VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

TỜ TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC BỎ KHU VÀ HỢP TỈNH

(Do ông Trần Hữu Dực, Phó Thủ tướng trình bày
tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V, ngày 23-12-1975)

 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hệ thống các đơn vị hành chính của Nhà nước ta từ trước đến nay có 5 cấp: Trung ương, khu tự trị, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, huyện và tương đương, xã và tương đương. Các đơn vị hành chính địa phương nói chung là nhỏ. Tổ chức như vậy phù hợp với tình hình của cả nước ta khi có chiến tranh với nền sản xuất nhỏ và phân tán, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng, cả nước ta đã sạch bóng quân thù, trên thực tế nước ta đã thống nhất và nhiệm vụ cách mạng của cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới, với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất”, “Tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Để thích hợp với tình hình mới, về mặt tổ chức phải sắp xếp lại nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước được nhanh chóng, nhạy bén, sát với cơ sở, giảm bớt đầu mối và cấp trung gian, phát huy mạnh mẽ sức lao động sáng tạo của nhân dân vào việc khai thác tài nguyên phong phú của đất nước. Các tỉnh phải trở thành những đơn vị lớn mạnh, có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, trật tự an ninh…

Vừa qua, Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và về mặt tổ chức đã chủ trương thực hiện chế độ quản lý hành chính theo 4 cấp: Trung ương, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, huyện và tương đương, xã và tương đương, cụ thể là bỏ cấp khu và hợp nhất một số tỉnh với quy mô cần thiết.

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các khu tự trị Tây Bắc và Việt Bắc đã họp bàn, nhận thấy trong thời gian vừa qua các khu tự trị đã hoàn thành được vẻ vang nhiệm vụ lịch sử của mình và đã nhất trí đề nghị bỏ cấp khu tự trị. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính một số tỉnh cũng đã họp bàn và kiến nghị việc hợp tỉnh.

Hội đồng Chính phủ nhận thấy đề nghị của các địa phương là hợp lý. Trong phiên họp ngày 16 tháng 10 năm 1975 đã bàn và đề nghị Quốc hội xét và quyết định các vấn đề sau đây:

1. Bỏ cấp khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc trong hệ thống các đơn vị hành chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đề nghị Quốc hội sửa đổi các điều khoản của Hiến pháp quy định về khu tự trị.

2. Phê chuẩn việc hợp nhất một số tỉnh có tên dưới đây thành những tỉnh mới:

a) Tỉnh Cao Bằng hợp nhất với tỉnh Lạng Sơn thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Cao Lạng.

b) Tỉnh Hà Giang hợp nhất với tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hà Tuyên.

c) Tỉnh Yên Bái  hợp nhất với tỉnh Lào Cai và tỉnh Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên và huyện Phù Yên) thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hoàng Liên Sơn.

d) Hợp nhất huyện Bắc Yên và huyện Phù Yên của tỉnh Nghĩa Lộ vào tỉnh Sơn La vẫn giữ tên là tỉnh Sơn La.

e) Tỉnh Hà Tây hợp nhất với tỉnh Hòa Bình thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hà Bình. Có ý kiến lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình.

g) Tỉnh Nam Hà hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Nam Bình. Có ý kiến lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh.

h) Tỉnh Nghệ An hợp nhất với tỉnh Hà Tĩnh thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Nghệ Tĩnh.

3. Về tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh, trong Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc vừa qua, khi bàn về việc tổ chức tổng tuyển cử để bầu Quốc hội chung của cả nước, hai Đoàn đại biểu đã nhất trí thông qua: “Đơn vị bầu cử là tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương”, “Bình Trị Thiên là một đơn vị bầu cử”. Như vậy, Bình Trị Thiên (gồm cả khu vực Vĩnh Linh) được coi là một tỉnh mới.

*

*          *

Việc bỏ khu và hợp tỉnh lần này liên quan đến nhiều địa phương có vùng dân tộc. Sau khi có quyết định của Quốc hội, Hội đồng Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp thực hiện tốt việc giải thể khu và hợp tỉnh, đồng thời đặc biệt chú trọng tăng cường hơn nữa việc thực hiện các chính sách dân tộc - một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Chính phủ trình Quốc hội xét và quyết định.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.