VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

THUYẾT TRÌNH CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ VẤN ĐỀ NGÂN SÁCH

(Do Ông Đoàn Trọng Truyến, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội trình bày
tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá II, ngày 19-4-1961)          

 

Thưa Chủ tịch Đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Hội đồng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội:

- Bản Tổng quyết toán ngân sách nhà nước 1959;

- Bản Báo cáo tình hình chấp hành ngân sách nhà nước 1960;

- Bản Dự thảo ngân sách nhà nước 1961.

Uỷ ban chúng tôi đã nghiên cứu các văn kiện trên đây từ trước khi Quốc hội họp - đã nghe nhiều ngành trong Chính phủ báo cáo thêm các vấn đề cần thiết và đã liên hệ với một số đoàn đại biểu Quốc hội để được biết ý kiến của các đồng chí đại biểu về các vấn đề kể trên đây. Sau đây chúng tôi xin trình bày ý kiến của Uỷ ban chúng tôi để Quốc hội xét.

I- Ý KIẾN VỀ BẢN TỔNG QUYẾT TOÁN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 1959

Trong kỳ họp thứ 12 Quốc hội khóa I (tháng 4-1960), Hội đồng Chính phủ đã báo cáo tình hình chấp hành ngân sách nhà nước 1959. Căn cứ theo sự nghiên cứu của Tiểu ban ngân sách của Quốc hội, và qua thảo luận của Quốc hội, Quốc hội đã có những nhận xét về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1959.

Đến nay Tổng quyết toán ngân sách 1959 của Nhà nước đã làm xong, và sau khi thẩm tra, nghiên cứu, Uỷ ban chúng tôi nhận thấy là các nhận định trước đây của Quốc hội căn bản là đúng.

Về thu, số dự toán ghi là:     1.161.891.000đ

số quyết toán là :       1.211.545.184đ

      đạt 104,27% số dự toán,

Về chi, số dự toán ghi là:     1.161.891.000đ

số quyết toán là :       1.138.367.385đ

đạt 97,97% số dự toán.

Số thu nhiều hơn số chi là 73.177.798đ. Những kết quả trên đây đã nêu rõ những sự tiến bộ trong việc quản lý kinh tế tài chính trong năm 1959, khả năng của nền kinh tế quốc dân đã được khai thác và sử dụng tốt hơn trước, bảo đảm những tốc độ tăng về thu chi ngân sách nhà nước khá nhanh.

Những vấn đề còn tồn tại trong việc quản lý tài chính nhà nước cũng đề ra yêu cầu cần phải tăng cường công tác quản lý về các mặt quản lý kiến thiết cơ bản, quản lý tài vụ xí nghiệp, quản lý tài vụ hành chính và sự nghiệp.

Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình nhiều ngành, nhiều đơn vị chưa bảo đảm quyết toán tốt, chưa làm đúng thời hạn, chưa căn cứ vào quyết toán để phân tích hoạt động kinh tế của cả năm để rút ra các bài học cần thiết; thậm chí có Bộ còn chưa tổng hợp được hết quyết toán của một số đơn vị, nhất là về kiến thiết cơ bản. Chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý, Chính phủ cần có biện pháp bảo đảm kỷ luật quyết toán phải được chấp hành tốt hơn, chất lượng quyết toán phải được nâng cao hơn và tác dụng của quyết toán cần phải phát huy nhiều hơn nữa.

Uỷ ban chúng tôi đã thẩm tra Tổng quyết toán ngân sách nhà nước 1959 do Hội đồng Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội và xin đề nghị Quốc hội phê chuẩn bản tổng hợp quyết toán đó.

II- NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH
 NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1960

1. Năm 1960 là năm kết thúc kế hoạch ba năm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. Dựa trên cơ sở thắng lợi của việc thực hiện kế hoạch nhà nước 1960 và kế hoạch nhà nước ba năm, ngân sách nhà nước năm 1960 đã được thực hiện tốt.

Tổng số thu đạt 98,9% kế hoạch, riêng phần thu trong nước đạt 104,4% kế hoạch.

Tổng số chi đạt 98,4% kế hoạch.

Thu hơn chi dự tính được 6,5 triệu.

Trong năm 1960 - vụ chiêm gặp thiên tai nặng, bị thất bát lớn đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động của nhân dân và Nhà nước, đã ảnh hưởng đến số thu chi ngân sách nhà nước - nhưng do cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm của nhân dân ta, nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 1960 đã được hoàn thành về căn bản, số thu trong nước 1960 đã tăng hơn 1959: 17,7% - số chi 1960 đã tăng hơn 1959: 25%.

Đó là một thắng lợi to lớn. Thắng lợi đó đã có tác dụng bảo đảm hoàn thành kế hoạch kinh tế và văn hóa và các nhiệm vụ chính trị của năm 1960, đã giúp vào việc ổn định về căn bản tình hình giá cả trong điều kiện cân đối vật tư gặp nhiều khó khăn, đã giúp vào việc củng cố tiền tệ, và đã tạo điều kiện thuận lợi chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm. Thắng lợi đó lại chứng tỏ rằng nền tài chính nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta dựa vào cơ sở vững chắc của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng và tăng cường, đã có điều kiện khai thác khả năng to lớn của nền kinh tế quốc dân, vượt qua được những khó khăn do thiên tai gây ra, bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của chúng ta ngày càng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc.

2. Chúng ta đã đạt được kết quả tăng thu nhập tài chính 1960 với tốc độ cao, mặc dầu có khó khăn đặc biệt quan trọng về nông nghiệp, điều đó là nhờ sự cố gắng của các cấp, các ngành và của toàn thể nhân dân ta. Nhưng điều đó cũng nói lên là kế hoạch đầu năm xây dựng chưa tính đến hết khả năng sẵn có của nền kinh tế quốc dân.

Ví dụ: thu của ngành thương nghiệp 1960 đã vượt kế hoạch 16%, mặc dầu doanh số bán ra chỉ đạt có 88,3% kế hoạch.

Thu của ngành giao thông vận tải 1960 đã vượt kế hoạch 10%, mặc dầu kế hoạch sản xuất - kinh doanh của ngành giao thông vận tải vượt kế hoạch có 5,6%, mà kế hoạch vận tải vượt kế hoạch trong điều kiện đã bị mất mùa nặng, v.v..

Các cơ quan quản lý kinh tế cần quán triệt hơn nữa phương châm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong khi xây dựng kế hoạch cũng như trong khi thực hiện kế hoạch quản lý kinh tế, quản lý tài chính.

Chúng ta đã đạt kết quả như trên đã trình bày, nhưng ngay trong điều kiện của năm 1960, chúng ta còn có thể tăng thu hơn nữa, chi tiêu còn có thể tiết kiệm hơn nữa và chúng ta còn có thể làm được nhiều việc hơn nữa.

Thực vậy, số thu xí nghiệp đã tăng hơn 1959 đến 29,2% - và đã vượt kế hoạch được 9,4%: nhưng nhiều ngành sản xuất sử dụng công suất thiết bị nhỏ mới được độ 50 - 60%, năng suất lao động ở nhiều xí nghiệp còn không đạt kế hoạch, số ngày công ngừng việc hoặc nghỉ không có lý do còn rất nhiều: nguyên vật liệu sử dụng còn nhiều lãng phí, chất lượng sản phẩm làm ra có nhiều trường hợp sút kém, giá thành sản phẩm nhiều xí nghiệp quan trọng không đạt mức hạ do kế hoạch nhà nước quy định…, số vốn ứ đọng do dự trù vượt mức định mức quá nhiều v.v..

Về mặt chi tiêu cũng vậy - với số vốn nhà nước đã bỏ ra chúng ta có thể làm thêm được nhiều việc hơn, hoặc công việc tốt hơn, hoặc với khối lượng công việc đã làm có thể chỉ cần chi tiêu ít tiền hơn: điều đó áp dụng chung cho cả các mặt kiến thiết cơ bản, sự nghiệp, hành chính v.v..

Những nhận xét trên đây về khả năng tăng thu hơn nữa, khả năng tiết kiệm chi hơn nữa chứng tỏ các ngành hoạt động của Nhà nước, các cơ quan, xí nghiệp, công trường… cần quán triệt hơn nữa phương châm cần kiệm xây dựng đất nước, tăng cường quản lý kinh tế tài chính để bảo đảm tích lũy nhiều hơn nữa và sử dụng số vốn tích lũy một cách hợp lý và có hiệu quả hơn, đẩy mạnh tốc độ xây dựng của chúng ta nhanh hơn nữa.

Trên đây là những nhận xét chung của Uỷ ban chúng tôi đối với tình hình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1960. Bây giờ hãy nhìn chung lại ba năm qua.

3. Nhìn chung cả ba năm 1958-1960, thì trên cơ sở nền kinh tế quốc dân được cải tạo và phát triển nhanh chóng, nền tài chính nhà nước chúng ta đã ngày càng được củng cố, số thu chi tài chính nhà nước tăng hàng năm với tốc độ nhanh. Bình quân hàng năm số thu trong nước tăng 23,4%, số chi tăng bình quân 20,2%. Số thu do khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa đã trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Năm 1960, 86,4% tổng số thu trong nước là do thu của khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong đó thu ở khu vực kinh tế quốc doanh đã đạt 82,3% của tổng số thu trong nước.

Số thu bằng thuế của khu vực tư doanh và cá thể đến 1960 chỉ còn chiếm 6,7% tổng số thu trong nước của ngân sách.

Số chi thì ngày càng được tập trung vào công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong ngân sách:

Năm 1958: chiếm tỷ trọng 69,9% ngân sách, năm 1959 là 70,6% và đến năm 1960 là 72%.

Còn tỷ trọng số chi về hành chính và quốc phòng ngày càng giảm đi:

Năm 1958: tỷ trọng 30,8% ngân sách, năm 1959 là 25,1% và đến 1960 tỷ trọng là 22%.

Số chi về kiến thiết cơ bản đã tăng bình quân hàng năm trong 3 năm qua 35,7%. Đến năm 1960, số vốn kiến thiết cơ bản đã chiếm 53,1% ngân sách nhà nước, và đã bằng hơn hai lần số vốn kiến thiết cơ bản của 1958.

Số chi về công cuộc văn hóa, xã hội của cả bộ máy nhà nước năm 1960 chiếm đến 20,7% tổng số chi ngân sách.

Những điều trên đây đã làm nổi bật lên bản chất ưu việt của nền tài chính xã hội chủ nghĩa của Nhà nước chúng ta. Nhân dân ta ngày nay làm chủ Nhà nước, làm chủ nền kinh tế quốc dân, thu nhập quốc dân do nhân dân lao động sáng tạo ra không bị ai chiếm đoạt mà thuộc về nhân dân, một phần được tập trung trong tay Nhà nước và được sử dụng vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.

4. Nhìn chung công việc quản lý tài chính ba năm qua có nhiều tiến bộ, nhưng do chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, nên còn có nhược điểm và khuyết điểm trong việc tập trung vốn và sử dụng tài chính nhà nước.

Đường lối tài chính của Đảng và Chính phủ căn bản là đúng, nhưng khả năng tích lũy vốn của chúng ta chưa được khai thác đầy đủ, nhiều nguồn tài nguyên và tài sản sẵn có còn chưa được sử dụng tốt để tăng thu nhập quốc dân. Vốn tài chính tập trung về cho Nhà nước còn tương đối chậm, vốn nhàn rỗi trong xã hội chưa được khai thác hết, tuy công tác tiết kiệm, gửi tiền, thanh toán và tín dụng của ngân hàng đã có tiến bộ.

Việc sử dụng vốn chưa thật tập trung phục vụ sản xuất. Phân phối vốn giữa các ngành còn chưa chú trọng đầy đủ nền nông nghiệp, thủy lợi, đến việc ủng hộ và giúp đỡ các hợp tác xã v.v..

Trong mỗi ngành cũng chưa thật tập trung giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất, với hiệu quả kinh tế cao nhất. Còn có xu hướng giàn ra, mà thiếu tính toán toàn diện và chu đáo.

Việc sử dụng vốn chưa quán triệt đầy đủ nguyên tắc, tiết kiệm: làm sao với số vốn ít nhất mà làm được nhiều việc và làm tốt - điều đó, nhiều cấp, nhiều ngành chưa có cố gắng đầy đủ. Tình trạng vốn luân chuyển chậm, vật tư vừa thiếu, vừa thừa, gây nhiều khó khăn và lãng phí.

Kinh nghiệm của ba năm qua cũng nói rõ nguyên nhân gây ra lãng phí quan trọng không những chỉ ở mặt chỉ đạo thực hiện kế hoạch và công tác quản lý cụ thể còn thiếu sót mà còn ở mặt rất quan trọng nữa là ở chất lượng của kế hoạch chưa được tốt, từ việc nghiên cứu chủ trương, đến việc điều tra khảo sát, tính toán hiệu quả kinh tế, chuẩn bị mọi mặt v.v..

Tại sao kế hoạch kiến thiết cơ bản mấy năm nay không hoàn thành được đầy đủ về các mặt bảo đảm khối lượng, chất lượng các công trình, thời gian thi công và thời gian chuyển vào sản xuất và giá thành xây dựng? Các cơ quan nhà nước, các ngành quản lý kinh tế chúng ta cần kiểm điểm kỹ và rút ra các bài học để tăng cường chất lượng kế hoạch, và tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch và quản lý cụ thể, để chống lãng phí tham ô một cách thiết thực và nâng cao hiệu suất của vốn đầu tư kiến thiết cơ bản.

5. Trong việc xây dựng đất nước chúng ta - từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội - chúng ta cần có nguồn vốn ngoại tệ quan trọng để có thiết bị máy móc, nguyên vật liệu cần thiết. Một phần rất quan trọng của nguồn vốn ngoại tệ đó, cũng như việc cung cấp thiết bị và kỹ thuật, là nhờ ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ: những thành tích to lớn của chúng ta trong những năm qua không thể tách rời sự giúp đỡ to lớn và vô tư của các nước anh em. Một phần đáng kể nữa của nguồn vốn ngoại tệ của chúng ta là do trao đổi ngoại thương giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch ngoại tệ, kế hoạch xuất nhập khẩu có một tác dụng rất quan trọng đối với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế và kế hoạch tài chính của chúng ta. Mấy năm nay, kế hoạch xuất nhập khẩu đã được thực hiện với nhiều tiến bộ, nhưng chưa năm nào hoàn thành kế hoạch, do đó mà ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kinh tế, nhất là về kiến thiết cơ bản và sản xuất công nghiệp và ảnh hưởng đến việc chấp hành ngân sách nhà nước. Bản thân việc quản lý ngoại tệ cũng chưa chặt chẽ, chưa quán triệt tinh thần tiết kiệm, tinh thần tự lực cánh sinh, do đó mà cũng gây ra nhiều lãng phí đáng tiếc.

Chúng ta phải ra sức nâng cao chất lượng kế hoạch, cân đối mọi mặt giữa vốn trong nước và vốn ngoài nước, giữa thiết bị nhập khẩu và khối lượng và tiến độ xây lắp v.v.. Chúng ta phải ra sức phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, quán triệt tinh thần cần kiệm hơn nữa để có thêm nguồn vốn ngoại tệ, và sử dụng nguồn vốn đó một cách hợp lý nhất.

Những khuyết điểm và nhược điểm chính trên đây đã hạn chế một phần thành tích của chúng ta. Trên cơ sở kinh nghiệm đã tích lũy được, chúng ta cần ra sức khắc phục các khuyết điểm và nhược điểm đó để kịp thời phát huy khả năng to lớn của nền tài chính của chúng ta, giải đáp đầy đủ yêu cầu to lớn của nhân dân ta trong kế hoạch 5 năm này.

III- NHẬN XÉT VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 1961

1. Năm 1961 là năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Dựa trên thắng lợi của kế hoạch ba năm, chúng ta bước vào năm 1961 với nhiều thuận lợi căn bản. Dưới ánh sáng của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, nhân dân lao động miền Bắc nước ta đang vươn lên với một khí thế mới, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Từ đầu năm nay, một phong trào quần chúng rộng rãi tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm đang được nhen lên. Ngọn cờ Đại Phong đang lôi cuốn các hợp tác xã tiến lên. Gương sáng của Nhà máy cơ khí Duyên Hải đang thúc đẩy các xí nghiệp quốc doanh hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm… Phong trào quần chúng đang đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.

Tài chính nhà nước chúng ta trong năm 1961 phải giải đáp được yêu cầu to lớn của kế hoạch nhà nước năm 1961 như đã trình bày trong bản báo cáo về kế hoạch.

“Để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa, bảo đảm nhiệm vụ chính trị của kế hoạch 1961 và chuẩn bị cho kế hoạch những năm sau, nhiệm vụ tài chính nhà nước là phải ra sức khai thác mọi nhân tố tích cực, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa, tăng cường tiết kiệm để tăng nguồn thu nhập tài chính nhà nước nhằm thỏa mãn yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa, thiết thực góp phần củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất mới, bảo đảm yêu cầu củng cố quốc phòng”.

Uỷ ban chúng tôi nhất trí tán thành nhiệm vụ tài chính nhà nước 1961 do Chính phủ đã đề ra như trên.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào bảo đảm vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa - mà ưu tiên là phát triển công nghiệp nặng - đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.

Công nghiệp nặng có những yêu cầu to lớn, hợp tác xã nông nghiệp cần phải được giúp đỡ đặc biệt, nông nghiệp còn lệ thuộc vào thiên nhiên và chưa vững chắc, đời sống nhân dân tuy có cải thiện nhưng còn có nhiều thiếu thốn khó khăn. Yêu cầu tích luỹ để xây dựng cũng như yêu cầu cải thiện đời sống đều to lớn.

- Con đường tích lũy vốn của chúng ta để xây dựng đất nước là con đường cần, kiệm. Trước đây, chúng ta đã làm như vậy và đã có những thành tích. Từ nay trở đi, yêu cầu vốn ngày càng to lớn, chúng ta lại càng phải cần kiệm nhiều hơn nữa, tăng gia sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ hơn để tích lũy nhiều hơn, và tiêu dùng nhiều hơn.

Dựa trên cơ sở nhận định yêu cầu chung như vậy, chúng tôi nhất trí tán thành các phương hướng thu chi ngân sách nhà nước 1961 mà Chính phủ đã đề ra, ra sức tăng nguồn thu nhập tài chính, bảo đảm nhu cầu chi về kiến thiết kinh tế và văn hóa, dành ưu tiên thích đáng cho công nghiệp nặng, đồng thời dành thêm vốn nhà nước cho nông nghiệp và giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp. Tất nhiên là phải bảo đảm các nhu cầu khác của Nhà nước về quốc phòng.

2. Theo dự thảo ngân sách nhà nước 1961 mà Chính phủ trình Quốc hội, thì tổng số thu dự toán là 1.690 triệu - tăng 19,2% so với 1960 - trong đó số thu trong nước là 1.379 triệu tăng 19,4% so với năm 1960.

Tổng số chi dự toán là 1.890 triệu - tăng 19,8% so với 1960, trong đó phần tổng dự bị phí là 53 triệu 8 tức 3,2% ngân sách.

Tốc độ tăng thu chi ngân sách nhà nước như vậy xấp xỉ 20% một tốc độ cao. Bảo đảm được tốc độ như vậy chính là nhờ dựa vào nền kinh tế quốc dân phát triển nhanh - Năm 1961, tổng sản lượng công nông nghiệp dự tính sẽ tăng 28,8% so với 1960, trong đó công nghiệp quốc doanh sẽ tăng 41,9%.

Khối lượng hàng hóa luân chuyển trong nước sẽ tăng 35,4% so với 1960: mức hàng hóa bán lẻ trong thương nghiệp xã hội sẽ tăng 12,6%, trong đó phần thương nghiệp quốc doanh sẽ tăng 24,7%.

Thu nhập quốc dân sơ bộ ước tính sẽ tăng khoảng trên 24%.

3. Sau đây là ý kiến của Uỷ ban chúng tôi về các chỉ tiêu thu trong dự thảo ngân sách 1961.

a) Thu về xí nghiệp - sự nghiệp là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước chúng ta.

Năm 1961, dự thu 948 triệu tăng 17,9% so với 1960. Các ngành kinh tế quốc doanh, nhờ tăng sản lượng và hạ giá thành mà đã tăng tích lũy cho Nhà nước.

Sau đây là tình hình tăng thu so với 1960 của một số ngành chủ yếu:

Bộ Công nghiệp nặng tăng                                           54,5% so với 1960

Bộ Công nghiệp nhẹ tăng                                             60%     

Ngành điện lực (Bộ Thủy lợi - Điện lực) tăng              42,8%    

Tổng cục Lâm nghiệp tăng                                            23,6%    

Tổng cục Thủy sản tăng                                                 175%     

Bộ Nông trường QD                                                      329%     

Bộ Kiến trúc tăng                                                           81,4%    

Bộ Giao thông bưu điện tăng                                       36,6%    

Bộ Nội thương tăng                                                        26% sau khi đã loại trừ các yếu tố không thể so sánh được.

Bộ Ngoại thương tăng                                                   3,9%.

Nhờ dựa vào tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, tiết kiệm mọi mặt, mà tổng số giá thành và phí lưu thông hạ được dự tính là gần 55 triệu. Đó là nguồn tăng thêm tích lũy cho Nhà nước để đẩy mạnh tốc độ kiến thiết chủ nghĩa xã hội.

Số thu xí nghiệp và sự nghiệp dự tính là căn cứ vào các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước. Nhưng rõ ràng là khả năng thực tế để tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm còn nhiều hơn nữa.

 Phong trào thi đua mạnh mẽ của công nhân viên trong các xí nghiệp quốc doanh trong những tháng đầu năm 1961 - đã nói rõ rằng khả năng tiềm tàng của kinh tế quốc doanh còn rất to lớn, các định mức chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tiên tiến của 1960 đang lần lượt bị phá vỡ và vượt rất xa.

Cho nên các cơ quan quản lý kinh tế nhà nước cần dựa vào phong trào thi đua sôi nổi của quần chúng mà tính toán thêm, xây dựng các kế hoạch của các xí nghiệp một cách tích cực hơn về các mặt sản lượng, năng suất lao động, giá thành và thu nhập tài chính. Tất nhiên là chúng ta phải quan tâm và có biện pháp giải quyết các khó khăn trong sản xuất, đặc biệt bảo đảm cân đối về nguyên vật liệu, về tiêu thụ, về vốn, v.v., cho các xí nghiệp.

Do đó mà số thu xí nghiệp và sự nghiệp đã ghi trong ngân sách phải coi là những con số tối thiểu - và phải quyết tâm thực hiện vượt mức đối với tất cả các ngành, đối với tất cả các xí nghiệp.

b) Thu về thuế: số thuế dự thu tăng 19% so với năm 1960 (thuế công thương nghiệp tăng 22,2%, thuế nông nghiệp tăng 9,8%).

Thuế công thương nghiệp tăng - chủ yếu là thuế thu vào các quốc doanh - mà cũng là dựa vào sản lượng công nông nghiệp được tăng lên và lưu thông hàng hóa được mở rộng.

Thuế nông nghiệp vẫn giữ nguyên chế độ thuế hiện hành, nhưng tăng thu được là vì dự kiến năm 1961 sẽ phải miễn giảm ít hơn 1960 là năm mất mùa và cũng vì một số diện tích khai hoang được miễn thuế từ mấy năm nay qua 1961 sẽ đến hạn nộp thuế nông nghiệp.

Với số thu thuế nông nghiệp ghi trong ngân sách nhà nước 1961, dự tính bằng 6% giá trị tổng sản lượng trồng trọt của nông dân. Mức thu thuế nông nghiệp như vậy trong tình hình hiện nay của chúng ta là thỏa đáng.

c) Trong tổng số thu trong nước của chúng ta thì đến 69,1% là thu ở thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Phần thu của kinh tế cá thể và tư doanh chỉ còn rất ít.

Trong số thu của kinh tế xã hội chủ nghĩa, thì phần thu ở kinh tế quốc doanh chiếm 82,3% tổng số thu trong nước.

Biến chuyển của nguồn thu nhập tài chính nhà nước trong 1961 lại nói lên tài chính của chúng ta ngày nay đã dựa vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Do những biến đổi sâu sắc trong nền kinh tế quốc dân, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã mở rộng ra hầu hết nền kinh tế quốc dân, khu vực kinh tế quốc doanh chiếm ưu thế tuyệt đối, nên chế độ thu của Nhà nước cũng cần phải cải tiến cho thích hợp.

Trước đây trong khi còn nhiều thành phần kinh tế, chế độ thuế khóa của ta phải có tác động thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa lại phải phù hợp với hoạt động kinh tế rất phức tạp của nền kinh tế có nhiều thành phần.

Đến nay thì chúng ta có điều kiện cải tiến chế độ thu cho thích hợp với điều kiện kinh tế mới, chế độ thu của Nhà nước cần bớt khâu thu đi và phát huy tác dụng thúc đẩy sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ, vừa bảo đảm nguồn thu nhà nước, vừa củng cố hạch toán kinh tế, củng cố chế độ tiết kiệm.

Trên tinh thần đó, Uỷ ban chúng tôi đã xét dự kiến của Chính phủ về thay đổi chế độ thu và chế độ thuế hiện hành.

Đối với thu ở khu vực quốc doanh và công tư hợp doanh:

 Ở khu vực quốc doanh, từ trước đến nay vẫn áp dụng hai hình thức thu: thuế công doanh và lợi nhuận xí nghiệp, mà phần chủ yếu là thu dưới hình thức lợi nhuận xí nghiệp. Bản chất của cả hai hình thức thu này đều là thu nhập thuần túy của xã hội do quần chúng công nông sáng tạo ra trong các ngành sản xuất vật chất. Cho nên mặc dầu mang tên “là thuế” hoặc là “lợi nhuận xí nghiệp”, thực chất đây là sản phẩm thặng dư của nhân dân lao động sáng tạo cho xã hội.

Đến nay, sau cải tạo xã hội chủ nghĩa, cần phải thay đổi bằng hình thức “thu quốc doanh” để tập trung đại bộ phận số thu nhập thuần túy của xã hội về cho Nhà nước và chỉ dành một phần tương đối nhỏ dưới hình thức “lợi nhuận xí nghiệp”. Làm như vậy sẽ khuyến khích các xí nghiệp phát triển sản xuất, hạch toán kinh tế tốt, sẽ tập trung thu ở khâu sản xuất và do đó mà số thu tài chính được ổn định và nhanh chóng, đồng thời phản ánh đúng đắn hơn nguồn thu tài chính chủ yếu là ở các ngành làm ra của cải vật chất, chứ không phải là ở ngành thương nghiệp như hiện nay. Đối với các xí nghiệp công tư hợp doanh cũng áp dụng chế độ thu mới này.

Uỷ ban chúng tôi tán thành chủ trương này của Chính phủ và lưu ý Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng hoạt động kinh tế của từng ngành, từng xí nghiệp để có chế độ và biện pháp thu cho thích đáng.

Chế độ thu quốc doanh giảm bớt đi nhiều khâu thu, nhưng lại phải phát huy hơn nữa chức năng giám đốc bằng đồng tiền của chế độ thu tài chính đối với toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối sản phẩm xã hội.

- Đối với thuế nông nghiệp:

Quan hệ sản xuất ở nông thôn đang biến đổi từ hợp tác xã quy mô nhỏ và hình thức thấp sang hợp tác xã quy mô to và hình thức cao, cần nghiên cứu chế độ thu một phần thu nhập thuần túy của xã hội sáng tạo ra trong các hợp tác xã nông nghiệp để vừa bảo đảm tích lũy cho Nhà nước, tích lũy cho hợp tác xã và phân phối cho xã viên. Trong năm 1961, tình hình sản xuất nông nghiệp còn đang gặp khó khăn: hợp tác xã mới được xây dựng, phần lớn đang còn ở quy mô nhỏ và bậc thấp, đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn, do ảnh hưởng mất mùa của năm 1960, cho nên trong khi chờ đợi có chế độ thu mới chúng tôi đồng ý với chủ trương của Chính phủ tiếp tục áp dụng chế độ thuế hiện hành theo sản lượng đã ổn định để tính thuế nông nghiệp.

- Đối với số chênh lệch ngoại thương: là số chênh lệch giữa hệ thống giá cả trong nước và giá cả quốc tế - cần quản lý chặt chẽ hơn như chủ trương của Chính phủ đã đề ra.

d) Đối với số thu ngoài nước: năm nay chúng ta cũng tiếp tục được các nước anh em giúp đỡ. Số thu này tăng 42,7% so với 1960, phù hợp với yêu cầu tăng cường nhập thiết bị máy móc và nguyên vật liệu của năm đầu kế hoạch 5 năm.

Cần đặc biệt chú trọng sử dụng vốn ngoại tệ cho chặt chẽ, chỉ nên nhập khẩu những thứ gì trong nước không sản xuất được, cần bảo đảm thực hiện kế hoạch nhập khẩu cho ăn khớp với tiến độ sử dụng trong nước.

4. Ý kiến về các chỉ tiêu chi của Dự thảo ngân sách 1961:

Như trên đã trình bày, phương hướng phân phối vốn ngân sách nhà nước 1961, nhằm bảo đảm yêu cầu của việc bước đầu công nghiệp hóa, dành ưu tiên cho công nghiệp nặng, yêu cầu của việc giúp đỡ nông nghiệp và các hợp tác xã và các yêu cầu khác của Nhà nước và nhân dân.

Theo phương hướng đó, số chi ngân sách nhà nước được phân phối như sau:

- Chi về kiến thiết kinh tế: 60,2% tăng 14% so 1960

- Chi về văn hóa xã hội: 11,4% tăng 20% so 1960

- Chi về quốc phòng và quản lý hành chính: 20,1%

Như vậy vốn của Nhà nước vẫn được tập trung sử dụng để xây dựng kinh tế và văn hóa (71,6%), tỷ trọng chi về quốc phòng và hành chính tiếp tục giảm so với 1960.

Số chi về xây dựng cơ bản tăng 13,4% so với 1960 và chiếm 50% ngân sách. Trong số vốn dành để xây dựng cơ bản, công nghiệp chiếm 38% (trong đó gần 80% dành cho công nghiệp nặng), nông lâm nghiệp chiếm 12,6%, tăng 64,1% so với 1960, thủy lợi chiếm 8,3%, tăng 73,4% so với 1960. Như vậy là vừa bảo đảm vốn cho công nghiệp, vừa giúp thêm vốn cho nông nghiệp.

Nhà nước vẫn tiếp tục mở rộng xây dựng cơ bản về văn hóa xã hội (tăng 37,9% so 1960) và về nhà ở (tăng 72% so 1960), đồng thời theo phương châm song song phát triển công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương - nên số vốn dành cho kiến thiết cơ bản ở địa phương 1961 đã tăng 29,3% so 1960.

Uỷ ban chúng tôi tán thành các chỉ tiêu phân phối vốn ngân sách nhà nước 1961 như đã trình bày trên.

Tuy nhiên các căn cứ của kế hoạch xây dựng cơ bản còn chưa đầy đủ, nội dung khối lượng xây dựng cơ bản và giá cả dùng để tính số vốn đầu tư chưa chính xác, nên việc xem xét hiệu quả của kinh tế của số vốn đầu tư đối với từng ngành, cũng như trong nội bộ mỗi ngành cần được Chính phủ chú ý. Chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ trong khi chỉ đạo thực hiện kế hoạch nên xem xét kỹ lưỡng nội dung khối lượng mỗi công trình, việc sắp xếp các hạng mức công trình và xác định giá xây dựng nhằm làm sao dùng số vốn ít nhất mà làm được nhiều việc.

Chúng tôi yêu cầu các ngành có xây dựng cơ bản phải dựa vào phát động quần chúng thi đua mà cải tiến quản lý để trong mỗi ngành, mỗi đơn vị kiến thiết cơ bản phải bảo đảm hạ giá xây dựng và hạ giá dự toán cho Nhà nước. Tỷ lệ này hạ được bao nhiêu, yêu cầu Chính phủ sẽ xem xét kỹ và quy định cho mỗi ngành.   

Chúng tôi tán thành những chủ trương của Chính phủ tăng cường quản lý kiến thiết cơ bản, chỉ đạo và động viên các ngành hoàn thành nhiệm vụ kiến thiết cơ bản về các mặt khối lượng, chất lượng, thời gian hoàn thành, thời gian chuyển vào sản xuất hoặc sử dụng và hạ giá xây dựng.

Đối với chỉ tiêu về vốn lưu động, Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ giải quyết tình trạng ứ đọng vật tư hiện nay trong một số xí nghiệp quan trọng, ra sức tăng cường tốc độ luân chuyển vốn lưu động, đồng thời chăm lo tăng cường lực lượng dự trữ vật tư của Nhà nước.

Đối với chỉ tiêu về sự nghiệp: cần đặc biệt nâng cao chất lượng công tác sự nghiệp, hướng vào phục vụ sản xuất tốt hơn nữa, cần tiến hành công tác sự nghiệp theo đúng phương châm cần kiệm và cần tăng cường quản lý mọi sự nghiệp. Trong phạm vi khả năng ngân sách nhà nước có hạn, dành một tỷ lệ chi về sự nghiệp văn xã như trong dự thảo ngân sách 1961 là thỏa đáng. Một số sự nghiệp thiết thực phục vụ lợi ích trực tiếp của nhân dân như trường mẫu giáo, trường phổ thông, y tế xã v.v., cần phải tiếp tục dựa một phần vào nhân dân mà phát triển, nhưng Nhà nước phải chú ý bảo đảm việc đào tạo và cung cấp cán bộ cho tốt, hướng dẫn quản lý và nâng cao chất lượng của các sự nghiệp này.

Về sự nghiệp giáo dục, cần chú ý nhiều hơn đến việc trang bị cần thiết cho việc học tập và về y tế cần chú ý thêm nhà thương cho trẻ em thêm giường bệnh.

Đối với chỉ tiêu về hành chính, cần đặc biệt nghiên cứu vấn đề quy định biên chế của các cơ quan nhà nước, các cơ quan sự nghiệp, các xí nghiệp và đơn vị kinh doanh.

Uỷ ban chúng tôi nhận thấy số người thoát ly sản xuất trong các tổ chức cơ quan và xí nghiệp còn quá đông và chưa được thống nhất quản lý trong bộ máy nhà nước. Uỷ ban chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề to lớn, phức tạp, không phải chỉ đơn thuần là vấn đề chi tiêu tài chính, mà còn có ảnh hưởng đến mọi mặt công tác, nên chúng tôi thấy cần đặt ra một tổ chức thống nhất quản lý vấn đề biên chế nhân viên từ Trung ương đến xã, bao gồm tất cả các ngành hành chính, sự nghiệp, xí nghiệp v.v..

5. Ngân sách địa phương

Ngân sách địa phương năm 1961 sẽ tăng 20,8% so với 1960 trong khi ngân sách nhà nước tăng 19,8%.

Như vậy là số chi của ngân sách địa phương chiếm gần 20% số thu trong nước.

Trên tinh thần sắp xếp công việc của cả nước một cách hợp lý, bảo đảm các trọng điểm kiến thiết của cả nước, đồng thời bảo đảm nhu cầu phát triển của các địa phương, trong đó có chú ý đúng mức đến các vùng miền núi, việc phân phối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong điều kiện hiện nay như vậy là thỏa đáng. Chúng ta quan niệm đây là một chế độ phân công giữa Trung ương và địa phương để cùng nhau phụ trách công việc chung của cả nước.

Uỷ ban chúng tôi nhận thấy cần thiết phải đề cao hơn nữa vai trò của các Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và khu tự trị trong việc quản lý tài chính địa phương, theo đúng như tinh thần những điều quy định của Hiến pháp.

Uỷ ban chúng tôi cũng đồng ý với chủ trương của Chính phủ tiến tới thành lập ở xã một cấp tài chính, có thu chi riêng, do Hội đồng nhân dân xã quản lý.

IV- Ý KIẾN VỀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
 NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 1961

Thưa Chủ tịch Đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Ngân sách nhà nước 1961 có một nhiệm vụ quan trọng bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước 1961, năm đầu của kế hoạch 5 năm.

Các chỉ tiêu của ngân sách nhà nước 1961 tương đối đều khẩn trương, về thu cũng như về chi. Tất cả các ngành các cấp cần ra sức cố gắng phát huy mọi nhân tố tích cực đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm để tăng thu và tiết kiệm chi cho ngân sách, tạo thêm những nguồn dự trữ mới, đáp ứng mọi yêu cầu mới của cách mạng.

Uỷ ban chúng tôi tán thành các chủ trương và biện pháp của Chính phủ đã đề ra để bảo đảm thực hiện ngân sách nhà nước 1961.

Chúng tôi thấy cần thiết nhấn mạnh thêm ba vấn đề:

1. Cần tăng cường lãnh đạo công tác tài chính từ Trung ương đến mỗi ngành, mỗi cấp mỗi đơn vị cơ quan và xí nghiệp. Phải gắn liền việc lãnh đạo quản lý tài chính với việc lãnh đạo kinh tế và lãnh đạo công tác. Thủ trưởng các ngành các cấp, các đơn vị phải chịu trách nhiệm quản lý tài chính trong phạm vi mình phụ trách.

Lãnh đạo phải nắm công cụ tài chính để giám đốc mọi hoạt động trong đơn vị, trong ngành, trong địa phương và phát huy hiệu lực của tài chính phục vụ sản xuất, phục vụ nhân dân.

Phải ra sức nâng cao trình độ tính toán tỉ mỉ và toàn diện trong mọi hoạt động của Nhà nước và của các hợp tác xã, khắc phục bệnh lãnh đạo chung chung đồng thời phải khắc phục quan điểm kinh doanh đơn thuần, tài chính đơn thuần.

2. Cần phát động quần chúng tham gia quản lý tài chính nhà nước, quản lý tài chính các cơ quan, các xí nghiệp, các hợp tác xã. Quần chúng vừa sản xuất vừa tính sổ để tự mình ra sức ngày càng sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Chỉ có trên cơ sở quần chúng tự giác tham gia quản lý tài chính, thì mới đẩy mạnh được phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thiết thực chống tham ô lãng phí. Trong các đơn vị kinh doanh, phải mở rộng và nâng cao hạch toán kinh tế xuống các phân xưởng, các cửa hàng, hướng hạch toán kinh tế đi vào quần chúng, trong các tổ sản xuất. Trong các cơ quan phải dựa vào quần chúng mà đề cao và chấp hành tốt kỷ luật tài chính.

3. Cần phải nâng cao hiệu lực của hệ thống tài chính nhà nước, bao gồm cả tài chính và ngân hàng, kể cả tài chính của các xí nghiệp, các hợp tác xã.

Phải ra sức đào tạo cán bộ kế toán và tài vụ cho các ngành kinh tế - kể cả cho các hợp tác xã, phải nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, tăng cường các tổ chức kế toán và tài vụ ở tất cả các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã.

Phải cải tiến các chế độ nào đang gò bó sản xuất, gò bó sáng kiến và tính chủ động của quần chúng và đơn vị cấp dưới, đồng thời phải tiếp tục xây dựng các chế độ mới cần thiết để đưa việc quản lý vào nền nếp.

Phải phát huy hiệu lực giám đốc qua đồng tiền của hệ thống tài chính và ngân hàng, để thúc đẩy các hoạt động kinh tế ngày càng nhanh, nhiều, tốt, rẻ.

Phải tăng cường kiểm tra tài chính ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị. Kiểm tra có tính chất chuyên nghiệp kết hợp với kiểm tra của quần chúng.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.