VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG BẦU CỬ
VỀ VIỆC BẦU CỬ BỔ SUNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI Ở
LẠNG SƠN VÀ VĨNH LINH TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ II

(Do ông Xuân Thủy, Chủ tịch Hội đồng trình bày, ngày 18-4-1962)

 

Thưa các vị đại biểu,

Trong năm 1961, ông Lâm Trọng Thư, dân tộc Nùng, đại biểu Quốc hội thuộc tỉnh Lạng Sơn và ông Hoàng Đức Sản, dân tộc Kinh, đại biểu Quốc hội thuộc khu vực Vĩnh Linh đã từ trần.

Theo thể lệ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức bầu cử bổ sung hai đại biểu Quốc hội: một ở tỉnh Lạng Sơn và một ở khu vực Vĩnh Linh. Cuộc bầu cử bổ sung hai đại biểu Quốc hội này được tiến hành vào ngày 25-3-1962 cùng một ngày với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân ở Lạng Sơn và Vĩnh Linh, kết hợp hai cuộc bầu cử vào một ngày cho tiện, điều cốt yếu là có sự giải thích rõ và sự tổ chức hợp lý.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 16-01-1962 đã thành lập Hội đồng bầu cử để phụ trách biệc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội ở Lạng Sơn và Vĩnh Linh. Hội đồng bầu cử gồm 9 vị sau:

Ông Xuân Thủy, Chủ tịch,
Ông Dương Đức Hiền, Phó chủ tịch,
Ông Nguyễn Văn Chi, Thư ký,
Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Uỷ viên,
Ông Dương Công Hoạt, Uỷ viên,
Ông Đinh Gia Trinh, Uỷ viên,
Pháp sư Thích Trí Độ, Uỷ viên,
Linh mục Hồ Thành Biên, Uỷ viên,
Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Uỷ viên.

Các ban bầu cử ở Lạng Sơn và Vĩnh Linh cũng được thành lập đúng thể lệ. Ban bầu cử ở Lạng Sơn gồm 7 vị, Ban bầu cử ở Vĩnh Linh gồm 9 vị, đều tiêu biểu cho các từng lớp nhân dân nơi đó.

Hội đồng bầu cử chúng tôi đã đặt liên hệ chặt chẽ với Ban bầu cử ở hai địa phương và đã cử một đoàn đại biểu gồm ông Dương Công Hoạt và ông Nguyễn Xuân Nguyên đi Lạng Sơn, một đoàn đại biểu gồm ông Dương Đức Hiền, ông Nguyễn Văn Chi, ông Đinh Gia Trinh đi Vĩnh Linh với nhiệm vụ căn cứ vào Hiến pháp, Luật bầu cử, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và tình hình cụ thể ở địa phương mà góp ý kiến với các Ban bầu cử để tổ chức cuộc bầu cử cho tốt, và trực tiếp theo dõi công việc trong ngày bầu cử.

Về việc lập danh sách cử tri, ở Lạng Sơn và ở Vĩnh Linh đều dựa vào danh sách cử tri năm 1961 mà lập danh sách mới và đã niêm yết danh sách cử tri đúng như thể lệ quy định. Sau khi niêm yết danh sách có sự phát hiện một số cử tri chưa được ghi tên đã được kịp thời ghi tên thêm vào.

Về danh sách những người ứng cử - Theo quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội: khuyết đại biểu dân tộc nào thì bầu bổ sung đại biểu dân tộc ấy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Lạng Sơn đã giới thiệu 2 vị ra ứng cử đại biểu Quốc hội là:
- Ông Phùng Lê Chương, 44 tuổi, dân tộc Nùng, Uỷ viên Uỷ ban hành chính tỉnh Lạng Sơn;
- Ông Triệu Long Sơn, 34 tuổi, dân tộc Nùng, Hiệu trưởng trường thiếu nhi vùng cao Lạng Sơn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Vĩnh Linh đã giới thiệu 2 vị ra ứng cử đại biểu Quốc hội là:
- Ông Hoàng Văn Đáo, 50 tuổi, dân tộc Kinh, Uỷ viên Uỷ ban hành chính khu vực Vĩnh Linh;
- Ông Nguyễn Xuân Thái, 28 tuổi, dân tộc Kinh, Y sĩ ở Ty y tế khu vực Vĩnh Linh.

Danh sách những người ứng cử này cũng được niêm yết đúng thể lệ và các cử tri đã căn cứ vào danh sách mạn đàm, lựa chọn đại biểu.

Về khu vực bỏ phiếu, cả hai địa phương Lạng Sơn và Vĩnh Linh đều có sự chú ý đặc biệt đến việc bảo đảm cho cử tri đi bỏ phiếu được thuận tiện. Ở Lạng Sơn, nhiều xóm ở cách xa nhau nên đã có 912 nơi bỏ phiếu; còn ở Vĩnh Linh có 95 nơi bỏ phiếu.

Trong ngày bầu cử, không khí tưng bừng ở Lạng Sơn và Vĩnh Linh đã hiện ra rõ rệt, nhiều cổng chào đã được dựng lên ở gần phòng bỏ phiếu. Cờ, biểu ngữ được treo khắp nơi. Các phòng bỏ phiếu được trang hoàng như ngày lễ. Để làm cho hai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiến hành trong một lúc được phân biệt rõ rệt và tránh sự nhầm lẫm cho các cử tri trong khi bỏ phiếu, ở Lạng Sơn đã dùng phiếu mầu xanh để bầu đại biểu Quốc hội và dùng phiếu mầu đỏ để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân; ở Vĩnh Linh đã dùng phiếu mầu xanh để bầu đại biểu Quốc hội, dùng phiếu mầu vàng để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân. Còn hòm bỏ phiếu thì có nơi dùng một hòm phiếu to, một hòm phiếu nhỏ và ngoài có đề chữ để phân biệt hai cuộc bầu cử, có nơi dùng hai hòm phiếu bằng nhau, nhưng hòm phiếu bầu đại biểu Quốc hội thì bọc giấy mầu xanh, hòm phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân thì bọc giấy mầu khác và cả hai hòm đều có đề chữ rõ ràng.

Các cử tri ở Lạng Sơn và Vĩnh Linh đều sốt sắng đi bỏ phiếu và biết phối hợp chặt chẽ nhiệm vụ sản xuất và nhiệm vụ bầu cử. Nhiều gia đình, vợ chồng con cái thay nhau đi bỏ phiếu. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp có kế hoạch: toán người nọ đi bỏ phiếu xong thì về làm việc cho toán người kia đi, để không ảnh hưởng đến công việc đồng áng. Ở Lạng Sơn, các công nhân làm đường đi bỏ phiếu vào giờ nghỉ trưa. Ở Vĩnh Linh có nơi đến 3 giờ chiều, 100% cử tri đã làm xong nhiệm vụ bầu cử, nhưng tổ bầu cử cũng theo đúng luật lệ, đến 7 giờ tối mới mở hòm phiếu.

Về kiểm phiếu, đã được thực hiện một cách minh bạch, đúng đắn, không xẩy ra một sự khiếu nại nào.

Hội đồng bầu cử chúng tôi căn cứ vào việc theo dõi của mình và việc cử đại biểu đi kiểm tra trực tiếp ở những nơi bầu cử, căn cứ vào các báo cáo và biên bản ngày 05-4-1962 của Ban bầu cử Lạng Sơn, căn cứ vào báo cáo và biên bản ngày 31-3-1962 của Ban bầu cử Vĩnh Linh đã đi đến kết luận rằng:

1. Việc bầu cử bổ sung một đại biểu Quốc hội ở Lạng Sơn và một đại biểu Quốc hội ở Vĩnh Linh đã được tiến hành đúng luật lệ.
Các cơ quan nhà nước ở hai địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả các công dân có quyền bầu cử, ứng cử đều được dễ dàng sử dụng quyền bầu cử, ứng cử của mình.
Hơn 90% cử tri ở Lạng Sơn và Vĩnh Linh đã đi bỏ phiếu trong không khí tự do và với tinh thần phấn khởi.
Các Ban và các Tổ bầu cử đã làm việc đúng dân chủ, đúng luật lệ và đầy đủ nhiệm vụ.
Vị đại biểu Quốc hội ở Lạng Sơn được trúng cử là dân tộc Nùng, vị đại biểu Quốc hội ở Vĩnh Linh được trúng cử là dân tộc Kinh, đúng như quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

2. Cụ thể là:
- Ở tỉnh Lạng Sơn
+ Tổng số cử tri ghi trong danh sách là 149.737
+ Số cử tri đã đi bầu là 135.307
(Tức là chiếm tỷ lệ 90,36% tổng số cử tri ghi trong danh sách)
+ Số phiếu hợp lệ là 133.533
+ Số phiếu không hợp lệ là 1.527
+ Số phiếu trắng là 247
+ Ông Phùng Lê Chương, dân tộc Nùng được 103.882 phiếu, tức chiếm tuyệt đại đa số phiếu hợp lệ, được trúng cử đại biểu Quốc hội.
- Ở khu vực Vĩnh Linh
+ Tổng số cử tri ghi trong danh sách là 36.519
+ Số cử tri đã đi bầu là 35.862
(Tức là chiếm tỷ lệ 98,20% tổng số cử tri ghi trong danh sách)
+ Số phiếu hợp lệ là 35.424
+ Số phiếu không hợp lệ là 367
+ Số phiếu trắng là 71
+ Ông Hoàng Văn Đáo, dân tộc Kinh được 34.521 phiếu,
tức chiếm tuyệt đại đa số phiếu hợp lệ, được trúng cử đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Hội đồng bầu cử, chúng tôi xin trân trọng báo cáo với Quốc hội rằng: cuộc bầu cử bổ sung hai vị đại biểu Quốc hội ở tỉnh Lạng Sơn và ở khu vực Vĩnh Linh, như thế là đã tiến hành đúng Hiến pháp, đúng Luật bầu cử, thu được kết quả tốt đẹp và đã kết thúc thắng lợi.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.