VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

LỜI PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG
TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA V, NGÀY 27-12-1975

 

Thưa Quốc hội,

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa V quyết định một loạt vấn đề rất trọng đại của đất nước; thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, thông qua kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1976, cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính, bỏ cấp khu và hợp nhất một số tỉnh.

Thay mặt Hội đồng Chính phủ, tôi xin trình bày trước các đại biểu Quốc hội một số ý kiến:

Hội đồng Chính phủ chúng tôi chăm chú nghe những ý kiến của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại hội trường cũng như ở các tổ. Những ý kiến đó giúp Hội đồng Chính phủ cải tiến công tác và thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình. Dưới đây là một số vấn đề đã được nêu lên:

1. Về kế hoạch nhà nước

Nhiều đại biểu nhấn mạnh các biện pháp thực hiện kế hoạch, một số đại biểu yêu cầu các ngành của Chính phủ giúp đỡ nhiều hơn nữa về phương tiện, thiết bị và vật tư cho các địa phương, nhất là cho các cơ sở.

Có ý kiến nhận xét kế hoạch xây dựng cơ bản còn rải ra nhiều quá, thiếu tập trung, có quá nhiều công trình dưới hạn ngạch; việc tính toán hiệu quả kinh tế chưa chặt chẽ; và từ đó đề nghị ghi hiệu quả kinh tế của công trình thành một chỉ tiêu pháp lệnh. Đây là một ý kiến tốt, chúng tôi sẽ nghiên cứu.

2. Về chính sách

Nhiều đại biểu gợi ý một cách cụ thể hoặc tổng quát về một loạt chính sách chúng ta cần ban hành. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn nữa các chính sách lương thực ở vùng cao, vùng cây công nghiệp, vùng trồng rừng, v.v..

Nhiều đại biểu các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi và các tỉnh sắp hợp nhất, yêu cầu ngành Giao thông vận tải phục vụ tốt hơn về mạng lưới giao thông và về phương tiện vận tải. Ngành Giao thông vận tải phải cố gắng đáp ứng yêu cầu chính đáng này.

Vấn đề phát triển văn hóa ở miền núi, phát triển giáo dục và y tế cũng được nhiều đại biểu chú ý. Đây là một chính sách lớn của Đảng và Chính phủ ta. Các Bộ Giáo dục, Y tế, Văn hóa, v.v., phải có nhiều cố gắng hơn nữa, đi sát địa phương, đi xuống cơ sở để thấy được những điều cần giải quyết ở từng vùng, từng nơi cho phù hợp với cơ sở và từ đó phục vụ một cách thiết thực đồng bào và cán bộ.

Một số đại biểu lưu ý Chính phủ về vấn đề giá cả. Đây là một loại vấn đề khá phức tạp. Uỷ ban Vật giá của Chính phủ cùng các ngành có liên quan cần nghiên cứu để có cách giải quyết kịp thời.

Về việc thi hành các chính sách của Chính phủ, các đại biểu phê phán nghiêm khắc thái độ cửa quyền, thiếu tinh thần trách nhiệm, tệ tham ô, lãng phí còn khá phổ biến, có nơi nghiêm trọng như ở ngành nội thương và những ngành khác; bên cạnh những người làm tốt, còn có những người làm chưa tốt. Trong thời gian tới, chúng ta phải ra sức khắc phục tình trạng không tốt nói trên.

3. Về tổ chức và chỉ đạo thực hiện của Hội đồng Chính phủ

Các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến nhằm tăng cường quản lý kinh tế, khắc phục tệ quan liêu, không sát địa phương, không sát cơ sở, nhằm đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật của mỗi tổ chức, mỗi người. Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đồng ý với những biện pháp tổ chức và quản lý đã đề ra trong bản báo cáo của Chính phủ và có nhấn mạnh hai điểm:

Một là, định rõ và thi hành nghiêm túc chế độ chức trách, chế độ trách nhiệm cá nhân, chế độ thủ trưởng và kỷ luật của Nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Hai là, có biện pháp thực hiện Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị thứ 23 của Trung ương Đảng về vấn đề cán bộ.

Chúng tôi cùng các ngành có liên quan cố gắng hết sức mình thực hiện hai điểm nói trên.

Trên đây, tôi nói lên nhận thức và trách nhiệm của mình đối với những ý kiến của các đồng chí đại biểu, đồng thời tôi nói thêm một điều là: ở đây chúng ta đã nghe tham luận của một số đại biểu, nhất là của các đồng chí đại biểu ở cơ sở và ở các địa phương. Đó là những tham luận rất có giá trị, làm nổi bật những kết quả công tác của các đồng chí chúng ta, của quần chúng nhân dân chúng ta ở nhiều nơi, thể hiện sức lao động cần cù và sáng tạo, sự dũng cảm, thông minh vô bờ bến của nhân dân. Chúng ta đã nghe những tham luận của công nhân, nông dân tập thể, quân nhân cách mạng, người trí thức xã hội chủ nghĩa, và đây là những điều rất đáng phấn khởi. Ở những tham luận này có những kinh nghiệm chúng ta đáng tổng kết và phổ biến.

Tôi xin nói về trách nhiệm của Hội đồng Chính phủ, trách nhiệm tập thể và trách nhiệm của từng thành viên chúng tôi trước Quốc hội.

Nghị quyết Hội nghị thứ 24 của Trương ương Đảng đã chỉ rõ: “Đảng là hạt nhân lãnh đạo của toàn bộ hệ thống chuyên chính vô sản. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ sắc bén nhất để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân”.

Thực tiễn sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam ta là sự chứng minh hùng hồn về sự nhất trí giữa đường lối, chính sách của Đảng, nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng và lợi ích của nhân dân, lợi ích lâu dài cũng như lợi ích trước mắt. Vì vậy, quan điểm của chúng ta về mối quan hệ mật thiết giữa sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ tập thể của nhân dân và vai trò quản lý của Nhà nước có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất sâu xa và rộng lớn cần được mọi người chúng ta quán triệt hơn nữa trong tư tưởng và nhận thức cũng như trong hành động của mình. Hơn ai hết, tập thể Hội đồng Chính phủ và mỗi thành viên của Hội đồng Chính phủ chúng tôi phải quán triệt quan điểm này trong toàn bộ công tác của mình, bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng, từ Trung ương, các ngành qua các địa phương, cho đến cơ sở là xí nghiệp, hợp tác xã, trường học, cửa hàng, bệnh viện, v.v..

Qua những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhất là trong năm 1975 này, chúng ta càng thấy nổi bật đường lối của Đảng ta biết bao đúng đắn và sáng suốt, nhân dân ta biết bao anh dũng và thông minh, chế độ ta biết bao ưu việt và dần dần ăn sâu vào tư tưởng và tình cảm của nhân dân ta. Hôm nay, nói lên điều này trước Quốc hội, trong lúc chúng ta đang vững bước tiến gần tới việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Hội đồng Chính phủ chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa ý thức trách nhiệm của chúng tôi đối với Quốc hội nghĩa là đối với nhân dân, đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ý thức trách nhiệm đó là quyết tâm làm tốt hơn nữa toàn bộ công tác của mình, kịp thời đáp ứng tình hình mới và nhiệm vụ mới trong giai đoạn mới. Ý thức trách nhiệm đó, quyết tâm đó đòi hỏi tập thể Hội đồng Chính phủ cũng như mỗi thành viên phải lớn lên về mọi mặt, nhất là phải lớn lên về trình độ và năng lực, trình độ và năng lực tổ chức, trình độ và năng lực quản lý, biến đường lối và chính sách của Đảng, tức là lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thành sự thật sinh động khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam ta.

Điều 71 của Hiến pháp có ghi:

“Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội”.

Điều khoản rất quan trọng này có liên quan mật thiết đến những điều tôi trình bày trên đây, là sự xác nhận trách nhiệm tập thể của Hội đồng Chính phủ và trách nhiệm cá nhân của từng thành viên trước Quốc hội. Tôi nghĩ rằng, sắp tới chúng ta phải suy nghĩ về mọi cách thức thực hiện tốt hơn nữa chế độ trách nhiệm này, từ đó, Quốc hội có thể kiểm soát công tác của Chính phủ một cách chặt chẽ hơn, đánh giá chặt chẽ hơn và biểu dương đúng mức những kết quả đạt được, đồng thời phê phán nghiêm khắc hơn những khuyết điểm và sai sót, chỗ sai, người sai và yêu cầu sửa chữa hoặc yêu cầu xử lý. Ở kỳ họp này, có nhiều đại biểu nói đến chế độ trách nhiệm và chế độ kỷ luật; điều tôi gợi ý trên đây chính là cách thực hiện chế độ đó. Quốc hội chúng ta có thái độ nghiêm minh như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ được nhân dân đồng tình sâu sắc và việc làm của chúng ta sẽ phát huy tác dụng tốt đối với các ngành, các cấp cho đến các cơ sở. Mọi người chúng ta phải làm việc và việc làm của chúng ta là thước đo sự thực hiện chức trách của chúng ta, cống hiến của chúng ta, thái độ của chúng ta đối với sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc và dân tộc.

Theo tinh thần trên đây bước vào năm 1976, chúng tôi quyết tâm phấn đấu, ngay từ tháng đầu và quý một, triển khai việc thực hiện  kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước một cách tích cực, vững chắc và có hiệu quả hơn trước. Nhiệm vụ của Chính phủ ta, của nhân dân ta trong năm 1976 rất nặng nề và rất vẻ vang; năm 1976 mở đầu cho kế hoạch 5 năm và cũng là năm thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Bao nhiêu công việc đang đợi chờ chúng ta. Hội đồng Chính phủ quyết tâm phấn đấu nhằm từng bước tăng cường năng lực quản lý và năng lực tổ chức thực hiện của mình nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của cả nước cùng với yêu cầu về nghĩa vụ quốc tế rất vẻ vang của chúng ta.

Điều quan trọng bậc nhất là phải có phong trào, trước hết là phong trào ở các xí nghiệp, công trường, nông trường. Chúng tôi sẽ cùng với công đoàn cố gắng giải quyết những tiền đề, những điều kiện để thực hiện Nghị quyết 46 của Hội đồng Chính phủ, từ đó tạo ra một phong trào rộng lớn thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm trong quần chúng công nhân. Đồng thời, phát động phong trào trong các hợp tác xã nông nghiệp và các nơi khác, tất cả thành một phong trào cách mạng sôi nổi, liên tục và vững mạnh của quần chúng, quyết thực hiện và thực hiện vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước, và kế hoạch nhà nước là ý chí của nhân dân, là cương lĩnh thứ hai của Đảng.

Chúng tôi sẽ hết lòng hết sức làm đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch trong Di chúc thiêng liêng của Người: “Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đã là người đầy tớ thật trung thành thì sẽ trở nên người đầy tớ rất đắc lực của nhân dân và như vậy mới xứng đáng với sự tín nhiệm của Quốc hội, nghĩa là của nhân dân.

Kính chào các vị đại biểu.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.