơn nếu kế hoạch thu mua lương thực, thực phẩm và các nông sản khác được thực hiện tốt.

Tình hình đời sống của công nhân, viên chức gần đây có khá hơn, đời sống của nông dân được ổn định, Nhà nước và nhân dân ta đã quan tâm chăm sóc đời sống của anh chị em thương binh và gia đình liệt sĩ.

Công tác xuất khẩu có cố gắng, nhưng còn phải ra sức phấn đấu để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu cao về nhập khẩu của nền kinh tế hiện nay.

Công tác giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục thể thao tiếp tục được đẩy mạnh. Số học sinh phổ thông đầu năm học 1975-1976 là 6,22 triệu em, tăng 1,2% so với năm 1974. Công tác đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật tăng hơn năm trước.

Các ngành văn hóa, nghệ thuật, thông tin, thể dục thể thao đã kịp thời đẩy mạnh các mặt hoạt động để phục vụ chiến đấu, chiến thắng và các ngày lễ lớn. Trong một thời gian ngắn, nhiều đoàn nghệ thuật, chiếu bóng, thể thao, nhiều sách báo, phim ảnh, v.v., đã được đưa vào phục vụ đồng bào miền Nam, đồng thời vẫn đạt và vượt mức kế hoạch phục vụ ở miền Bắc.

Công tác phòng bệnh và chữa bệnh được tiếp tục phát triển. Nhiều bệnh viện, bệnh xá ở các địa phương đã được khôi phục và xây dựng thêm hoặc được bổ sung trang bị. Số giường bệnh tăng thêm.

Công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, công tác nuôi dạy trẻ được chú ý hơn trước. Số các cháu vào nhà trẻ tăng thêm trên ba vạn cháu. Công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch được mở rộng.

Nhìn chung, trong năm 1975, nền kinh tế miền Bắc tiếp tục phát triển với tốc độ khá. Các mặt khôi phục, phát triển lực lượng sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất, đẩy mạnh sản xuất và cải thiện đời sống, các hoạt động kinh tế và văn hóa đều có tiến bộ. Trong tình hình phải tập trung sức cao độ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, những thành tích và tiến bộ về khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa của miền Bắc trong năm qua là to lớn.

Tuy nhiên, những tiến bộ đó còn thấp so với yêu cầu của kế hoạch nhà nước và chưa tương xứng với những khả năng, thuận lợi đã có. Một số mặt quan trọng đạt kế hoạch thấp như: sản xuất lương thực (nhất là hoa màu); cơ khí phục vụ nông nghiệp, sản xuất phụ tùng và sửa chữa máy móc, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp xây dựng, vận tải phục vụ sản xuất và xây dựng, v.v., đã ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1975 và còn làm tác động đến tình hình kinh tế năm 1976.

Những mặt đạt kế hoạch thấp có phần do nguyên nhân khách quan, song về phần chủ quan thì nguyên nhân chính là công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế chậm tiến bộ, còn có nhiều thiếu sót; sự chỉ đạo thực hiện kế hoạch của các ngành, các cấp trong mấy tháng giữa năm lại có phần lơi lỏng trong khi có thể và cần phải phát huy khí thế chiến thắng để đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và văn hóa tốt hơn. Những chỗ yếu kém trong công tác tổ chức và cán bộ, công tác giáo dục và vận động quần chúng cũng có ảnh hưởng khá nhiều đến việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1975.

Chúng ta cần phân tích kỹ các mặt yếu, kiểm điểm sâu sắc các thiếu sót để kiên quyết sửa chữa, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong năm 1976.

II- NHÌN LẠI TÌNH HÌNH MIỀN BẮC SAU BA NĂM
KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ,
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA (1973 - 1975)

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Từ năm 1973, sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, nhân dân miền Bắc đã nhiệt liệt hưởng ứng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, nỗ lực phấn đấu thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng. Nhân dân miền Bắc vừa động viên đến mức cao nhất sức người, sức của để phục vụ cách mạng miền Nam, vừa ra sức hàn gắn các vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sự nghiệp giải phóng miền Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn và triệt để. Công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa ở miền Bắc trong ba năm qua đã có những thành tựu và tiến bộ to lớn.

1. Đến cuối năm 1975, hầu hết các cơ sở công nghiệp bị chiến tranh tàn phá đã được khôi phục, trừ một số ít nhà máy vừa khôi phục, vừa kết hợp cải tạo và mở rộng thì còn phải tiếp tục trong mấy năm sau. Các tuyến đường sắt, đường bộ được nhanh chóng thông xe. Phần lớn cầu đường sắt, cầu đường bộ và nhà ga đã được khôi phục. Các cảng biển, cảng sông đã được tháo gỡ trong một thời gian ngắn tất cả số mìn do địch ném xuống để phong tỏa và đã sớm trở lại hoạt động. Trong một thời gian ngắn, các công trình thủy nông đã được sửa chữa, các hố bom được san lấp, trả lại cho sản xuất nông nghiệp hàng chục vạn hécta.

Nhìn lại mức tàn phá rất ác liệt của chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra, chúng ta càng thấy rõ thành tích khôi phục các cơ sở sản xuất trong ba năm qua thật là to lớn.

Nhưng chúng ta không dừng lại ở mức khôi phục mà còn đẩy mạnh việc xây dựng mới các cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Số vốn đầu tư để mở rộng và xây dựng mới trong ba năm qua gấp 5,5 lần số vốn dành vào công việc khôi phục các cơ sở bị phá hoại trong chiến tranh.

Nhờ vậy, đến cuối năm 1975, năng lực sản xuất của nền kinh tế miền Bắc đã tăng lên khá, nhiều mặt cao hơn so với thời kỳ trước chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

So với năm 1965, công suất của ngành Điện gấp 2,4 lần, của ngành than tăng 28%, của sản xuất phân lân và apatít nghiền gấp 2,5 lần. Ngành Cơ khí hiện nay đã có 300 xí nghiệp quốc doanh và 500 cơ sở tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp sản xuất hàng năm một khối lượng sản phẩm có giá trị gấp 2,5 lần so năm 1965. Nhà máy cán thép Gia Sàng, Nhà máy phân đạm Hà Bắc đã đi vào sản xuất, đem lại cho nền kinh tế quốc dân những sản phẩm quan trọng mà trước đây chúng ta chưa sản xuất được.

Trong nông nghiệp, đến nay các công trình thủy lợi đã bảo đảm được mức tưới nước cho 93% diện tích lúa vụ đông - xuân (trong đó có 79% diện tích được tưới nước chắc chắn), 84% diện tích lúa vụ mùa (trong đó có 68% diện tích được tưới nước chắc chắn). Các công trình chống úng đã giải thoát được khoảng một nửa diện tích thường bị ngập úng. Tỷ lệ diện tích được cày bừa bằng máy tăng lên khá. So với năm 1965, số máy bơm nước được sử dụng nhiều gấp bốn lần. Các loại máy kéo nhỏ, máy tuốt lúa, máy xay xát, máy nghiền thức ăn cho gia súc, v.v., đã được trang bị phổ biến cho các hợp tác xã nông nghiệp. Nhiều cơ sở giống cây trồng, lợn giống, bò giống, gà nuôi theo phương pháp công nghiệp, cá giống v.v., đã được xây dựng cả trong khu vực quốc doanh và khu vực kinh tế tập thể.

Trong giao thông vận tải, năng lực thông qua các tuyến đường sắt chính đã trở lại mức trước chiến tranh; năng lực thông qua các cảng biển, cảng sông tăng 30% so với thời kỳ trước chiến tranh; số đường bộ được rải nhựa tăng lên gấp đôi so với năm 1965. Các phương tiện vận tải tăng đáng kể: so với năm 1965, số đầu máy xe lửa gấp 2,4 lần, ô tô vận tải gấp 4,4 lần, trọng tải sà lan trên sông gấp 4,5 lần, trọng tải tàu biển tăng lên nhiều.

Chúng ta đã khôi phục 12.000 phòng học bị chiến tranh tàn phá và xây dựng thêm 22.000 phòng học mới, bảo đảm cho sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển. Các bệnh viện, bệnh xá đã được khôi phục và xây dựng thêm. Các cơ sở chữa bệnh, phục hồi chức năng lao động và các lớp dạy nghề, dạy văn hóa cho thương binh, bệnh binh và người tàn tật được tích cực xây dựng và mở rộng. Nhà ở được xây dựng thêm khá nhiều ở cả thành thị và nông thôn; riêng diện tích nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng trong bảy thành phố và khu công nghiệp được 1,36 triệu mét vuông. Các công trình phúc lợi công cộng cũng được quan tâm xây dựng.

Đi đôi với việc tăng cường xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, việc đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật đã được đẩy mạnh. Đến nay, miền Bắc đã có 12 vạn cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, 25 vạn cán bộ có trình độ trung cấp, 63 vạn công nhân kỹ thuật. Đây là một lực lượng khá lớn và là vốn quý của nước ta.

2. Trên cơ sở khôi phục và phát triển các cơ sở vật chất và kỹ thuật, mức sản xuất của các ngành kinh tế đã tăng hơn trước; tổng sản lượng công nghiệp và nông nghiệp tính theo giá so sánh đều cao hơn năm 1965 và năm 1971.

Sản lượng của hầu hết các sản phẩm quan trọng như điện, than, máy cắt gọt kim loại, máy phát lực điêden, động cơ điện, phụ tùng ôtô, phụ tùng máy kéo, phân lân, gạch xây, đồ sứ dân dụng, muối, lương thực, đàn lợn, đàn trâu, gia cầm, sản lượng thịt, v.v., đã đạt và vượt mức trước chiến tranh. Chỉ còn một số rất ít sản phẩm như gỗ, xi măng, giấy viết, đường, v.v., chưa đạt mức trước chiến tranh.

3. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả hai khu vực kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể được củng cố thêm một bước. Những hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội được khắc phục dần. Trong nông nghiệp, các hợp tác xã đã được củng cố hơn. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp năm 1965 là 90,1% tổng số hộ nông dân, đến năm 1975 tăng lên 95,2%. Quy mô các hợp tác xã được mở rộng từng bước. Trong tổng số 17.900 hợp tác xã (năm 1975), có trên 1.500 hợp tác xã có quy mô toàn xã. Ở một số huyện vùng đồng bằng, số hợp tác xã có quy mô toàn xã chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng số xã. Đại hội nông dân tập thể ở các địa phương đã có tác dụng tốt đối với việc củng cố hợp tác xã về mặt tổ chức, nâng cao ý thức làm chủ tập thể của xã viên và tăng cường công tác quản lý. Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa đã có phương hướng, nội dung rõ ràng và đã bước đầu triển khai thực hiện ở một số huyện.

Công tác cải tiến quản lý ở các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc khu vực quốc doanh được chấn chỉnh bước đầu trên một số mặt. Việc ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ của các Bộ và Tổng cục, cùng với việc nghiên cứu cải tiến một số chế độ, chính sách kinh tế đã góp phần xây dựng và chấn chỉnh một bước hệ thống chỉ đạo và quản lý kinh tế.

Trong điều kiện phải thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng, với mức động viên rất cao về sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, những thành tựu và tiến bộ mà nhân dân miền Bắc đã đạt được trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa ba năm qua là to lớn. Với những thành tựu đó, đến cuối năm 1975 miền Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh.

Chính phủ đề nghị Quốc hội nhiệt liệt biểu dương giai cấp công nhân, nông dân tập thể, lao động trí óc, đồng bào các dân tộc, các tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân, đã khắc phục muôn vàn khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng và của Quốc hội.

Chúng ta chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự ủng hộ quý báu của nhiều nước khác và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, đối với công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế của nhân dân ta trong những năm qua.

Trong khi khẳng định những thành tích to lớn đã đạt được, chúng ta cần thấy rõ một số nhiệm vụ kinh tế chưa được thực hiện tốt, có mặt chưa đạt mục tiêu và yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra:

- Mức sản xuất trong ba năm qua có tốc độ phát triển khá, nhưng so với năm 1965 thì chưa đi kịp tốc độ tăng dân số. Vì vậy, phần lớn các sản phẩm chủ yếu tính bình quân theo đầu người chưa bằng mức trước chiến tranh.

- Nhiều chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật như năng suất lao động, mức tiêu hao vật chất trong sản xuất, giá thành, hiệu quả của đầu tư xây dựng cơ bản và hiệu quả sử dụng vốn đều chưa bằng mức trước chiến tranh.

- Tình hình sản xuất tuy đã đi vào ổn định nhưng chưa phát huy được mạnh khí thế lao động sôi nổi theo đúng yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta. Việc động viên, tổ chức, quản lý và sử dụng lao động còn có nhiều khâu yếu và chuyển biến chậm.

Tuy đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế, nhưng nền kinh tế miền Bắc vẫn còn có nhiều mặt chưa cân đối.

Đối với một nền kinh tế vốn lạc hậu, lại bị mấy lần chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, chúng ta không thể dễ dàng khắc phục những mặt yếu kém trong một thời gian ngắn. Song về nguyên nhân chủ quan, cần thấy rõ những thiếu sót trong công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế đã hạn chế những thành tích của chúng ta. Phương thức quản lý kinh tế vẫn còn mang nặng tính chất hành chính cung cấp. Công tác kế hoạch hóa chậm được cải tiến. Các chế độ, chính sách quản lý chưa được xây dựng đồng bộ, những điểm bất hợp lý chưa được sửa đổi kịp thời. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch nhà nước và các chủ trương, chính sách thiếu chặt chẽ, kém sâu sát, thiếu liên tục, ít kiểm tra, đôn đốc. Pháp chế kinh tế xây dựng chậm, kỷ luật nhà nước chưa được nghiêm. Bộ máy quản lý kinh tế nhìn chung còn cồng kềnh, có nhiều tầng nấc trung gian và kém hiệu lực. Công tác kiện toàn tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ thực hiện còn yếu và chậm.

Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, chúng ta phải phát huy các thành tích và tiến bộ đã đạt được, làm tốt việc tổng kết kinh nghiệm của quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kiên quyết khắc phục nhanh chóng các mặt yếu kém của nền kinh tế quốc dân và các khuyết điểm trong công tác quản lý để tiến lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát triển văn hóa trên phạm vi cả nước trong các năm tới.

PHẦN THỨ HAI

NHIỆM VỤ, PHƯƠNG HƯỚNG
CỦA KẾ HOẠCH  NHÀ NƯỚC NĂM 1976

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tiếp theo năm 1975 lịch sử, năm 1976 là năm mở đầu thời kỳ xây dựng đất nước trong điều kiện hòa bình, độc lập và thống nhất, là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong cả nước. Năm 1976 là năm tiến hành tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước, năm hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Trước những sự kiện có ý nghĩa rất to lớn của Tổ quốc, nhân dân cả nước ta hết sức phấn khởi bước sang năm 1976 với những thuận lợi mới và cơ bản:

1. Sau mấy chục năm chiến tranh gian khổ và ác liệt, nước ta đã giành được hòa bình bền vững trong độc lập và thống nhất trọn vẹn. Từ nay, nhân dân ta có thể dành toàn bộ tài trí và sức lực vào công cuộc xây dựng nước nhà; Đảng và Nhà nước ta có thể tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch kính yêu và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã vạch ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: hoàn thành thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Bốn mươi nhăm triệu nhân dân cả nước ta phấn khởi với thắng lợi vĩ đại của cách mạng, tin tưởng ở đường lối đúng đắn của Đảng lãnh đạo, nay lại có điều kiện phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống lao động cần cù và sáng tạo theo khẩu hiệu "Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân". Đó là thuận lợi hết sức to lớn, một nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

2. Nước nhà thống nhất, chúng ta có sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế cả nước. Với thế mạnh của hai miền bổ sung cho nhau, tạo điều kiện tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta có thể sớm khắc phục một số khó khăn mà riêng từng miền rất khó tự giải quyết.

Nước Việt Nam thống nhất có trên 32 vạn kilômét vuông lãnh thổ cộng với thềm lục địa rộng lớn, với nhiều loại tài nguyên đã và đang được phát hiện; có trên năm triệu hécta đất canh tác cùng với mấy triệu hécta đất mầu mỡ có thể khai thác; có khoảng năm triệu hécta rừng dày cây và hàng chục triệu hécta đất trồng rừng; có 3.200 kilômét bờ biển với nhiều hải cảng và nhiều bãi cá. Thiên nhiên đã ưu đãi nước ta, dành cho nhân dân ta nguồn tiềm lực lớn để phát triển kinh tế toàn diện.

45 triệu nhân khẩu với khoảng 21 triệu lao động, trong đó có lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân kỹ thuật khá đông đảo của cả hai miền Bắc Nam, đó là nguồn vốn rất quý để làm nên sự nghiệp to lớn về kinh tế.

Miền Bắc đã đi trước một bước trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã được xác lập, cơ sở bước đầu của sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và của nền kinh tế độc lập, tự chủ đã và đang được xây dựng. Ở miền Nam, các thành phố và khu công nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng hầu như giữ được nguyên vẹn, trong đó có một số cơ sở sản xuất lớn với kỹ thuật khá hiện đại, phương pháp quản lý cũng có một số kinh nghiệm có thể sử dụng được. Những cơ sở vật chất - kỹ thuật đã có trong cả nước cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy được đều là vốn ban đầu phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà.

3. Trong hoàn cảnh nước nhà thống nhất và hòa bình xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, chúng ta có vị trí và điều kiện thuận lợi mới để mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế và khoa học, kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước khác trên thế giới.

Bên cạnh những năng lực sản xuất mới, những khả năng tiềm tàng và thuận lợi cơ bản nói trên, nền kinh tế của nước ta hiện nay còn có những khó khăn lớn:

1. Hậu quả của chiến tranh đối với cả nước và hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới đối với nền kinh tế miền Nam còn nặng nề.

Ở miền Nam, khoảng ba triệu người bị thất nghiệp, gần bốn triệu người còn mù chữ, tệ nạn xã hội khá lớn. Nửa triệu hécta ruộng đất bị hoang hóa, hàng triệu hécta rừng bị hủy diệt, một số vùng dân cư bị tàn phá nặng nề. Tính chất hoàn toàn phụ thuộc vào đế quốc của nền kinh tế miền Nam trước đây đã để lại những khó khăn lớn cho việc khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Trong một thời gian ngắn từ sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng đã tổ chức cứu đói cho hàng triệu người; đã nhanh chóng phục hóa ruộng đất và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; đã giúp đỡ khoảng một nửa triệu người ở các thành phố trở về quê cũ làm ăn và đi xây dựng vùng kinh tế mới; đã cố gắng cung cấp xăng dầu và vật tư để khôi phục nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, khôi phục nghề cá, duy trì giao thông vận tải; đã khôi phục sớm các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, bước đầu khắc phục văn hóa nô dịch và đồi trụy cùng các tệ nạn xã hội. Tuy vậy, khối lượng công việc phải tiếp tục giải quyết còn rất lớn và đòi hỏi nhiều thời gian.

Ở miền Bắc, tuy hầu hết các công trình bị đánh phá đã được khôi phục, song còn nhiều cơ sở chưa hoàn chỉnh đồng bộ dây chuyền sản xuất; các thiết bị, máy móc cũ bị rệu rã nhiều. Một số hiện tượng tiêu cực trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội nảy sinh trong hoàn cảnh chiến tranh vẫn chưa khắc phục được hết.

Trong cả nước, số người bị thương tật và trẻ mồ côi vì chiến tranh khá đông.

2. Nền kinh tế của cả nước về cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ; cơ sở vật chất - kỹ thuật tuy đã có một số mặt khá hơn trước, nhưng nhìn chung còn nhỏ yếu, khả năng tự trang bị kỹ thuật còn hạn chế; lao động thủ công vẫn chiếm phần lớn; phân công lao động xã hội còn ở trình độ thấp; lực lượng lao động dồi dào nhưng chưa được sử dụng hết, vấn đề giải quyết việc làm còn khó khăn và phức tạp; năng suất lao động xã hội còn thấp. Nguyên liệu, nhiên liệu và thiết bị, máy móc phải nhập khẩu khá nhiều; cán cân xuất khẩu và nhập khẩu chênh lệch khá lớn.

3. Trải qua nhiều năm chiến tranh, đời sống của nhân dân ta đang có nhiều yêu cầu cấp bách phải giải quyết, nhất là nạn thất nghiệp và các vùng bị chiến tranh tàn phá ác liệt ở miền Nam. Đời sống của nhân dân miền Bắc tuy ổn định và có mặt được cải thiện nhưng cũng còn nhiều khó khăn, nhất là đối với công nhân, viên chức. Mức sống của nhân dân do trình độ phát triển sản xuất quyết định. Trong bước chuyển giai đoạn cách mạng sau khi chiến tranh vừa kết thúc, việc tổ chức lại sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế còn có nhiều khó khăn và phải có thời gian. Vì vậy, nhân dân ta phải nỗ lực phấn đấu, chịu đựng gian khổ, ra sức lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo nên cơ sở vững chắc để không ngừng nâng cao đời sống.

4. Công tác quản lý kinh tế ở miền Bắc tuy đã có một số kinh nghiệm, nhưng chưa xây dựng được một hệ thống tổ chức quản lý phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Ngày nay, phạm vi quản lý kinh tế mở rộng ra cả nước với cơ cấu tổ chức và trình độ phát triển kinh tế (cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất) còn khác nhau giữa hai miền, đó là một vấn đề rất phức tạp, khó khăn.

Khó khăn nhiều và lớn, nhưng thuận lợi là cơ bản. Nếu chúng ta biết phát huy tiềm lực và ưu thế của nền kinh tế trong cả nước Việt Nam thống nhất, biết động viên và tổ chức tốt lực lượng lao động xã hội, nhất là chuyển biến mạnh mẽ công tác lãnh đạo và quản lý kinh tế, thì nhất định sẽ phát huy được thuận lợi, khắc phục từng bước các khó khăn, đưa nền kinh tế cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, và vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Trong những điều kiện lịch sử đó, kế hoạch nhà nước năm 1976 có tầm quan trọng đặc biệt.

Kế hoạch nhà nước năm 1976 phải thể hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng của cả nước ta trong giai đoạn mới như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định là: hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, phải nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiếp tục tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đưa nền kinh tế nước ta tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Kế hoạch nhà nước năm 1976 phải quán triệt đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp đúng đắn công nghiệp và nông nghiệp; xây dựng kinh tế trung ương, đồng thời phát triển kinh tế địa phương; kết hợp kinh tế với quốc phòng; tranh thủ mở rộng quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và có lợi cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Xuất phát từ tình hình đã nêu ở trên và quán triệt đường lối, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ chung của kế hoạch nhà nước năm 1976 được xác định như sau:

Ra sức khôi phục kinh tế và khắc phục các hậu quả của chiến tranh sắp xếp nền kinh tế của hai miền để tạo thành cơ cấu kinh tế thống nhất, hợp lý nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế trong cả nước; đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp nặng then chốt, trước hết là những cơ sở phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ, ra sức phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề cá, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ và các ngành, nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; phân bố lại lực lượng lao động xã hội đi đôi với giải quyết việc làm cho những người thất nghiệp; ra sức đẩy mạnh xuất khẩu, làm tốt công tác kinh tế đối ngoại; ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân sau chiến tranh, giải quyết một cách tích cực các yêu cầu cấp bách về ăn, ở, chữa bệnh, học tập, đi lại, cải tiến quản lý kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tích cực nghiên cứu và chuẩn bị vững chắc cho việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam; thiết thực chuẩn bị một cách có kế hoạch các điều kiện cho việc đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong các năm sau; kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế và việc củng cố quốc phòng.

Trong nhiệm vụ chung này, cần nhận thức và giải quyết tốt những mối quan hệ lớn:

- Vừa khôi phục vừa phát triển kinh tế; kết hợp việc xây dựng kinh tế và việc cải tạo nền kinh tế theo chủ nghĩa xã hội.

- Vận dụng đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vào điều kiện cụ thể của năm 1976, phải tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời tập trung sức đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ.

- Ra sức xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế cả nước đi đôi với coi trọng đặc điểm và thế mạnh của từng miền, từng vùng.

- Nêu cao ý thức cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, ra sức tăng tích lũy để công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đồng thời hết sức cố gắng giải quyết các vấn đề cấp bách trong đời sống của nhân dân, thiết thực bồi dưỡng sức lao động.

- Vừa nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, dựa vào sức mình làm gốc, vừa hết sức tranh thủ thời cơ thuận lợi để mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu.

- Kết hợp đúng đắn quy mô lớn, vừa và nhỏ, kết hợp kỹ thuật cơ giới, nửa cơ giới và thủ công; vừa đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, vừa cố gắng tận dụng và nâng cao hiệu suất sử dụng sức lao động, tài nguyên và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có.

- Tăng cường giáo dục tư tưởng, nâng cao ý thức và kỷ luật lao động kết hợp với coi trọng khuyến khích vật chất, thực hiện tốt nguyên tắc phân phối theo lao động.

- Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ công tác phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng; huy động và tổ chức lực lượng quân đội tham gia công việc xây dựng và phát triển kinh tế.

Căn cứ vào nhiệm vụ chung của cả nước, nhiệm vụ cụ thể và mục tiêu phấn đấu của kế hoạch nhà nước năm 1976 được đề ra cho các ngành, các cấp ở miền Bắc như sau:

I- CÔNG NGHIỆP

Nhiệm vụ chủ yếu của các ngành công nghiệp ở miền Bắc trong năm 1976 là:

- Cùng với miền Nam khẩn trương tiến hành công tác quy hoạch, phân công, tổ chức, sắp xếp lại các ngành công nghiệp trong cả nước.

- Các ngành công nghiệp nặng phải tận dụng công suất máy móc, thiết bị, đồng thời hoàn thành các công trình xây dựng cơ bản để đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch, ra sức đẩy mạnh sản xuất theo hướng trọng tâm là phục vụ nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ.

- Trên cơ sở phát triển mạnh nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, đồng thời cố gắng nhập khẩu những nguyên liệu cần thiết, ra sức tận dụng công suất của các ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng phần quan trọng các yêu cầu về hàng tiêu dùng trong nước, tăng nhanh khối lượng và phẩm chất hàng xuất khẩu.

- Tăng cường quản lý kỹ thuật và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới, giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp sẽ tăng hơn năm 1975 là 20%, riêng nhóm A tăng 22%, nhóm B tăng 18,3%, công nghiệp Trung ương tăng 21,6%, công nghiệp địa phương kể cả tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tăng 18,3%.

Về cơ khí: phải tăng nhanh năng lực sản xuất, cùng với miền Nam sớm đưa công nghiệp cơ khí của hai miền vào một quy hoạch, thống nhất, có sự phân công và hợp tác rộng rãi trên phạm vi cả nước. Tiếp tục cải tiến quản lý toàn ngành cơ khí, đi mạnh vào chuyên môn hóa, hợp tác hóa theo nhóm sản phẩm, tận dụng và phối hợp tốt toàn bộ lực lượng cơ khí để tăng nhanh sản lượng và chất lượng. Năm 1976, phấn đấu hoàn thành dứt điểm 17 nhà máy cơ khí đang xây dựng, khởi công xây dựng thêm bốn nhà máy cơ khí chế tạo và cơ khí sửa chữa loại vừa, tích cực chuẩn bị một số công trình lớn cho các năm sau (nhà máy động cơ điêden, nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô và máy kéo có công suất 6000 tấn/năm, nhà máy sản xuất van công nghiệp, nhà máy sửa chữa tàu kéo, sà lan, sửa chữa lớn máy thi công…). Phải bảo đảm cung cấp cho ngành Cơ khí đủ sắt thép với các chủng loại, quy cách, và các loại vật tư khác để sản xuất đáp ứng đủ yêu cầu về các loại công cụ thường, công cụ cải tiến, tăng sản lượng một số loại máy móc, thiết bị thông thường nhằm trang bị cho các ngành, đặc biệt là cho nông nghiệp, nghề cá, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, xây dựng cơ bản và giao thông vận tải. Tăng nhanh sản xuất phụ tùng và năng lực sửa chữa, phục hồi các máy móc, thiết bị cũ, chế tạo thêm các loại sản phẩm mới, sản xuất phần lớn các mặt hàng kim khí tiêu dùng để giảm nhập khẩu, hết sức coi trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về điện: đẩy mạnh tốc độ khôi phục và mở rộng các nhà máy điện Uông Bí, Ninh Bình, Cao Ngạn, Việt Trì, v.v.; phát triển điêden ở vùng nam khu 4 cũ. Tích cực chuẩn bị điều kiện cho việc xây dựng các công trình thủy điện Sông Đà và nhiệt điện Phả Lại, Đáp Cầu trong các năm sau. Đẩy mạnh việc xây dựng và cải tạo đường dây, trạm biến thế, bảo đảm sản lượng điện phát ra tăng 22,7% so với năm 1975. Tăng chất lượng và tiết kiệm điện.

Về than: phấn đấu tăng sản lượng than 13% so với năm 1975. Tăng cường việc sửa chữa các máy móc, thiết bị khai thác, vận chuyển; đẩy mạnh việc cải tạo và xây dựng đường sá, bến cảng, nhà sàng để tăng nhanh năng lực khai thác than.

Về luyện kim: phấn đấu tăng sản lượng gang 30% so với năm 1975, tăng sản lượng thép cán, thép thỏi, thiếc, pherô, quặng crôm khô, v.v..

Về hóa chất và phân bón: hoàn thành xây dựng nhà máy phân lân Văn Điển, phân xưởng nghiền của mỏ apatít Lào Cai (phần mở rộng), phân xưởng lốp ôtô 10 vạn bộ/năm… Phát huy công suất của nhà máy phân đạm Hà Bắc. Sản lượng phân lân tăng 11,4% so với năm 1975. Tăng nhanh sản lượng và các mặt hàng hóa chất như xút, thuốc trừ sâu, pin, sơn, săm lốp ôtô, săm lốp xe đạp, ni lông che mưa, v.v..

Về vật liệu xây dựng: phát huy hết năng lực của nhà máy xi măng Hải Phòng và các nhà máy xi măng địa phương, bảo đảm sản lượng xi măng tăng 21,4% so với năm 1975. Khởi công xây dựng hai nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Bút Sơn.

Tăng cường quản lý và xây dựng các cơ sở sản xuất gạch của Trung ương, của địa phương và hợp tác xã để đạt sản lượng gạch 2,3 tỷ viên, tăng 32,5% so với năm 1975. Nghiên cứu việc phát triển mạnh gạch không nung.

Sản lượng gỗ tăng 6% so với năm 1975.

Đẩy mạnh việc khai thác và chế biến gỗ, tập trung đầu tư ở những vùng có nhiều gỗ như vùng nam khu 4 cũ, vùng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp giấy và sợi, vùng cung cấp gỗ trụ mỏ, v.v. nhằm bảo đảm nhu cầu về gỗ và lâm sản cho nền kinh tế quốc dân. Khai thác rừng phải đi đôi với bảo vệ, tu bổ và cải tạo rừng, có biện pháp tiết kiệm gỗ, tận dụng gỗ cành, gỗ ngọn, gỗ tỉa thưa; kết hợp việc khai thác với bảo quản, chế biến, nhằm tăng thêm lâm sản phục vụ cho sản xuất, xây dựng, phục vụ đời sống nhân dân và góp phần tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu.

Về công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ: tiếp tục mở rộng, xây dựng mới và tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, tận dụng năng lực hiện có, đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu về ăn, mặc, về các mặt hàng tiêu dùng khác của nhân dân và tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu. Đặc biệt chú ý phát triển các ngành khai thác, chế biến nguyên liệu trong nước, các mặt hàng làm gia công cho nước ngoài để giải quyết công việc làm cho nhân dân. Tăng thêm chủng loại mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là hàng xuất khẩu.

Các cơ sở chế biến lương thực và thực phẩm phải bảo đảm yêu cầu xay xát gạo, ngô tăng 8% so với năm 1975, chế biến hết bột mì, chú ý sản xuất bột nuôi trẻ em, chế biến bột sắn, miến dong riềng.

Sản lượng cá biển phải đạt trên 12 vạn tấn, tăng 20% so với năm 1975; nước mắm 44 triệu lít, tăng 25%; muối 25 vạn tấn, tăng 19%, v.v.. Tăng cường chỉ đạo sản xuất, tổ chức thu mua, cung cấp nguyên liệu để tăng sản lượng đường 11%, dầu lạc tăng 66%, chè đã chế biến tăng 16%, thuốc lá tăng 15%, bia tăng 7%, v.v..

Hoàn thành xây dựng các nhà máy dệt, hai phân xưởng sợi của nhà máy dệt Minh Phương và Nam Định để tăng nhanh năng lực kéo sợi; sản lượng vải tăng 11%, quần áo dệt kim tăng 12,7% so với năm 1975. Sản lượng giấy tăng 14,2%. Xúc tiến việc xây dựng nhà máy giấy Bãi Bằng, tích cực chuẩn bị nguồn nguyên liệu để sau vài năm, công nghiệp giấy tự sản xuất đủ giấy và bột giấy. Tăng nhanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác để phục vụ đời sống hàng ngày, đáp ứng yêu cầu về học tập và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp phải tận dụng khả năng dồi dào để đẩy mạnh sản xuất, tăng giá trị sản lượng 19% so với năm 1975 nhằm đáp ứng yêu cầu lớn về hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đồng thời thu hút thêm một phần sức lao động. Coi trọng việc phát triển các mặt hàng có sẵn nguồn nguyên liệu trong nước và có yêu cầu lớn như cá, muối, chế biến hoa màu, nông sản thực phẩm, đồ gỗ, mây, tre, cói, vật liệu xây dựng, v.v.. Đối với các hợp tác xã sản xuất những mặt hàng có yêu cầu lớn, Nhà nước cần tăng cường trang bị kỹ thuật cần thiết, cho vay vốn và cung cấp vật tư để mở rộng cơ sở sản xuất, ổn định phương hướng sản xuất và đưa vào các nhóm sản phẩm, sản xuất theo kế hoạch.

II- NÔNG NGHIỆP VÀ LÂM NGHIỆP

Nhiệm vụ, phương hướng của nông nghiệp miền Bắc trong năm 1976 là: tiếp tục đẩy mạnh thâm canh, mở rộng diện tích bằng tăng vụ và khai hoang để tăng nhanh sản lượng lương thực; phát triển mạnh cây thực phẩm, cây công nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, bảo đảm yêu cầu về cung cấp rau cho các thành phố, các khu công nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy và tăng nhanh các nông sản xuất khẩu; phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá nước ngọt; đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp; mở rộng việc tổ chức lại sản xuất theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; tiếp tục củng cố các hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh, tăng cường và cải tiến công tác quản lý nông nghiệp.

Về sản xuất lương thực: Năm 1976, phấn đấu tăng sản lượng lương thực 15% so với năm 1975, trong đó lúa 5,5 triệu tấn, tăng 13%, hoa màu tăng 26%1.

Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa, đồng thời coi trọng việc phát triển ngô, sắn và các hoa màu khác. Làm nhanh và tốt hơn công tác hoàn chỉnh thủy nông, chỉ đạo chặt chẽ thời vụ, v.v., để tiếp tục tăng diện tích lúa; mở rộng hơn nữa diện tích cấy các giống lúa mới, tăng cường chăm bón để tăng năng suất lúa. Tập trung chỉ đạo và tăng cường đầu tư cho các vùng lúa thâm canh ở vùng đồng bằng và trung du để tăng nhanh tỷ suất hàng hóa.

Đối với sản xuất hoa màu, phải có sự chuyển biến thực sự về nhận thức và về tổ chức thực hiện, khắc phục tư tưởng coi nhẹ sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoa màu. Xây dựng và củng cố các vùng sản xuất tập trung thâm canh ngô, sắn, khoai lang, đồng thời tích cực giải quyết cho được khâu chế biến; đưa năng suất ở các vùng trồng ngô tập trung lên 17 - 18 tạ/hécta, khoai lang lên 80 - 100 tạ/hécta. Tận dụng khả năng đất đai để phát triển các loại hoa màu khác, nhất là dong riềng ở miền núi.

Về cây thực phẩm: Phát triển mạnh rau, đậu các loại và khoai tây. Phải làm cho được việc quy hoạch và xây dựng các vùng rau chuyên canh của Hà Nội và các thành phố, các khu công nghiệp khác.

Phát triển mạnh sản xuất vụ đông, nhất là rau và khoai tây.

Về cây công nghiệp: Dự kiến tăng thêm 22% về diện tích so với năm 1975. Kiên quyết làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng các vùng cây công nghiệp tập trung, trước hết là các loại cây làm nguyên liệu cho các nhà máy và tăng nhanh nông sản xuất khẩu. Phải bảo đảm đủ diện tích mía cho ba nhà máy đường Vạn Điểm, Việt Trì, Sông Lam; trồng hublông và mantơ cho nhà máy bia. Tăng hơn nữa diện tích đay, cói, đậu tương, lạc, dâu tằm, thuốc lá. Tiếp tục phát triển các loại cây tinh dầu, các cây ăn quả, các cây làm thuốc.

Về chăn nuôi: Giải quyết tốt hơn vấn đề thức ăn cho gia súc trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất lương thực, nhất là hoa màu và sản xuất vụ đông; củng cố các cơ sở giống; làm tốt công tác thú y, v.v.. Phấn đấu tăng đàn lợn 3% so với năm 1975, trong đó tăng đàn lợn lai kinh tế, tăng trọng lượng lợn xuất chuồng, để tăng được sản lượng thịt lợn hơi 12,5% so với năm 1975. Đàn trâu, bò sẽ tăng hơn năm 1975 là 3%, chú trọng tăng đàn bò sữa. Phát triển mạnh gà, vịt của các gia đình và của hợp tác xã, đẩy mạnh xây dựng các xí nghiệp nuôi gà theo phương pháp công nghiệp. Khuyến khích phát triển nuôi vịt ở vùng ven biển, vùng đồng chiêm và nuôi vịt theo thời vụ ở các vùng. Dự kiến đàn gia cầm tăng 14,6%, sản lượng trứng tăng 19,6% so với năm 1975. Phát triển mạnh nuôi cá, tăng sản lượng cá nuôi 22% so với năm 1975.

Về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp: bảo đảm đến cuối năm 1976, hoàn thành về căn bản nhiệm vụ hoàn chỉnh thủy nông 90 vạn hécta ở vùng trọng điểm lúa (riêng năm 1976 hoàn thành nốt 47,5 vạn hécta), trong đó 71 vạn hécta có đủ công trình xây đúc đồng bộ. Làm tốt công tác quy hoạch, vận động nhân dân miền xuôi đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Các đội khai hoang cơ giới, các nông trường quốc doanh phải bảo đảm hoàn thành kế hoạch khai hoang. Phấn đấu đạt diện tích khai hoang gấp đôi năm 1975 và đưa nhanh đất đai vào sản xuất.

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống các cơ sở giống (lúa, rau, lợn, gà, cá…).

Mở rộng diện tích cày bừa bằng máy lên 12% diện tích gieo trồng. Khẩn trương xây dựng quy hoạch cơ giới hóa đồng bộ ở một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ để có thể sớm đi vào thực hiện.

Cung cấp kịp thời theo kế hoạch các loại phân hóa học (đạm, lân, kali), vôi, v.v., cho các hợp tác xã và nông trường. Đưa 40 vạn tấn than về nông thôn làm chất đốt để giữ rạ tại ruộng nhằm cải tạo đất. Đẩy mạnh sản xuất và tận dụng các nguồn phân hữu cơ.

Tăng cường chỉ đạo công tác thú y và bảo vệ thực vật. Củng cố mạng lưới thú y; bảo đảm cung cấp đủ thuốc trừ sâu, thuốc phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.

Tiếp tục củng cố các nông trường quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Đối với các nông trường quốc doanh, phải ổn định phương hướng sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho phù hợp với phương hướng sản xuất đã xác định, bảo đảm trong một, hai năm hoàn thành nhiệm vụ khai hoang và phục hóa để tận dụng đất đã giao cho nông trường. Chấn chỉnh công tác quản lý sản xuất và kinh doanh, tăng nhanh số nông trường sản xuất tốt và kinh doanh có lãi, giao nộp đủ sản phẩm cho Nhà nước.

Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, cần tiếp tục củng cố về tổ chức, đưa công tác quản lý vào nền nếp và tăng cường sự kiểm tra của Nhà nước. Tiếp tục mở rộng quy mô hợp tác xã, triển khai rộng việc tổ chức lại sản xuất theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, ra sức tăng cường và cải tiến công tác quản lý, chỉ đạo nông nghiệp, tạo ra một sự chuyển biến phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện nay.

Về lâm nghiệp: Xúc tiến công tác quy hoạch, đẩy mạnh trồng rừng nhằm tạo vùng tập trung, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp giấy, sợi, cung cấp gỗ trụ mỏ, v.v.. Các lâm trường quốc doanh phải tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng. Xúc tiến tốt việc giao rừng và đất rừng cho hợp tác xã kinh doanh theo kế hoạch của Nhà nước. Tiếp tục vận động nhân dân miền núi định canh định cư, tổ chức nhân dân sống ở vùng cao chủ yếu làm nhiệm vụ trồng rừng và khai thác rừng. Giải quyết tốt vấn đề giống, vườn ươm, v.v., chuẩn bị cho các năm sau trồng rừng với quy mô ngày càng lớn hơn. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào trồng cây ở đồng bằng và trung du.

Đối với miền núi: Phải tích cực thực hiện chủ trương tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ở miền núi, thực hiện tốt cuộc vận động định canh định cư đi đôi với việc chấp hành đầy đủ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy nhanh thế mạnh của kinh tế miền núi, tích cực cải thiện đời sống của đồng bào miền núi, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc. Trong kế hoạch nhà nước năm 1976, phải đầu tư thích đáng vào việc phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi; các ngành ở Trung ương phải tăng cường chỉ đạo, các địa phương ở miền núi phải có kế hoạch chu đáo và động viên, tổ chức nhân dân quyết tâm phấn đấu giành cho được kết quả cụ thể về phát triển sản xuất và cải thiện đời sống, nhất là đối với các vùng cao. Trong công tác vận động, tổ chức nhân dân đi khai hoang ở miền núi, các địa phương khác phải hết sức giúp đỡ việc phát triển kinh tế miền núi và góp phần tích cực thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

I- ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Kế hoạch xây dựng cơ bản năm 1976 nhằm tập trung hoàn thành các công trình chuyển tiếp, nhất là những công trình có thể đưa vào sử dụng trong năm 1976 và đầu năm 1977, kiên quyết giảm tỉ lệ xây dựng dở dang. Coi trọng việc đầu tư để hoàn chỉnh quy trình sản xuất ở các xí nghiệp đang sản xuất hoặc sắp đưa vào sản xuất, nhằm phát huy tốt công suất đã lắp đặt. Thực hiện đúng các quy định về chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản, dành một phần vốn và điều kiện vật chất để đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư cho năm sau.

Dự kiến vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 1976 tăng 30% so với năm 1975, trong đó vốn xây lắp tăng 25%.

Trong tổng số vốn xây lắp, các công trình trên hạn ngạch chiếm 65%; các công trình chuyển tiếp chiếm 76% và các công trình khởi công mới chiếm 24%.

Trong tổng số vốn đầu tư, các ngành sản xuất vật chất chiếm 85%. Tỷ trọng đầu tư vào công nghiệp từ 36% năm 1975 lên 41,7% năm 1976; các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi chiếm 17,4%; Giao thông, Bưu điện 17,4%; Thương nghiệp, cung cấp vật tư 4,5%. Trong khu vực không sản xuất vật chất, vốn đầu tư cho nhà ở, công trình phúc lợi công cộng, trường đào tạo công nhân kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu khoa học tăng với tốc độ cao hơn các ngành khác.

Khối lượng xây lắp năm 1976 tăng hơn năm trước 25%, đó là một tốc độ khá cao. Để thực hiện được kế hoạch đầu tư và xây lắp, ngoài việc cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư, cần phải thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, vận chuyển và cung ứng vật liệu xây dựng, cải tiến tổ chức quản lý thi công.

Các xí nghiệp, cơ quan cung ứng và vận chuyển vật tư phải nâng cao ý thức trách nhiệm, bảo đảm cung ứng đủ số lượng, đúng quy cách, phù hợp với tiến độ và địa điểm thi công.

Các tổ chức thi công phải tận dụng năng lực các thiết bị hiện có, trang bị đủ công cụ cho công nhân xây dựng, trước hết là công cụ cầm tay, công cụ cải tiến và nửa cơ giới, phải tổ chức thi công tập trung, dứt điểm, bảo đảm nghiêm ngặt chất lượng của công trình. Từng bước mở rộng việc công xưởng hóa xây dựng để tăng nhanh tốc độ thi công.

Tăng cường công tác khảo sát, thiết kế, tiếp tục ban hành các thiết kế mẫu đối với một số loại công trình xây dựng để giảm bớt khối lượng thiết kế, bảo đảm chất lượng và hiệu quả kinh tế của công trình.

Tích cực chuẩn bị cho những công trình dự kiến khởi công trong năm 1977 và các năm sau.

IV- GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ BƯU ĐIỆN

Nhiệm vụ chủ yếu của ngành giao thông vận tải năm 1976 là: Sắp xếp lại mạng lưới vận tải cho phù hợp với yêu cầu xây dựng kinh tế trong thời bình; tập trung sức phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất, xây dựng và đời sống: tổ chức tốt luồng vận tải Bắc - Nam, bảo đảm tốt yêu cầu vận tải cho các khu vực trong nước, nhất là các tỉnh miền núi và khu 4 cũ; tổ chức tốt hơn việc vận chuyển hành khách; tăng cường công tác tổ chức, quản lý vận tải, nâng cao chất lượng vận tải, đáp ứng yêu cầu vận chuyển trong tình hình mới.

Tổng khối lượng hàng hóa vận tải năm 1976 tăng 21% về tấn và 42,3% về tấn kilômét so với năm 1975. Vận chuyển than từ Quảng Ninh vào nội địa tăng 19% so với năm 1975; vận chuyển gỗ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ra Bắc tăng 70%. Khối lượng vận tải hàng nhập cần được sắp xếp hợp lý để sử dụng tốt năng lực của các cảng trong cả nước.

Tập trung sức khôi phục đường sắt phía Nam (Vinh - Sài Gòn), bảo đảm thông xe trong năm 1976. Khôi phục nhanh các cầu và nâng cao chất lượng đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Tiếp tục xây dựng cầu Thăng Long, gia cố cầu Long Biên. Hoàn thành hệ thống thông tin, tín hiệu nửa tự động trên một số tuyến để tăng năng lực thông qua của đường sắt.

Tiếp tục cải tạo, mở rộng và xây dựng các cảng biển, cảng sông. Tích cực nạo vét luồng lạch ra vào các cảng biển và cảng sông, đồng thời tăng cường khâu bốc xếp và kho bãi. Phát triển nhanh các đội tàu ven biển và tàu vận tải đi nước ngoài. Đẩy mạnh cơ giới hóa các thuyền vận tải. Tiếp tục cải tạo, mở rộng và rải nhựa các trục đường bộ chủ yếu.

Tổ chức các chuyến máy bay thường xuyên chở hành khách, bưu phẩm và một số hàng hóa cần thiết giữa Hà Nội với một số thành phố ở miền Nam. Phát huy năng lực vận tải bằng đường ống.

Về tổ chức và quản lý vận tải, phải nhanh chóng tổ chức mạng lưới giao thông vận tải trong từng khu vực, từng địa phương, phân công rõ ràng về nhiệm vụ vận tải giữa Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, các địa phương. Tổ chức tốt việc vận chuyển hai chiều; hết sức coi trọng việc bảo quản và giao nhận hàng hóa. Đẩy mạnh công tác sửa chữa để tăng mức sử dụng các loại phương tiện vận chuyển.

Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngành bưu điện và tổ chức quản lý tốt công tác bưu điện, nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ sự lãnh đạo và quản lý từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu của nhân dân.

Dự kiến giá trị sản lượng nghiệp vụ bưu điện năm 1976 tăng 10% so với năm 1975.

V- XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU

Nhiệm vụ hết sức trọng yếu hiện nay là tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ về xuất khẩu để tăng khả năng nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của sự nghiệp phát triển kinh tế trong cả nước, giảm dần mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu.

Chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật với Lào và Campuchia, với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tranh thủ mở rộng quan hệ kinh tế với các nước khác, đẩy mạnh công tác ngoại thương.

Các ngành, các địa phương, các cơ sở sản xuất đều có trách nhiệm tích cực góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 1976 tăng 12% so với năm 1975, trong đó hàng nông sản và nông sản chế biến chiếm 30%, hàng công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp chiếm 55%.

Kim ngạch xuất khẩu nói trên còn thấp xa so với yêu cầu, cần phải tìm mọi biện pháp để tăng nhiều hơn nữa. Các ngành, các địa phương phải tận lực khai thác mọi khả năng về tài nguyên, lao động, kỹ thuật, tiêu dùng hợp lý và tiết kiệm trong nước để tăng thêm số lượng và phẩm chất hàng xuất khẩu. Nhanh chóng quy vùng sản xuất, tăng cường, đầu tư, trang bị kỹ thuật đi đôi với các biện pháp tổ chức quản lý và chỉ đạo sản xuất, thu mua chế biến các loại nông sản xuất khẩu. Bảo đảm cung cấp đủ vật tư, nguyên liệu cho các đơn vị làm hàng xuất khẩu. Có chế độ thưởng phạt kịp thời trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất và giao nhận hàng xuất khẩu.

Về nhập khẩu, hướng chung là tăng nhập khẩu thiết bị, máy móc, phụ tùng, nguyên liệu, nhiên liệu để bảo đảm yêu cầu của sản xuất và xây dựng trong nước, giảm mạnh tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng.

Cần tổ chức tốt việc điều hàng, tiếp nhận và vận chuyển hàng nhập ăn khớp với kế hoạch sản xuất và xây dựng trong nước.

VI- NỘI THƯƠNG

Năm 1976, ngành thương nghiệp phải tổ chức tốt giao lưu hàng hóa có tổ chức giữa miền Bắc và miền Nam. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải tăng nguồn hàng, cải tiến cách phân phối và hạ thấp chỉ số giá bán lẻ trên thị trường xã hội để thiết thực cải thiện đời sống và tăng thu nhập thực tế của công nhân, viên chức và nông dân: tăng cường lực lượng thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với người buôn bán nhỏ, củng cố và mở rộng thị trường xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh việc thu mua nông sản thực phẩm. Trên cơ sở tăng sản lượng, năm 1976 dự kiến thu mua thịt lợn hơi tăng 37% so với năm 1975, rau cho các thành phố và khu công nghiệp tăng gần 92%, trứng gà, trứng vịt tăng trên 52%, v.v.. Giá trị thu mua hàng công nghiệp tăng 19%.

Phải tổ chức tốt công tác thu mua để tăng nguồn hàng, hạn chế những hiện tượng tiêu cực của tiểu thương. Tăng thêm lao động, phương tiện để mở rộng mạng lưới thu mua. Các cơ sở quốc doanh cần nghiêm chỉnh chấp hành chế độ giao nộp sản phẩm.

Dự kiến tổng mức hàng hóa bán lẻ của thị trường có tổ chức tăng 12,8% so với năm 1975, trong đó mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán tăng 13%. Đưa tỷ trọng của thị trường có tổ chức từ 74% năm 1975 lên 81% năm 1976.

Cải tiến phương thức phân phối, tích cực phát triển và bố trí hợp lý mạng lưới phân phối, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng. Kế hoạch phân phối cần tránh tình trạng thừa, thiếu hàng một cách giả tạo, gây căng thẳng không cần thiết. Giảm bớt việc phân phối theo tem phiếu và giấy giới thiệu đối với một số loại hàng hóa. Nghiên cứu phương thức phân phối hàng hóa phù hợp với nông dân, kết hợp việc phân phối hàng hóa với việc thu mua nông sản.

VII- PHÂN BỐ LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI,
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG,
ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN VÀ CÁN BỘ

Động viên nhiệt tình và khí thế cách mạng của quần chúng, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đất nước. Sử dụng tốt số lao động hiện có, đồng thời tích cực sắp xếp công việc làm cho số lao động mới tăng, số thương binh, bệnh binh và quân nhân xuất ngũ; điều chỉnh dân cư ở thành phố và vùng đồng bằng, thực hiện một bước sự phân công lao động mới giữa các ngành, các vùng trên phạm vi cả nước.

Tăng cường tổ chức quản lý lao động, nhanh chóng xây dựng lại các định mức lao động trong các xí nghiệp, các ngành, đề cao kỷ luật lao động, đẩy mạnh tăng năng suất lao động xã hội.

Về phân bố lực lượng lao động xã hội: Một công tác quan trọng năm 1976 là sắp xếp công việc cho lực lượng lao động còn dư trong các thành phố và chuyển 10 vạn lao động cùng với số nhân khẩu đang tập trung quá đông ở vùng đồng bằng để bổ sung cho các ngành khác và đi xây dựng vùng kinh tế mới ở trung du, miền núi, đất mới bồi ở ven biển. Sử dụng tốt hơn nữa lực lượng lao động ở vùng đồng bằng, nâng mức bảo đảm diện tích của một lao động trồng trọt từ 0,6 hécta gieo trồng năm 1975 lên 0,7 hécta năm 1976; tăng thêm lao động cho chăn nuôi và phát triển ngành nghề trong hợp tác xã.

Ở trung du, miền núi, cần sử dụng tốt lực lượng lao động tại chỗ, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Ở các vùng cao, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động định canh định cư, chuyển mạnh lực lượng lao động sang phát triển nghề rừng, chăn nuôi gia súc.

Năm 1976, chỉ bổ sung lao động cho các xí nghiệp công nghiệp mới xây dựng hoặc mở rộng. Đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, trên cơ sở phát triển sản xuất, thu hút thêm khoảng 10 vạn lao động ở các thành phố và vùng đồng bằng.

Tăng nhanh lực lượng lao động xây dựng cơ bản theo các hình thức: quốc doanh, hợp tác xã ở nông thôn và thành thị nhằm thu hút thêm 15 vạn lao động.

Đối với thương binh, bệnh binh và quân nhân xuất ngũ, hướng giải quyết là đưa đi đào tạo về nghề nghiệp, đưa về các cơ sở sản xuất và đưa vào công tác trong các ngành cần thiết của Nhà nước.

Đối với lao động trong khu vực nhà nước, so với năm 1975, dự kiến năng suất lao động trong ngành công nghiệp tăng 12%, trong ngành xây dựng cơ bản tăng 7%, trong ngành giao thông vận tải tăng 15%, trong nông trường quốc doanh tăng 8%.

Để hạn chế tình trạng tăng biên chế vào bộ máy quản lý hành chính một cách không hợp lý, năm 1976, sẽ nghiên cứu và ban hành biên chế mẫu cho mỗi loại tỉnh, thành phố, huyện. Cán bộ bổ sung từ cấp huyện trở lên phải qua các trường đào tạo kỹ thuật hoặc nghiệp vụ. Tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp lao động trong từng ngành, giữa các ngành, các địa phương, từ nơi thừa sang nơi thiếu, sử dụng tốt lao động hiện có.

Đối với số người ốm đau mất sức, chú ý đưa đi điều trị, chăm sóc để phục hồi nhanh sức khỏe.

Thực hiện tốt chế độ hạch toán quỹ tiền lương và tính năng suất lao động. Đẩy mạnh công tác định mức lao động.

Về đào tạo công nhân kỹ thuật: Đẩy mạnh công tác đào tạo công nhân kỹ thuật bằng nhiều hình thức, kể cả hình thức kèm cặp tại chỗ.

Năm 1976, tuyển cho việc đào tạo công nhân kỹ thuật khoảng 13 vạn người, tăng 27% so với năm 1975, hướng tập trung cho các ngành: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ giới hóa nông nghiệp và khai hoang, công nghiệp (cơ khí, điện, than, đánh cá biển, thăm dò địa chất…).

Cải thiện một bước điều kiện học tập và ăn, ở tại các trường kỹ thuật, đẩy mạnh việc xây dựng các trường mới, kiên quyết dành vật tư, thiết bị cần thiết cho việc xây dựng trường và cho học sinh thực tập. Các Bộ, các địa phương phải quan tâm đúng mức đến việc bổ sung đội ngũ giáo viên dạy nghề của các trường đào tạo công nhân kỹ thuật. Tổ chức thêm trường, lớp đào tạo giáo viên dạy nghề để mở rộng quy mô đào tạo cho các năm sau: trước mắt, cần phân phối và bồi dưỡng tốt số cán bộ, công nhân được bổ sung để làm giáo viên dạy nghề.

Về đào tạo cán bộ: Năm 1976, dự kiến tuyển sinh cho việc đào tạo cán bộ có trình độ đại học (hệ dài hạn trong nước) khoảng 1,2 vạn người, tăng 12% so với năm 1975; tuyển sinh để đào tạo cán bộ cấp trung học chuyên nghiệp khoảng 3,9 vạn người.

Bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế là một vấn đề quan trọng và cấp bách. Phải phân công và tổ chức tốt việc bồi dưỡng kiến thức về kinh tế và quản lý kinh tế cho các cán bộ quản lý kinh tế thuộc các ngành, các cấp.

VIII- CÔNG TÁC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG

Yêu cầu cấp bách trong năm 1976 là tổ chức tốt công tác phục vụ đời sống, trước hết là đối với công nhân trực tiếp sản xuất, lao động năng nhọc và độc hại, công nhân giỏi nghề, cán bộ khoa học kỹ thuật; cải thiện một bước đời sống của nhân dân, nhất là công nhân, viên chức; giải quyết tốt nhu cầu về ăn, ở, đi lại và một số mặt trong đời sống ở các thành phố, các khu công nghiệp, các công trường, lâm trường, vùng kinh tế mới.

Đối với công nhân, viên chức, phương hướng cải thiện đời sống trong năm 1976 và các năm sau là giải quyết vấn đề ăn tốt hơn, cải thiện một phần điều kiện ở và đi lại, cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương, ổn định và giảm giá một số mặt hàng có điều kiện.

Đối với nông dân và các tầng lớp lao động khác, cố gắng tăng mức cung cấp một số loại hàng hóa.

Về ăn, năm 1976 phải bảo đảm cung cấp đều đặn và đủ tiêu chuẩn thực phẩm cho công nhân, viên chức ở tất cả các vùng, trong đó có một số loại thực phẩm cung cấp tăng hơn năm trước như cá, trứng, mì chính, nước mắm. Chấn chỉnh các nhà ăn tập thể, tổ chức tốt bữa ăn trong ca làm việc cho công nhân trực tiếp sản xuất. Cung cấp đủ rau cho nhân dân các thành phố và khu công nghiệp.

Về ở, năm 1976, xây dựng thêm 65 vạn mét vuông nhà ở cho công nhân, viên chức và xây dựng các công trình phục vụ công cộng như nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cửa hàng, đường sá, điện nước, cống rãnh, v.v., ở các khu công nghiệp, các thành phố, các nông trường, lâm trường, các xí nghiệp đang và sắp đưa vào sản xuất, nhất là các khu vực: Đông Anh, Văn Điển, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Quảng Ninh, v.v..

Về đi lại, cố gắng tăng nhanh các phương tiện chở hành khách để từng bước giải quyết những khó khăn trong việc đi lại của nhân dân nhất là ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, các khu công nghiệp, các tỉnh miền núi, giữa các thị xã và các huyện lỵ; tăng thêm tàu chở hành khách trên sông, xe ca và toa xe khách.

Về tiền lương, thực hiện một bước việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương, nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất và cải thiện một bước đời sống của công nhân, viên chức.

IX- GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI

Về giáo dục: Tiếp tục phát triển vững chắc và cân đối sự nghiệp giáo dục phổ thông, coi trọng việc phát triển công tác bổ túc văn hóa. Bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục.

Mở rộng các trường, lớp mẫu giáo, thu nhận khoảng 1 phần 3 số cháu trong độ tuổi vào học.

Đưa lớp vỡ lòng vào cấp 1, nâng cao chất lượng của lớp vỡ lòng, tiếp tục phổ cập giáo dục cấp 1 theo độ tuổi. Tích cực chuẩn bị cho việc phổ cập giáo dục cấp 2 để thống nhất với cấp 1 thành cấp học cơ sở tám năm sau này.

Cấp 3 giáo dục phổ thông cần được phát triển bằng mọi hình thức (phổ thông thông thường, phổ thông vừa học vừa làm…).

Dự kiến số học sinh có mặt đầu năm học 1976 - 1977 khoảng 6,26 triệu em (kể cả học sinh vỡ lòng). Động viên sự đóng góp của nhân dân và hợp tác xã cùng Nhà nước đầu tư thêm để xây dựng 2,1 vạn phòng học, bảo đảm có đủ chỗ học cho số học sinh mới tăng và thay thế dần số trường xây dựng bằng tranh tre.

Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên để bảo đảm yêu cầu trước mắt và thực hiện cải cách giáo dục trong những năm sau.

Về công tác y tế, bảo vệ bà mẹ và trẻ em: Đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, kịp thời dập tắt các dịch bệnh. Xây dựng các trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động để phục vụ thương binh và những người bị tai nạn chiến tranh. Phát triển công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, đẩy mạnh công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch, mở rộng việc khám bệnh và chữa bệnh, tăng thêm giường cho trẻ em ở các bệnh viện. Tích cực phòng ngừa và chữa các bệnh nghề nghiệp cho công nhân; tổ chức việc điều dưỡng và nghỉ ngơi cho nhân dân lao động, trước mắt là cho cán bộ, bộ đội và công nhân, viên chức.

Năm 1976, dự kiến có 1.030 cơ sở điều trị, điều dưỡng; số giường điều trị, điều dưỡng tăng 9% so với năm 1975, chủ yếu là tăng cho các huyện, các khu công nghiệp và các vùng kinh tế mới.

Đẩy mạnh việc khai thác các dược liệu trong nước, nhập khẩu thêm nguyên liệu của nước ngoài, đưa giá trị sản xuất thuốc tăng 9,2% so với năm 1975, doanh số bán ra tăng 5%.

Về nhà trẻ: Nâng cao chất lượng nhà trẻ; sắp xếp lại mạng lưới nhà trẻ ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp để thuận tiện cho việc gửi trẻ. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cô nuôi dạy trẻ. Phấn đấu đưa số cháu được gửi vào nhà trẻ lên 55 vạn cháu, tăng ba vạn cháu so với năm 1975 và chiếm 28% so với số trẻ em trong độ tuổi (riêng khu vực nhà nước 52,6%).

Các công tác văn hóa, thông tin, thể dục thể thao cần được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đồng thời nâng cao chất lượng nhằm phục vụ đông đảo quần chúng, phát huy tác dụng giáo dục tư tưởng, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và các sự kiện lớn trong năm 1976.

Năm 1976, dự kiến đưa tổng số trang in lên 23 tỷ trang, tăng 14% so với năm 1975; sản xuất 91 bộ phim, trong đó có tám bộ phim truyện.

Chú trọng xây dựng các thư viện, nhất là ở các thành phố và khu công nghiệp.

Bảo vệ và xây dựng các di tích kháng chiến và di tích lịch sử.

Công tác thể dục, thể thao phải có tác dụng thiết thực nhằm khôi phục và tăng cường sức khỏe của nhân dân, góp phần xây dựng con người mới phát triển toàn diện, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cần đưa phong trào quần chúng rèn luyện thân thể đi vào nền nếp thường xuyên.

Về công tác thương binh và xã hội: Kiện toàn tổ chức phụ trách công tác thương binh và xã hội; mở rộng những cơ sở vật chất đã có, xây dựng thêm những cơ sở mới cần thiết để phục vụ tốt công tác thương binh xã hội. Thi hành đầy đủ các chính sách, chế độ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ; làm tốt công tác cứu tế xã hội.

X- ĐIỀU TRA CƠ BẢN ỨNG DỤNG
TIẾN BỘ KỸ THUẬT, NGHIÊN CỨU
KHOA HỌC - KỸ THUẬT

Trước yêu cầu của nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa trong cả nước hiện nay, việc đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật có tầm quan trọng đặc biệt.

Công tác điều tra cơ bản cần được hết sức coi trọng và đẩy mạnh để làm căn cứ xây dựng kế hoạch dài hạn, bố trí cụ thể các công trình quan trọng của kế hoạch 5 năm. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tìm kiếm dầu khí, xúc tiến việc điều tra đất đai, điều tra nguồn lợi hải sản và xác định các bãi cá, tôm; tổ chức điều tra tổng hợp một số vùng lãnh thổ, để phục vụ công tác quy hoạch trồng rừng, phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác lập bản đồ địa hình, tìm kiếm thăm dò khoáng sản, nước ngầm, điều tra khí tượng, thủy văn, vật lý địa cầu, tài nguyên sinh vật, v.v.. Đặc biệt coi trọng công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện để bảo đảm đạt yêu cầu đi trước một bước so với sản xuất và xây dựng.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rộng rãi trong các ngành:

Trong nông nghiệp, phổ biến và mở rộng diện tích trồng một số giống lúa, ngô… có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cao và tương đối ổn định. Phổ biến rộng rãi các giống gia súc mới, áp dụng một số kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi tiến bộ, sử dụng một số máy mới.

Trong công nghiệp, chế tạo một số thiết bị mới để phục vụ các công việc làm đất, vận chuyển, chăn nuôi, thủy lợi, gia công cơ khí, v.v.. Sử dụng rộng rãi các phương pháp phục hồi chi tiết máy. Sản xuất than cốc từ than ăngtơraxít Quảng Ninh; cường hóa lò cao luyện gang bằng phương pháp phun than bột; sản xuất hợp kim cứng, làm các loại dao cắt gọt, sản xuất phốtphát khử fluo làm thức ăn cho gia súc; sản xuất các loại nông dược, v.v.; áp dụng một số phương pháp công nghệ mới trong ngành điện, ngành khai thác than, v.v..

Trong giao thông vận tải, dùng xi măng lưới thép để sản xuất thuyền, tàu, ụ nối, xilô chứa hàng; cơ giới hóa một bước khâu thi công đặt ray và duy trì, bảo dưỡng đường sắt, sử dụng một số loại vật liệu mới trong việc xây dựng cầu đường.

Trong xây dựng, đưa vào sản xuất một số loại vật liệu xây dựng mới, áp dụng rộng rãi các phương pháp thi công tiên tiến.

Trong công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, cần chấn chỉnh tổ chức và chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật để đưa công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật tiến lên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ mới. Cần tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết theo yêu cầu của sản xuất và đời sống mà ta có điều kiện và khả năng thực hiện dứt điểm; bước đầu nghiên cứu những vấn đề khoa học - kỹ thuật lớn liên ngành được đặt ra cho 5 năm tới (1976 - 1980) và những năm sau.

Theo phương hướng đó, các ngành, các cấp phải phấn đấu thực hiện có kết quả các đề tài nghiên cứu đã được xác định, nhất là những đề tài nghiên cứu của Nhà nước.

Phát huy tác dụng của công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm và công trình, công tác tiêu chuẩn hóa đo lường, chú ý tăng cường về mặt tổ chức đối với công tác này. Phấn đấu ổn định chất lượng, đồng thời nâng cao một bước các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, đưa thêm một số sản phẩm mới vào diện Nhà nước quản lý. Đẩy mạnh tốc độ xây dựng, và áp dụng tiêu chuẩn các cấp đặc biệt là tiêu chuẩn cấp nhà nước và cấp ngành, thi hành nghiêm chỉnh các điều lệ về quản lý đo lường. Chú trọng tăng thêm các thiết bị, dụng cụ đo lường cho các cơ sở sản xuất và trang thiết bị cho các cơ sở kiểm định thiết bị này.

PHẦN THỨ BA

CẢI TIẾN QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ TĂNG CƯỜNG
CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1976

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trước tình hình và nhiệm vụ mới, chúng ta có trách nhiệm kiên quyết tạo ra cho được sự chuyển biến mạnh trong công tác chỉ đạo và quản lý của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở để phát huy các điều kiện thuận lợi, động viên khí thế cách mạng và sức mạnh lớn lao của nhân dân cả nước, khắc phục từng bước các khó khăn hiện nay của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1976.

Trước mắt, cần tiến hành các công tác cấp bách sau đây:

1. Nhanh chóng ổn định tổ chức chỉ đạo và quản lý kinh tế từ trên xuống dưới, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Trung ương Đảng và Chính phủ. Thi hành nghiêm túc bản điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ, bản quy định về chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ và Tổng cục trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Cùng với miền Nam nghiên cứu những vấn đề về quản lý kinh tế cả nước sau khi hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

2. Thực hiện một bước việc cải tiến tổ chức sản xuất, xúc tiến việc phân bố lực lượng sản xuất, phân vùng và quy hoạch các vùng, tiếp tục mở rộng việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và kiện toàn cấp huyện.

3. Cải tiến công tác quản lý và công tác kế hoạch hóa, trước mắt là: đẩy mạnh việc cải tiến công tác quản lý các đơn vị kinh tế cơ sở, tổ chức ngay các liên hiệp xí nghiệp hoặc công ty chuyên ngành; thực hiện chế độ tự chịu trách nhiệm về sản xuất, kinh doanh; thực hiện việc quản lý và kế hoạch hóa theo ngành và theo lãnh thổ ở một số địa phương và một số ngành để rút kinh nghiệm, tập trung sức cải tiến các mặt kế hoạch quan trọng như kế hoạch cung ứng vật tư, đầu tư xây dựng cơ bản v.v.. Trong năm 1976, phải nghiên cứu và ban hành các chính sách: cải tiến một bước chế độ tiền lương của công nhân, viên chức; cải tiến hệ thống giá cả hiện nay; cải tiến và ban hành một số chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu.

4. Tăng cường tổ chức bộ máy nhà nước; kiện toàn các Bộ quản lý, các ngành kinh tế, kỹ thuật phù hợp với tình hình mới. Củng cố chế độ thủ trưởng trong các cơ quan và xí nghiệp nhà nước, đi đôi với tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, kỷ luật nhà nước và pháp chế kinh tế. Củng cố và tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra, đấu tranh kiên quyết chống các hiện tượng vô trách nhiệm, thiếu ý thức tổ chức và kỷ luật, tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham ô, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về công tác cán bộ. Tăng cường đội ngũ cán bộ tốt và có năng lực cho các địa phương và các đơn vị cơ sở; tổ chức việc học tập, bồi dưỡng ngắn ngày và dài ngày về công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế cho cán bộ các cấp, các ngành, nhất là ở các đơn vị cơ sở.

5. Hội đồng Chính phủ, các cấp, các ngành phải nắm chắc tình hình bên dưới và các đơn vị cơ sở, tổ chức và chỉ đạo sát sao việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch nhà nước. Tăng cường công tác thông tin kinh tế, bảo đảm nắm chắc và kịp thời tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước của các ngành, các địa phương, các đơn vị. Hằng quý, Hội đồng Chính phủ sẽ kiểm điểm tình hình, phát hiện các nhân tố tích cực, biểu dương các ngành, các địa phương, các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch nhà nước, kịp thời phát hiện các vướng mắc, khó khăn để giải quyết, vạch rõ nguyên nhân, trách nhiệm và nghiêm khắc phê bình, khiển trách những cơ quan, đơn vị thực hiện kế hoạch kém.

6. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1976, ngay từ đầu năm, chúng ta phải động viên toàn thể nhân dân và các cán bộ các ngành, các cấp phát huy cao độ nhiệt tình cách mạng, truyền thống lao động cần cù và dũng cảm, tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm, trước mắt lấy thành tích mừng ngày hội hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1976 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nền kinh tế nước ta sẽ đạt một bước tiến mới. Năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải sẽ tăng thêm một bước đáng kể. Vấn đề lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng sẽ được giải quyết tốt hơn. Các nguồn hàng xuất khẩu sẽ được phát triển mạnh. Tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân sẽ tăng khá. Từ năm 1976, nền kinh tế miền Bắc bảo đảm đủ quỹ tiêu dùng xã hội và có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tiếp tục được củng cố. Nền kinh tế của cả nước sẽ được tổ chức, sắp xếp lại một bước và hình thành một cơ cấu hợp lý hơn, có tiềm lực kinh tế lớn hơn. Đời sống của nhân dân đi vào ổn định và được cải thiện một phần. Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế sẽ được phát triển mạnh. Nói chung, nền kinh tế của nước ta sẽ có một sự chuyển biến mới, tạo đà phấn khởi mới trong nhân dân ta.

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Ngày nay, nước Việt Nam ta đã hoàn toàn độc lập và thống nhất; nền hòa bình bền vững đã được xác lập trong cả nước; nhân dân ta nhất định sẽ xây dựng đất nước mình giàu đẹp “hơn mười ngày nay”, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính mến.

Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài, tàn khốc và một nửa nước vừa thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, nền kinh tế nước ta còn có nhiều khó khăn. Nhưng ngày nay, chúng ta có những thuận lợi chưa từng có. Chúng ta có sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế cả nước. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chúng ta quyết tâm mang hết lực lượng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tổ chức phong trào sôi nổi thi đua lao động sản xuất, xây dựng và công tác, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”, thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1976, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, đưa nền kinh tế nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta ra sức phấn đấu để kế hoạch nhà nước năm 1976 được thực hiện thắng lợi với những thành tích xứng đáng của năm mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc ta.

Nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa muôn năm!


 

1. So với năm 1974 là năm được mùa, sản lượng lương thực trong kế hoạch năm 1976 tăng 2%, riêng sản lượng thóc tăng 0,3%.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.