Thưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến,
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thay mặt nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Thái và Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội, tôi xin gửi tới các vị đại biểu Quốc hội lời chào mừng nhiệt liệt nhất, chúc kỳ họp này của Quốc hội thành công tốt đẹp.
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí về nội dung hai văn kiện: Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc và những vấn đề đã được hai Đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự hoạt động của Đoàn và kết quả tốt đẹp của Hội nghị qua bản báo cáo của đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với toàn dân, nhân dân tỉnh Bắc Thái vô cùng phấn khởi trước thắng lợi hoàn toàn và triệt để của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Nay, việc thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước càng nhanh chóng thì toàn dân ta càng phát huy mạnh mẽ những thuận lợi to lớn của cả nước ta, để đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó miền núi có điều kiện tốt để tiến nhanh, tiến mạnh hơn, các dân tộc thiểu số có điều kiện tốt hơn trên con đường tiến bộ đồng đều, bình đẳng, văn minh, hạnh phúc.
Chúng tôi rất tán thành bản báo cáo của Chính phủ về việc bỏ cấp khu, mở rộng tỉnh. Thời kỳ chiến tranh, việc tổ chức cấp khu là cần thiết. Ngày nay, cả nước có hòa bình, thống nhất Tổ quốc và tiến lên chủ nghĩa xã hội yêu cầu về tổ chức phải bảo đảm cho sự lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung và thống nhất cao, khẩn trương, kịp thời. Do đó, việc giải thể cấp khu để Trung ương trực tiếp với tỉnh, việc hợp tỉnh để giảm bớt đầu mối, là hợp lý.
Thời kỳ vừa qua, khu tự trị Việt Bắc đã giữ vị trí quan trọng, đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Ngày nay, cũng như các khu khác, khu tự trị Việt Bắc thực hiện việc bỏ cấp khu, mở rộng tỉnh để các địa phương tiến lên một cách thuận lợi hơn. Bỏ cấp khu tự trị là việc về tổ chức, mà tổ chức không phải là cố định, tổ chức phải tiến kịp chính trị, phù hợp với tình hình mới. Cần tổng kết quá trình hoạt động của khu tự trị để rút ra kinh nghiệm làm công tác tiếp tốt hơn ở vùng các dân tộc thiểu số. Bỏ cấp khu tự trị, nhưng chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta vẫn được coi trọng, được thực hiện khẩn trương cụ thể hơn, mà cơ sở của nó là công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa được xúc tiến mạnh mẽ hơn ở các địa phương, các vùng. Cả nước thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội là điều kiện rất cơ bản để đưa các dân tộc thiểu số, đa số tiến bộ đồng đều, miền núi tiến kịp miền xuôi.
Chúng tôi rất nhất trí với bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế miền Bắc hiện nay và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1976 và các bản báo cáo khác của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chúng tôi nhất trí về những vấn đề miền núi đã được đề cập trong các bản báo cáo và xin có ý kiến cụ thể thêm:
1. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, các ngành Trung ương, các địa phương quan tâm hơn nữa bằng việc tổ chức thực hiện, giúp đỡ cụ thể đối với vùng cao, vùng xa xôi, hẻo lánh, dọc biên giới
Đồng bào ở đây xa trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, mặt khác những ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa cũ vẫn còn nhiều, đời sống còn khó khăn. Bởi vậy, việc tăng cường sự lãnh đạo, giúp đỡ cụ thể của Đảng và Nhà nước là vấn đề có ý nghĩa quyết định đưa các vùng này đổi mới. Chúng tôi thấy trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo địa phương rất nặng nề, phải chủ động, tích cực vượt mọi khó khăn, làm trọn mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời phải được sự chỉ đạo và giúp đỡ cụ thể của các ngành trung ương, thì các vùng này mới từng bước từ kém tiến lên có kinh tế văn hóa phát triển, đời sống ngày càng cải thiện. Một số điển hình tốt ở vùng cao đã đạt những thành tích rất đáng phấn khởi, nó đã chứng minh rõ: vùng có khó khăn mà được các cấp, các ngành giúp đỡ cụ thể thì quần chúng ở đây có điều kiện phát huy năng lực to lớn của mình xây dựng quê hương giàu đẹp, tiến bộ. ở vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh, dọc biên giới có nhiều việc, xin lưu ý mấy việc:
- Về định canh định cư, Chính phủ rất quan tâm. Tuy vậy, đến nay kết quả còn hạn chế. Cần được các cấp, các ngành có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tiến hành tập trung và dứt điểm, giải quyết những việc cụ thể về chính sách, dành số cán bộ thích đáng để tiếp tục thực hiện. Số tiền Nhà nước đầu tư cho định canh định cư tuy không phải quá lớn, nhưng vẫn không chi hết. Nếu chúng ta, các cấp các ngành tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ thì có thể làm được kết quả tốt hơn, nhiều hơn.
- Về giao thông, có đường đi tới đâu thì kinh tế văn hóa phát triển, hàng hóa giao lưu, đời sống dần dần đổi mới tới đó, đẩy lùi tình hình trì trệ hàng bao đời vào lịch sử và làm cho những vùng xa xôi của Tổ quốc gần gụi với trung tâm, nội địa của đất nước. Đề nghị xây dựng những con đường trục, đường liên huyện, liên vùng. Nhân dân đem sức lao động làm nghĩa vụ, Nhà nước, ngành Giao thông đầu tư và giúp đỡ điều kiện, phương tiện để làm đường.
- Về giáo dục, chúng ta phải tích cực đưa chữ vào cho đồng bào. Sản xuất và học chữ phải đi đôi. Quần chúng có ăn, mặc, có chữ là những yêu cầu rất cơ bản của chế độ ta, đưa chế độ ta ngày càng tiến lên. Để quần chúng có chữ, trước hết phải có thầy, cho nên việc đào tạo đội ngũ giáo viên người địa phương là việc rất quan trọng. Việc đưa giáo viên người vùng thấp lên vùng cao là cần thiết trong những năm đầu và cho đến khi vẫn chưa đủ giáo viên là người địa phương. Phải đầu tư vào đào tạo giáo viên các cấp cho các vùng, vào việc bồi dưỡng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cho họ. Đề nghị ngành Giáo dục có quy hoạch cho các vùng cao, nơi xa xôi, dọc biên giới về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên người địa phương.
2. Đề nghị làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, một trong những công tác quan trọng của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước
Chúng tôi nghĩ rằng, một thành công lớn là Đảng ta và Nhà nước ta đã đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ trung thành với cách mạng, có năng lực làm việc. Thực tế ở vùng dân tộc cho thấy, vùng dân tộc nào có cán bộ địa phương có đạo đức, tài năng thì địa phương ấy tiến bộ nhanh. Cho nên, việc đầu tư vào đào tạo cán bộ là một đầu tư đưa lại hiệu quả lớn nhất cho vùng dân tộc. Vùng dân tộc nào cũng có cán bộ địa phương để hướng dẫn quần chúng, quản lý kinh tế, phát triển văn hóa, xây dựng cuộc sống xã hội chủ nghĩa, thì cả nước ta sẽ tiến bộ đồng đều lên chủ nghĩa xã hội.
Đề nghị các ngành, các cấp có quy hoạch và kế hoạch cán bộ của mình, đào tạo cán bộ cao, trung, sơ cấp, cơ sở, cán bộ cho các cấp và các địa phương. Cần chú ý từ khâu chọn người đào tạo ở các địa phương lên, để khi trở thành cán bộ thì người đó phấn khởi yên tâm công tác ở miền núi, vùng cao. Phải coi trọng về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ nhằm tăng cường
đội ngũ cán bộ dân tộc trong đội ngũ cán bộ chung của Đảng và Nhà nước.
Đề nghị nghiên cứu sâu sắc và toàn diện để có chính sách hợp lý hợp tình đối với cán bộ. Chính sách đó cần làm cho cán bộ yên tâm phấn khởi công tác ở miền núi, vùng cao. Bên cạnh việc động viên tinh thần cách mạng của cán bộ đi nơi khó khăn công tác, việc thực hiện những quy định và giữ vững kỷ luật về phân phối, điều động cán bộ của Nhà nước, cần có chính sách, chế độ đãi ngộ, động viên cán bộ người kinh lên miền núi, động viên cán bộ người địa phương phấn khởi công tác.
3. Tăng cường và cải tiến công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở miền núi
Trung ương Đảng và Chính phủ từ trước đến nay rất quan tâm đến miền núi. Nhiều nghị quyết, chỉ thị đã ban hành, tuy nhiên việc thực hiện chưa được khẩn trương, mạnh mẽ. Chính sách đúng đắn, nhưng việc thực hiện chưa tốt, do nguyên nhân trước đây có chiến tranh, mặt khác, phần chủ quan chúng ta chưa tổ chức việc thực hiện một cách nghiêm túc. Ở đây, chúng tôi chỉ xin lưu ý mấy điểm:
- Coi trọng việc nắm tình hình miền núi để giải quyết công việc được đúng, sát, khẩn trương, dứt điểm.
Nắm chắc tình hình là điều đầu tiên cho việc tổ chức thực hiện mọi công tác bất cứ ở miền xuôi hay miền núi. Nắm tình hình không đúng, hoặc không coi trọng việc nắm tình hình là một trong các nguyên nhân của sai lầm. Đề nghị các ngành, các cấp tổ chức tốt việc nắm và nghiên cứu tình hình của miền núi, kịp thời giải quyết cho sát. Đây là một trong những “mở nút”, gỡ bí cho cấp dưới và cơ sở tiến hành công việc được thuận lợi.
Chúng ta nên đưa ánh sáng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước xuống quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng và cấp dưới, để họ nói lên thực tế và ý kiến xây dựng của mình, phấn khởi tự giác thực hiện chủ trương, chính sách.
Có vận dụng đúng đắn chủ trương thì mới thực hiện được nhanh chóng, có hiệu quả. Thí dụ: “Phải có cánh đồng rộng 150 hécta trở lên thì mới đưa được vào kế hoạch hoàn chỉnh thủy nông”, như vậy ở miền núi rất ít cánh đồng có diện tích ấy. Trong việc trao rừng và đất rừng cho hợp tác xã quản lý kinh doanh, phải có chính sách cụ thể đối với những nơi chuyên làm rừng, nơi làm rừng nhiều và làm một phần nhỏ ruộng, nơi làm ruộng nhiều và làm ít rừng, v.v..
Để nắm vững tình hình và giải quyết công việc được tốt hơn, đề nghị tăng cường các cơ quan dân tộc của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; cần củng cố những bộ phận theo dõi nghiên cứu vấn đề dân tộc và miền núi trong các cơ quan Bộ, cơ quan Trung ương, như nông nghiệp, lâm nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế … Đề nghị tăng cường củng cố cấp huyện và giúp đỡ phương tiện làm việc, đi lại, để huyện làm tốt chức trách quản lý kinh tế nông lâm nghiệp và các mặt, để lãnh đạo, chỉ đạo nhanh, nhạy tới cơ sở.
Chỉ đạo tổ chức và đội ngũ cán bộ vào việc thực hiện dứt điểm những chủ trương lớn. Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ là lực lượng rất quyết định cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Chúng ta có một đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật tương đối đông. Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ đó đã lao động sáng tạo đưa lại thành tựu rất đáng phấn khởi. Song, ở nơi này nơi kia vẫn chưa sử dụng tốt, khiến bộ máy tổ chức chưa phát huy mạnh mẽ chức năng, cán bộ chưa được sử dụng đúng để phát triển tài năng, cống hiến nhiều hơn cho cách mạng. Chúng tôi nghĩ rằng, các cấp, các ngành cần sử dụng tốt hơn đội ngũ cán bộ - vốn quý của Đảng và Nhà nước, cần chỉ đạo bộ máy tổ chức một cách sát sao hơn trong việc hoàn thành dứt điểm ở từng vùng những công việc lớn ở miền núi như định canh định cư, trao rừng cho hợp tác xã quản lý kinh doanh, quy hoạch thủy lợi, giao thông…
Về lề lối làm việc, chúng tôi đề nghị tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, khắc phục tình trạng phân tán, nhiều khâu, nhiều cơ quan vẫn không giải quyết dứt điểm, nhanh một việc. Đề nghị có sự phân công, phân trách nhiệm, hợp tác, hợp đồng giữa các cơ quan trung ương có liên quan trong việc tổ chức thực hiện, trong chỉ đạo công tác dân tộc và miền núi. Tôn trọng pháp luật nhà nước, tôn trọng hợp đồng kinh tế, trên giúp đỡ dưới, dưới giúp đỡ trên, tránh cục bộ, tránh cưỡng ép, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Thực hiện cách làm việc nhanh gọn, giảm bớt thủ tục, giấy tờ không cần thiết.
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Nhân dân các dân tộc miền núi vô cùng phấn khởi trước tiền đồ sáng lạn của Tổ quốc ta, rất tin tưởng ở đường lối đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam, tin tưởng ở sức mạnh của 45 triệu đồng bào, ở sức mạnh của toàn quốc và quyết đem hết khả năng của mình xây dựng địa phương ngày càng ấm no, tiến bộ, cùng với đồng bào cả nước đưa Tổ quốc Việt Nam của chúng ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Chúc các đồng chí đại biểu sức khỏe tốt.