BÁO CÁO THẨM TRA CỦA UỶ BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI VỀ
DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
VÀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 15/CTTW ngày 20 tháng 11 năm 1992 về vấn đề này. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, Quốc hội đã ra Nghị quyết trong đó đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh và tăng cường cuộc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương triển khai cuộc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu, coi đây là nhiệm vụ cấp bách trong chương trình hành động của mình.
Để đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu, đòi hỏi phải có các biện pháp tổng hợp, đồng bộ. Một trong những biện pháp đó là cần khẩn trương rà soát các văn bản về pháp luật kinh tế, hành chính, hình sự, v.v. để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, góp phần phục vụ cho cuộc đấu tranh này. Với tinh thần đó, Ủy ban pháp luật ủng hộ đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự làm căn cứ pháp lý cho việc xử lý nghiêm minh đối với các tội phạm thuộc loại tham nhũng và buôn lậu.
Theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác chỉnh lý hai Dự án Luật do Bộ Tư pháp chuẩn bị theo sự phân công của Chính phủ.
Trong hai ngày 4 và 5 tháng 12 năm 1992, Ủy ban pháp luật đã họp phiên toàn thể để thẩm tra hai Dự án Luật này. Tham gia phiên họp của Ủy ban có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn luật sư Hà Nội, Ủy ban pháp luật đã nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp được Chính phủ ủy nhiệm trình bày về hai Dự án Luật.
Thay mặt Ủy ban pháp luật chúng tôi xin trình bày ý kiến của Ủy ban về hai Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
I- VỀ BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi 20 điều, bổ sung 2 điều mới vào Bộ luật hình sự hiện hành. Về cơ bản Ủy ban pháp luật đồng ý với những quy định của hai Dự án luật và cách đặt vấn đề của Chính phủ là lần này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều trực tiếp góp phần vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu, còn các quy định khác cần tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị để có thể trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung toàn diện vào một thời gian thích hợp. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại phiên họp đối với một số vấn đề các thành viên ủy ban cũng còn có ý kiến khác nhau chúng tôi xin trình trước Quốc hội.
1. Phần chung của Bộ luật hình sự:
a) Về đoạn 1 Điều 23 về phạt tiền:
Luật hiện hành quy định phạt tiền được áp dụng đối với người phạm các tội có tính chất vụ lợi, nay Dự án Luật bổ sung thêm: “Các tội thuộc tham nhũng”. Đa số ý kiến Ủy ban pháp luật cho rằng việc bổ sung này là không cần thiết, vì việc phạt tiền đối với các loại tội này đã được bao hàm trong nội dung quy định của điều luật hiện hành.
b) Về án treo: khoản 1 Điều 44 Luật hiện hành quy định “khi xử phạt tù không quá năm năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm tới năm năm”. Nay đề nghị án treo chỉ áp dụng đối với những người bị phạt tù với mức án không quá ba năm và có đủ các điều kiện khác mà điều luật hiện hành đã quy định. Về điều này, trong quá trình xây dựng Dự án Luật và thẩm tra Dự án còn có những ý kiến khác nhau.
Có ý kiến đề nghị bỏ quy định Điều 44 về án treo vì trên thực tế việc áp dụng quy định này của Luật hiện hành còn nhiều tùy tiện và không có tác dụng giáo dục cải tạo đối với người bị phạt tù, đồng thời cũng không khác gì mấy hình phạt cải tạo không giam giữ.
Ý kiến khác thấy cần giữ nguyên quy định Điều 44 của Luật hiện hành, vì cho rằng, tình trạng nhiều Tòa án ở các địa phương áp dụng cho hưởng án treo một cách tùy tiện, tràn lan là do việc áp dụng pháp luật không đúng chứ không phải do quy định của Điều luật này. Vấn đề này có thể khắc phục bằng cách tăng cường hướng dẫn áp dụng pháp luật cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan có trách nhiệm.
Đa số thành viên Ủy ban pháp luật nhất trí với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều luật này.
Ủy ban pháp luật cho rằng, việc bỏ ngay quy định về án treo còn rất nhiều quan điểm khác nhau, nếu bỏ điều này và thay thế bằng hình phạt cải tạo không giam giữ, thì phải sửa rất nhiều điều, khoản trong Bộ luật hình sự hiện hành, như vậy sẽ không phù hợp với chủ trương về việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự lần này nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu. Quy định án treo vẫn cần thiết để áp dụng đối với người phạm tội mà khi xét về mặt nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ thấy không cần phải bắt họ chấp hành hình phạt tù. Song giữ Điều luật này như Luật hiện hành, thì có thể dẫn đến tình trạng áp dụng án treo tràn lan, không đáp ứng được tình hình mới hiện nay.
Sau khi thảo luận và xem xét mọi ý kiến, chúng tôi thấy việc giữ quy định án treo là cần thiết, đồng thời để khắc phục việc áp dụng Điều luật này một cách tùy tiện thì cần hạn chế diện đối tượng cho hưởng án treo. Do vậy, việc sửa đổi chỉ cho hưởng án treo đối với những người bị phạt tù với mức án không quá ba năm và có đủ các điều kiện khác mà điều luật hiện hành đã quy định là hợp lý.
2. Về phần các tội phạm của Bộ luật hình sự:
Ủy ban pháp luật tán thành quy định của Dự án luật về các vấn đề sau đây:
- Tăng mức hình phạt đối với các tội về tham nhũng và buôn lậu tại các điều: buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 97), tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 139), tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả (Điều 167), tội trốn thuế (Điều 169), tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 174), tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 221), tội giả mạo trong công tác (Điều 224), tội nhận hối lộ (Điều 226).
- Sửa đổi quy định có thể áp dụng phạt tiền bằng quy định bắt buộc áp dụng hình phạt bổ sung đó đối với một số tội, đặc biệt là loại tội tham nhũng, buôn lậu.
- Sửa đổi quy định có thể phạt tù hoặc phạt tiền, cải tạo không giam giữ bằng quy định bắt buộc áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính, còn phạt tiền là hình phạt bổ sung và bỏ cải tạo không giam giữ là hình phạt chính đối với các tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 97), tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 139), tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 174), tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220) và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 221).
- Sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của tội cố ý làm trái (Điều 174) và tình tiết tăng nặng đối với các tội: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 134), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 135), tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 174), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 221), tội giả mạo trong công tác (Điều 224), tội nhận hối lộ (Điều 226), tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ (Điều 227), tội che giấu tội phạm (Điều 246) và tội không tố giác tội phạm (Điều 247).
Dưới đây Ủy ban pháp luật xin trình bày rõ thêm về một số vấn đề:
- Về Điều 97: Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Luật hiện hành quy định hình phạt chính là phạt tiền hoặc phạt tù, nay để trừng trị nghiêm khắc hơn đối với loại tội này Dự án quy định hình phạt chính nhất thiết phải là phạt tù, còn phạt tiền là hình phạt bổ sung cũng được sửa đổi thành hình phạt bắt buộc quy định tại Điều 100; đồng thời tăng khung hình phạt cao nhất từ chung thân lên tử hình. Chúng tôi thấy việc sửa đổi như vậy là cần thiết.
- Về Điều 174: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật hiện hành quy định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mới bị xử về tội này. Dự án sửa đổi bỏ yếu tố “vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” vì những người có chức vụ, quyền hạn mà đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, thì không cần xét đến động cơ vẫn phải coi là tội phạm, còn nếu lại có động cơ vụ lợi hoặc cá nhân khác, thì phải coi đó là tình tiết tăng nặng. Do đó, Dự án Luật quy định bổ sung thêm một khung hình phạt (khung 3), đồng thời tăng mức hình phạt tại khung 1 và khung 2; mức hình phạt tối đa của tội này được nâng từ mười hai năm lên hai mươi năm. Mặt khác để bảo đảm việc tuy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số người về tội này được chính xác và có căn cứ rõ ràng, Ủy ban cũng đồng ý với Dự án Luật thay các chữ “nguyên tắc, chính sách, chế độ của Nhà nước” bằng các chữ “các quy định của Nhà nước” trong Điều luật này. Ủy ban pháp luật nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều này của Dự án luật.
- Về Điều 226a và Điều 227a:
Ủy ban pháp luật cho rằng, tệ đưa và nhận quà cáp có giá trị lớn và thường được lấy ra từ công quỹ nhà nước là một tệ nạn khá phổ biến làm thất thoát lớn đến tài sản của Nhà nước và làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, gây bất bình trong nhân dân đối với bộ máy nhà nước. Việc đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn này là một yêu cầu cấp bách và hợp lòng dân. Tuy nhiên, để xử lý vấn đề này phải có nhiều biện pháp tổng hợp như: hành chính, kinh tế, giáo dục, trường hợp cần thiết, thì cũng cần xử lý hình sự. Đa số thành viên Ủy ban pháp luật cho rằng, trong tình hình hiện nay, trước mắt cần xử lý bằng biện pháp hành chính, quy định vấn đề này trong Quy chế công chức nhà nước hoặc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Việc quy định biện pháp hình sự cần phải được cân nhắc thận trọng.
Theo quy định của Dự án Luật về hai tội danh này, thì bất cứ người nào do vị trí công tác hoặc có chức vụ, quyền hạn mà nhận quà biếu đều bị coi là phạm tội. Ủy ban pháp luật cho rằng, quy định như vậy là chưa thỏa đáng, chưa thật phù hợp với thực tế và khó đạt được mục đích quy định các tội danh này nhằm trừng trị bọn tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm vơ vét của công dưới hình thức nhận và đưa quà biếu. Mặt khác, việc phân biệt giữa hai tội này với tội nhận hối lộ và đưa hối lộ chưa thật rõ, trong khi đó tệ hối lộ hiện nay được thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, nếu quy định tội danh về “nhận - đưa quà biếu có giá trị lớn” không chặt chẽ, thì sẽ tạo sơ hở cho những người có thẩm quyền xử lý có thể lợi dụng chuyển từ tội nhận hối lộ với hình phạt nặng (thậm chí tới tử hình) sang tội nhận - đưa quà biếu có giá trị lớn với hình phạt nhẹ hơn. Như vậy, một mặt nào đó lại có thể hạn chế việc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu. Mặt khác, đối với việc dùng công quỹ nhà nước để đem đi biếu xén là hành vi cố ý làm trái đã quy định tại Điều 174 của Bộ luật hình sự. Do đó, Ủy ban pháp luật nhận thấy nếu nhất thiết cần phải bổ sung ngay hai tội danh này vào Bộ luật hình sự trong lần sửa đổi, bổ sung này, thì cần được Quốc hội thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể và giao cho các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra nghiên cứu, chỉnh lý trình Quốc hội.
II- VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Ủy ban pháp luật cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự lần này chỉ nên tập trung vào một số vấn đề thực sự cần thiết, bức xúc để bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án được kịp thời, góp phần trực tiếp vào việc tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu. Với tinh thần đó, về cơ bản Ủy ban pháp luật nhất trí với những nội dung mà Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong Dự án Luật cũng còn một số vấn đề cần được cân nhắc thận trọng. Ủy ban pháp luật xin trình bày và đề nghị Quốc hội xem xét:
1. Về vấn đề dẫn giải người làm chứng:
Đa số thành viên Ủy ban pháp luật tán thành việc bổ sung vào khoản 3 Điều 43 quy định có thể dẫn giải người làm chứng trong trường hợp người đó đã được cơ quan có thẩm quyền triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng. Quy định như vậy là cần thiết nhằm xử lý đối với những trường hợp mà người làm chứng cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, trong Ủy ban cũng có một số thành viên còn băn khoăn về vấn đề này. Các thành viên của Ủy ban pháp luật cho rằng, nếu sửa đổi quy định này như Dự án thì Nhà nước ta cần có các quy định, biện pháp hữu hiệu về việc bảo đảm an toàn và quyền lợi vật chất của người làm chứng khi họ thực hiện nghĩa vụ của mình. Mặt khác, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để tránh tùy tiện trong việc áp dụng quy định này.
2. Về việc sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 63 về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
Ngoài những người có quyền bắt người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, Dự án luật đề nghị bổ sung thêm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, các cơ quan khác của lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có quyền đó.
Nhiều thành viên Ủy ban pháp luật đồng ý với quy định này vì thấy rằng, việc quy định thêm như vậy là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan đó kịp thời ngăn chặn việc thực hiện tội phạm, nhất là đối với các tội buôn lậu và tham nhũng. Nếu quy định này được Quốc hội chấp nhận cho sửa đổi, bổ sung thì cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động này của các cơ quan Điều tra. Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban pháp luật đề nghị cần cân nhắc kỹ vấn đề này. Bắt người là một việc hệ trọng, liên quan trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự của công dân. Do đó, trước mắt chưa nên mở rộng diện những người có quyền quyết định bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Thực tế cho thấy, việc để lọt người phạm tội là do nhiều nguyên nhân, một phần là do các cơ quan Điều tra chưa phối hợp chặt chẽ trong khi tiến hành hoạt động điều tra, mà không phải chỉ do quy định của pháp luật về vấn đề này. Mặt khác, việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp có những điểm đặc thù khác với việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam, do đó, phải được những người có chuyên môn, nghiệp vụ nhất định, thuộc cơ quan chuyên môn đảm nhiệm, nhằm hạn chế tối đa những trường hợp bắt oan người vô tội.
3. Về việc tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm (Điều 105):
Luật hiện hành quy định “khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra, thì cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan cấp quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can. Trong thời hạn 7 ngày các cơ quan này phải trả lời cho cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát,…”. Trong thực tiễn, khi thực hiện quy định này không ít các cơ quan quản lý đã không thực hiện kiến nghị, thậm chí không trả lời cho các cơ quan Điều tra, Kiểm sát. Vì vậy, đa số thành viên Ủy ban pháp luật đồng ý với đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn cuối của Điều này như sau: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, yêu cầu các cơ quan này phải ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ của bị can và thông báo cho cơ quan đã yêu cầu biết”. Quy định như vậy nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý những người thuộc quyền quản lý của mình khi họ đã bị khởi tố mà việc họ tiếp tục giữ chức vụ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra.
Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban pháp luật chưa hoàn toàn nhất trí với việc sửa đổi này vì tạm đình chỉ chức vụ là việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý. Nếu cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát yêu cầu và cơ quan quản lý buộc phải thực hiện yêu cầu đó thì sự phân biệt thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước sẽ không rõ ràng. Hơn nữa, đây mới chỉ là giai đoạn khởi tố. Nếu bị can bắt buộc bị tạm đình chỉ chức vụ mà sau đó lại kết luận là họ không có tội thì việc giải quyết hậu quả sẽ rất khó khăn. Do đó, cần phải chú ý đến thẩm quyền của cơ quan quản lý người bị khởi tố trong việc tạm đình chỉ chức vụ của người đó.
4. Về vấn đề bắt giam bị cáo sau khi tuyên án:
Điều 202 của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành gồm 2 đoạn. Đoạn 1 khẳng định nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự là trong trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị phạt tù thì họ chỉ bị bắt giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Đoạn 2 quy định cho phép Tòa án có thể quyết định bắt giam ngay bị cáo nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án.
Ban soạn thảo Dự án Luật cho rằng quy định trên đây là một sơ hở dẫn đến việc một số bị cáo bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác thi hành án, do đó đã đề nghị sửa đổi Điều luật này như sau: “Nếu bị cáo không bị tạm giam nhưng bị phạt tù thì Tòa án có quyền quyết định bắt giam ngay sau khi tuyên án, trừ các trường hợp quy định tại Điều 231 của Bộ luật tố tụng hình sự”.
Một số thành viên Ủy ban pháp luật tán thành quy định sửa đổi đó để ngăn chặn những trường hợp bị cáo bỏ trốn gây khó khăn cho việc xét xử phúc thẩm hoặc thi hành án.
Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban pháp luật cho rằng đề nghị sửa đổi như Dự án Luật là chưa thật hợp lý, vì đây là phiên tòa sơ thẩm, bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Do đó, nếu bắt giam bị cáo mà sau này khi xét xử phúc thẩm, người đó không bị phạt tù giam hoặc không có tội thì việc giải quyết hậu quả của việc bắt giam sẽ rất phức tạp.
Trên thực tế, theo báo cáo công tác năm 1992 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình trước Quốc hội tại kỳ họp này thì cho đến nay trong số 4.728 người bị kết án phạt tù giam nhưng chưa chấp hành hình phạt thì có 645 người do Tòa án chưa ra lệnh bắt thi hành án, có 2.924 người do cơ quan Công an chưa bắt và 1.139 người trốn chưa bắt được. Như vậy thì nguyên nhân chủ yếu của tình trạng người bị kết án tù giam mà không thi hành án không phải chỉ do Điều luật này quy định không chặt chẽ, mà còn do nhiều nguyên nhân khác.
Mặt khác, theo quy định tại đoạn 2 Điều này thì Tòa án đã có thể ra lệnh bắt giam bị cáo ngay sau khi tuyên án sơ thẩm nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn, do đó, gây khó khăn cho việc xét xử phúc thẩm hoặc thi hành án.
Với những lập luận và tình hình trên đây, Ủy ban pháp luật cho rằng việc sửa đổi Điều luật này như Dự án cần được cân nhắc thận trọng và toàn diện.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự. Xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.
ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
Chủ nhiệm
HÀ MẠNH TRÍ
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội