BÁO CÁO CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ
(Do ông Mai Thúc Lân, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách
của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX, ngày 16-6-1993)
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Dự thảo Luật dầu khí đã được nghiên cứu, soạn thảo từ năm 1989 và Quốc hội khóa VIII giao cho Ủy ban pháp luật thẩm tra. Nay Quốc hội khóa IX và Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban kinh tế và ngân sách tiếp tục thẩm tra Dự án Luật này.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, tháng 02 năm 1993 Thường trực Ủy ban kinh tế và ngân sách đã nghe đại diện của Ban dự thảo báo cáo sơ bộ về Dự án Luật dầu khí. Để có thêm cơ sở thực tế thẩm tra Dự án Luật này, đầu tháng 02 năm 1993, chúng tôi đã nghe Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam báo cáo về tình hình thăm dò, khai thác dầu khí; về hợp tác liên doanh dầu khí với nước ngoài và triển vọng dầu khí Việt Nam; tháng 3 năm 1993, Ủy ban chúng tôi lại tổ chức một đoàn công tác đi tìm hiểu tình hình thực tế ở xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Xô và một số cơ sở dịch vụ dầu khí ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban để thẩm tra lần đầu Dự án Luật dầu khí.
Tại các phiên họp tháng 4 và tháng 5 năm 1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Ban soạn thảo trình bày và Thường trực Ủy ban chúng tôi đã báo cáo một số ý kiến về Dự án Luật dầu khí để Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tiếp thụ các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của các thành viên Ủy ban, Thường trực Ủy ban đã nhiều lần cùng ban Dự thảo chỉnh lý lại Dự luật để trình Quốc hội.
Trước kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa IX, ngày 27-5-1993, Ủy ban chúng tôi đã họp phiên toàn thể có đại diện Ủy ban pháp luật, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội tham dự để thẩm tra lần cuối Dự án Luật dầu khí.
Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra lần cuối Dự luật này, Ủy ban chúng tôi xin trình Quốc hội một số ý kiến sau:
I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT DẦU KHÍ
Dầu khí là tài nguyên chiến lược quan trọng của đất nước do Nhà nước độc quyền quản lý và khai thác. Để tạo điều kiện cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển toàn diện và vững chắc, thật sự là ngành mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân, tạo nguồn thu ngày càng lớn và quan trọng cho ngân sách nhà nước, đồng thời, thúc đẩy nâng cao trách nhiệm việc bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này, bảo đảm quyền lợi tối đa cho quốc gia và khuyến khích đầu tư nước ngoài nhằm phát triển nền kinh tế quốc dân và mở rộng hợp tác với nước ngoài. Vì những lý do cơ bản trên, Ủy ban chúng tôi thấy việc ban hành Luật dầu khí là rất cần thiết.
Dự án Luật dầu khí đã được Ban soạn thảo của Chính phủ biên soạn nhiều lần, đã lấy ý kiến đóng góp của các ngành có liên quan về dầu khí. Dự thảo trình Quốc hội lần này đã thể hiện được các nguyên tắc cơ bản về quản lý thăm dò và khai thác dầu khí; xác định rõ tài nguyên dầu khí thuộc sở hữu toàn dân, thái độ của Nhà nước Việt Nam trong việc khuyến khích, bảo hộ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.
II- VỀ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA DỰ THẢO LUẬT
1. Về tên Dự án Luật:
Theo tờ trình của Chính phủ, tên của Dự án Luật là “Luật dầu khí”. Tên Luật này bao hàm nội dung tất cả các khâu trong quá trình hoạt động dầu khí (từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến… đến tiêu thụ sản phẩm), nhưng đi vào các điều, khoản cụ thể của Dự án Luật này thì chỉ điều chỉnh một phạm vi nhất định là thăm dò và khai thác. Một số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi đề nghị nên lấy tên Luật là: “Luật thăm dò và khai thác dầu khí”; còn các khâu khác của hoạt động dầu khí sẽ có Luật riêng hoặc được điều chỉnh trong các luật khác. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị cứ để nguyên tên Luật là “Luật dầu khí” như Tờ trình của Chính phủ. Tên này vừa có thể mở rộng được phạm vi điều tiết của Luật trong tương lai, sau này nếu ta tiến đến có hoạt động chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm dầu khí thì sẽ bổ sung vào Luật.
2. Về đối tượng điều chỉnh của Luật:
Ủy ban chúng tôi tán thành đối tượng điều chỉnh của Luật bao gồm các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đều được phép tiến hành các hoạt động dầu khí; nhưng cũng cần lưu ý các đối tượng này phải có điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật Việt Nam (chẳng hạn có địa vị pháp lý, có khả năng vốn và điều kiện phương tiện kỹ thuật, có giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh… do Nhà nước Việt Nam cấp).
3. Về quyền tiến hành các hoạt động dầu khí của Tổng công ty Dầu khí quốc gia Việt Nam:
Có ý kiến đề nghị không nên đưa khoản quy định về Tổng công ty vào Luật vì nó là một tổ chức sản xuất - kinh doanh chịu rủi ro như các đơn vị sản xuất - kinh doanh khác và nếu đưa vào Luật thì không rõ trong tương lai Chính phủ có thành lập thêm Tổng công ty nào khác làm nhiệm vụ này nữa không? Tại Điều 4 của Dự thảo Luật còn quy định: “Mọi hoạt động dầu khí của các tổ chức, cá nhân khác chỉ được tiến hành trên cơ sở hợp đồng dầu khí ký kết với Tổng công ty Dầu khí quốc gia Việt Nam”. Quy định như vậy sẽ mang tính độc quyền không phù hợp với cơ chế thị trường. Ý kiến của đại diện Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị nên bỏ từ “quốc gia” mà chỉ gọi tên là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam với lý do là Tổng công ty Dầu khí hiện nay chưa đủ tầm là một đơn vị kinh tế quốc gia và cũng chỉ là một doanh nghiệp nhà nước như các doanh nghiệp nhà nước khác.
Qua quá trình nghiên cứu, xem xét với đặc thù công nghiệp dầu khí do Nhà nước độc quyền quản lý và khai thác; hơn nữa, thực tại Nhà nước chỉ giao cho Tổng công ty Dầu khí quốc gia Việt Nam là đầu mối đảm nhiệm chức năng thay mặt Nhà nước ký kết các hợp đồng dầu khí. Vì vậy, Ủy ban chúng tôi đề nghị vẫn giữ như Dự thảo; tuy nhiên đây vẫn là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đề nghị Quốc hội xem xét.
4. Về hoạt động dầu khí:
Một số ý kiến nhấn mạnh cần quy định rõ hơn về các biện pháp bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, chế độ bảo hiểm cho người và các công trình dầu khí… Ủy ban chúng tôi thấy trong Dự án Luật đã có các điều quy định về vấn đề này. Việc quy định chi tiết cần được cụ thể hóa trong nghị định của Chính phủ.
5. Về hợp đồng dầu khí:
Có ý kiến đề nghị cần đưa cụ thể các điều, khoản cơ bản của hợp đồng; cách thức và thủ tục hợp đồng; điều kiện được gia hạn hợp đồng; thời gian hợp đồng; các hình thức hợp đồng; giải quyết tranh chấp khi thực hiện hợp đồng, v.v.. Ban dự thảo đã tiếp thụ các ý kiến này và đã thể hiện trong Dự án Luật trình Quốc hội.
Về thẩm quyền chuẩn y, chuyển nhượng hợp đồng, Ủy ban chúng tôi tán thành việc chuẩn y hợp đồng thuộc Chính phủ Việt Nam như quy định tại Điều 22 và 23 của Dự luật là thỏa đáng.
6. Về thuế và lệ phí:
- Về thuế tài nguyên, Dự án Luật quy định thuế suất thuế tài nguyên được ấn định từ 6% đến 25% đối với dầu thô và từ 0% đến 10% đối với khí thiên nhiên tính theo sản lượng khai thác thực tế. Có ý kiến cho rằng, thuế suất như vậy có quá cao so với mức thông dụng quốc tế và chưa khuyến khích thu hút nước ngoài đầu tư vào thăm dò, tìm kiếm và khai thác dầu khí ở Việt Nam và đề nghị chỉ nên định khung đến 12% là vừa phải. Xuất phát từ quan điểm bảo vệ lợi ích kinh tế tối đa cho Nhà nước mà được các bên tham gia ký kết hợp đồng chấp nhận; Ủy ban chúng tôi đề nghị vẫn giữ như Dự thảo để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế của từng mỏ mà định thuế suất cụ thể trong đấu thầu, ký hợp đồng dầu khí.
- Về thuế lợi tức, có ý kiến đề nghị Chính phủ nên giải trình các hợp đồng đã ký kết từ trước đến nay và tham khảo kinh nghiệm các nước để quy định cho phù hợp, tránh thiệt thòi cho ta và bảo đảm hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài. Có ý kiến chỉ nên lấy mức thuế suất của Luật thuế lợi tức trong nước và cũng cần có chính sách miễn giảm như quy định trong Luật thuế lợi tức đối với các trường hợp cơ sở sản xuất của Việt Nam. Ủy ban chúng tôi thấy rằng, đối với thuế tài nguyên đã có khung thì thuế lợi tức ở mức 50% là vừa phải và hợp lý. Tuy nhiên, đối với các nhà thầu phụ Việt Nam có thể có thuế suất ưu tiên hơn để tạo điều kiện cho các cơ sở dịch vụ của Việt Nam vươn lên cạnh tranh với các nhà thầu phụ nước ngoài.
- Về quản lý thu thuế đối với nhà thầu phụ nước ngoài, có ý kiến nêu cần có quy định biện pháp cụ thể bắt buộc họ khi tiến hành sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam là phải có giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh mới có căn cứ tính thuế và thu thuế được. Vấn đề đặt ra là rất cần thiết, nhưng trong thực tế các nhà thầu phụ nước ngoài quan hệ trực tiếp với nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu từng công việc cụ thể; tiến hành trong một thời gian nhất định rồi rút về nước nên ta rất khó khăn quản lý, nhất là việc tính toán thu thuế lợi tức. Vì vậy, đề nghị ghi như Dự luật để có cơ sở cụ thể hóa ở văn bản dưới luật và quản lý thuế thông qua nhà thầu.
7. Về quản lý nhà nước các hoạt động dầu khí:
Đây là vấn đề được nhiều ý kiến trong Ủy ban chúng tôi cũng như đại diện Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đề cập. Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội lần này đã có một khoản trong Điều 39 quy định: “Hội đồng dầu khí quốc gia do Chính phủ Việt Nam thành lập giúp Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về các hoạt động dầu khí”.
Thành lập tổ chức này là cần thiết, vì việc quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí có nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực cần có một tập thể các Bộ trưởng liên quan và các chuyên gia giỏi tham gia giúp Chính phủ quyết định và điều hành. Tuy nhiên, khoản này cần viết lại cho phù hợp với Luật tổ chức Chính phủ: “Thành lập Hội đồng Dầu khí quốc gia do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, có nhiệm vụ giúp Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về các hoạt động Dầu khí”. Đồng thời, cần quy định cụ thể thành phần và chế độ làm việc của Hội đồng Dầu khí quốc gia; mối quan hệ giữa Hội đồng Dầu khí quốc gia với Tổng công ty Dầu khí quốc gia Việt Nam. Mặt khác, đa số ý kiến của Ủy ban chúng tôi cũng như của đại diện Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng, việc thành lập Hội đồng Dầu khí quốc gia là cần thiết nhưng Hội đồng chỉ có nhiệm vụ tư vấn, không có thực quyền. Vì vậy, đề nghị Nhà nước nên thành lập một cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về dầu khí (Ủy ban Dầu khí hoặc Bộ Dầu khí hoặc Tổng cục Dầu khí) vì có như vậy thì việc quản lý nhà nước mới thực hiện được. Vấn đề này xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.
8. Về thanh tra các hoạt động dầu khí:
Dự luật trình Quốc hội kỳ này đã quy định rõ thanh tra các hoạt động dầu khí là thanh tra chuyên ngành. Nhưng có nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hệ thống tổ chức thanh tra vì quy định như trong Dự thảo thì nhiệm vụ của thanh tra rất rộng. Mặt khác, cần quy định thành phần của thanh tra và thẩm quyền xử lý của thanh tra, và tổ chức thanh tra này phải do Chính phủ thành lập và chịu sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng nếu không có cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về hoạt động dầu khí. Còn trong trường hợp có cơ quan quản lý nhà nước được thành lập như đã nêu ở điểm trên, thì chính cơ quan đó sẽ trực tiếp tổ chức thanh tra.
9. Về xử lý vi phạm:
Một số ý kiến cho rằng Chương này viết còn đơn giản, chưa quy định rõ từng hành vi vi phạm để xử lý; cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng. Hầu hết các ý kiến đề nghị bỏ mức phạt cụ thể 100.000 USD mà chỉ quy định chung là phạt tiền theo mức độ vi phạm và cần có điều khoản xử lý về vi phạm môi trường riêng vì đây là vấn đề rất quan trọng.
Chúng tôi thấy không cần ghi mức phạt tiền cụ thể tương đương 100.000 USD; các vấn đề khác đã được thể hiện tại các điều 40, 42 của Dự án Luật về các nguyên tắc chung, còn giao cho Chính phủ sẽ cụ thể hóa trong nghị định và các văn bản dưới luật.
10. Một số ý kiến khác liên quan đến Dự án Luật dầu khí như về an ninh - quốc phòng; bảo vệ hải đảo, lãnh thổ…; việc giải quyết các khu vực chồng lấn giữa các nước… các vấn đề này là hết sức phức tạp sẽ phải được thể hiện trong các Luật về biên giới, Luật biển…; mặt khác chúng tôi lưu ý Chính phủ trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật này và các văn bản liên quan khác cần chú ý cách giải quyết các mối quan hệ này, vừa bảo đảm thực hiện được đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, bảo đảm giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; vừa bảo đảm quyền lợi tối đa cho quốc gia và khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, điều về giải thích từ ngữ cần sắp xếp lại và viết rõ hơn.
Kính thưa Quốc hội,
Dự Luật dầu khí là một Dự luật chuyên ngành đã được soạn thảo cách đây hơn hai năm, đã thu thập nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước của các Bộ, ngành liên quan, có tham khảo luật về dầu khí ở các nước trong khu vực và đã qua thẩm tra và chỉnh lý nhiều lần.
Để bảo đảm việc quản lý theo pháp luật một ngành kinh tế quan trọng của nước ta, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động dầu khí đang trong quá trình sôi động, Ủy ban kinh tế và ngân sách xin báo cáo với Quốc hội những ý kiến thẩm tra của chúng tôi và nhất trí đề nghị Quốc hội xem xét cho ý kiến để hoàn chỉnh Dự luật và thông qua trong kỳ họp này.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội