VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP V 1976 - 1981

 

BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI

 

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, ngày 2-7-1976, Quốc hội đã bầu ông Tôn Đức Thắng giữ chức Chủ tịch nước; ông Nguyễn Lương Bằng, ông Nguyễn Hữu Thọ giữ chức Phó Chủ tịch nước; ông Trường Chinh giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 7 Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội là các vị: Hoàng Văn Hoan, Xuân ThỦy, Phan Văn Đáng, Nguyễn Thị Thập, Chu Văn Tấn, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa.

Trong các Tập 1, 2, 3 Văn kiện Quốc hội toàn tập chúng tôi đã giới thiệu vắn tắt tiểu sử của các vị: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Xuân ThỦy, Nguyễn Thị Thập, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xiển. Trong Tập 5 này, chúng tôi xin giới thiệu về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Đáng (BT).

Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996)

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình viên chức tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Năm 1947, ông tham gia phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Năm 1948, ông gia nhập Mặt trận Liên Việt. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông đã tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ngày 19-3-1950 tại Sài Gòn. Tháng 6-1950, ông bị thực dân Pháp bắt và đưa đi quản thúc tại Lai Châu. Tháng 11-1952, ông được trả tự do và tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước. Tháng 8-1954, ông tham gia thành lập “Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn”, đấu tranh đòi Chính phủ Pháp và chính quyền bù nhìn thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Phong trào. Cuối năm 1954, ông bị địch bắt giam và đến năm 1955 bị đưa đi quản thúc tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tháng 10-1961, ông được các lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải thoát. Ra tù, ông tích cực hoạt động cách mạng. Tháng 2-1962, tại Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi sau đó làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1-1964); Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6-1964). Sau khi đất nước thống nhất, ông trúng cử đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII; được bầu lần lượt giữ các trọng trách Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn thể hiện bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và nhiệt tâm, được đồng bào, đồng chí cả nước tin cậy, bạn bè quốc tế kính trọng.

Do công lao và thành tích to lớn đối với cách mạng, ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta và nhiều Huân chương, Huy chương khác. Ông cũng được các nước Liên Xô, Cuba, Bungari tặng Huân chương cao quý và Hội đồng Hòa bình thế giới tặng giải thưởng quốc tế.

PHAN VĂN ĐÁNG (1918-1997)

Ông Phan Văn Đáng, tức Hai Văn, sinh trưởng trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 1930, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia công tác liên lạc, rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng ở địa phương. Từ năm 1931 đến năm 1940, ông hoạt động trong các tổ chức thanh niên cách mạng của tỉnh Vĩnh Long.

Tháng 9-1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940 ông là thành viên trong Ban lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền thực dân ở huyện Tam Bình. Thời gian này, thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào cách mạng. Tháng 12-1940, ông bị chúng bắt và kết án 20 năm khổ sai và 20 năm biệt xứ đày ra Côn Đảo.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Côn Đảo được giải phóng, ông được đón về đất liền, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, lãnh đạo kháng chiến ở tỉnh Vĩnh Long. Tiếp đó, ông đã đảm nhận các trọng trách công tác như: Ủy viên Thường vụ Tỉnh Ủy Vĩnh Long, Phó Bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Trà. Từ tháng 10-1954 đến năm 1959, ông giữ chức vụ Xứ Ủy viên rồi Thường vụ Xứ Ủy Nam bộ. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa III, IV. Từ năm 1960 đến năm 1975, ông giữ các trọng trách Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giải phóng.

Từ tháng 5-1975, ông là Ủy viên Thường trực Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam. Từ năm 1976 đến năm 1982, ông giữ chức vụ Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng.

Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 bầu Quốc hội khóa VI - Quốc hội chung của cả nước, ông trúng cử đại biểu Quốc hội và được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, với công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, ông đã được truy tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước và nhiều Huân chương, Huy chương khác.