BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP
(Do ông Trần Văn Nhẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX, ngày 18-12-1993)
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Dự án Luật phá sản doanh nghiệp đã được các tổ đại biểu Quốc hội trao đổi thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3. Sau kỳ họp, Ban soạn thảo và Thường trực Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu bản tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp thu và chỉnh lý. Tại phiên họp ngày 16 tháng 8 năm 1993, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước - đại diện Chính phủ trình bày những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Dự luật; Thường trực Ủy ban chúng tôi cũng đã phát biểu một số ý kiến. Sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ban soạn thảo đã chỉnh lý lại và tổ chức lấy ý kiến các địa phương, các Bộ, ngành ở Trung ương và chuyên gia trong, ngoài nước để tiếp tục tu chỉnh, sửa đổi Dự thảo Luật. Ngày 03 tháng 11 năm 1993, Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp phiên tòan thể tại Thành phố Hồ Chí Minh để thẩm tra lần cuối Dự án Luật phá sản doanh nghiệp.
Ủy ban kinh tế và ngân sách xin trình Quốc hội một số ý kiến về Dự án Luật phá sản doanh nghiệp như sau:
I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÁ SẢN
DOANH NGHIỆP
Thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ở nước ta đã và đang hình thành nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài..., đã được hình thành và hoạt động kinh doanh trong một thị trường thống nhất. Trong quá trình hoạt động và cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, hưng thịnh lên, nhưng cũng không tránh khỏi một số doanh nghiệp đã và sẽ gặp rủi ro, lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, dẫn đến phá sản. Trước tình hình đó, việc ban hành Luật phá sản doanh nghiệp là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý các doanh nghiệp bị phá sản theo một trình tự và thủ tục được pháp luật chế định thống nhất; xác định rõ quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ, nghĩa vụ và trách nhiệm của người mắc nợ và những người có liên quan đến doanh nghiệp bị phá sản; góp phần bảo vệ và tăng cường trật tự, kỷ cương, tạo môi trường lành mạnh về pháp luật cho mọi hoạt động kinh doanh trong xã hội; đề phòng và ngăn chặn các hiện tượng không lành mạnh, thiếu trách nhiệm, tiêu cực, lừa đảo, vi phạm pháp luật trong kinh doanh, xâm phạm quyền lợi của người lao động, gây rối trật tự, kỷ cương xã hội.
Dự án Luật phá sản doanh nghiệp đã thể hiện được mục đích: tạo cơ sở pháp lý để loại bớt những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, kìm hãm mức tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tuy gặp khó khăn về tài chính, có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, nhưng còn có khả năng khắc phục để phục hồi hoạt động, tiếp tục sản xuất - kinh doanh và đứng vững trong cạnh tranh.
Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua Luật phá sản doanh nghiệp tại kỳ họp này.
II- MỘT SỐ VẤN ĐỀ THUỘC NỘI DUNG CỤ THỂ
CỦA DỰ LUẬT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP
1. Về khái niệm "doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản" và phạm vi điều chỉnh của Luật phá sản doanh nghiệp
Điều 2 của Dự luật quy định: "Doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn". Nội dung quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, phản ánh được mối quan hệ chủ yếu nhất giữa chủ nợ và người mắc nợ khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; là dấu hiệu đầu tiên làm căn cứ cho người có quyền đệ đơn đến Tòa án yêu cầu xem xét thụ lý hồ sơ phá sản doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cho rằng quy định doanh nghiệp "mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn" là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, thì có phần hơi cứng, vì mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, hoặc tạm thời không thực hiện được một số nghĩa vụ có thể chỉ có tính chất nhất thời và vẫn có khả năng duy trì và khôi phục được sản xuất - kinh doanh, không nhất thiết dẫn đến phá sản. Do vậy, có ý kiến đề nghị nên có quy định về định lượng đối với các khoản nợ không có khả năng thanh toán, vượt quá giới hạn nào đó mới coi là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, để tránh tình trạng đệ đơn yêu cầu phá sản tràn lan, gây hậu quả bất lợi trong đời sống kinh tế và xã hội.
Ủy ban chúng tôi tán thành phạm vi điều chỉnh của Dự luật phá sản doanh nghiệp gồm các loại hình doanh nghiệp; doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã đã được đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần ghi cụ thể trong Luật những doanh nghiệp phục vụ lợi ích công cộng, quan hệ đến "quốc kế dân sinh" thì không thể bị tuyên bố phá sản - không được phá sản.
Đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi cho rằng, hoạt động của mọi loại hình doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Do vậy, mọi doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng phá sản đều được điều chỉnh theo Luật này, không có trường hợp ngoại lệ. Còn đối với những doanh nghiệp vì lợi ích công cộng, quan hệ đến "quốc kế dân sinh" thì Nhà nước phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm cho các doanh nghiệp này hoạt động bình thường, không để những doanh nghiệp này "lâm vào tình trạng phá sản", gây khó khăn chung đời sống cho xã hội.
2. Về người có quyền đệ đơn yêu cầu Tòa án thụ lý hồ sơ phá sản doanh nghiệp
Tại Điều 5 Dự thảo Luật xác định "đại diện hợp pháp của doanh nghiệp và các chủ nợ không có bảo đảm là những đối tượng có quyền đệ đơn đến Tòa án yêu cầu xem xét việc phá sản doanh nghiệp". Ở đây xác định chủ nợ không có bảo đảm có quyền đệ đơn là đúng, nhưng chủ nợ có bảo đảm, mà số bảo đảm này lại nhỏ hơn số nợ của họ thì sao? Ủy ban chúng tôi cho rằng, trong trường hợp chủ nợ có bảo đảm chứng minh được phần bảo đảm của họ nhỏ hơn số nợ, thì chủ nợ có bảo đảm này cũng được ghi vào danh sách các chủ nợ và có quyền biểu quyết.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, trong trường hợp xin tự nguyện phá sản doanh nghiệp thì ai có nghĩa vụ đệ đơn xin tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất phức tạp, vì liên quan đến đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Tại Điều 6 của Luật chỉ quy định chung là "... đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải đệ đơn yêu cầu Tòa án xem xét và tuyên bố phá sản doanh nghiệp". Nhiều ý kiến trong Ủy ban chúng tôi cho rằng, khi chưa có Luật doanh nghiệp nhà nước, thì trong Luật phá sản doanh nghiệp, nên quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước, người có nghĩa vụ phải đệ đơn xin tuyên bố phá sản doanh nghiệp là Chủ tịch Hội đồng quản trị (nếu có) và Giám đốc doanh nghiệp. Nghĩa vụ này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước, mở rộng quyền cho Giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, gắn được trách nhiệm và quyền lợi của họ liên quan đến việc doanh nghiệp bị phá sản. Tuy nhiên, về vấn đề này, cũng còn có ý kiến đề nghị; đơn xin phá sản doanh nghiệp nhà nước phải được sự đồng ý của đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp là Bộ trưởng ngành chủ quản và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nơi doanh nghiệp đang có trụ sở chính mới có giá trị pháp lý. Trường hợp doanh nghiệp có quy mô lớn và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân thì phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
3. Về thụ lý hồ sơ phá sản doanh nghiệp
Trong Ủy ban chúng tôi có ý kiến cho rằng, khi thụ lý hồ sơ phá sản doanh nghiệp, Tòa án đã đăng báo công khai về quyết định này ngay thì có thể gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp tìm được giải pháp hòa giải.
Nhưng đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi tán thành như Dự thảo là trình tự phá sản doanh nghiệp phải được mở đầu bằng "quyết định thụ lý hồ sơ phá sản doanh nghiệp" của Tòa án và phải được công bố công khai trên báo, và cũng từ thời điểm này mới tiến hành được các thủ tục tiếp theo. Do vậy, việc làm này là cần thiết, là việc bắt buộc của trình tự thủ tục phá sản doanh nghiệp.
4. Về quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản
Bảo vệ quyền lợi của người lao động là sự thể hiện bản chất của Nhà nước, của chế độ ta. Nhưng việc bảo vệ lợi ích người lao động không chỉ được thể hiện trong luật phá sản doanh nghiệp, mà còn được bảo đảm ở các luật khác, nhất là trong Bộ luật lao động.
Ủy ban chúng tôi cho rằng, người lao động trong doanh nghiệp bị phá sản là những người làm việc theo hợp đồng lao động, theo thỏa ước lao động tập thể và họ không có sự bảo đảm trước như việc vay nợ. Do vậy, việc ưu tiên trước hết là trả nợ lương, tiền bảo hiểm xã hội (nếu có) và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết trong giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp bị phá sản là hợp lý. Vấn đề này, Dự thảo Luật đã xác định rõ trong Điều 44: "Người lao động của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản được tham gia vào việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp...". Ngoài ra còn phải giải quyết việc trợ cấp tìm việc làm, đào tạo lại cho người lao động. Có ý kiến nguồn để giải quyết các việc đó lấy từ giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp; nhưng ý kiến khác lại cho rằng phải "lập quỹ bảo hiểm phá sản" để chi trợ cấp tìm việc làm mới, đào tạo lại cho người lao động.
Đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi cho rằng, những khoản nợ lương và nợ khác theo hợp đồng lao động thì lấy từ giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp để trang trải và được thanh toán trước tiên; còn các khoản khác phải lấy từ "Quỹ bảo hiểm xã hội" hoặc "Quỹ trợ cấp tìm việc làm mới" và đề nghị nghiên cứu quy định trong Bộ luật lao động.
III- MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT
Ủy ban chúng tôi tán thành hiệu lực của Luật phá sản doanh nghiệp kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1994.
Tuy nhiên, để bảo đảm được thời điểm có hiệu lực trên của Luật này, Ủy ban chúng tôi nhận thấy cần phải khẩn trương tổ chức thực hiện những vấn đề sau:
1. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân quy định việc thành lập Tòa án kinh tế, phải nhanh chóng tổ chức các Tòa án kinh tế và phải xúc tiến việc đào tạo, bồi dưỡng gấp đội ngũ Thẩm phán, nhân viên quản lý và thanh toán tài sản, v.v. để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ đã ghi trong Luật.
2. Sớm ban hành, bổ sung các văn bản dưới luật quy định về đại diện hợp pháp của từng loại hình doanh nghiệp; về bảo lãnh, thế chấp, quản lý bất động sản; về trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự có liên quan đến doanh nghiệp bị phá sản, đến việc bảo lãnh và thế chấp để hướng dẫn thực hiện đúng các quy định trong Luật.
3. Tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh kế toán, thống kê trong các doanh nghiệp và khẩn trương xây dựng, kiện toàn hệ thống kiểm toán trong cả nước.
Trên đây là một số vấn đề chính, Ủy ban kinh tế và ngân sách xin trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội