VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993


THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ NĂM 1993, ĐÁNH GIÁ BA NĂM 1991 - 1993
VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 1994 - 1995 VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI
VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1994

(Do ông Mai Thúc Lân, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX, ngày 07-12-1993)

 

Để chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã làm việc với nhiều Bộ (Năng lượng, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Công nghiệp nhẹ, Xây dựng, Ủy ban Nhà nước  về hợp tác và đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế…); cử các đoàn của Ủy ban đi một số tỉnh miền núi phía Bắc, Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên để nắm tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 1993 và phương hướng nhiệm vụ năm 1994 về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ngày 26 - 27/10, Thường trực Ủy ban đã họp có các đồng chí cộng tác viên dự và từ ngày 01 - 03-11-1993, Ủy ban đã họp Hội nghị toàn thể tại Thành phố Hồ Chí Minh, có đại diện Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội dự để nghe các đại diện của Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 1993, đánh giá 3 năm 1991 - 1993 và phương hướng nhiệm vụ năm 1994 - 1995 về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 1994. Ngoài các cuộc họp và làm việc trên, Thường trực Ủy ban chúng tôi còn họp với đại diện, phóng viên chuyên về các vấn đề kinh tế - xã hội của một số cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để nghe ý kiến, nắm thêm dư luận xã hội về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Sau khi nghe các báo cáo của Chính phủ, Hội nghị Ủy ban chúng tôi và đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội đã thảo luận và có những ý kiến chính như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

I- VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1993 VÀ
NHẬN ĐỊNH CHUNG TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI BA NĂM: 1991 - 1993

1. Ủy ban chúng tôi cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ nhận định rằng: phát huy những chuyển biến và thành tựu đạt được năm 1991 và năm 1992, năm 1993 tiếp tục có thêm những chuyển biến và thành tựu mới. Hầu hết các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức dự kiến kế hoạch: tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt kế hoạch, tăng 7,5% so với năm 1992; quan hệ kinh tế đối ngoại có bước phát triển, thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu tăng 20%; mức lạm phát 10 tháng đầu năm chỉ 4%, ước cả năm chắc chắn sẽ dưới 10%; đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai trên quy mô lớn hơn các năm trước và tập trung hơn vào các công trình trọng điểm; lưu thông vật tư, hàng hóa tiếp tục phát triển, giá cả thị trường tương đối ổn định; lưu thông tiền tệ và hoạt động tín dụng ngân hàng có những cố gắng và tiến bộ, giá trị đồng tiền được củng cố thêm; đời sống nhân dân nhìn chung ổn định và có phần được cải thiện, trừ một số nơi gặp thiên tai và ở một số vùng còn nhiều khó khăn; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội cũng đã có những cố gắng và tiến bộ nhất định; quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững…

Nhìn lại tình hình ba năm qua (1991 - 1993), thành tựu nổi bật nhất là trong những điều kiện cực kỳ khó khăn và thử thách gay gắt, chúng ta đã đẩy lùi được nạn lạm phát phi mã, từng bước ổn định tình hình tài chính, tiền tệ; đưa nền kinh tế từng bước thoát khỏi tình trạng trì trệ và vươn lên có được tốc độ tăng trưởng khá, liên tục (GDP bình quân mỗi năm tăng trên 7%); giải quyết cơ bản vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; quan hệ kinh tế đối ngoại được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh và cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu cho kinh tế - xã hội phát triển. Nền kinh tế từ tình trạng sản xuất trong nước không bảo đảm đủ nhu cầu tiêu dùng đến nay đã đáp ứng được cho toàn xã hội (tuy còn ở mức thấp) và bước đầu đã có tích lũy. Năng lực sản xuất của một số ngành tăng thêm đáng kể. Và nổi bật nhất là vừa kiềm chế được lạm phát, vừa liên tục tăng trưởng kinh tế với tốc độ tương đối khá. Trên cơ sở đó, Ủy ban chúng tôi nhất trí với nhận định: Chúng ta đã khắc phục một bước quan trọng tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo đà cho thời kỳ phát triển và tăng trưởng trong những năm sau.

Có được những chuyển biến và thành tựu quan trọng trên, trước hết là nhờ đường lối chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, Hiến pháp năm 1992 cùng với hệ thống pháp luật và chính sách cụ thể mà Quốc hội đã ban hành, đã tạo được môi trường thuận lợi hơn cho nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường, bước đầu động viên được các nguồn lực của các thành phần kinh tế ở trong nước, thu hút thêm được vốn đầu tư của nước ngoài. Kết quả đầu tư của thời kỳ trước đã tăng thêm năng lực sản xuất của một số ngành then chốt, cũng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế mấy năm qua. Mặt khác, Chính phủ và các ngành các cấp đã có những cố gắng và tiến bộ đáng kể trong việc quản lý, điều hành nền kinh tế - xã hội trong điều kiện chuyển đổi có nhiều khó khăn.

2. Tuy nhiên, bên cạnh việc khẳng định những thành tựu đạt được, Ủy ban chúng tôi thấy rằng, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đang đứng trước những khó khăn và những tồn tại rất đáng quan tâm:

Trước hết, mặc dù bộ mặt kinh tế - xã hội hiện nay đã được cải thiện một bước, nhưng xét về trình độ phát triển thì vẫn là một nền kinh tế còn yếu kém. Giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính bình quân đầu người vẫn còn ở mức thuộc các nước thấp nhất thế giới. Kết cấu hạ tầng của nền kinh tế cũng như trang bị kỹ thuật, công nghệ của hầu hết các ngành kinh tế đều lạc hậu quá xa so với các nước chung quanh và đang là khó khăn lớn trước yêu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến đáng kể; năng suất lao động xã hội, hiệu quả kinh tế - xã hội còn rất thấp. Tài chính, tiền tệ còn mất cân đối lớn; bội chi ngân sách nhà nước mỗi năm một tăng.

Đi vào cụ thể, Ủy ban chúng tôi xin lưu ý một số điểm:

- Nông nghiệp tuy đã được phát triển một bước, nhưng cơ cấu sản xuất chưa có chuyển biến, vẫn nặng tính chất độc canh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn rất yếu kém, đáng chú ý là các công trình thủy nông hiện có đang xuống cấp, thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn, giá nông sản hạ, nông dân kém phấn khởi; các tổ chức kinh doanh nhập khẩu phân bón còn phân tán, thiếu sự điều hành quản lý cần thiết của Nhà nước; công nghiệp chế biến nông sản chưa được coi trọng phát triển đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Về lâm nghiệp, rừng tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng là một tai hại lớn cho đất nước.

- Sản xuất công nghiệp tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhưng chủ yếu dựa vào một số ngành nhờ kết quả đầu tư từ trước như điện, dầu khí, xi măng và một số sản phẩm như bia, thuốc lá, v.v. trong khi nhiều ngành đang gặp khó khăn lớn, sản xuất trì trệ, thậm chí giảm sút so với mức năm 1986 đã đạt được, chủ yếu do không được đầu tư chiều sâu, thiết bị, công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, chi phí sản xuất cao, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập.

Riêng đối với ngành Điện, Ủy ban chúng tôi xin lưu ý và đề nghị cần có kiểm tra để làm rõ vì sao kéo dài tình trạng để tỷ lệ tổn thất điện quá cao mà Nhà nước vẫn phải bù lỗ khá lớn. Mặt khác, cần xem lại mối tương quan giữa việc tạo nguồn với việc xây dựng và củng cố màng lưới phụ tải điện sao cho hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm cung cấp điện năng ổn định cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đi lên.

- Việc đổi mới cơ chế quản lý và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước tiến triển rất chậm chạp và chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Một bộ phận doanh nghiệp sau khi đăng ký lại theo Nghị định 388/HĐBT vẫn gặp khó khăn về phương hướng hoạt động và trong thực tế chỉ tồn tại một cách hình thức. Việc thanh toán nợ giai đoạn hai chậm, ít hiệu quả. Tình hình đó cho thấy cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn lúng túng. Việc thực hiện thí điểm cổ phần hóa hầu như không đưa lại kết quả. Các thành phần kinh tế khác (ngoài quốc doanh) chưa phát triển mạnh.

- Hiệu quả kinh tế của việc xuất khẩu và nhập khẩu nhiều loại hàng hóa chưa rõ; đặc biệt là tệ nạn buôn lậu phát triển mạnh, làm cho một số ngành sản xuất trong nước lâm vào cảnh tê liệt, đình đốn; công tác thông tin, dự báo thị trường tiêu thụ chưa làm tốt; việc nghiên cứu chiều hướng phát triển của thị trường trong nước cũng như ngoài nước chưa được coi trọng đúng mức để từ đó giúp cho các cơ sở, các ngành và các địa phương xác định đúng phương hướng phát triển sản xuất - kinh doanh.

- Đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước được triển khai trên quy mô ngày càng lớn và đã tập trung hơn cho các chương trình trọng điểm. Tuy nhiên, nhìn chung, quy mô và hiệu quả đầu tư của toàn xã hội trong ba năm qua còn thấp so với yêu cầu, mục tiêu phát triển; số công trình đưa vào sử dụng để tăng thêm sản phẩm xã hội trong những năm tới còn quá ít; nguồn vốn lớn trong nhân dân, trong các thành phần kinh tế chưa được huy động mạnh vào phát triển sản xuất. Riêng về đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn của Nhà nước, tình trạng tùy tiện, phân tán vẫn còn nhiều, công tác quản lý của Nhà nước còn lỏng lẻo và nhiều sơ hở từ các khâu chủ trương đầu tư, thiết kế, đấu thầu, thi công, giám sát nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo tiến độ xây dựng cũng như khi công trình hoàn thành; tình trạng lãng phí, tiêu cực gây thất thoát tài sản, tiền vốn vẫn nghiêm trọng, chất lượng nhiều công trình không bảo đảm.

- Về tỷ lệ lạm phát và chỉ số giá cả thị trường thực hiện vượt mức dự kiến đầu năm đề ra, có phần do những cố gắng điều hành của Chính phủ, nhưng mặt khác cần thấy hết những yếu tố tác động khác. Đó là: sức mua xã hội bị hạn chế (lương mới chưa thực hiện được nhiều, giá nông sản hạ nên sức mua của nông dân còn rất thấp; hàng ngoại nhập tràn vào bán với giá hạ, nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước ứ đọng không tiêu thụ được; kinh tế thế giới bị suy thoái cũng có tác động đến thị trường nước ta; một bộ phận hàng hóa và bất động sản có giá trị cao (nhà đất, xe máy,…) được thanh toán bằng đôla và vàng chứ không bằng tiền Việt Nam,…) Cần đi sâu phân tích làm rõ mặt lợi và bất lợi của hiện tượng nói trên để có giải pháp thỏa đáng nhằm thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa phát triển.

- Về các vấn đề xã hội tuy có tạo được một số tiến bộ, nhưng những khó khăn tồn tại trong các lĩnh vực này vẫn còn nhiều và việc giải quyết chưa tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Số người không có hoặc thiếu việc làm ngày càng tăng. Việc thực hiện chế độ tiền lương mới quá chậm do có những bất hợp lý mà trước đó chưa thấy hết nên khi triển khai còn lúng túng, nhiều đối tượng hưởng lương kém phấn khởi. Đời sống của một bộ phận công nhân viên chức, nông dân ở một số vùng và nhất là ở miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ tăng dân số vẫn còn cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục xuống cấp, có mặt biểu hiện không lành mạnh, đáng chú ý là có xu hướng thương mại hóa, gây bất bình trong nhân dân, nhất là trong nhân dân nghèo. Các tệ nạn xã hội tiếp tục phát triển…

- Tiết kiệm là một vấn đề mà kỳ họp Quốc hội nào cũng được nêu ra và nhấn mạnh xem như là một quốc sách, nhưng trong thực tế hầu như không được thực hiện. Tệ phô trương, tiêu xài hoang phí chủ yếu xảy ra trong các cơ quan, trong các doanh nghiệp nhà nước và đang lan ra cả xã hội, diễn ra cảnh tượng phồn vinh “giả tạo” trước mắt nhân dân lao động trung thực. Trong khi đó, tài sản nhà nước bị thất thoát lớn; tài nguyên quốc gia bị khai thác bừa bãi, môi trường sinh thái bị phá hoại nghiêm trọng. Đó là điều không thể chấp nhận được.

- Ủy ban chúng tôi đặc biệt lưu ý Quốc hội và Chính phủ là chúng ta hầu như bất lực trong việc chống tham nhũng, buôn lậu. Tệ nạn này vẫn tiếp tục phát triển và hoành hành đến mức mà nhân dân hầu như không tin là Nhà nước ta có thể chống được. Đã đến lúc không thể coi buôn lậu và tham nhũng là vấn đề kinh tế - xã hội mà tình trạng hiện nay đang trở thành một vấn đề chính trị.

- Sau cùng là tuy công tác quản lý điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành đã có những cố gắng và tiến bộ, nhưng còn nhiều biểu hiện về trật tự, kỷ cương, phép nước không nghiêm, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước còn yếu; chức năng quản lý nhà nước chưa được thực hiện tốt ở các cấp, kể cả các Bộ cũng chưa làm tốt công tác quy hoạch và quản lý nhà nước theo ngành. Phải chăng đây là một nguyên nhân đưa đến những khuyết điểm và khó khăn tồn tại như trên đã nói. Ủy ban chúng tôi xin lưu ý và đề nghị xem xét kỹ vấn đề này.

II- VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI HAI NĂM 1994 - 1995 VÀ KẾ HOẠCH
NĂM 1994

1. Năm 1994 - 1995, là hai năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 1991 - 1995. Nước ta đang đứng trước những thuận lợi và thời cơ mới, nhưng cũng lại đang đứng trước những thử thách to lớn. Vì thế nhiệm vụ của hai năm 1994 - 1995 là phải tiếp tục phát huy những thành quả của mấy năm qua, phấn đấu giữ vững ổn định để tăng trưởng kinh tế vững chắc, cải thiện thêm một bước đời sống nhân dân, đẩy lùi những nhân tố bất ổn định về kinh tế và xã hội, vượt qua thử thách; đồng thời chuẩn bị tiền đề cần thiết cho thời kỳ phát triển cao hơn từ năm 1996 - 2000.

2. Về nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch hai năm 1994 - 1995, Ủy ban chúng tôi cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ đã nêu, trong đó xin nhấn mạnh cần quán triệt trong các cấp, các ngành, trong toàn dân tinh thần cần kiệm, tự lực tự cường xây dựng đất nước, tập trung sức thực hiện cho được các mục tiêu:

- Ổn định và lành mạnh hóa kinh tế và xã hội để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và có bước tiến đáng kể về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả kinh tế của toàn bộ nền kinh tế quốc dân;

- Tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, thu hút vốn đầu tư, thiết bị công nghệ của nước ngoài và phát triển một bước mạnh hơn kinh tế xuất khẩu;

- Khai thác tối đa nguồn vốn trong nước đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó tập trung một cách có trọng điểm để cải thiện một bước kết cấu hạ tầng và một số công trình then chốt của nền kinh tế;

- Thiết lập cho được trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội; nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, tạo môi trường thuận lợi và lành mạnh cho kinh tế phát triển và thực hiện tốt các nhiệm vụ văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh và an toàn xã hội.

3. Về các chỉ tiêu chủ yếu, chúng tôi nhất trí với dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 1994 là 8% và năm 1995 là 9% (trong thảo luận, cũng có một số ý kiến nêu cần đưa tốc độ tăng trưởng lên cao hơn, nhưng sau khi cân nhắc kỹ các điều kiện và khả năng cân đối thấy rằng, phấn đấu đạt tốc độ như trên là vừa phải và cũng phải phấn đấu cao mới thực hiện được); đồng thời, kiềm chế tỷ lệ lạm phát chỉ ở mức dưới 10%, giữ ổn định giá trị đồng tiền và cải thiện một bước sức mua xã hội.

Về tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp là 4% năm 1994 và 4,2% năm 1995 cũng phải dựa trên cơ sở tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, chú trọng sớm hoàn thành tốt việc giao đất, giao rừng cho nông dân sử dụng lâu dài; tiếp thu những thành tựu mới của khoa học - kỹ thuật, có chuyển biến nhất định về cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp và phát triển một bước công nghiệp chế biến nông sản, v.v. thì mới có thể đạt được.

Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp dự kiến 11% năm 1994 và 12% năm 1995 cũng phải có một bước chuyển dịch về cơ cấu nhất định, trong đó cùng với việc tiếp tục phát triển các ngành Công nghiệp điện, khai thác dầu khí, xi măng, v.v. phải chú trọng phát triển mạnh hơn các ngành Công nghiệp chế biến, phải tăng cường mạnh đầu tư, nhất là đầu tư chiều sâu để đổi mới nhanh thiết bị, công nghệ…, các ngành này để vươn lên một bước cạnh tranh với hàng ngoại nhập và tăng xuất khẩu. Ngược lại, sẽ khó nói đến tốc độ tăng trưởng như trên.

4. Về các chủ trương và giải pháp lớn, Ủy ban chúng tôi xin nhấn mạnh một số điểm như sau:

a) Tập trung sức chỉ đạo để thực hiện cho được việc đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.

Trước hết, phải xác định rõ những loại doanh nghiệp nào cần được giữ lại hình thức doanh nghiệp nhà nước. Đối với các doanh nghiệp đó, phải có ngay các biện pháp hữu hiệu về các mặt, nhất là về tổ chức và lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý, để củng cố, tăng cường các cơ sở này, nhằm phát huy hiệu quả cao trong sản xuất - kinh doanh. Về cơ chế quản lý phải bảo đảm cho doanh nghiệp phát huy cao tính chủ động trong sản xuất - kinh doanh theo cơ chế thị trường, chính quyền các cấp không can thiệp vào công việc quản lý điều hành sản xuất - kinh doanh, nhưng phải thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đó để buộc mọi hành vi của người quản lý doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật và chế độ quản lý mà Nhà nước đã ban hành.

Có biện pháp xử lý sớm đối với số doanh nghiệp vừa không cần thiết giữ lại hình thức quốc doanh, vừa kinh doanh thua lỗ kéo dài. Trong việc xử lý đối với loại doanh nghiệp này (giải thể, sáp nhập hoặc chuyển hình thức sở hữu…) phải tổ chức chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ để hạn chế đến mức tối đa tình trạng thất thoát tài sản, vốn liếng của Nhà nước; đồng thời, phải gắn với phương án khả thi, có hiệu quả để có thể khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh sau đó.

Chú ý rút kinh nghiệm việc thí điểm cổ phần hóa vừa qua, đề ra những biện pháp và cơ chế cần thiết để tiếp tục thực hiện cổ phần hóa một bộ phận các doanh nghiệp nhà nước nhằm thu hút vốn của các thành phần kinh tế trong nước và cả nước ngoài, tạo điều kiện mở rộng sản xuất - kinh doanh, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước.

b) Đối với nông nghiệp để khắc phục những khó khăn hiện nay và nhất là để cho nông nghiệp nước ta phát triển và có hiệu quả cao hơn, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm nông - ngư nghiệp trở thành một vấn đề lớn, có tính quyết định. Việc giải quyết vấn đề này tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước không chỉ về khối lượng sản phẩm mà còn cả chất lượng và chủng loại sản phẩm. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải tổ chức làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường. Trên cơ sở đó, xác định hướng phát triển các chủng loại sản phẩm nông nghiệp (cây trồng và gia súc) có hiệu quả, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các giống mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao; đồng thời, cần hình thành rõ hơn các chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp. Cần đặc biệt coi trọng gắn phát triển nông nghiệp với phát triển các khâu công nghệ sau thu hoạch (chế biến, bảo quản và vận chuyển đến nơi tiêu thụ) để nâng cao giá trị nông sản, nhất là cho xuất khẩu. Vấn đề quyết định là có chính sách thỏa đáng, thoáng mở để huy động được tiềm năng nguồn vốn của dân trong việc phát triển các khâu công nghệ này.

Trong công nghiệp, chú trọng xây dựng các cơ sở vừa và nhỏ với công nghệ, thiết bị hiện đại, thu hút thêm được lao động, nhằm tăng nhanh tốc độ phát triển của công nghiệp, thay thế hàng nhập khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài nông nghiệp và công nghiệp, Ủy ban chúng tôi đề nghị phải coi trọng khai thác kinh tế vùng biển. Riêng đối với lâm nghiệp, đề nghị tạm ngừng khai thác và đặc biệt coi trọng bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ, trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc; có chính sách và biện pháp kiên quyết ngăn chặn cho được nạn phá rừng.

Cần xây dựng quy hoạch cụ thể để phát triển kinh tế ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhằm từng bước giảm bớt tình hình phát triển không đều và mức chênh lệch về đời sống của nhân dân giữa các vùng.

c) Có chính sách thỏa đáng huy động tiềm năng vốn trong dân và của các thành phần kinh tế cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt quan hệ đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nay về sau. Hiện nay, nguồn vốn trong dân còn rất lớn, nhưng chưa được huy động vào sản xuất - kinh doanh, do những người có vốn vẫn còn do dự, chưa thật tin tưởng vào chính sách của Nhà nước. Cần sớm xây dựng và ban hành Luật đầu tư trong nước, khẳng định chính sách phát triển các thành phần kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, không chập chờn, do dự hoặc thiếu nhất quán trong chủ trương và trong chỉ đạo thực hiện. Chú ý nghiên cứu hình thành các thị trường vốn, xúc tiến và mở rộng thực hiện cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu, trái phiếu, v.v. tiến tới hình thành thị trường chứng khoán. Việc huy động vốn trong nước cần được đặt trong mối quan hệ đồng bộ, thống nhất giữa chính sách tài chính nhà nước và chính sách tiền tệ; đặc biệt coi trọng hướng khuyến khích nhân dân đầu tư mạnh vào phát triển sản xuất, chú ý xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa việc huy động vốn trong nước và việc thu hút vốn nước ngoài trong thời điểm trước mắt.

d) Ủy ban chúng tôi nhất trí cần tận dụng thời cơ, tranh thủ đến mức tối đa việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Nhưng trong việc tranh thủ và sử dụng các nguồn vốn nước ngoài phải đạt yêu cầu bảo đảm hiệu quả làm tiêu chuẩn cao nhất.

Trên tinh thần đó, chúng tôi đề nghị cần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý hợp tác và đầu tư nước ngoài, trong đó, chú trọng tổng kết công tác đầu tư nước ngoài thời gian qua; xây dựng chiến lược và quy hoạch định hướng đầu tư nước ngoài đến năm 2000, có chương trình đào tạo cán bộ và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác này, cải tiến các thủ tục để khắc phục mọi phiền hà và tiêu cực. Mặt khác, tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật để có sức hấp dẫn mạnh hơn vốn đầu tư của nước ngoài. Trong tình hình hiện nay, nước ta đang có điều kiện vay vốn của các tổ chức tài chính quốc tế, của các nước phát triển để xây dựng hạ tầng cơ sở. Việc tranh thủ vận hội này là rất cần thiết, nhưng mặt khác cần phải tính toán cụ thể để bảo đảm vốn vay phát huy tác dụng và không bị ràng buộc vào các điều kiện chính trị, đồng thời cũng phải tính đến khả năng trả nợ.

e) Quy mô đầu tư xây dựng cơ bản năm 1994 - 1995 và các năm sau sẽ ngày càng lớn, đòi hỏi bức thiết phải làm tốt công tác quản lý đối với lĩnh vực này.

Đề nghị Chính phủ sớm áp dụng cơ chế quản lý hữu hiệu để bảo đảm hiệu quả và chất lượng của các công trình xây dựng. Vấn đề quan trọng là phải xét duyệt lại ngay các hệ thống văn bản về xây dựng cơ bản từ mục tiêu cấp vốn, đơn giá, thiết kế, đấu thầu, kiểm tra nghiệm thu, thanh quyết toán, v.v. vì những khâu này đều có quá nhiều sơ hở, gây lãng phí thất thoát quá nghiêm trọng. Trước mắt, đề nghị cần chấn chỉnh ngay tổ chức quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản. Vì tổ chức như Bộ Xây dựng hiện nay “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước cần tiến tới đầu tư chủ yếu bằng hình thức tín dụng, tránh tình trạng không rõ ràng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng như hiện nay, không kiểm soát được hiệu quả đầu tư.

g) Phải thực hiện cho được các biện pháp hữu hiệu trong cuộc sống về chống lãng phí, tham ô, thực hành triệt để tiết kiệm, trước hết từ trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp của Nhà nước.

Vì tầm quan trọng của vấn đề này, Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét ra một nghị quyết riêng về vấn đề thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

h) Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần kiểm điểm xem vì sao cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu không có hiệu quả. Phải vạch rõ nguyên nhân để khắc phục tình trạng nói nhiều nhưng kết quả thực hiện không được bao nhiêu. Chúng tôi đề nghị một mặt phải rà soát lại các cơ chế quản lý để loại trừ các sơ hở; mặt khác, phải xử lý nghiêm theo pháp luật (chứ không phải chỉ xử lý nội bộ), các vụ việc tham nhũng, buôn lậu, trước hết đối với những kẻ phạm tội này đang có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp nhà nước; phải huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng để loại trừ tệ nạn ô dù, bao che, coi thường luật pháp. Vấn đề hết sức quan trọng là cần củng cố các cơ quan điều tra, xét xử, tiếp tục làm trong sạch các cơ quan này. Có như vậy mới đẩy lùi tiến tới thanh trừ các tệ nạn này và lành mạnh hóa xã hội được.

i) Biện pháp có tính chất cơ bản mà chúng tôi rất tán thành với Chính phủ là phải chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, cải cách bộ máy hành chính nhằm làm cho gọn nhẹ và có hiệu lực, thực hiện cho được trật tự, kỷ cương, phép nước trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Trên đây là một số ý kiến về chủ trương và giải pháp lớn mà Ủy ban chúng tôi đề nghị và nhấn mạnh thêm nhằm thực hiện cho được các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của năm 1994 - 1995.

PHẦN THỨ HAI

VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

I- TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
NĂM 1993

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước với tổng số thu 25.380 tỷ đồng; tổng số chi 34.410 tỷ đồng và mức thiếu hụt ngân sách 9.030 tỷ đồng, bằng 6,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Ngay sau kỳ họp, Chính phủ đã khẩn trương tiến hành phân bổ nhiệm vụ thu chi ngân sách cho các Bộ, ngành và địa phương, trong đó có giao thêm nhiệm vụ phấn đấu thực hiện thu và chi cao hơn so với dự toán đã được Quốc hội thông qua. Ủy ban kinh tế và ngân sách đã tham gia ý kiến về việc phân bổ ngân sách và đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 2-1993 xem xét kết quả của việc này.

Trong quá trình thực hiện ngân sách nhà nước, Ủy ban chúng tôi cũng đã cử các đoàn đi một số Bộ, địa phương để giám sát việc phân bổ và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước. Hàng quý, 6 tháng,
9 tháng, Thường trực Ủy ban chúng tôi đều tổ chức họp để nghe Bộ Tài chính báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách, đồng thời lưu ý Chính phủ về những vấn đề cần quan tâm trong điều hành thực hiện.

Ngày 01-3-11-1993, sau khi thẩm tra lần đầu Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:

1. Ủy ban chúng tôi ghi nhận rằng, kết quả thu ngân sách năm 1993 đạt khá. Tổng số thu ước đạt 29.380 tỷ đồng, vượt mức dự toán đầu năm đã được Quốc hội thông qua 15,8% (tăng 4.000 tỷ đồng) và tăng gần 40% so với năm 1992. Trong đó thu thuế và phí đạt 26.740 tỷ đồng, vượt mức dự toán 20,1% (tăng 4.450 tỷ đồng) và tăng 44,4% so với năm 1992.

Có được kết quả quan trọng và khả quan như vậy là nhờ nền kinh tế năm 1993 tiếp tục chuyển biến tốt, tốc độ tăng trưởng khá, một số sản phẩm đạt và vượt dự kiến kế hoạch; đồng thời, nhờ có các luật, pháp lệnh về thuế và các chính sách quản lý thu, chi ngân sách được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung hợp lý hơn, phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng nguồn thu ngân sách; mặt khác, cũng còn là kết quả của những cố gắng và cải tiến trong công tác quản lý thu ngân sách của hệ thống tài chính và các cấp, các ngành.

Tuy vậy, Ủy ban chúng tôi thấy rằng, mặc dù kết quả thu ngân sách đạt khá, nhưng vẫn còn thất thu nhiều, nhất là về thuế xuất nhập khẩu và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Chỉ riêng thất thu về thuế đối với hàng hóa nhập lậu cũng đến hàng ngàn tỷ đồng. Việc triển khai chậm một số nhiệm vụ thu đã được quyết định từ đầu năm (như thu về hóa giá một số nhà công, khấu hao cơ bản nhà ở, …) cũng làm giảm nguồn thu lẽ ra có thể có.

Đối với việc thu khấu hao cơ bản của các doanh nghiệp nhà nước 100% đưa vào ngân sách, chúng tôi thấy chủ trương này có trở ngại cho việc khôi phục tài sản cố định và đầu tư chiều sâu của các xí nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, đề nghị năm 1994, cần sửa đổi. Mặt khác, các xí nghiệp nói chung thường tính và trích nộp khấu hao cơ bản thấp do giá trị tài sản cố định chưa được tính đủ, cũng phải được uốn nắn lại. Vì như vậy, dễ dẫn đến “lãi giả lỗ thật” và thực tế là “ăn vào vốn”.

Trong dự toán ngân sách nhà nước, nguồn bù đắp số thiếu hụt ngân sách và cũng là nguồn để chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, chủ yếu là dựa vào vay nợ trong nước và nước ngoài. Quá trình thực hiện không đạt mức dự kiến, đã gây khó khăn không nhỏ cho việc điều hành thực hiện ngân sách, có lúc có việc phải chi nhưng không đủ nguồn để chi. Đây là việc cần rút kinh nghiệm cho các năm sau.

2. Về chi ngân sách: Nhờ thu tăng khá nên đã bảo đảm khá hơn các yêu cầu chi cũng là một tiến bộ đáng ghi nhận trong điều hành thực hiện ngân sách nhà nước năm 1993. Tổng số chi ước thực hiện 38.080 tỷ đồng, vượt mức dự toán được Quốc hội thông qua 10,7% (tăng 3.670 tỷ) và tăng 60,6% so với năm 1992, trong đó chi có tính chất tích lũy 11.120 tỷ đồng, vượt mức dự toán 13,5% và tăng 36,5% so với năm 1992; chi có tính chất tiêu dùng 23.860 tỷ đồng, vượt mức dự toán 9,7% và tăng 74,2% so với năm 1992.

Tuy vậy, trong việc điều hành thực hiện chi ngân sách, Ủy ban chúng tôi lưu ý một số điểm cần đi sâu phân tích để rút kinh nghiệm cho các năm sau:

- Trước hết là trong Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 1993 đã ghi rõ phải phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để có dự phòng và giảm bớt số thiếu hụt ngân sách, nhưng trong điều hành thực hiện thì tăng thu được bao nhiêu chi hầu như hết bấy nhiêu, đến cuối năm gây nhiều khó khăn.

- Nhiệm vụ của năm 1993 đã được xác định là phải tập trung cao hơn cho đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng trong điều hành thực hiện ngân sách nhà nước, các khoản chi có tính chất tích lũy tăng 60,6% thì các khoản chi có tính chất tiêu dùng lại tăng với tốc độ cao hơn, đến 74,2% so với năm 1992, trong khi giá cả thị trường 10 tháng đầu năm 1993 chỉ tăng có 4% càng cho thấy rõ là bất hợp lý.

- Trong việc điều hành thực hiện các khoản chi cũng còn thiếu tập trung, kịp thời cho một số mục tiêu quan trọng của kế hoạch như chi cho thực hiện các chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giải quyết việc làm và sắp xếp lao động, cho thực hiện nhiệm vụ cải tiến chế độ tiền lương…; có những khoản chi lẽ ra phải chi từ đầu năm và giữa năm thì lại để tồn đọng lại nhiều vào hai tháng cuối năm (như chi đầu tư xây dựng cơ bản 2.500 tỷ, chi lương mới 2.000 tỷ, chi quốc phòng, an ninh 700 tỷ,…), trong khi đó còn dễ dãi với các khoản chi hành chính, chi khác, cho nên đến cuối năm, lâm vào tình hình thiếu nguồn để chi, mặc dù thu cả năm tăng đáng kể.

- Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là thiếu chặt chẽ và bảo đảm hiệu quả đối với các khoản chi. Nhiều đại biểu trong Ủy ban chúng tôi và đại diện các Ủy ban khác đều nói chi cho các nhiệm vụ đều tăng nhưng hiệu quả không rõ. Đặc biệt là vấn đề tiết kiệm không được quán triệt thực hiện trong thực tế. Tình trạng lãng phí, phô trương, tiêu xài hoang phí vẫn diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các ngành, các doanh nghiệp nhà nước. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tệ nạn lãng phí, tiêu cực vẫn còn rất lớn.

3. Về cân đối ngân sách: Với tổng số thu ước đạt 29.380 tỷ; tổng số chi ước 38.080 tỷ; số thiếu hụt ngân sách nhà nước năm 1993 là 8.700 tỷ đồng, giảm 330 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội thông qua. Mặc dù con số tuyệt đối có giảm, nhưng so bội chi với GDP thì tỷ lệ bội chi lại tăng từ 6,7% lên 6,9%. Nguyên nhân là khi dự kiến GDP với hệ số trượt giá 15% thì GDP là 135.000 tỷ, nhưng do hệ số trượt giá giảm dưới 10% nên GDP thực tế chỉ đạt 125.000 tỷ. Mức giảm bội chi ngân sách như trên do đó ít có ý nghĩa.

Ủy ban chúng tôi thấy rằng, số thiếu hụt nói trên lẽ ra có thể giảm nhiều hơn nữa và tình hình ngân sách nhà nước năm 1993 sẽ được cải thiện một cách rõ rệt, nếu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thu và đặc biệt là quản lý chi tiêu ngân sách chặt chẽ và có hiệu quả hơn.

Hơn nữa, việc lập dự toán ngân sách mà dựa vào một số khoản vay nợ trong nước và nước ngoài không chắc chắn (thực tế cũng không đạt dự kiến kế hoạch) đã gây khó khăn lớn cho việc điều hành thực hiện ngân sách. Thực tế năm 1993, vay nước ngoài không thực hiện được theo dự kiến đầu năm, cho nên phải dành thêm từ nguồn thu ngân sách 838 tỷ đồng và phải mở thêm các hình thức vay vốn khác (như vay vốn nhàn rỗi của các quỹ, các doanh nghiệp lớn, kể cả ngoại tệ) để có vốn cho xây dựng cơ bản. Các khoản này chỉ làm tạm thời và sẽ gây thêm gánh nặng cho ngân sách năm sau. Ngoài ra, việc vay nợ nước ngoài năm 1993 phần lớn là vay với thời hạn ngắn, lãi suất cao cũng gây khó khăn cho năm sau trong việc thanh toán nợ và lãi đến hạn phải trả. Đó cũng là điều cần xem xét rút kinh nghiệm cho các năm sau.

II- VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1994

Theo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 11 năm 1993, Chính phủ nêu ra hai phương án về dự toán ngân sách nhà nước năm 1994:

Phương án I:

Tổng số thu: 37.550 tỷ đồng

Tổng số chi: 48.570 tỷ đồng

Số thiếu hụt: 11.020 tỷ đồng, bằng 7,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Phương án II:

Tổng số thu: 37.550 tỷ đồng

Tổng số chi: 46.250 tỷ đồng

Số thiếu hụt: 8.700 tỷ đồng, bằng 5,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Sau khi nghiên cứu, xem xét, Ủy ban chúng tôi đã có một số ý kiến cụ thể về hai phương án nói trên và cơ cấu các khoản thu, chi trong bản trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, được Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành và lưu ý Chính phủ nghiên cứu, tính toán lại.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban chúng tôi, Chính phủ đã tính toán lại và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước năm 1994 như sau:

- Tổng số thu: 38.250 tỷ đồng

 Trong đó thu từ thuế và phí: 35.700 tỷ đồng

- Tổng số chi: 48.270 tỷ đồng

- Số thiếu hụt: 10.020 tỷ đồng, bằng 6,68% so với tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Ủy ban chúng tôi xin có một số ý kiến trình Quốc hội xem xét dự toán ngân sách nhà nước năm 1994 như sau:

1. Cần đi sâu phân tích, rút kinh nghiệm việc lập dự toán cũng như điều hành thực hiện ngân sách nhà nước các năm trước, nhất là năm 1993; đồng thời, căn cứ vào dự kiến phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1994 -1995 để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước. Như vậy, chúng ta sẽ khắc phục được những thiếu sót, khuyết điểm, phát huy những mặt tích cực để có được dự toán ngân sách nhà nước phù hợp với thực tế, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra cho năm 1994, đặc biệt là ưu tiên cho nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản với quy mô lớn hơn, tạo điều kiện tăng nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 1994 và các năm tiếp theo.

2. Theo phương án tính toán lại, Chính phủ đã đưa tổng số thu trong dự toán ngân sách trình Quốc hội lên 38.250 tỷ đồng, tăng 30,2% so với ước thực hiện năm 1993; trong đó thu trong nước 37.700 tỷ đồng, tăng 31,5%, riêng thu về thuế và phí 35.700 tỷ đồng, tăng 33,5% (tăng 700 tỷ đồng so với dự toán ban đầu) và bằng 23,8% GDP. Nếu so với mức động viên của các nước đang phát triển thì không phải là thấp. Ủy ban chúng tôi hoan nghênh sự cố gắng đó của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho là việc tính GDP của ta chưa thật chuẩn xác; mặt khác, vẫn còn có khả năng chống thất thu và tăng cường tận thu các nguồn thu khác. Các khoản tăng thu này nên đưa thêm vào dự bị phí để chủ động điều hành vào cuối năm, tránh tình trạng mới dự kiến tăng thu đã cho chi hết như năm 1993.

Về chi, theo dự toán của phương án II trước đây là 46.250 tỷ đồng, nếu cân đối với các khoản thu thì số bội chi là 8.700 tỷ đồng, chiếm 5,8% GDP là mức có thể chấp nhận được . Nhưng mức chi về đầu tư xây dựng cơ bản theo phương án này còn hạn chế. Do đó, có một số ý kiến đề nghị chọn phương án I. Như vậy, số bội chi sẽ chiếm đến 7,3% GDP, cao hơn năm 1993 là không bình thường. Nhưng yêu cầu bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung nhất thiết không thể thấp hơn năm 1993, tối thiểu cũng phải tăng thêm 1.000 tỷ so với phương án II trước đây đã bố trí. Với phương án này, vừa bảo đảm tăng chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng vẫn giữ được mức bội chi vừa phải, thấp hơn năm 1993 là 0,5%.

Chính phủ đã tiếp thu ý kiến trên, tính toán và bố trí lại tổng số chi của dự toán ngân sách là 48.270 tỷ đồng, tăng 26,8% so với ước thực hiện năm 1993, số thiếu hụt ngân sách là 10.020 tỷ đồng, chiếm 6,68% GDP, thấp hơn năm 1993 là 0,28%. Trong đó, chi cho đầu tư xây dựng cơ bản tập trung là 10.300 tỷ đồng, nếu kể cả số đầu tư trở lại cho các doanh nghiệp bằng vốn khấu hao cơ bản (700 tỷ đồng) và khoản thu về chuyển nhượng quyền sử dụng đất của địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng (500 tỷ) thì tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong ngân sách nhà nước năm 1994 là 11.500 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 1993.

Ủy ban chúng tôi hoan nghênh Chính phủ đã bố trí lại theo tinh thần tích cực nói trên.

Đối với các khoản chi thường xuyên năm 1994, do phải bố trí cho các nhu cầu cần thiết, hợp lý và phải tăng chi cho thực hiện bước hai cải tiến tiền lương, tăng chi cho các nhu cầu quan trọng như quốc phòng, an ninh, giáo dục, v.v. nên phải bố trí tăng so với năm 1993 là cần thiết. Vấn đề quan trọng là phải quản lý chặt chẽ và thực hành triệt để tiết kiệm đối với các khoản chi này (không dễ dãi, tránh lãng phí, kém hiệu quả như năm 1993) để đem lại hiệu quả thiết thực, đồng thời cố gắng giảm bớt các khoản chi hành chính.

3. Về cân đối thu chi ngân sách: Hầu hết thành viên trong Ủy ban chúng tôi không đồng ý với phương pháp cân đối các phần chi thường xuyên và chi tích lũy ra làm hai phần khác nhau, làm ẩn bớt đi số bội chi. Thực tế đó chỉ là sự sắp xếp các con số, không thể hiện được rõ thực trạng thiếu hụt của ngân sách.

Nay, Chính phủ đã sửa đổi và đưa ra hai phương pháp cân đối ngân sách: phương pháp hiện hành và phương pháp của IMF. Theo phương pháp hiện hành như đã trình bày ở trên thì số thiếu hụt ngân sách so với GDP là 6,68%; còn theo phương pháp của IMF thì số thiếu hụt so với GDP là 5,23% do đưa phần viện trợ đầu tư không hoàn lại theo dự án vào phần thu, chứ không đưa vào nguồn bù đắp, do đó, số thu tăng thêm 410 tỷ. Về chi thì phần chi cho trả nợ gốc không tính vào cân đối mà là thực hiện việc vay nợ mới trả nợ cũ.

Theo phương pháp cân đối này thì:

Tổng thu ngân sách nhà nước là               : 38.660 tỷ

Trong đó thu thuế và phí                          : 35.700 tỷ

Thu khấu hao cơ bản                                           : 2.000 tỷ

Viện trợ không hoàn lại cho chi thường xuyên: 550 tỷ

Viện trợ không hoàn lại theo dự án                      : 410 tỷ

Tổng chi chỉ còn 46.510 tỷ do phần trả nợ gốc là 1.760 tỷ không đưa vào cân đối. Số thiếu hụt chỉ còn 7.850 tỷ, chiếm 5,23% GDP. Thực chất, đây cũng chỉ là hình thức vay nợ mới trả nợ cũ và số nợ vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi tán thành khoản viện trợ không hoàn lại nên đưa vào phần thu ngân sách và như vậy số bội chi sẽ là:

48.270 tỷ - 38.660 = 9.610 tỷ, chiếm 6,4% GDP. Tỷ lệ bội chi này có thể chấp nhận được.

Về điều chỉnh các khoản chi theo phương pháp của IMF còn quá mới đối với chúng ta và thực sự cũng không biểu hiện rõ thực trạng ngân sách. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét.

Đối với một số công trình đầu tư có tính chất kinh doanh thu hồi được vốn để trả nợ, chúng tôi nhất trí là Chính phủ có thể đứng ra vay của nước ngoài hoặc các tổ chức tài chính quốc tế và giao cho ngân hàng đảm nhiệm việc cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh vay lại. Ngân hàng có trách nhiệm thu hồi vốn để trả nợ. Như thế, phần này ngân sách nhà nước không phải chịu trách nhiệm.

4. Một số khoản chi phải xem xét là cần bố trí thêm cho việc bảo dưỡng vũ khí, khí tài và trang thiết bị cần thiết cho quốc phòng và an ninh. Các địa phương đề nghị có khoản chi về quốc phòng và an ninh của địa phương được bố trí trong ngân sách địa phương. Chúng tôi cho đây là khoản chi cần thiết và trên thực tế từ trước đến nay các địa phương vẫn phải chi, nhưng được quyết toán vào khoản chi khác. Cần bố trí khoản chi này thành một khoản chi riêng trên cơ sở xem xét số chi đó ở các địa phương trong các năm trước. Về chi cải tiến chế độ tiền lương, năm 1994 chỉ có thể thực hiện xong bước 2, tức là mở bội số đến 10, chưa thực hiện hết khung. Như vậy, việc hoàn chỉnh cải tiến chế độ tiền lương phải sang năm 1995. Vấn đề này cũng cần báo cáo cho Quốc hội rõ.

Dự toán ngân sách nhà nước trước đây dự định thu 1.500 tỷ trong số 2.000 tỷ khấu hao cơ bản, nhiều ý kiến cho là không hợp lý vì như vậy, các cơ sở sản xuất - kinh doanh sẽ không có nguồn vốn để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất, Nhà nước sẽ không nuôi dưỡng được nguồn thu. Cần xem xét có thể để lại 50% số khấu hao cơ bản cho các cơ sở, hoặc ít nhất là 700 tỷ trong số 2.000 tỷ (Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban chúng tôi và bố trí lên 700 tỷ để đầu tư trở lại cho các doanh nghiệp). Cũng có ý kiến đề nghị xem xét số 500 tỷ bổ sung cho vốn lưu động là ít, cần tăng thêm. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho là với số này chỉ đầu tư cho những nơi sản xuất có hiệu quả là vừa phải.

Về số kinh phí bố trí cho giải quyết việc làm và phủ xanh đất đồi núi trọc, tuy không tăng hơn năm trước, nhưng cần xem xét số tiền đã bỏ ra với hiệu quả đem lại, rút kinh nghiệm việc cấp phát và cho vay, nhằm bảo đảm kết quả thu được tương xứng với số tiền chi ra.

5. Ủy ban chúng tôi tán thành những biện pháp để thực hiện dự toán ngân sách năm 1994 trong báo cáo của Chính phủ và xin nhấn mạnh thêm một số điểm:

- Trước hết, cần phải thực hiện tiết kiệm chi trong điều hành ngân sách. Mặt khác, cần phải tính đến hiệu quả của kinh phí bỏ ra. Từng Bộ, ngành, địa phương phải trên cơ sở số kinh phí có được mà tính toán chi sao cho có hiệu quả. Đã có tình hình là kinh phí không có nhiều, nhưng bố trí chi không đúng, không đưa lại hiệu quả, gây nên lãng phí, nhiều dư luận trong các cấp, các ngành thắc mắc, không tán thành.

- Đối với các chương trình mục tiêu có tính chất thường xuyên. Bộ Tài chính phải thống nhất với các Bộ quản lý về kinh phí để phân về một mối cho các địa phương quản lý chi, tránh chạy vòng vèo, phát sinh tiêu cực. Nhưng các Bộ phải có trách nhiệm, kiểm tra số kinh phí đó có được chi đúng mục tiêu không; nếu chi sai, địa phương phải chịu trách nhiệm.

- Sau khi ngân sách được phân bổ cho các địa phương và các ngành, cần thực hiện công khai tài chính. Kiên quyết chấm dứt tình trạng các tỉnh, các huyện chạy lên chầu chực để xin kinh phí gây nên những tiêu cực trong cấp phát, nhất là cấp phát về xây dựng cơ bản và một số khoản chi khác.

- Bộ Tài chính cần kiện toàn hệ thống thanh tra, có biện pháp thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh kế toán thống kê trong các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước. Phải củng cố bộ phận tài vụ ở các doanh nghiệp, bảo đảm tính chất trung thực của bộ phận này. Khẩn trương thành lập hệ thống kiểm toán trực thuộc Chính phủ để xem xét, phân tích việc thu chi ngân sách.

- Bộ Tài chính phải linh hoạt trong việc đề nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất nhập khẩu trong khung thuế suất mà Hội đồng Nhà nước trước đây và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quy định, nhằm hạn chế thất thu ở khâu này khi tình hình giá cả và yêu cầu xuất nhập khẩu có biến động.

- Ngành Ngân hàng cần tiếp tục cải tiến hệ thống ngân hàng. Phải nghiên cứu việc hình thành thị trường vốn, tiến tới hình thành thị trường chứng khoán. Mặt khác, phải cải tiến phương thức thanh toán, phương thức cho vay kể cả cho vay vốn trung hạn và dài hạn. Nghiên cứu mở rộng nhiều hình thức tiết kiệm để huy động tiền nhàn rỗi của dân.

Cuối cùng, do chậm xác định được chính thức số thu và số chi nên trong báo cáo, Chính phủ chưa phân bổ ngân sách cụ thể đến từng Bộ và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mà mới dự kiến các nguồn thu và số chi cho từng lĩnh vực. Trong tình hình khó khăn đó, Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội sau khi phê chuẩn tổng dự toán ngân sách nhà nước năm 1994, giao trách nhiệm cho Chính phủ phân bổ cụ thể để ngân sách cho các Bộ, tỉnh, thành phố có sự tham gia của Ủy ban chúng tôi và ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trên đây là những ý kiến của Ủy ban kinh tế và ngân sách chúng tôi về tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 1993, đánh giá tình hình chung ba năm 1991 - 1993 và phương hướng nhiệm vụ năm 1994 - 1995 về kinh tế - xã hội và về dự toán ngân sách nhà nước năm 1994, trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội