QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và Luật tổ chức Quốc hội;
Quy chế này quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Hội đồng dân tộc là cơ quan của Quốc hội, do Quốc hội thành lập. Số thành viên của Hội đồng do Quốc hội định.
Hội đồng dân tộc có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách.
Điều 2
Hội đồng dân tộc có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Thẩm tra các dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác liên quan đến vấn đề dân tộc;
2. Giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và việc thực hiện ngân sách trong lĩnh vực này;
3. Kiến nghị với Quốc hội những vấn đề thuộc chính sách dân tộc, về phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số;
4. Trình ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trình dự án luật, dự án pháp lệnh và dự án khác có liên quan đến vấn đề dân tộc và miền núi, theo sáng kiến của mình ra trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;
5. Tham gia ý kiến vào các quyết định của Chính phủ về chính sách dân tộc trước khi văn bản được ban hành;
6. Kiến nghị việc bổ sung, thay đổi thành viên của Hội đồng dân tộc.
Điều 3
Hội đồng dân tộc tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Khi Hội đồng dân tộc quyết định vấn đề thuộc về một dân tộc mà đại biểu dân tộc đó không tán thành thì Hội đồng báo cáo xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp thật cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong trường hợp Hội đồng dân tộc bàn quyết định vấn đề thuộc về một dân tộc mà dân tộc đó không có đại diện trong Hội đồng dân tộc, thì phải tham khảo ý kiến của đại diện dân tộc đó trước khi quyết định.
Điều 4
Hội đồng dân tộc chịu trách nhiệm và báo cáo hoạt động của mình trước Quốc hội; trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo hoạt động trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban.
Điều 5
Cơ quan và viên chức nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội đồng dân tộc thực hiện nhiệm vụ.
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
Điều 6
Quốc hội bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Hội đồng dân tộc trong số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội. Khi cần thiết, Quốc hội có thể bầu bổ sung hoặc thay đổi thành viên của Hội đồng dân tộc.
Điều 7
Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số Ủy viên được Hội đồng dân tộc cử hợp thành Thường trực Hội đồng.
Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ dự kiến chương trình hoạt động hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, cả năm trình Hội đồng xem xét, quyết định; tổ chức thực hiện chương trình hoạt động và các quyết định, kết luận của Hội đồng; chuẩn bị các báo cáo, tài liệu phục vụ hoạt động của Hội đồng; giữ mối quan hệ thường xuyên với các thành viên Hội đồng; gửi báo cáo công tác, thông báo những thông tin cần thiết về hoạt động của Hội đồng cho thành viên Hội đồng; giải quyết công việc thường xuyên, đột xuất của Hội dồng và có trách nhiệm báo cáo với Hội đồng tại phiên họp gần nhất.
Điều 8
Chủ tịch Hội đồng dân tộc có nhiệm vụ điều hành công việc thường xuyên của Hội đồng; triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng và Thường trực Hội đồng; mời đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp; thay mặt Hội đồng trong quan hệ với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, với Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước khác; báo cáo hoạt động của Hội đồng với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội; tham gia các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tham gia các cuộc họp do Chủ tịch Quốc hội triệu tập bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tham gia các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc.
Điều 9
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện nhiệm vụ và được giao phụ trách một số công tác của Hội đồng; trong số các Phó Chủ tịch có một Phó Chủ tịch được Hội đồng cử làm Phó Chủ tịch thường trực. Khi Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch điều hành công việc của Hội đồng.
Điều 10
Ủy viên Hội đồng dân tộc có trách nhiệm tham gia hoạt động của Hội đồng; thực hiện nhiệm vụ công tác được Hội đồng giao; giữ mối liên hệ thường xuyên với Hội đồng, tham gia góp ý và gửi báo cáo về vấn đề Hội đồng yêu cầu và Ủy viên quan tâm.
Thường trực Hội đồng có trách nhiệm tạo điều kiện cho các Uỷ viên của Hội đồng hoạt động.
Điều 11
Hội đồng dân tộc thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng. Trưởng Tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng, các thành viên khác có thể không là thành viên Hội đồng hoặc không là đại biểu Quốc hội. Số thành viên và chế độ làm việc của Tiểu ban do Hội đồng quy định.
Kết quả nghiên cứu của Tiểu ban được trình bày với Hội đồng.
Điều 12
Hội đồng dân tộc có thể mời đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, chuyên gia tham gia hoạt động của Hội đồng và các Tiểu ban của Hội đồng. Các cơ quan, tổ chức này phải tạo điều kiện thuận lợi cho những người được mời tham gia hoạt động của Hội đồng.
Điều 13
Chương trình hoạt động của Hội đồng dân tộc do Hội đồng quyết định, căn cứ vào Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, chương trình hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và theo sự chỉ đạo, điều hoà của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Căn cứ vào chương trình hoạt động của Hội đồng dân tộc, Hội đồng xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý, hằng năm và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban.
Điều 14
Hội đồng dân tộc tiến hành thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh, báo cáo và dự án khác sau khi cơ quan, cá nhân có quyền trình dự án, báo cáo gửi văn bản trình đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Việc thẩm tra được tiến hành theo trình tự sau đây:
- Cơ quan, cá nhân trình dự án trình bày về dự án báo cáo, giải trình những vấn đề Hội đồng yêu cầu;
- Đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan phát biểu ý kiến;
- Hội đồng thảo luận;
- Chủ tọa phiên họp kết luận.
Báo cáo thẩm tra của Hội đồng được gửi đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo thời hạn do pháp luật quy định.
Điều 15
Để chuẩn bị cho việc thẩm tra, Hội đồng dân tộc có thể cử thành viên tham gia nghiên cứu dự án, báo cáo; yêu cầu cơ quan soạn thảo trình bày những vấn đề liên quan đến dự án, báo cáo; tổ chức họp lấy ý kiến của chuyên gia và đi khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, cơ sở về những nội dung liên quan đến dự án, báo cáo.
Điều 16
Sau khi có kết luận của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội về các dự án, Hội đồng dân tộc được giao phối hợp với các cơ quan hữu quan để chỉnh lý dự án trước khi trình Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 17
Khi tiến hành xem xét, thẩm tra báo cáo, dự án thuộc lĩnh vực của mình, Hội đồng dân tộc có thể tham khảo ý kiến các Ủy ban của Quốc hội.
Nếu Hội đồng thấy vấn đề giao cho mình xem xét, thẩm tra không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà thuộc Ủy ban của Quốc hội hoặc cần phát biểu ý kiến đối với vấn đề do Ủy ban xem xét, thì Hội đồng có quyền kiến nghị vấn đề đó với Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Điều 18
Hội đồng dân tộc có quyền yêu cầu các thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và những viên chức nhà nước hữu quan cung cấp tài liệu hoặc đến trình bày những vấn đề mà Hội đồng xem xét, thẩm tra. Người nhận được yêu cầu của Hội đồng dân tộc phải đáp ứng yêu cầu đó.
Điều 19
Hội đồng dân tộc thực hiện quyền giám sát theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Hội đồng thông báo trước nội dung và kế hoạch giám sát cho các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương nơi Hội đồng tiến hành giám sát. Hội đồng yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát cung cấp tài liệu, báo cáo về vấn đề thuộc nội dung giám sát và thu thập các tài liệu khác có liên quan.
Hội đồng tổ chức nghiên cứu, xem xét và kết luận vấn đề được giám sát. Trong quá trình thực hiện giám sát, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, Hội đồng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt việc vi phạm đó, đồng thời kiến nghị cơ quan có trách nhiệm giải quyết và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Kết quả giám sát và kiến nghị của Hội đồng được báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội và thông báo cho các cơ quan hữu quan.
Điều 20
Khi cần tiến hành nghiên cứu, xem xét các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng dân tộc thành lập Đoàn công tác do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng Đoàn. Đoàn công tác có thể gồm một số thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các chuyên gia được Hội đồng mời tham gia.
Trưởng Đoàn tổ chức thực hiện các hoạt động của Đoàn, chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả công tác của Đoàn với Quốc hội.
Điều 21
Khi cần thiết, Hội đồng dân tộc cử thành viên của mình đến cơ quan, tổ chức hữu quan để xem xét vấn đề mà hội đồng quan tâm. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để thành viên của Hội đồng thực hiện nhiệm vụ.
Điều 22
Kết quả hoạt động thẩm tra, giám sát của Hội đồng dân tộc được trình bày trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng hình thức thuyết trình, báo cáo hoặc ý kiến phát biểu.
Thuyết trình, báo cáo hoặc ý kiến phát biểu phải nêu những vấn đề được nhất trí, không nhất trí hoặc còn có ý kiến khác nhau để Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được uỷ quyền thay mặt Hội đồng trình bày thuyết trình, báo cáo, ý kiến phát biểu trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 23
Hội đồng dân tộc có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Ủy ban thường vụ Quốc hội; đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra dự án luật, pháp lệnh hay vấn đề quan trọng khác ra lấy ý kiến nhân dân; đề nghị đưa vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 24
Hội đồng dân tộc thực hiện quan hệ đối ngoại với tổ chức hữu quan của Quốc hội các nước, với tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần tăng cường quan hệ và hợp tác quốc tế theo chính sách đối ngoại của Nhà nước.
Chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của Hội đồng dân tộc do Hội đồng đề xuất. Văn phòng Quốc hội tổng hợp dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban và trao đổi thống nhất ý kiến với Ủy ban đối ngoại của Quốc hội để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Hội đồng có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại với Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 25
Hội đồng dân tộc xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo được gửi đến Hội đồng thuộc lĩnh vực Hội đồng phụ trách và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Cơ quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản cho Hội đồng về kết quả giải quyết. Trong trường hợp không nhất trí với kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đó của cơ quan có thẩm quyền, thì Hội đồng có quyền kiến nghị biện pháp giải quyết với Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 26
Phiên họp của Hội đồng dân tộc có thể được tiến hành trong thời gian kỳ họp Quốc hội hoặc giữa hai kỳ họp Quốc hội.
Các thành viên của Hội đồng có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng; trong trường hợp không tham dự được phải báo cáo lý do với Chủ tịch Hội đồng.
Biên bản và hồ sơ của phiên họp được lập và lưu trữ theo quy định của Nhà nước.
Điều 27
Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội có quyền tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và phát biểu ý kiến.
Hội đồng dân tộc có thể mời đại biểu Quốc hội không là thành viên của Hội đồng, đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các chuyên gia tham dự phiên họp của Hội đồng và phát biểu ý kiến.
Điều 28
Hoạt động của Hội đồng dân tộc có thể được phát tin, đăng báo.
CHƯƠNG III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
Điều 29
Tại kỳ họp giữa năm và cuối năm của Quốc hội, Hội đồng dân tộc gửi báo cáo công tác của mình đến đại biểu Quốc hội. Báo cáo công tác của Hội đồng được Quốc hội xem xét, thảo luận khi cần thiết.
Tại kỳ họp cuối của mỗi khoá Quốc hội, Hội đồng gửi báo cáo tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ của mình đến đại biểu Quốc hội.
Điều 30
Trong hoạt động của mình, Hội đồng dân tộc chịu sự chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Hội đồng có trách nhiệm gửi báo cáo công tác hằng tháng, hằng quý, sáu tháng và cả năm đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Hội đồng có trách nhiệm cử thành viên tham gia đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu.
Điều 31
Khi xem xét, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh hoặc vấn đề khác có liên quan đến các Ủy ban của Quốc hội thì Hội đồng dân tộc có trách nhiệm phối hợp xem xét, kiểm tra.
Khi được giao trách nhiệm chủ trì thẩm tra, Hội đồng dân tộc phải chịu trách nhiệm chính trong việc tiến hành thẩm tra; mời đại diện Ủy ban hữu quan tham dự các phiên họp thẩm tra; chịu trách nhiệm báo cáo về những vấn đề nhất trí, không nhất trí, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Khi được giao trách nhiệm tham gia thẩm tra, Hội đồng dân tộc có thể gửi ý kiến của mình cho Ủy ban chủ trì. Trong trường hợp không nhất trí với báo cáo của Ủy ban chủ trì hoặc cần bổ sung thêm ý kiến của mình, Hội đồng dân tộc có thể có báo cáo riêng.
Điều 32
Hội đồng dân tộc có quyền kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng. Người nhận được kiến nghị có trách nhiệm xem xét và trả lời trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị. Quá thời hạn này mà người nhận được kiến nghị không trả lời hoặc trong trường hợp Hội đồng không tán thành với nội dung trả lời, thì Hội đồng có quyền kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trả lời tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.
Điều 33
Hội đồng dân tộc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước, viên chức nhà nước và động viên nhân dân các dân tộc thiểu số thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức thăm hỏi, uý lạo, tọa đàm với các nhân sĩ, trí thức người dân tộc thiểu số, các già làng, động viên, giúp đỡ các vùng đồng bào dân tộc có nhiều khó khăn.
Điều 34
Khi tiến hành các hoạt động thực tế tại địa phương, Hội đồng dân tộc có trách nhiệm thông báo cho Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biết để phối hợp hoạt động.
Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc.
CHƯƠNG IV
BỘ MÁY GIÚP VIỆC VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
Điều 35
1. Hội đồng dân tộc của Quốc hội có một Vụ chuyên môn phục vụ hoạt động của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng dân tộc chỉ đạo về công tác chuyên môn nghiệp vụ và phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo các mặt công tác khác.
Vụ chuyên môn có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Hội đồng;
- Giúp Chủ tịch Hội đồng dân tộc giữ mối liên hệ với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các cơ quan có liên quan;
- Phối hợp với các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội để tổ chức phục vụ hoạt động của Hội đồng.
2. Các đơn vị khác của Văn phòng Quốc hội phục vụ hoạt động của Hội đồng dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Điều 36
Trên cơ sở dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Hội đồng dân tộc, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định kinh phí dành cho hoạt động của Hội đồng trong tổng số ngân sách hoạt động của Quốc hội.
Việc sử dụng kinh phí hoạt động của Hội đồng dân tộc do Hội đồng quyết định theo quy định về chế độ tài chính của Nhà nước và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
CHƯƠNG V
HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 37
Quy chế này thay thế Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990.
Quy chế này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 07 tháng 7 năm 1993.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
NÔNG ĐỨC MẠNH
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội