DIỄN VĂN BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA IX
CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NÔNG ĐỨC MẠNH, NGÀY 14-7-1993
Kính thưa đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Kính thưa đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Chí Công, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Kính thưa đồng chí Lê Đức Anh, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Kính thưa đồng chí Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa các vị khách quý,
Sau một tháng làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri cả nước, Quốc hội đã tập trung sức lực và trí tuệ, làm việc dân chủ và đã hoàn thành tốt đẹp chương trình kỳ họp thứ 3.
Tại kỳ họp này, nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 1992, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quốc hội đã dành nhiều thời gian để xem xét, thông qua các đạo luật quan trọng mà nhân dân cả nước đang hết sức quan tâm và mong đợi. Đó là: Luật đất đai; Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp; các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế: doanh thu, lợi tức, tiêu thụ đặc biệt, xuất khẩu, nhập khẩu; Luật dầu khí; Luật xuất bản. Quốc hội cũng đã thảo luận và cho ý kiến về các dự án Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật phá sản doanh nghiệp, Luật về thẩm quyền và trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm chuẩn bị trước một bước cho việc xem xét và thông qua các văn bản pháp luật này vào kỳ họp tới.
Việc ban hành các văn bản pháp luật lần này là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực: thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí; thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển, đáp ứng nhu cầu văn hóa, thông tin, động viên mạnh mẽ sức sáng tạo của quần chúng; sửa đổi một số bất hợp lý trong các thuế hiện hành nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và bảo đảm nguồn thu ngân sách…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích sử dụng và phát triển quỹ đất có hiệu quả, thực hiện công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, Luật đất đai đã quy định việc giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân. Người sử dụng đất được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế và thế chấp quyền sử dụng đất theo luật định. Luật còn quy định về mức đất dự trữ, hạn điền, đất ở… Đây là những nội dung quan trọng, khẳng định bước tiến mới về chế độ quản lý, sử dụng đất đai, về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Cùng với Luật đất đai, việc ban hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp đã thể hiện tinh thần vừa "khoan sức dân", vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư trở lại cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hai văn bản pháp luật này đã góp phần thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về "Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn".
Cũng tại kỳ họp này, nhằm từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng thiết thực, có hiệu quả cao, Quốc hội đã thảo luận và thông qua các quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Sau khi xem xét tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 trong 6 tháng cuối năm.
Với việc thông qua 8 luật, 4 quy chế và thảo luận, cho ý kiến về 3 dự án luật, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa IX đánh dấu bước tiến mới của Quốc hội trong công tác lập pháp, có được một số kinh nghiệm quý báu về quy trình xem xét, thông qua một văn bản pháp luật, mở ra triển vọng và tạo tiền đề cho việc hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 như Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 2 đã đề ra, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nhà nước "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Một yêu cầu bức thiết hiện nay là phải tạo ra trong nhân dân ta thói quen "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Song, lâu nay, không ít văn bản luật chậm được thi hành hoặc thi hành chưa nghiêm chỉnh. Để khắc phục tình trạng đó, sau khi Luật đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần có các văn bản hướng dẫn kịp thời việc thi hành; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong nhân dân; tăng cường vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo đảm để pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành đất nước bằng pháp luật.
Về phần mình, mỗi vị đại biểu Quốc hội chúng ta phải tự mình chấp hành và tích cực vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát chặt chẽ việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, thực sự góp phần làm cho các văn bản pháp luật sớm đi vào cuộc sống.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Quốc hội đã xem xét báo cáo của Chính phủ, nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1993, trong 6 tháng đầu năm; nghe một số thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước, Quốc hội vui mừng trước những chuyển biến tương đối toàn diện của đất nước: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và lưu thông tiếp tục phát triển khá; công tác quản lý, điều hành tài chính - tiền tệ có bước tiến mới, góp phần ổn định dần nền kinh tế; hoạt động kinh tế đối ngoại được mở rộng; các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, y tế, xã hội được tăng cường chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và đã có những chuyển biến rõ nét trên một số mặt; an ninh quốc phòng được giữ vững trước những diễn biến phức tạp mới từ bên ngoài và hoạt động phá hoại, gây rối ở bên trong.
Những thành tựu và tiến bộ trong thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực vượt bậc của toàn dân và toàn quân ta, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự tiến bộ trong công tác điều hành của Chính phủ và các ngành, các cấp, sự cộng tác chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Quốc hội nhiệt liệt biểu dương đồng bào cả nước đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ năm 1993 trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh những tiến bộ đạt được, chúng ta còn có nhiều mặt yếu kém phải khắc phục và nhiều khó khăn to lớn phải vượt qua; đó là: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, công nghiệp và thị trường; tình hình tài chính - tiền tệ còn những nhân tố chưa vững chắc; những tiến bộ về giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội, chưa đủ để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ và rộng khắp; hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu còn thấp; tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.
Quốc hội lưu ý Chính phủ cần sớm có những biện pháp thiết thực để tiếp tục tăng nhịp độ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu; cải thiện tình hình tài chính - tiền tệ, khắc phục những nhân tố gây mất ổn định và cản trở sự phát triển; thực hành tiết kiệm để đầu tư phát triển; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện tốt cải cách tiền lương; từng bước cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu; đồng thời xúc tiến công cuộc cải cách hành chính, v.v. nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 1993, tạo đà cho sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo.
Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh và ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri cả nước. Những kiến nghị của cử tri thể hiện tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao đối với công cuộc đổi mới của đất nước, đối với những vấn đề bức xúc đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống của nhân dân; thể hiện sự tin tưởng của cử tri đối với cơ quan đại diện cao nhất của mình.
Quốc hội đã thảo luận, xem xét và lưu ý Chính phủ, các cấp, các ngành nghiêm chỉnh nghiên cứu và tiếp thu các kiến nghị của cử tri. Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần coi việc tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân là việc làm thường xuyên khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, đồng thời, mong muốn cử tri cả nước tiếp tục phát huy quyền và trách nhiệm công dân, ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại 6 tháng đầu năm 1993 và phương hướng công tác đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian tới. Quốc hội đánh giá cao những hoạt động đối ngoại tích cực của Nhà nước ta trong thời gian qua; hoan nghênh kết quả tốt đẹp của các cuộc đi thăm một số nước của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, đã mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thiết thực vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới và khu vực vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Quốc hội quan tâm đến tình hình phức tạp và căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới.
Về vấn đề Campuchia, Quốc hội khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước ta là nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pari, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhân dân Campuchia, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân Campuchia, mong muốn các phái Campuchia đi vào hòa hợp, hòa giải dân tộc, xây dựng một nước Campuchia hòa bình, trung lập, không liên kết, có quan hệ hữu nghị với các nước.
Trong 6 tháng cuối năm, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, phục vụ thiết thực việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đồng thời, tích cực đóng góp vào công cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thành công của kỳ họp Quốc hội lần này là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và sự đóng góp tích cực của nhân dân, các ngành, các cấp trong cả nước. Đó còn là kết quả của tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, với ý thức trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội; sự đóng góp có hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí và các tổ chức khác trong việc phục vụ kỳ họp. Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sự đóng góp quý báu đó.
Trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thứ 3 hết sức nặng nề. Trên cơ sở thực hiện các quy định tại Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội và các Quy chế khác vừa được Quốc hội thông qua, cần thực hiện tốt các quyết định của Quốc hội tại kỳ họp này, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước. Trách nhiệm đó đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta tiếp tục gắn bó chặt chẽ với nhân dân, báo cáo kịp thời các quyết định của Quốc hội với cử tri, động viên toàn dân nghiêm chỉnh và hăng hái thi hành các nghị quyết của Quốc hội, đồng thời thực hiện thật tốt quyền giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan nhà nước, giữ vững kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tự mình gương mẫu chấp hành pháp luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cương vị mình đảm nhiệm.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ở nước ngoài đồng tâm nhất trí, đề cao ý thức tự lực, tự cường, ra sức tiết kiệm để đầu tư phát triển, phát huy chủ động, sáng tạo, nắm vững thời cơ, khai thác thuận lợi vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp "dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh", quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 1993, tạo đà phát triển mạnh mẽ và vững chắc trong những năm tới.
Trong niềm phấn khởi và tin tưởng, tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IX.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội